Nhạc sĩ Nhật Ngân nổi tiếng kể từ khi ông sáng tác bài Tôi Đưa Em Sang Sông với mối tình đầu đẹp của ông tại Đà Nẵng – nhưng rồi mối tình đành phải chia tay vì thân phận nghèo, chưa danh phận… của nhạc sĩ lúc bấy giờ. Bản nhạc không cần đề cập, nhưng ai đã từng lớn lên trong khoảng thập niên 60 chắc đều có nghe, hát, và cùng tâm sự với chính tác giả… qua những câu văn nhè nhẹ, nhưng thật đau xót khi:
”Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm… / Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ? / Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân / Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa.. / Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa”.
Dầu không sinh trưởng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, nhưng ông kể: “Cái gắn bó của tôi với Quảng Nam-Đà Nẵng thì hơi nhiều, và cứ mặc nhiên là những người nào ở Quảng Nam-Đà Nẵng họ quý mến mình, họ gắn cho mình là dân xứ Quảng thì tôi nghĩ cái đó cũng chẳng thành vấn đề gì, tại vì cả một cái thời tuổi trẻ của tôi ở trung học cũng như là đi vào văn nghệ, thành tôi rất yêu mến xứ Quảng Nam-Đà Nẵng.”
Không chỉ vậy, dầu là người gốc Bắc, và lớn lên tại miền Nam, ông cảm nhận trong ông mối tình to lớn ”Quê hương” với hình ảnh ”Mẹ già” luôn quấn quít để từ đó trong gần 200 ca khúc ông đã đề cập, và hay mang cả hình ảnh quê hương, hình ảnh mẹ gia, thân phận phụ nữ …. lồng trong ca từ …
”… Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc hơn nhiều, má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất ở trần gian…” (Mỗi mùa xuân về)
“Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người.
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi.
Người đời vô tình dẩm nát thân em.
Người đời vô tình dày xéo lên em.
Người đời vô tình giết chết đời em” (Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ)
Và với quê hương sau cuộc chiến ông đã mơ:
… Tình người sau cơn mê vẫn xanh,
dù bao tháng năm đau thương dập vùi.
Trường quen vắng ta, nay ta lại về,
cùng theo lũ em học hành như xưa.
Rồi đây qua cơn mê, sông cạn lại thành dòng,
xuôi về ngọt quê hương.
Ngày đó tay em dài vun cuộc tình thật đầy
mơ toàn chuyện trên mây…. Qua cơn mê)
Nói về ca khúc của ông thì không thể ngắn gọn trong khuôn khổ, nhưng sự nghiệp ca nhạc của ông đặc biệt ngoài tình chung đất nước, quê hương, mẹ già…. ông còn có những tình cảm riêng, rất đẹp, rất thơ mộng … viết về Đà Nẵng, Quảng Nam mà tôi muốn đề cập. Trong đó có bài ”Đà Nẵng Một Thời Dấu Yêu”, chỉ qua cái tựa cũng đã lôi kéo tôi, bạn trở về một quá khứ đẹp, quá khứ với những kỷ niệm dễ thương của thời mới lớn qua các cổng trường Phan Châu Trinh, Hồng Đức, Bồ Đề, Sao Mai, Pascal… hay những quang cảnh bờ sông Hàn, bãi biễn Mỹ Khê, Thanh Khê…. Rất nhiều không sao nói hết cho dầu tôi bạn bây giờ có thể ở khác xa nơi ta lớn, nơi ta đã từng tung tăng đùa giỡn với những chồng chén ”bánh bèo” cao ngất sau trường Nam… hay không còn cảnh đứng tựa sau, dưới những gốc chây chờ ”người”… để ông cất tiếng:
Người tôi yêu ở tứ tung/ Phước Ninh, Thạch Gián, Khuê Trung, Tam Toà
Hải Châu, An Hải, Xuân Hoà/ Vườn ươm mấy cõi thơ tình trong tôi.
Người yêu nhiều như vậy đó, nhưng để rồi cuối bài chấm dứt bằng: ”Người tôi yêu ở tứ tung/ Nhưng sao chẳng thấy một người yêu tôi?” Thật đau lòng!!!!
Nhắc về Đà Nẵng là vậy để rồi khi xa ”Vẫn Mơ Về Đà Nẵng” để rồi ông viết:
Vẫn biết em ở xa quá xa / Vẫn biết em chẳng còn nơi đó
Nhưng sao tôi vẫn muốn quay về / Thăm Đà Nẵng một trời yêu thương
Vẫn biết rằng nổi trôi khắp nơi / Vẫn biết đâu còn ai nơi đó
Nhưng sao tôi vẫn muốn quay về / Thăm thành phố một trời yêu thương
Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi / Nơi cho tôi những mơ mộng đầu đời
Nơi cho tôi hạnh phúc tình lên hương / Phan Chu Trinh đón đưa chiều tan trường
Ai nỡ đành vội vàng sang sông
Ôi Đà Nẵng, Đà Nẵng của tôi ơi / Mưa rơi rơi ướt vai chiều kỷ niệm
Em thơ ngây Hồng Đức của tôi ơi / Đôi môi xinh biết bây giờ phương nào
Nay có còn mười năm xưa
Khi cách xa mà đâu thấy xa / trong trái tim tình tôi vẫn đó
Nơi phương xa tôi vẫn mơ về / Ôi Đà Nẵng một trời yêu thương.
Đó bạn có thấy chút nào nao nao khi nghe bài hát, hay nghe ông nhắc, kể về những kỷ niệm năm xưa… để rồi tất cả cũng chỉ là kỷ niệm, những kỷ niệm xa rời, lui vào dĩ vãng và không biết bao giờ tôi bạn mới tìm được… vì tất cả đã đổi thay theo nhịp sống của xã hội. Ngôi trường Hồng Đức, Phan Châu Trinh một thuở tự hào, nay đã không còn. Bờ sông Hàn, bến phà An Hải cũng đã mất hẳn theo thời gian… và nhiều nhiều nữa, mà cả “Người Tôi Yêu” hay “Người Yêu Tôi” mà ông đã viết: “Vẫn biết đâu còn ai nơi đó/ Nhưng sao tôi vẫn muốn quay về…”
Và thật tôi cũng muốn quay về… bạn có vậy không? Về để “Thăm Đà Nẵng thành phố một thời yêu thương”…
Thôi thì đành vậy cho dù đã đổi thay. Về để tìm, thấy và để rồi từ đó ta sẽ từ bỏ, từ giã tất cả để ra đi với chữ “KHÔNG” to lớn.
Chúc bạn những hồi tưởng đẹp khi nghe nhạc. Và nhớ cám ơn người nhạc sĩ đã cho ta những ca từ rất thân thương.
Ngọc Nhân
PS. Tựa đề là tựa bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân.