Cô bạn dễ thương nói với tôi: “Cẩm nang cuộc sống trên blog thiệt hay! Nếu mình thực hành được trong đời, chắc là thành Thánh sống. Nhưng khi có người chửi mình, nói hành nói tỏi mình đủ điều trên blog thì nên ứng dụng điều số mấy trong cẩm nang ?”
Câu hỏi bất ngờ và thú vị khiến tôi ngâm cứu “Cẩm nang cuộc sống” mấy ngày vẫn chưa tìm ra lời đáp nào ổn thỏa. Nhưng rồi chợt nhớ đến một kinh nghiệm từ thực tế, xin được “mách” với cô bạn dễ thương và người nào quan tâm đến chuyện… chửi.
Cách đây hơn hai năm, tôi và Chính móm được vinh dự tháp tùng vợ chồng Hùng nam cực đi Long Khánh, Đồng Nai thăm bà chị của Hùng nam cực. Vì lần đầu tiên về lại Việt Nam sau mấy chục năm tha phương cầu phú, Hùng nam cực hỏi han đủ điều, thắc mắc đủ thứ chuyện, tôi và Chính móm thay nhau giải đáp mệt trí mỏi miệng mà Hùng cứ bi bô miệng lưỡi suốt hành trình. Khi gần tới địa phận Long Khánh, bỗng dưng Hùng nam cực ngồi không yên, xoay qua trở lại như gà mắc đẻ, khuôn mặt đẹp “chai” đỏ đắn hóa thành nhợt nhạt pha chút lo âu. Tôi dò hỏi “Mày đau bụng hả Hùng?” Hùng nam cực không trả lời mà thở than với vẻ băn khoăn lắm: “Tao biền biệt mấy chục năm trời không liên lạc, bây chừ gặp lại bà chị đã từng nuôi nấng tao lúc thơ bé, chắc bà chửi tao thúi đầu!”. Nói xong, Hùng gục đầu ra điều ăn năn ghê gớm. Lúc đó, tôi thấy Hùng nam cực thật tội nghiệp như chú mèo con run rẩy trong cơn mưa lạnh. Bấy giờ Chính móm lên tiếng hiến kế: “Bà chị mày là người có vai vế trong gia đình, bà đã từng lo lắng cho mi như người mẹ, bà có chửi thì mi phải nghe, không được biện bạch. Bà chửi xong thì mi nói là chị chửi nghe hay quá! tiếp tục chửi nữa đi chị…” Hùng nam cực là người thông minh, bén nhạy nên nghe “chiêu” này xong, vỗ tay cái đốp, cười ha hả… Thế là chú mèo con vươn vai thành con hổ… giấy.
Quả thực, khi Hùng nam cực diện đối diện với bà chị, cả hai chị em sụt sùi nước mắt ngắn dài, mừng mừng tủi tủi sau mấy chục năm hội ngộ chưa kịp ráo, thì bà chị nghiêm mặt, tay chống nạnh rồi chửi Hùng nam cực như tát nước, giong điệu như một người mẹ la mắng đứa con thơ. Lúc bà chị có vẻ mệt, tạm ngưng chửi để lấy hơi. Hùng nam cực chớp thời cơ, nhỏ nhẹ: “Chị chửi đúng quá! chị chửi hay quá! Chị chửi tiếp đi chị..” Hùng nói câu này vừa thiết tha vừa thách thức; vừa khích lệ vừa hờn dỗi, vừa thể hiện sự khôn lớn vừa bộc lộ nét thơ ngây… khiến bà chị trố mắt kinh ngạc hồi lâu rồi òa ra tràng cười hả hê sung sướng. Hết giận, hết trách. Nhưng quan trọng là bà chị “dính chiêu” nên tắt đài. Tôi và Chính móm bụm miệng cười khoái chí.
Còn đây là chuyện… của Chính móm chửi Trương Thoại Hồng mới xảy ra vào chiều thứ bảy vừa rồi (18/2/2012).
Trưa thứ bảy, Tô Viết Hùng, Bảo Hùng, Chính móm, Phong và tôi đi ăn lẩu dê. Cả bọn chuyện trò rôm rả xoay quanh bạn bè. Nhắc tới đứa này chưa xong đã lôi đứa khác ra đàm tiếu với đủ thứ tính khí, đủ các loại bóng nắng: xuân hạ thu đông; kể cả “nắng quái” mà Hà Thủy ví von thiệt hay trong bài “Bạn bè như bóng nắng”. Tự dưng Chính móm hỏi tôi “lâu nay có gặp thằng Hồng không?”. Tôi thật thà trả lời “thì tao mới gặp nó cách đây mấy ngày khi nó xuống Sài Gòn làm MC cho diễn đàn Việt Nam Thi Hữu, nhân dịp ngày Hội thơ Việt Nam, hôm 6/2/2012. (ngày 15/1 âm lịch hàng năm). Nghe tới đó, Chính móm dằn ly bia xuống bàn, vênh cái miệng móm trách tôi “răng mi không allo cho tao biết để kéo nó đi nhậu?”. Tôi phân trần “thì tao cũng có đề nghị với thằng Hồng là sắp xếp thời gian để bạn bè gặp nhau một chập. Nhưng nó nói là sợ về lại Dầu Giây khuya quá, vợ la”. Thế là Chính món lôi điện thoại gọi cho Hồng rồi chửi… xối xả, chửi sôi nổi không thua gì nồi lẩu sùng sục trên bếp. Hình như Trương Thoại Hồng ở Dầu Giây lúc đó cũng vừa nhận ra cái tội đã về tới Sài Gòn mà không trình diện bạn bè. Cái tội chơi một mình nên chịu trận nghe Chính móm chửi như té tát. Cả bọn tôi ai cũng thương cái tình của người chửi và người nghe chửi. Mà phải công nhận Chính móm chửi có trình độ. Câu cú có vần có điệu bằng trắc nghe như thơ. Nội dung câu chửi vừa thâm; thanh, vừa lịch. Dù không nói ra, nhưng mỗi người đều cảm nhận sự nồng ấm của tình bạn chan chứa trong từng lời chửi. Dù cách chửi, kiểu chửi có khác nhau do cái “bóng nắng” của bạn bè vào buổi sáng, trưa hay chiều thì xuyên qua đó vẫn là những hạt nắng vô tư của tình bạn, có chi mô nờ…
Bảo Hùng gật gù. Đúng vậy, “nếu Hà Thủy cho rằng bạn bè như bóng nắng thì tình bạn lại như hạt nắng vô tư”. Bạn bè đâu chỉ có thăm hỏi gia cảnh, chia sẻ ngọt bùi. Đâu chỉ có tụng ca công danh sự nghiệp, trao gởi những lời chúc tốt đẹp… mà thêm chút “gia vị” chửi trong mối quan hệ mới đo được mức độ thân thiết giữa người chửi và người nghe chửi. Hơn nữa, còn gì thú vị bằng khi nghe bạn chửi là cơ hội ta ngắm nhìn khuôn mặt thật của bạn, cái tư chất, tâm tình và cảm cúc của bạn. Vì khi chửi, người ta nói thật lòng, biểu lộ tình bạn bằng thứ ngôn ngữ độc đáo không lẫn với ai được. Nói thế không có nghĩa cổ võ việc chửi, mà chỉ xin ai đó nếu có chửi bạn thì chửi thật vô tư, chửi cho thanh cho lịch.
Xin kết thúc chuyện phiếm về chửi tại đây với lời trích dẫn trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 19/2/2012. Dù biết rằng không đúng tình huống, không hợp ngữ cảnh và sẽ có người không đồng thuận: “Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng sai dân không lên tiếng nữa mới là bi kịch”. (Ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, cho biết bài học đắt giá nhất mà ông nghiệm ra từ đời làm quan của mình là bài học về lòng dân – SSTT 13-2-2012)
Trần Văn Tân