Viết cho Trần Duy Phú
“Cuối… tháng tư… về nghe…!”. Câu nói vỏn vẹn có 5 từ mà Trần Duy Phú phải run giọng phát âm đứt quảng, hụt hơi, chẻ câu này thành 3 khúc, khiến người nghe không khỏi chạnh lòng thương cảm. Tôi hứa hẹn “ừ, thì cuối tháng tư được nghỉ mấy ngày, tao sẽ về Đà Nẵng thăm mày, cố lên!”. Hô hào cố lên chỉ là khích lệ thôi, chứ tôi thử hình dung: bạn phải thóp cái bụng, cố đẩy chút hơi yếu ớt ngang qua lá phổi đã bị vi-rút hủy hoại tan tành, nhọc mệt hé đôi môi cho mấy từ này run rẩy thoát ra, mà lòng tôi bồn chồn quá đổi. Biết vậy, tôi tắt máy, nhắn tin: “Mày bắn số điện thoại của Thủy (vợ Phú) cho tao”. Kể từ lúc này, tôi thăm hỏi bệnh tình của bạn qua liên lạc với Thủy. Mà mỗi lần gọi cho Thủy là mỗi lần nghe tiếng nấc nghẹn nhiều hơn tiếng nói: “Sức khỏe anh Phú xấu lắm!”. Tôi rất muốn biết cụ thể sức khỏe của Phú “xấu” là xấu tới mức nào, nhưng cô giáo Thủy sụt sùi, đành thôi.
Trước đó chừng mười ngày, vào một buổi chiều tối nhớ bạn, tôi gọi cho Phú: “mày đang làm gì đó?” Phú nói: “đang dạo mát ở bờ sông Bạch Đằng”. Lòng tôi khấp khởi: “chà! ngon lành và lãng mạn quá ta!”. Bạn rống riết: “Trời! đau dã man quá tao chịu không nổi, phải ra đây có chút gió mát cho vơi bớt”. Tôi không biết nói gì để an ủi bạn, chỉ buông một câu “ngày nào tao cũng cầu nguyện cho mày” rồi tắt máy. Và hình như sự đau đớn cũng vừa chạm ở đâu đó sâu nhất trong cơ thể tôi. Tôi cố hiểu để cảm nhận cho đầy đủ “đau dã man” là đau như thế nào chứ trong y văn thế giới không có cụm từ “đau dã man”. Người ta mô tả cơn đau dữ dội, cơn đau khủng khiếp hoặc đau dã man như bạn nói bằng thuật ngữ giàu hình ảnh và dễ hiểu: đau như dao đâm nếu đau ở phần nội tạng, đau như búa bổ nếu đau ở phần đầu. Thế mà bạn phải quằn quại chịu đựng cơn đau kép: vừa dao đâm vừa búa bổ. Trời ơi! một con người hiền lành, dễ mến, nghệ sĩ, lịch lãm từ phong thái bên ngoài lẫn tâm tính bên trong sao lại gánh chịu cơn bệnh quái ác này hở trời!
Còn nhớ hôm thứ ba, ngày 3.4.2012, tôi chạy xe lên nhà Thoại Hồng, trước khi rót rượu, Hồng nghiêm túc nói: “tao nói với mi chuyện này rồi nhậu, sợ lát nữa quên. Tụi mình tính chuyện đi thăm thằng Phú đi”. Tôi cũng đàng hoàng sơ lược cho Thoại Hồng biết những cột mốc thời gian mà Phú bình thản, tự tin chia sẻ với tôi sau khi “nhận cái bản án treo nghiệt ngã của sinh mệnh” từ kết quả xét nghiệm của PET CT, và kết luận hội chẩn của bệnh viện Chợ Rẫy. Bạn nói sẽ cố đến Noel, qua được cột mốc 2011, bạn nói là cố sống đến Tết để họp mặt với thầy cô và các bạn 12pctdn66-73, dịp này bạn còn phong độ lắm, đủ sức hát liên tiếp hai bài thật hay khiến thầy cô và bạn bè vỗ tay tán thưởng, mà, đêm họp mặt đó, có lẽ rất ít người biết bạn đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi đã di căn lên não. Lần này, bạn cũng chu đáo dẫn tôi đi thăm, thắp nhang những nơi cần phải đến. Bạn vui cười sung sướng khi nghe tôi, Cần, Tấn, Đức vừa đánh bi-da vừa “gáy” cho tới tận khuya. Khi chia tay, bạn nhẩm tính thời gian rồi hẹn cuối tháng tư gặp lại. Rồi bạn mơ ước đến tháng năm sẽ mừng cái sinh nhật cuối cùng, thế là mãn nguyện ! Nghe liệt kê mấy thời đoạn Phú mong mỏi, Hồng, tôi hào hứng nói với anh Sáu Tào: “cuối tháng tư nghỉ lễ mấy ngày, để xem được bao nhiêu tiền, sẽ mua vé cho cả anh Sáu Tào về Đà Nẵng thăm Phú”. Vậy rồi sự hào hứng nhanh chóng biến thành nỗi buồn pha lẫn chút ân hận dày vò tôi khi từng biết “cứu bệnh như cứu hỏa” thì đi thăm bạn trong trường hợp “thập tử nhất sinh” tại sao lại chần chừ kia chứ!. Tại tuổi già khiến mình lừng khừng, không còn cái quyết đoán như hồi trai trẻ, hay tại ham vui muốn rủ rê bạn bè cùng đi?. Tại vì công ăn việc làm hay còn lý do nào khác??. Thiệt tình mà nói, dù có biện bạch cách nào, thì cái hẹn “cuối tháng tư về nghe” là cái hẹn chứa đựng nhiều đổ vỡ, bất trắc; mà, đáng lý tôi phải linh cảm cho bằng được. Dạng bất trắc còn hơn mọi thứ bất trắc ập đến quá nhanh, đến nổi khi nghe hung tin, dù không mấy ai ngạc nhiên việc ra đi vĩnh viễn của bạn, cũng phải bàng hoàng giữa tuyệt vọng và hy vọng. Giữa có nghĩa và vô nghĩa. Sao vậy Phú, chỉ trước giờ định mệnh chừng 2 tiếng đồng hồ thôi, Dũng Su, Đoàn, Mót còn ở bên cạnh bạn, cầm tay bạn, dù thân xác có vẻ mê man, nhưng cái nhìn về bạn: Phú Aline, Phú list… vẫn còn nguyên vẹn, sáng rực, trong veo. Tôi chợt đắng lòng nhận ra thứ bất trắc tôi muốn khước từ thì không chờ đợi cái hẹn cuối tháng tư. Thôi hết rồi! Trái tim Phú Aline đã ngừng đập!. Cung đàn đã đứt!
Tin nhắn ghi chuyến bay ngày 8.4.2012 SGN-Danang lúc 5.50, nhưng cái đêm trước đó, sau khi dự Lễ Vọng Phục Sinh về nhà lúc 23.30, tôi trằn trọc không ngủ được. Chồm dậy trước computer, tôi muốn viết những suy tư thần học về sự ra đi của bạn đúng vào ngày tưởng niệm Chúa chết, mà người tin gọi là NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH để sau 3 ngày thì sống lại – là PHỤC SINH. Dù là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đối với tôi và những người đồng đạo thì bao hàm nhiều ý nghĩa thiêng thánh lắm! Biết vậy, muốn vậy, nhưng khi nhìn khung hình trên trang blog hiển thị tấm ảnh bạn thiệt phong nhã, đứng ôm đàn hôm họp lớp mùng 6 Tết, thì bao kỷ niệm với bạn ùa về chật cứng trong tâm trí, khuấy đảo, xới tung tóe…. khiến tôi chỉ còn biết ngồi yên, chờ trời sáng để về với bạn, dù muộn.
Vào nhà bạn. Đặt vòng hoa bên cạnh quan tài bạn, tôi lướt mắt tìm nhang để thắp giùm cho các bạn ở xa: Châu, Việt, Hiển, Chính móm, Hồng, Sáu Tào… như lòng mong ước của những người bạn tri kỷ, tri bỉ với Phú. Nhưng không thấy, cũng không có nhang khói, không kèn ma chay, không tiếng khóc… ngay cả những trao đổi cũng hết sức khẽ khàng. Chung quanh quan tài chỉ toàn những vòng hoa trắng xếp lớp ngăn nắp, điểm xuyết vài nụ hoa tím. Căn phòng yên tĩnh như trong thánh đường, yên tĩnh đến nổi tôi không có chút cảm giác nào của tang tóc. Bạn nằm giữa căn phòng tràn ngập hoa, thanh thoát, lộng lẫy, thực hiện một giấc ngủ dài, thản nhiên ra đi, an bình ra đi, không bi lụy.
Ngày đưa tiễn bạn lần cuối, xe trèo lên cái dốc núi đồi Hòa Sơn cũng thật ý nghĩa theo hướng đi lên. Tại đây cũng không nhang khói. Vị mục sư chủ tế nghi thức an táng trang trọng và sốt sắng đọc những lời nguyện chan chứa tin yêu và hy vọng. Cả Hội Thánh và ca đoàn bừng lên nhũng bài thánh ca, mà, điệp khúc Alleluia! Alleluia! Alleluia cứ lập đi lập lại như hoan ca Phục Sinh.
Tôi xuống đồi về với nhóm bạn 12pctdn6673: Bích Hoa, Nhựt, Mót, Tấn, Lành, Trung trọc… trong lòng dậy lên niềm thanh thản. Không còn vương vấn lời hẹn “cuối tháng tư” nữa. Ngay cả sau khi về lại Sài Gòn lo hậu sự cho bố vợ xong. Phụng (mục sư) cũng gọi cho tôi hoan hỉ: “Duy Phú đã về Nhà Cha trên trời rồi! Alleluia!”. Tôi cũng reo vui đáp lại: Alleluia! Alleluia! Amen.
Ghi chú: Alleluia là tiếng Hipri, từ ghép của Allelu = hãy ca ngợi, còn từ Ia = Ya vê=Đức Chúa Ya Vê.
Amen: tiếng Hipri có 2 nghĩa chính: 1/ quả thật, xin được như vậy. 2/ cam kết, đồng ý.
Trần Văn Tân