Bbt xin giới thiệu bài viết của một người bạn vừa mới tìm lại được nơi chốn quay về sau gần 40 năm xa cách. Đó là Trương Hoàng Phong hiện đang cư ngụ tại Sài Gòn.
Lời ghi chú của người đanh máy NVĐoàn: Bài này Phong viết tay trên giấy vở học trò, gởi qua bưu điện cho Bình. Bình nhờ tôi đánh máy và tôi gõ y nguyên bản chính. Chỉ xin phép Phong sửa mấy từ cho đúng với phương ngữ Quảng Nam, như : ngô thành bắp; bê thui thành bò tái; chén (động từ) thành ăn; bát cơm thành chén cơm; lọ thành chai…. NVĐ
* * *
Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình… (Hoàng Hiệp, Trở về dòng sông tuổi thơ )
Và tôi cũng có một dòng sông riêng mình, dòng sông tuổi thơ vẫn chảy mãi trong tôi bao năm tháng…
Sông Thu Bồn, con sông MẸ của vùng đất Quảng Nam, ghi dấu bao ký ức đời người. Vượt qua bao thác ghềnh miền sơn cước, sông xuôi dòng mang phù sa về bồi đắp cho đồng đất quê tôi – Gò Nổi, Điện Bàn. Gò Nổi chính là người con của bà mẹ Thu Bồn, do sông bồi đắp mà thành. Từ thượng nguồn về tới Kiểm Lâm (Duy Xuyên), nhận thêm dòng phụ lưu của sông Vu Gia tại Giao Thuỷ (Đại Lộc), chảy thêm vài cây số nữa, gặp cù lao Gò Nổi, sông lại tách thành hai nhánh ôm trọn một vùng đất xanh tươi, tưới tắm cho bao nương bắp, triền dâu, bãi mía…
Tình ơi, Giao Thuỷ hai dòng nước
Gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ ? (Tường Linh, Đi giữa đôi bờ)
Quê tôi, một làng nhỏ nằm dọc theo nhánh sông Cái chảy phía nam và nhánh sông kia chảy phía bắc cù lao, gọi là sông Con. Sông Cái xuôi dòng về đông, cuối làng có cây cầu Chiêm Sơn bắc qua, xa hơn nữa là Cầu Mống, nơi có đặc sản bò tái nổi tiếng. Tiếp tục xuôi về đông, lại tách một dòng về vùng đất cát Thăng Bình, nơi có đặc sản khoai lang Trà Đoả. Phần chính của sông Cái chảy về làm đẹp cho phố cổ Hội An, và tại đây cũng có một thứ đặc sản khác là bắp nếp Cẩm Nam, với món chè bắp thơm dẻo lừng danh, mà ai qua một lần đều từng nếm thử. Cuối dòng sông hoà vào biển Đông ở Cửa Đại. Sông Con cũng xuôi về đông, có cây cầu Kỳ Lam nối hai bờ bắc – nam; gần đến Vĩnh Điện lại tách dòng, một đổ về nam nhập vào sông Cái ôm trọn Gò Nổi, và một chảy về bắc, nhập với sông Cổ Cò, cuối dòng hoà với sông Cẩm Lệ thành con sông Hàn thơ mộng, đổ ra vịnh Đà Nẵng.
Mùa lũ, nước từ thượng nguồn tràn về, con sông nhỏ biến thành biển nước, nước sông đục ngầu phù sa, mang theo bao nhiêu rêu rác, cành khô củi mục, dân các làng thường chèo ghe ra vớt. Sau mùa lũ, cánh đồng làng thêm màu mỡ tốt tươi. Có những năm, như năm Giáp Thìn 1964, sông quê đã nhấn chìm và cuốn trôi bao ngôi làng như Đông An, Bình Yên – những làng quê nhỏ dưới chân núi Cà Tang, có những cái tên mang bao ước vọng, không còn bình yên nữa và Cà Tang trở thành “đại tang “, tất cả đã bị dòng sông cuốn phăng ra biển, bao công sức của một năm vất vả hay của cả một đời và bao gia đình mất những người thân. Cái tang lớn trong trận lụt năm Giáp Thìn đã hằn sâu trong lòng của bao người dân xứ Quảng.
Nhưng sông quê không chỉ là những mùa lũ dữ, sông quê còn có biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm. Mùa xuân thường có những cuộc đua ghe của các làng xã ven sông, lớn hơn là cuộc so tài của đội đua của các huyện trong tỉnh, như trong lễ hội vía Bà Thu Bồn. Dân làng gác lại công việc thường nhật đổ ra hai bên bờ sông sống theo những nhịp chèo hối hả, những tiếng reo hò cùng tiếng trống giục vang lừng; tất cả nhún nhảy theo nhịp chèo của đoàn đua ghe dưới sông.
Thuở nhỏ, sông quê là đoạn chảy qua làng; khi ấy sông Cái là dòng chính cho ghe thuyền từ nguồn về biển. Những lâm thổ sản : quế, tiêu ở Trà My, Tiên Phước; bòn bon Đại Lộc; mây tre, gỗ lạt… theo ghe hay bè mảng xuôi dòng. Các sản vật miền biển như mắm muối, tôm cá… từ Cửa Đại; nồi niêu, lu hủ từ Thanh Hà, cùng bao nhiêu sản phẩm của phố phường từ Hội An đưa lên thường ghé vào bến sông làng – bến Dương Liễu – để trao đổi buôn bán và lũ trẻ chúng tôi thường xúm ra tò mò, ngắm nghía, ước ao, thèm thuồng.
Sông quê là những chiều theo chị đi hái rau ở ruộng nhà lội qua con lạch nhỏ, trên bãi cát vàng trải dài những vạt mướp xanh rờn mát mắt và rực rỡ hơn là những chùm hoa vàng. Hoa mướp đẹp dung dị, nhưng màu vàng của hoa còn đọng mãi trong tôi. Hoa mướp và những nụ chưa nở của ngọn non là món ăn dân dã nhưng ngon vô cùng, có thể chế biến thành món luộc, nấu canh hay xào với thịt, thậm chí với chút ít mỡ, dầu cũng đủ ngon miệng ăn sạch mấy chén cơm to nóng hổi. Hái rau xong, chị em tôi đem rửa sạch đất cát ở dòng nước trong xanh mát rượi. Có lần mãi theo những quả mướp, tôi sẩy chân lộn nhào và uống no nước. Chị tôi hốt hoảng lao theo kéo lên, tuy chưa hết sợ nhưng chị em tôi vẫn cười vang trong nắng chiều rực rỡ và dặn nhau về nhà phải giấu cha mẹ kẻo bị la.. Ký niệm này vẫn còn theo tôi đến tận bây giờ, sau này mỗi khi có dịp sum họp gia đình, chúng tôi thường kể lại… Và tôi yêu màu hoa vàng từ độ ấy. Tôi yêu hoa mướp vàng quanh giậu rào, hoa cải vàng lung linh trong vườn nhà buổi đầu xuân, hoa vạn thọ, hoa cúc, hoa mai vàng trong mảnh sân nhỏ trước nhà. Màu vàng cho tôi những kỷ niệm khó quên.
Sông quê là những hôm theo mẹ mang cơm cho cha và những người bà con giúp việc đồng án vào những ngày mùa. Để kịp thời vụ, vào mùa nông dân quê tôi ra đồng thật sớm và làm việc tới tận chiều tối mới trở về, người nhà thường mang cơm trưa và buổi ăn dặm vào nửa buổi sáng và xế chiều. Tôi thích theo mẹ đi đưa cơm để được lênh đênh trên con đò nhỏ do cụ Diệu già đưa đón ở bến sông làng. Ở triền sông bên kia là bạt ngàn lau lách. Tôi cùng chúng bạn thường tranh nhau giở những đống có khô để bắt những chàng dế đá đem về nuôi rồi đá với nhau. Những lon, chai nhỏ hay những hộp đèn đựng đèn sáp là vật dụng chứa dế và dùng cái khay gỗ, mà ngày xưa dân quê dùng làm xôi ngọt trong dịp lễ, tết hay đựng trầu cau khi nhà có khách, làm đấu trường. Những trận đấu nẩy lửa, cùng tiếng reo hò cổ vũ của lũ nhỏ chúng tôi và cũng có cả nước mắt, tiếng cười của kẻ thua người thắng. Hấp dẫn nhất là tranh nhau đi tìm tổ chim dồng dộc, áo già để lượm trứng hay bắt chim con về nuôi. Chim dồng dộc tuy nhỏ như chim sẻ, nhưng làm tổ rất khéo léo, chim mẹ thường tước những cọng lau, bói, lá mía… đan thành những chiếc tổ rất đẹp và chắc chắn treo lơ lửng, nhìn xa như chiếc giầy cao cổ bằng rơm vàng óng. Bọn chúng tôi thường vít chiếc tổ xuống xem đã có trứng hay chim ra ràng chưa, nhiều bữa lấy được vài chục quả trứng nhỏ như viên bi tiểu màu trắng ngà hay hồng phớt, lốm đốm những chấm nhỏ màu đen hoặc nâu. Những quả trứng xinh xinh được chị rửa sạch, bỏ vào nồi cơm để hấp. Chị em tôi thường mở vung canh chừng trứng chín lấy chia nhau, nên thường bị mẹ mắng vì làm nồi cơm mất hơi nên bị sống. Nhưng thích nhất là những buổi chiều được ở lại trên con đò lúc vắng khách, cụ Diệu già thường để con đò trôi lững lờ, tôi nằm ngửa bên mạn đò, ngắm nhìn những đám mây bềnh bồng theo gió và để những tưởng tượng của mình theo mây. Tiếng róc rách của nước vỗ vào mạn đò và ngọn gió mát dịu trên sông đưa tôi vào giấc mộng.
Sông quê là những trưa chiều cùng lũ bạn trong làng chơi đủ thứ trò chơi tuổi nhỏ trên bãi cát vàng trải dài ven sông. Đá banh, thả diều, đuổi bắt, trốn tìm, hoặc chia phe đánh trận. Và khi đã chán chê, mồ hôi nhễ nhại, mình dính đầy cát, cùng nhau nhảy ùm xuống sông để cho dòng nước mát thấm tận vào hồn. Và sông quê là những buổi hẹn hò của bao đôi lứa vào những đêm trăng sáng…
Nhưng trận lụt năm Giáp Thìn 1964 đã bồi lấp dòng sông Cái tại vàm Vân Ly, nơi rẽ dòng, nên vào mùa khô sông chỉ còn lại là những vũng nước đứt quãng, không còn là dòng sông xanh chảy quanh năm, sông chỉ là sông vào mùa nước lũ. Thỉnh thoảng có dịp về quê, ra bến sông xưa không còn thấy những con thuyền xuôi ngược; không còn con đò nhỏ và cụ lái đò già cũng đã thành người thiên cổ. Cảnh vật quá đổi thay như dâu bể đời người, để lại bao nuối tiếc ngậm ngùi, nhưng sông quê vẫn chảy mãi trong lòng những người con xa xứ.
Trương Hoàng Phong, 18.08. 2011