Xin nghe ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng, Lưu Bút Ngày Xanh do các nữ danh ca Hoàng Oanh, Hương Lan, và Như Quỳnh trình bày.
… Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!… (trích ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng của Cố Nhạc sĩ Thanh Sơn)
Đây là phần mở đầu ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng của Cố Nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông sáng tác ca khúc này vào năm 1963, và lý do sáng tác ca khúc rất đơn giản qua ”mối tình tuổi thơ” hay ”mối tình thời còn cắp sánh” …
Kể về cuộc tình thật đẹp làm nên chất liệu da diết cho ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng, nhạc sĩ nói: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc ”Tình Học Sinh” rất đẹp. Ông cho biết tiếp: ”Năm 1953 tôi có một cô bạn học chung tại lớp Đệ Ngũ ở Sóc Trăng. Cô ấy tên là Nguyễn Thị Hoa Phượng. Một buổi tối Hoa Phượng tới nhà tôi để từ giã, vì ngày mai cô sẽ theo gia đình chuyển về Sài Gòn. Ba cô ấy là công chức, thỉnh thoảng lại phải đổi chỗ làm việc. Tôi rất buồn, nói từ nay tôi và Hoa Phượng phải xa nhau rồi. Cô ta nói: Không sao đâu anh, mỗi năm tới mùa hè, anh thấy hoa phượng nở thì nhớ tới em, đủ rồi. Câu chuyện chỉ tới đó thôi. Mãi sau này lớn lên, biết viết nhạc, một hôm chợt nhớ tới người bạn xưa, nhớ tới lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Dường như màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy và thế là ca khúc ra đời”.
Đối với chúng ta một thời cắp sách đến trường, không ai không biết, nhớ, nghe đến ca khúc này qua giọng ca trữ tình, cao vút của nữ danh ca Thanh Tuyền một thời xa xưa…
Thế rồi từ đó 1963, cứ mỗi lần hè về, nhìn thấy phượng đỏ ở sân trường là lòng ta cứ thiết tha với ca từ đơn giản, mộc mạc, nhưng mang biết bao cảm xúc lâng lâng trong lòng. Bây giờ đã hàng chục năm trôi qua, tuổi đời càng lúc càng cao, tóc đã điểm, thay màu… và cơ hội hồi tưởng về những năm tháng chia tay nhau mỗi lần hè đến, hè sang càng lúc càng vơi, nhưng chắc lòng ta cũng một chút nào đó man man suy nghĩ nhớ lại một số kỷ niệm của hè sang, phượng thắm đỏ.
Nhạc sĩ Thanh Sơn với tuổi đời không trôi chảy trong việc học hành vì nhiều lý do… đã trở thành ca sĩ sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Sài Gòn tổ chức năm 1959. Và ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyển sang nhạc sĩ sáng tác từ năm 1963. Trong hơn 500 sáng tác trong suốt quá trình sống với âm nhạc kể từ năm 1960 với sáng tác đầu tay là ”Tình Học Sinh” (năm 1962), ông đã sáng tác gần 200 ca khúc nói về tuổi đời học sinh: Ba tháng tạ từ, Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Ve sầu mùa phượng, … Ngoài đề tài học sinh, ông còn sáng tác những nhạc phẩm trữ tình khác như Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mười năm tái ngộ, Chiều qua phố cũ, Đồi thông hai mộ, Mùa hoa anh đào… rồi sau đó là các tác phẩm ca ngợi quê hương: Non nước hữu tình (miền Bắc), Trở lại thành phố sương mù, Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế (miền Trung), Quê hương 3 miền (cả 3 miền), Hành trình trên đất phù sa, Bạc Liêu hoài cổ, Hương tóc mạ non, Hồn quê, Tình trăng lúa, Giấc ngủ đầu nôi, Tình em Tháp Mười, Hoa tím người xưa, Em bỏ dòng sông, Yêu dấu Hà Tiên, Áo mới Cà Mau, Quê hương ba miền, Chiều mưa xứ dừa….
Trong gần hết các sáng tác của ông rất nhiều bài nổi tiếng nhưng chúng ta một thời cắp sách chắc không thể nào không nhớ: Lưu bút ngày xanh, … và đặc biệt nhất là Nỗi Buồn Hoa Phượng.
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện. Ông sanh ngày Chủ Nhật 1 tháng 5 năm 1938 (2/4 năm Mậu Dần), tại Sóc Trăng trong một gia đình có 12 anh chị em, mà ông là người con thứ mười. Học nhạc với thầy Võ Đức Phấn (em ruột nhạc sĩ Võ Đức Thu) từ hồi tiểu học. Sau đó ông theo học tiếp với nhạc sĩ Lê Thương, rồi từ cuốn ”Để sáng tác một ca khúc” của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ông đã bước sang lãnh vực sáng tác ca khúc cùng sự giúp đỡ, cố vấn của quý Cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, … Nhạc sĩ Thanh Sơn đã thật sự vĩnh viển từ giã khán thính giả của suốt bao năm với những ca từ, tình tự chân thật, dễ mến … qua âm nhạc vào lúc 14.30 giờ ngày Thứ Tư 4.4.2012 (14/3 năm Nhâm Thìn) tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Ông ra đi nhưng vòng đời vẫn cứ chạy, vẫn đi, xuân hạ thu đông vẫn cứ xoay vần… và cứ mỗi lần hè đến những ca khúc: Lưu Bút Ngày Xanh, Nỗi Buồn Hoa Phượng, … sẽ vẫn man mác buồn theo:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
…
hay
Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi
Nhắc lại câu chuyện buồn
Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu
Nơi kỷ niệm êm ái
Đâu dư âm của tiếng nói ngây thơ
…
Theo thời gian biết bao chuyện đổi thay, ngôi trường thân yêu một thời gắn bó với biết bao kỷ niệm thân thương, trìu mến cũng đã dần dần thay hình đổi dạng, và rồi sẽ còn ra sao nữa…. ??? Nhưng chắc một điều ta từ đây sẽ chẳng bao giờ còn những giây phút đẹp: nhặt những cánh hoa phượng đỏ ép vào những trang giấy học trò trong trắng, tinh nguyên với những ước mơ đẹp tuyệt…. như hồn ta mới nở hay cũng theo thời gian xoay vần mà một số bạn bè của một thời cắp sách tung tăng cũng đã, đang dần và thật sự giã từ, thật sự ra đi, còn ta… chỉ một hoài niệm cố xưa về một thời trong im lặng, cô đơn…
Viết để tỏ lòng cám ơn Cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã nói hộ, đem đến cho ta trong cùng cảm xúc một kỷ niệm xa xưa của thời cắp sách.
Viết để tưởng nhớ những người bạn đã ra đi…
Và viết cũng để mong cầu những người bạn đang cô đơn, lặng lẽ, sức khỏe không tốt … sẽ có đủ chất liệu, chút sinh lực và nhất là luôn được những an lạc, cát tường… để vượt qua những khó khăn, những u sầu theo năm tháng.
Và viết để cùng chia sẻ với bạn bè xa gần đã cùng chung chia những kỷ niệm êm đềm một thời xa xưa dưới những hàng phượng vĩ đỏ thắm sân trường.
Ngọc Nhân