Âm Nhạc: Xuân này con không về (Ngọc Nhân)

Cứ mỗi năm Xuân về, Tết đến nghe bản nhạc ”Xuân này con không về” của bộ ba nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân vào khoảng thập niên 60 mà ca sĩ Duy Khánh hát thì lòng không sao không rộn ràng với những ý nghĩ khi thật sự tôi đã xa gia đình, và nỗi đau buồn càng nhiều càng thấm hơn khi biết mình đã vĩnh viễn rời xa quê hương, xa tất cả.

Trên đất khách quê người, nỗi buồn lại làm tôi càng thấm đậm mỗi khi đón Tết (tha hương) trong cái lạnh ngút ngàn, không người thân, không mai vàng, không bánh chưng, bánh tét, mứt gừng, mứt dừa, … không tất cả. Có chăng chỉ vỏn vẹn gia đình vài ba người.

Bài nhạc viết để tỏ bày tâm trạng của những người con phải xa gia đình trong thời gian đất nước chiến tranh…Nhớ về mẹ với những não lòng tha thiết…

Thế nhưng với tôi những thời gian đầu xa xứ ôi sao nó … không thể nào diễn tả hết tâm trạng.

… Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa…

Sau một thời gian, cuộc sống tạm dần yên ổn. Qua những chương trình ca nhạc mới biết một trong ba người nhạc sĩ sáng tác bài “Xuân này con không về” là một cựu học sinh Phan Chu Trinh những năm đầu của trường, nguyên quán ở Thanh Hóa, nhưng vì cha ông là một công chức nên thường rày đây mai đó. Nhưng kỷ niệm nhiều nhất trong cuộc đời ông mà sau này ông thố lộ là Đà Nẵng, nhà ông ở đường Ông Ích Khiêm gần chùa Tỉnh Hội mà theo ông kể trong một lần phỏng vấn của một dài radio: “Cái gắn bó của tôi với Quảng Nam-Đà Nẵng thì hơi nhiều, và cứ mặc nhiên là những người nào ở Quảng Nam-Đà Nẵng họ quý mến mình, họ gắn cho mình là dân xứ Quảng thì tôi nghĩ cái đó cũng chẳng thành vấn đề gì, tại vì cả một cái thời tuổi trẻ của tôi ở trung học cũng như là đi vào văn nghệ, thành tôi rất yêu mến xứ Quảng Nam-Đà Nẵng.” (trích)

Hay trong một sáng tác, ông đã viết:

“Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi! nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời. Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên ngôi. Phan Châu Trinh đón đưa chiều tan trường, ai nỡ đành vội vàng sang sông.
Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi, mưa rơi rơi ướt bao chiều kỷ niệm, em thơ ngây Hồng Đức của tôi ơi! đôi môi xinh biết bây giờ phương nào, nay có còn nụ cười năm xưa?”

(Vẫn Mơ Về Đà Nẵng _ Nhật Ngân )

Sau một thời gian cùng mẹ vào Sài Gòn, ông đã trở lại Đà Nẵng làm giáo sư dạy học ở Trường Phan Thanh Giản. Chính nơi đây ông đã có một mối tình rất đẹp. Nhưng vì còn trẻ và chưa có thân phận, nhà lại nghèo nên mối tình đã phải theo số phận. Gia đình cố ấy không chịu gả và cô nàng đã đi lấy chồng. Với một nỗi buồn khó tả và trong một sự ngẫu hứng với khung cảnh bến đò An Hải, bản nhạc Tôi Đưa Em Sang Sông hình thành và rất thịnh hành tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung thời gian đầu thập niên 60, mà chúng ta ai cũng đã nghe, từng hát, hoặc đã chứng kiến những mối tình, cuộc tình … “sang sông” như nhạc sĩ mang họ Trần tên Nhật Ngân. Trong đó có:

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm.
Để thấm ướt chiếc áo xanh. và đẩm ướt mái tóc em.
Nếu xưa trời không mưa. Đường vắng đâu cần tôi đưa.
Chẳng lẽ chung một lối về. Mà nỡ quay mặt bước đi”…

Rồi vì là con út trong một gia đình, mà sau này khi Ba ông mất, các anh lớn lần ra riêng, xuôi Nam, cuộc sống của ông càng gắn liền với mẹ, do đó mối tình mà ông dành cho mẹ ông rất nhiều, gần như rải rác trong các bài ca, những sáng tác của ông.

Ra hải ngoại thì tình cảm dành cho mẹ càng sâu đậm hơn. Ông đã mượn bài thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo “Mỗi mùa xuân thêm một lần dối mẹ” để phổ thêm một bài nhạc về xuân. Trong đó có câu:

… Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê
Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Đời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn

Nhưng sao lạ, hình như ông vẫn gắn chặt Mẹ và Xuân để rồi trong một sáng tác khác mang tên ”Xuân nào con sẽ về”, Ông đã viết:

… Lại một mùa xuân đời viễn xứ
Con mãi lênh đênh, mãi mịt mờ
Mẹ héo từng đêm xuân đợi chờ
Mắt lệ rưng rưng
Xuân đến xuân đi đã bao lần
Con vẫn lênh đênh, vẫn chưa về
Để Mẹ chờ mong
Mùa Xuân buồn, xuân cứ qua…
Xin mời nghe bài “Xuân nào con sẽ về?”

http://www.youtube.com/watch?v=MpYfVt6NoBw&feature=related

Những gì ông dành cho mẹ, những nỗi đau buồn xa cách, những ưu tư lo lắng mỗi độ xuân về đâu phải chỉ riêng ông. Ông đã viết, ông đã nói giúp rất nhiều người trong đó có tôi… Sự nhớ thương. Những luyến tiếc không một lần gặp mẹ, không biết và không rõ lúc nào, cơ hội nào cho ông, cho tôi … một lần trở lại nhìn mẹ, sống với mẹ, ngồi ấm êm trong lòng mẹ nghe mẹ kể những chuyện cổ tích, bên nồi bánh tét, bánh chưng… chuẩn bị đón giao thừa. Ôi cái cảnh ấy đẹp, đẹp, quý và đáng quý biết bao….

Để rồi khi nghe mẹ tôi ra đi mà tôi không về được. Buồn và Nhớ. Thương và Đau quằn quặn trong lòng. Ngày qua, tháng qua để chỉ còn Đau và Buồn khi lại nghe thêm một sáng tác mới về xuân nữa của ông ”Xuân này con về … Mẹ ở đâu ?”. Trong đó ông nói lên cái tâm trạng não nùng, khó tả hết… tôi nghe mà hai hàng nước mắt cứ tuôn chảy tự nhiên, và chỉ biết ngồi yên lặng để từng chữ, từng lời tha thiết của ca sĩ chảy tuốt vào lòng….

… Xuân này con về … Mẹ ở đâu ?
Bao nhiêu Xuân hẹn con vẫn đi
Đời trai như cánh chim phiêu bạt
Bao lần Xuân về để mẹ hoài ngóng trông
Mẹ ơi ! Trong thời chinh chiến
Bao mùa Xuân con chẳng về nhà
Thanh bình chưa kịp vui cùng mẹ
Lại đành xa cách quê hương
Mẹ ơi ! Bao mùa Xuân đến
Bao lần con mong mỏi ngày về
Xuân này con về quê tìm mẹ
Thì mẹ giờ đã ra đi….

Và Thật Mẹ (Mợ) Đã Ra Đi… Mẹ (Mợ) tôi đã ra đi… Ra đi vĩnh viễn…

Đã hàng chục năm, hàng chục mùa xuân trôi qua. Tóc trên đầu lần bạc trắng nhưng sao mỗi lần nghe những bản nhạc này của ông, tôi vẫn thấy lòng xôn xao… Một số người thân thích, có nhiều kỷ niệm với cuộc sống, sự trưởng thành của tôi đã ra đi. Biết bao điều tôi muốn nói, muốn trao nhưng chưa nói được, và đã biết bao người tôi không có cơ hội nhìn mặt lần cuối. Cuộc đời thật là một điều khó nói, khó tả. Vô thường là định luật bất biến trong giáo lý nhà Phật. Biết vậy nhưng đã làm người sao tôi lại không có những xúc cảm đau buồn, mỗi khi xuân đến tức xuân qua… hay nhớ về những người thân mà tôi không còn cơ hội, âu yếm nhìn, ngắm, và tỏ bày những cảm xúc tràn dâng.

Chỉ biết ông là nhạc sĩ của nhiều bản nhạc Xuân – Mẹ nói riêng chứ thật ra ông còn có gần 200 bản nhạc đủ loại mà trong đó có một số bài về những mối tình rất hay, rất hợp cho tôi và bạn… Trong khuôn khổ Tết – Xuân, mà ông nhạc sĩ tài ba về Xuân (có nhiều sáng tác Xuân nhất) đã ra đi, một cảm xúc trong long. Thế thì thật Xuân Này Con Không Về và mãi mãi không về. Và tôi đã viết chút tâm tình này cho ông thay một lời cám ơn chân thành nhất, lời cám ơn ông đã viết cho tôi nghe những nốt nhạc tôi đã nghe qua trong suốt mấy chục năm xa nhà, xa quê hương và nó sẽ vẫn phải còn theo tôi cả suốt quãng đời còn lại – và chắc tôi không sao quên, không sao dứt bỏ đi được. Xin một lần cám ơn.

Chỉ biết ông như là bậc đàn anh, một vị Thầy, hay một nhạc sĩ, ca sĩ… Ông không sinh ra tại Đà Nẵng nhưng đã lớn lên, và có nhiều kỷ niệm với Đà Nẵng, tôi cũng cảm thấy mất đi một cái gì đó, mà chắc là những mùa xuân tới sẽ thiếu đi những nhạc phẩm mà qua đó tôi có thể gởi gấm thêm chút tâm tình của riêng tôi cho những gì tôi nhớ, những người tôi thương.

Xin đánh một tiếng chuông nhẹ, gõ một tiếng mõ êm, đốt một nén hương lòng, đọc nhỏ một câu kinh “Ba Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”, để cầu nguyện cho hương linh Cố Ca Nhạc Sĩ Nhật Ngân, nguyên là Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh, một cư dân thành phố Đà Nẵng, một vị Thầy xa xưa… người đã ít nhiều mang lại cho giới trẻ một thời … chút tình, chút tình trai gái dễ thương trong một thành phố mang đầy kỷ niệm mà “… Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ?/ Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân…” được sớm tiêu diêu Cực Lạc.

Xin mời nghe bài “Xuân này con về mẹ ở đâu?”

http://www.youtube.com/watch?v=h-ilZSnUI4o&feature=related

Và cuối cùng xin trích một đoạn trong bài thơ của Lê Hân để đưa tiễn hương linh:

xưa anh đưa người sang sông
giờ trăm người tiễn anh bồng bềnh bay
hồn nương bạc trắng chân mây
khúc ca ở lại vơi đầy tháng năm… (Lê Hân)

Ngọc Nhân

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s