Âm Nhạc: Thương về Cố Đô (Ngọc Nhân)

Nghe nhạc phẩm ”Thương Về Cố Đô” do ca sĩ do ca sĩ Bảo Yến trình bày

Người đi chốn xa thương về cố đô
Thương tà áo trắng thương mấy câu hò
Và giọng cười vành nón Kim Luông,
Ôi nắng chiều Vĩ Dạ thoáng buồn
Ngự Bình chơ vơ nhìn sông Hương.

Khúc mở đầu nhạc phẩm ”Thương Về Cố Đô” của cố nhạc sĩ Thanh Sơn. Ông là người miền Nam, sinh trưởng ở Sóc Trăng nhưng ông đã mang đến cho ba thế hệ: ta, con, cháu, … những nỗi buồn mong manh man mác mỗi khi hè về với gần 200 ca khúc viết về đời học sinh, tuổi áo trắng… Không chỉ vậy ông còn sáng tác nhiều ca khúc trữ tình rất được nhiều người ưa thích vì lời ca mộc mạc đơn giản và điệu nhạc theo thể bolero dễ đi vào lòng người nghe. Trong hơn 500 ca khúc ông sáng tác kể từ đầu thập niên 60 cho đến mãi tận 2011 tức nửa thế kỷ đã có gần 2/3 là những ca khúc viết về quê hương, về con người sông Tiền (Tiền Giang, vùng Bắc Mỹ Thuận), sông Hậu (Hậu Giang, vùng từ Cần Thơ trở xuống). Ca từ lúc này ông chau chút, chú ý hơn lại mang âm hưởng nhạc ngũ cung, đặc trưng của cổ nhạc cải lương miền Nam nên cũng rất dễ làm lòng người vui có, mà buồn nhớ cũng có theo từng ca khúc một.

Các sáng tác về quê hương của ông vừa trữ tình vừa mộc mạc nhưng lại sâu sắc và gợi nhớ biết bao. Như bài: Hành trình trên đất phù sa, Hương tóc mạ non, Hồn quê, Tình trăng lúa, Giấc ngủ đầu nôi, Hoài cổ, Tình em Tháp Mười, Hoa tím người xưa, Em bỏ dòng sông, Yêu dấu Hà Tiên, Quê hương ba miền, Chiều mưa xứ dừa…

Ông giữ được lời hứa với vợ khi khẳng định “mỗi chuyến đi qua mỗi vùng đất quê hương (miền Tây) sẽ sáng tác một bài hát để kỷ niệm”. Và thật cứ thế, hành trình trên đất phù sa (sông Tiền, sông Hậu) cùng  nhiều bài hát về miền Tây theo bước chân của ông bà tiếp nối ra đời.

Sau các cuộc hành trình, ông đã sáng tác tập nhạc Hành Trình Trên Đất Phù Sa gồm 27 bài. Vì sao lại 27? Vì 2 cộng với 7 là 9 (2+7=9), con số 9 tượng trưng cho Cửu Long, chín dòng của sông Cửu Long (Mekong) chảy ra biển. Trong tập này mỗi ca khúc là một đặc trưng cho mỗi tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long. Từ Long An đến Gò Công, … (Tiền giang) đến Mỹ Tho, Cà Mau… (Hậu giang) – không tỉnh nào thiếu chỉ trừ Tiền Giang, và theo ông: “chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ra cái tứ để ca ngợi mảnh đất Tiền Giang trong thời gian tới”…. Nhưng nay đã muộn… vì ông đã ra đi.

Nhạc sĩ Thanh Sơn như có cái gì gắn chặt với tuổi học trò và với quê hương, với Tiền Giang-Hậu Giang nơi ông đã sinh ra, trưởng thành và cuối cùng đã từ giã ra đi. Dòng nhạc của ông – loại nhạc học trò, nhạc quê hương, thuộc bẩm sinh, như cái gì có sẵn trong máu của ông, như nói đến miền Nam (miền Tây) đã nằm sẵn đâu trong trí tưởng của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, hoặc Vương Hồng Sển,….

Không chỉ những nhạc khúc viết về miền sông nước Cửu Long, ông còn có nhiều bài hát ca ngợi quê hương (địa danh) khác như: Mùa hoa anh đào – trong một lần đi Đà Lạt và khi ngắm gương mặt nhỏ nhắn có nhiều nét như người Nhật của người vợ, ông đã sáng tác ca khúc này.

Nhưng đối với tôi thì khi nghe ca khúc Thương Về Cố Đô, hay Đôi Lời Với Huế đã đủ gợi nhớ trong tôi những cảm xúc dâng tràn về cố đô yêu dấu – Huế – một địa danh của một thời – nơi tôi đã được sinh ra – đã ghi dấu trong tôi nhiều nỗi nhớ thương cho dầu cho tới nay tôi vẫn chưa thật sự sống trọn một ngày ở Huế đúng nghĩa của người cố đô.

Qua ca khúc chỉ ngắn vỏn vẹn với 140 từ nhưng ông đã gom gần hết những đặc điểm của cố đô Huế, nhắc đến những nỗi thương nhớ của những người đã rời xa và mang cả cho tôi một chút hoài vọng về những huy hoàng xa xưa – nơi đã từng một thời là kinh đô nước Việt.

Huế đối với tôi cũng đặc biệt lắm, vì cho dầu tôi cũng chẳng phát âm đúng ngôn ngữ Huế với những âm răng tê mô rứa, hay chưa biết hết hoặc chưa dùng đúng những thực phẩm chính gốc Huế với những mùi vị, cay, chua, ngọt mặn, … nhưng sao trong tôi vẫn nhớ Huế và sẽ viết về Huế mỗi khi có cơ hội, hay mỗi khi có những cảm xúc qua âm nhạc thi ca, mà các loại này thì nhiều và nhiều lắm.

Nhưng lần này trước sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Sơn, người sống tuốt tận Sóc Trăng, mà nhớ đến Huế, thương về Huế, viết về Huế như vậy đối với tôi cũng là đủ. Đâu chỉ vậy trong một ca khúc khác cũng của ông ”Đôi Lời Với Huế”, ông đã viết:

Đọc sách đọc thơ ngợi ca Huế mình / Huế bao dung tấm lòng minh trinh
Đời phong ba Huế vẫn yên bình / Rất đẹp rất xinh

Rồi:

Dáng em nghiêng nón qua cầu Tràng Tiền / Gió lay tóc thề dịu hiền
Hoàng hôn rơi chạnh lòng xao xuyến / Vài phút tịnh tâm gội tan lỗi lầm
Lắng tiếng chuông Thiên Mụ âm u / Trời vào thu Huế giăng sương mù / Xé lòng lãng du

Và cuối cùng là: … Kỷ niệm khó quên / Gởi em câu hát đa tình vụng về / Sắt son mấy lời hẹn thề / Đời lãng du có ngày sẽ về.

Đó là đối với ông. Ông đã hẹn nhưng Ông đã một lần trở lại với kỷ niệm khó quên hay không tôi không rõ, nhưng nay ông thật sự đi rồi thế là ông đã ôm trọn những lời hẹn thề vào vùng mây trôi lãng đãng. Còn tôi nghe ca khúc Thương Về Cố Đô, hay ca khúc Đôi Lời Với Huế của ông tôi vẫn biết Huế vẫn ở trong tôi cho dù tôi vẫn chưa có lời hẹn thề, gởi gấm nào… nhưng chắc Huế vẫn mãi là Huế của những ước mơ đẹp, trữ trình và ngây ngất giọng nói, tiếng cười của một người con gái Huế mà kiếp sau khi trở lại (nếu có) tôi ao ước gặp…

Ngọc Nhân

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s