Phụ Chú: Tóm tắt tiểu sử Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 mà người Phật Tử Việt Nam thường gọi là Phật sống chào đời tại làng Taktser, Amdo vùng Đông Bắc Tây Tạng vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 trong một gia đình nông dân. Ngài có tên là Lhamo Dhondup, pháp danh Tenzin Gyatso trước khi được thừa nhận trở thành vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Ngài được thừa nhận là Đạt Lai Lạt Ma vào khi Ngài lên 2 tuổi theo truyền thống Tây Tạng như là Hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, Thubten Gyatso – là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi.
Cả 14 đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma đều được dân Tây Tạng tin là hoá thân của chư Phật và Bồ tát, Avalokiteshvara, tiếng Tây Tạng là Chenrezig, đó chính là ngài Quán Thế Âm – vị Bồ-tát của Lòng Từ Bi và cũng là vị Thần Bảo Hộ của Tây Tạng. Chư Bồ-tát là những vị đã giác ngộ nhưng vẫn trì hoãn cảnh giới Niết-bàn của chính mình và phát nguyện chọn sự tái sanh để phụng sự cho nhân loại. Danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma cũng được hiểu là Hộ Tín, “Người bảo vệ đức tin”, Huệ Hải, “Biển lớn của trí tuệ”, Pháp vương, “Vua của Chánh Pháp”, Như ý châu, “Viên bảo châu như ý”…
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 được tấn phong tước vị vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, và chính thức là người lãnh đạo chính trị (quốc gia) và tôn giáo cho 6 triệu người Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người của hòa bình. Năm 1989 Ngài được tặng giải Nobel Hòa Bình vì cuộc tranh đấu bất bạo động của Ngài cho việc giải phóng Tây Tạng. Ngài đã không ngừng chủ trương và cổ võ cho những chính sách bất bạo động, dù phải đương đầu với cuộc xâm lược cực kỳ thô bạo. Ngài cũng là người đầu tiên được giải Nobel được nhìn nhận vì mối quan tâm đối với những vấn đề môi sinh trên thế giới.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặt chân tới trên 70 quốc gia trải rộng khắp 6 đại lục. Ngài đã hội kiến với nhiều vị Tổng thống, Thủ tướng và các vị lãnh đạo những triều đại quân chủ của những quốc gia quan trọng. Ngài cũng đã đàm phán với những vị giáo chủ của các tôn giáo và với nhiều khoa học gia nổi tiếng.
Kể từ năm 1959 đến nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được hơn 84 bằng tưởng thưởng, tiến sĩ danh dự, và các giải thưởng, v.v… để nhìn nhận ý nghĩa thông điệp của Ngài dành cho hòa bình, bất bạo động, sự thông cảm giữa các tôn giáo, lòng từ bi và trách nhiệm trên toàn cầu. Ngài cũng là tác giả của hơn 72 tác phẩm.
Thế nhưng, Ngài vẫn chỉ tự coi mình là một tăng sĩ Phật giáo tầm thường, giản dị.
Kể từ sau cuộc nổi dậy của toàn dân Tây Tạng ở thủ đô Lhasa vào ngày 10 tháng 3 năm 1959, Ngài bắt buộc phải đào thoát sau đó một tuần để sống lưu vong ở Dharamsala, thuộc mạn Bắc Ấn Độ. Dharamsala từ đó trở thành ”Tiểu Lasha”, ”thủ đô nước Tây Tạng lưu vong” nơi đặt chính phủ lưu vong của cả người Tây Tạng trong nước và trên toàn thế giới.
bbt