BBT. Blog trước đây chúng ta có mục “Lá Thư Thứ Bảy”, nay Blog sẽ mở ra Mục “Chia Sẻ” thay cho Lá Thư Thứ Bảy, cũng cùng mục đích sẻ chia những kinh nghiệm sống, hay góp nhặt, trích dẫn những bài viết, những lời khuyên, những bài học … cần chiêm nghiệm, suy nghĩ để cuộc sống mỗi cá nhân ngày một thăng hoa. Các bài viết, trích dẫn, góp nhặt này sẽ từ nhiều nguồn dẫn khác nhau, rất mong quý cư dân Blog nếu được xin gởi bài tiếp nối để Chủ Đề luôn mang đến cho mọi người những bài học thiết thực trong cuộc sống. BBT
Tuần này xin gởi đến Blog bài Học Làm Người của Hòa Thượng Tinh Vân.
Học làm người (Đại sư Tinh Vân, Liên Hải dịch)
Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.
Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.
2. Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.
3. Thứ ba, “học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.
4. Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?
5. Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!
6. Thứ sáu, “học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
7. Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.
Đại sư Tinh Vân, Liên Hải dịch.
Phụ chú Tóm Lược: Đại sư Tinh Vân sinh ngày 22.07.1927 (Đinh Mão) tại làng Chiangtu, tỉnh Chiangsu, Trung quốc. Ngài là một tu sĩ Phật giáo, xuất gia từ năm 13 tuổi, là người khai sáng và lãnh đạo Phật Quang Sơn Quốc Tế (PQS) – Buddha’s Light International Association. Ngôi chùa chính được gọi là thánh địa Phật Quang Sơn ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Tổ chức PQS ra đời với mục đích đem lại lợi ích cho người, cả người cho và người nhận, để mọi người đều đạt được sự an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Với nhiều sinh hoạt trong đó phần chính yếu là giáo dục của xã hội và các hoạt động trong lãnh vực văn hóa có liên quan đến Phật Giáo… Tổ chức này có cả nhà xuất bản, nhà sách, tạp chí, thư viện, viện bảo tàng, một trung tâm nghe nhìn với đủ mọi thiết bị theo kỹ thuật hiện đại, một Viện Đại học Phật giáo, một Trung tâm phiên dịch quốc tế, đài Truyền thanh, Truyền hình… Một công trình quan trọng trong quá trình nghiên cứu là bộ Phật Quang Đại Tự Điển (đã hoàn thành năm 1988, gồm 9 quyển, 23.000 mục từ, 7.000.000 thuật ngữ, 5.000 hình ảnh, biểu đồ… Bộ Tự Điển này đã được dịch sang tiếng Việt) và công trình Đại Tạng PQS. Tổ chức này không chỉ lớn mạnh tại Đài Loan mà còn lan ra với hơn 120 chi nhánh trên khắp năm châu lục. Một trong những ngôi chùa được xem là quan trọng với tầm mức quy mô, cấu trúc vĩ đại, kiến trúc tân kỳ…. Là: Thứ Nhất: Chùa Phật Quang Sơn tại Cao Hùng, Đài Loan một trong những ngôi chùa lớn nhất trên thế giới. Thứ Hai: Chùa Nam Thiên (Nan Tien Temple) tại thành phố Wollonggong, tiểu bang NSW, Úc Đại Lợi trên một khuôn viên rộng 26 hécta. Và Thứ Ba là Chùa Tây Lai, rộng 15 mẫu Anh, tọa lạc trên mảnh đất phía Nam vùng đồi núi Hacienda Heights, Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Danh từ “Tây Lai” được dùng với chủ ý giao lưu văn hóa Đông Tây.
Những ngôi chùa này được xây dựng theo kiểu phối hợp giữa kiến trúc cổ truyền của phương Đông và hiện đại của phương Tây, đem truyền thống cổ xưa hòa vào với những cái độc đáo của thời hiện đại để tạo nên một cái chung nhất.
bbt