Thưa các bạn, tôi xin chia sẻ vài tâm tình dưới đây để lần nữa xin chân thành cám ơn BBT, các bạn gần xa đã gọi điện, nhắn tin, email cho tôi chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2011 với những lời chúc tốt đẹp mà có thể tôi chưa kịp hồi đáp. Mong các bạn xí xóa!
NOEL: ÁNH SÁNG
Hàng năm, vào dịp lễ Noel là tràn ngập vô vàn ánh sáng đủ màu sắc, đủ kiểu dáng… lấp lánh nơi các đường phố lớn đến những con hẽm sâu. Ánh sáng rực rỡ không những nơi các Thánh đường, các xóm đạo mà còn bừng sáng nơi nhà hàng, quán xá lớn nhỏ, từ chóp cao các khối nhà cao tầng đến gốc cây bụi cỏ… Tôi quan sát một con đường, vì riêng con đường ngắn này có nhiều quán cà phê “đèn mờ”, vài quán “bia ôm” thì dường như đoạn đường này vẫn leo lét thứ ánh sáng mờ tối cố hữu, chỉ vừa đủ thấy loáng thoáng mấy tấm lưng trần của các cô gái đợi chờ khách mua chút vui bọt bèo giữa đêm khuya se lạnh. Vậy mà, cũng có một quán đèn mờ treo chênh chếch tấm bảng: MỪNG GIÁNG SINH.
Không dưng tôi co người vì gió lạnh rồi thì thầm với chính mình; đúng hơn, tấm bảng phải được ghi đầy đủ: MỪNG CHÚA GIÁNG SINH. Vâng, vì hơn bất cứ ai, các cô gái này cần được Chúa hạ sinh trong lòng họ. Trong hoàn cảnh của ho. Cần được Chúa đồng hành và chia sẻ thân phận làm người VỚI họ. Bấy giờ đoạn đường này sẽ sáng lên vẻ đẹp của thứ ánh sáng thực sự đẩy lùi bóng tối.
NOEL: ÂM NHẠC
Cũng có rất nhiều bản nhạc được nhiều tác giả cảm hứng sáng tác cho chủ đề mừng Chúa Giáng sinh với nhiều ngôn ngữ khác nhau: rộn ràng-tươi vui-thánh thót, hay hùng tráng-bi tráng, hợp xướng hay đơn ca…. Riêng tôi, tôi rất thích bài hát CHÚ BÉ ĐÁNH TRỐNG. (The Little Drummer Boy của Harry Simeone, Katherine K. Davis, Henry Onorati).
Bài này có nhiều bản dịch ra Việt ngữ, nhưng tôi hiểu đại ý nói về chú bé là mục đồng nghèo, không có món quà cao sang dâng tặng Chúa Hài nhi nên chú bé tặng Chúa tiếng trống do mình biểu diễn, còn các con bò giữ nhịp. Vậy mà Đức Mẹ Maria gật đầu, còn Hài nhi Giê-Su thì… mỉm cười. Thiệt là, còn gì đơn sơ hơn tiếng trống pa-rum-pum-pum-pum…rum pum… nơi máng cỏ đơn hèn này. Thế mà tôi lại thích giai điệu (và hình ảnh) của bài hát “Chú bé đánh trống” vì thường nhớ về một kỷ niệm nhỏ. Có lần, lâu lắm rồi, trong dịp sinh hoạt với các em nhi đồng. Tôi hỏi: “Các em có yêu mến Chúa hài đồng ?” Cả lớp đều hô vang: “Có” và đồng loạt đưa cao tay. Tôi tiến đến gần một em trai ngồi bàn đầu, hỏi: “Thế em yêu Chúa thì em cho Chúa cái gì?”. Em bé chừng 6-7 tuổi có vẻ hơi bất ngờ đôi chút, nhưng khuôn mặt rạng rỡ biết ngần nào, tay thò vào túi quần lấy ra hộp diêm, hé ra khe nhỏ ngo ngoe 2 cọng râu óng ánh đen, rồi vui sướng trả lời: “Thưa anh, em cho Chúa con dế “chiến” này”. Nghe xong, tôi cũng hết sức bất ngờ và ngưỡng mộ lòng quảng đại của em bé. Vâng, đối với em bé trai, vào thời điểm và hoàn cảnh đó; con dế, một con dế “chiến” là cả một gia tài, là quà tặng quý giá nhất.
NOEL: AN BÌNH ?
Có một điệp khúc hơn hai ngàn năm nay cứ được lập đi lập lại: BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM !
Điệp khúc này không dành riêng cho người tin Chúa, mà cả những người không tin Chúa vẫn thường chúc cho nhau vào dịp Lễ Giáng sinh. Thế nhưng, thử hỏi trong thực tế có đúng như vậy không? Vẫn còn đó chiến tranh, khủng bố, đói nghèo, chia rẻ, hận thù… Ngay tại Thánh địa Jerusalem tiếng súng vẫn còn đì đùng. Nếu vì dịp lễ Giáng sinh thì người ta hưu chiến vài ba ngày rồi sau đó lại bắn nhau tiếp.
Và câu hỏi này cứ xoay đi đảo lại trong tâm trí tôi, kể cả trong giờ phút linh thánh của đêm lễ Giáng sinh. Thế rồi, khi tôi loay hoay chọn góc nhìn để chụp tấm ảnh của một hang đá, nơi đó chỉ có Chúa hài nhi nằm trên mấy cọng rơm, bên cạnh chỉ độc nhất chiếc đèn dầu. Chung quanh, có mấy con cừu và vài chú mục đồng. Dần dần tôi chợt “ngộ” rằng: Các chú bé chăn cừu thuê đều nghèo, ít học, đơn sơ… Có lẽ nhờ vậy mà các mục đồng không đòi một ông Chúa phải ngồi trên ngai vàng, quyền năng. Các chú bé không truy vấn Chúa, vì làm gì có kiến thức mà khảo sát, nghiên cứu về Chúa. Và có lẽ vì thế mà Chúa cũng không truy vấn ngược lại: “Các ngươi ở đâu? Mối tương quan giữa các ngươi thế nào? Tâm hồn các ngươi có sẵn sàng để ta ban bình an???”
Tôi ra về như trôi giữa dòng người xe đông đúc, ai ai cũng mặc quần áo đẹp. Lòng gợn chút tò mò ai trong số họ là người thực sự mừng Lễ Giáng sinh để được nhận lãnh sự an bình hay vô tình làm “tục hóa” thành lễ hội?!
Không chừng tôi cũng vô tình như thế.
Trần Văn Tân