Lời bbt-Blog: Trong niềm hân hoan cùng quý cựu học sinh trong Ban Tổ Chức Lễ Ra Mắt Tập Sách Âm Nhạc Phổ Thông của nhà giáo Hoàng Bích Sơn – một giáo sư âm nhạc tại các trường Trung Học tp. Đà Nẵng trước 30.4.1975, và ai ai đã từng là học sinh các trường Trung Học tại tp. Đà nẵng đều biết, nghe tên, đặc biệt nhất là các cựu học sinh trường Trung Học Phan Châu Trinh, chúng tôi xin được trích đăng một số bài văn, thơ rải rác từ net và cả ngay trên Tập Sách ra mắt ngày hôm nay Thứ Bảy 12.05.2012 tại quán Cà Phê Catinat – phần Những Bài Viết Về Thầy Hoàng Bích Sơn.
***
Trường TH.PCT-ĐN và Thầy Hoàng Bích Sơn (Hoa Bắc cực)
Sau khi Đà Nẵng được trao trả độc lập, và do đề nghị của chính quyền, ông Bửu Đài thị trưởng và ông Giám đốc Nha học chánh Trung Việt, ngày 7.8.1952 Thủ hiến Trung Việt ông Lê Quang Thiết, ký công văn số 3214-VP-SV cho phép mở lớp Đệ Thất (lớp 6) đầu tiên, khai giảng 15.9.1952 niên học (1952-1953) với 50 học sinh tạm thời học chung ở trường Nam tiểu học.
Đây là niên khóa đầu tiên trong hình thái một trường công lập đầu tiên tại Đà Nẵng, và dầu chưa mang tên chính thức trường trung học Phan Châu Trinh, nhưng là bước tiền khởi của những phát triển và thay đổi từ vị trí, và tên gọi về sau.
Ngày 06.05.1954 quyền tổng trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục và Thanh Niên Bộ Giáo Dục ban hành nghị quyết số 95_GD-NĐ cho phép thành lập các trường trung học công lập đầu tiên miền Trung, từ Đồng Hới, Quảng Trị, Hội An, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, và Đà Nẵng có truyền thống như các trường đã có trước đây ở Huế, Sài Gòn, và Hà Nội.
Cố giáo sư Bùi Tấn đề nghị tên trường là một trong ba danh nhân địa phương: Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Thái Phiên và Hội Đồng giáo sư đa số chọn là Phan Châu Trinh (niên khoá 1954-1955)…
Do đó năm 1952 tiên khởi lớp học bắt đầu, hay 1954 trường được Bộ Quốc Gia Giáo Dục chính thức thuận tên chính thức là ngôi trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng và là ngôi trường thân yêu cho bao thế hệ những người đã sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng đến nay đã 60 năm.
Trường luôn phát triển, tăng dần lớp học, nhưng điểm đặc biệt cần lưu ý suốt bao năm kể từ 1962 là học sinh luôn hát bài ”hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh” hay ”Phan Châu Trinh hành khúc” do giáo sư âm nhạc Hoàng Bích Sơn sáng tác.
Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh. Nghe
Trường có rất nhiều Thầy Cô giáo mà ai ai đã từng một thời là học sinh Phan Châu Trinh cũng nhớ, cũng biết và có nhiều kỷ niệm riêng biệt. Nhưng không ai có thể phủ nhận là không thuộc, nhớ hay biết ca hát bài Phan Châu Trinh hành khúc này.
Bài ca, Hiệu đoàn, sáng tác … này đã đặc biệt, đã gắn liền với bao thế hệ … cho mãi đến bây giờ. Bài ca vỏn vẹn chỉ 138 từ nhưng mang đầy đủ ý nghĩ thiết thực như Thầy Tôn Thất Lan cũng là một giáo sư âm nhạc khác của trường TH.PCT, đã viết:
Theo tôi, bài đoàn ca này rất hay, rất thích hợp, hội đủ các yếu tố cần thiết cho một bài đoàn ca. Bài hát là một nhắc nhở về tầm cỡ, tiếng tăm của nhân vật trường mang tên, nhịp điệu hành khúc đầy sức lôi cuốn hào hứng tạo hứng khởi, kiêu hãnh cho học sinh. Bài ca không quá ngắn, mang tính gượng gạo mà tròn đầy trước sau “Là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết tiến bước theo chân Người giữ vững dân quyền…”. Bài ca đã thuyết phục được người nghe, truyền đạt được ý chí tự cường đến thanh niên nhiều thế hệ.
Do đó nhớ đến Hiệu Đoàn ca thì không ai không nhớ đến Thầy Hoàng Bích Sơn. Thầy năm nay đã 86 tuổi. Tuổi gần Đất xa Trời. Suốt cả cuộc đời dạy nhạc của Thầy, Thầy vẫn chưa có tác phẩm, sáng tác nào khác hơn. Nhưng mong ước lớn nhất và cũng là tâm huyết của Thầy là được xuất bản tập sách giáo khoa về “Nhạc lý phổ thông và tự soạn hợp âm cho đàn guitar” mà Thầy đã miệt mài đem hết trí lực để hoàn thành trong thời gian qua.
Xuất phát từ tình cảm Thầy Trò và xét về giá trị chuyên môn của bản thảo tập sách mà Thầy đã tốn bao công sức lẫn tâm huyết, có thể nói tâm nguyện nêu trên của Thầy rất cần được ủng hộ và tạo điều kiện xuất bản.
Từ đó một số cựu học sinh Phan Châu Trinh đã vận động giúp Thầy sớm hoàn thành ước nguyện. Sau một thời gian cùng nhau hợp tác, tác phẩm, tập sách đã hoàn thành. Tập ”Âm Nhạc Phổ Thông và Cách Ghi Hợp Âm Đệm Guitar Thực Hành Và Nhạc Lý” gồm 3 tập nhỏ:
Tập 1. Phần Thực Hành: Gồm những bài tập để tìm giọng và chọn hợp âm đệm những bản nhạc phổ thông với những mẫu giúp trí nhớ và làm quen một số danh từ âm nhạc, ký âm pháp thường gặp trong các bài tập.
Tập 2. Tóm Tắt Nhạc Lý: Giải thích các nhận xét thực hành trong tập 1 để phân tích và ghi hợp âm đệm. Phần phụ lục giới thiệu khái niệm về hòa âm, sáng tác và một số phương thức thường dùng để đệm đàn và sáng tác âm nhạc.
Tập 3. Thay Thế Hợp Âm Trong Nhạc Hiện Đại: Trình bày những nhận xét về các nhạc sĩ hiện đại trong lúc biểu diễn thay thế những hợp âm 5 và hợp âm 7 bằng những hợp âm ít dùng trong nhạc cổ điển.
Và cũng trong chiều hướng mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, hôm nay Thứ Bảy 12.05.2012, một số cựu học sinh Phan Châu Trinh đã tổ chức Buổi Ra Mắt tập sách “Âm Nhạc Phổ Thông” của Thầy tại quán Cafe Catinat, tọa lạc tại Địa chỉ số 5 Cách Mạng Tháng 8, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, từ 15.00 giờ.
Chương Trình ngoài phần phát biểu Khai Mạc là phần phát biểu của chính tác giả và phần ký tặng sách, cùng cảm tưởng của đồng nghiệp và học sinh (trò). Sau đó là phần biểu diễn một số ca khúc tiêu biểu của đồng nghiệp và học trò cũ của Thầy.
– Ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông của Nhật Ngân, người Nhạc Sĩ vừa vĩnh viễn ra đi vào cuối năm Tân Mão tại Hoa Kỳ. Ca khúc này sẽ do ca sĩ Băng Thanh đơn ca. Ca sĩ Băng Thanh cũng chính là MC của Buổi Ra Mắt Sách này. Và vào ngày 03.02.2012, Blog cũng đã có đăng bài viết về người Cố Nhạc Sĩ tài hoa, một cựu học sinh PCT, một thầy giáo của PCT… qua bài ”Xuân này con không về” (Bấm vào) https://motthoi6673pctdn.wordpress.com/2012/02/03/xuan-nay-con-khong-v%e1%bb%81-ng%e1%bb%8dc-nhan/
Trong đó có giới thiệu 3 ca khúc Xuân Này Con Không Về, Xuân Nào Con Sẽ Về và Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu?
Và bài ”Đà Nẵng một thời dấu yêu” (Bấm: https://motthoi6673pctdn.wordpress.com/2012/02/19/da-n%e1%ba%b5ng-m%e1%bb%99t-th%e1%bb%9di-d%e1%ba%a5u-yeu-ng%e1%bb%8dc-nhan/
Để nghe nhạc sĩ tâm tình với những lời thiết tha, mến yêu – cho dầu nhạc sĩ là người sanh trưởng ở Bắc, nhưng đã có quá nhiều kỷ niệm ờ thành phố Đà Nẵng này. Và cũng chính tại nơi đây với mối tình đẹp, dễ thương nhưng không trọn vẹn là khúc quanh đưa nhạc sĩ vào con đường sáng tác…. Và có tên tuổi được rất nhiều người mếm mộ…
– Ca khúc Xa Rồi Mùa Đông của Nguyễn Nam – đơn ca, ca sĩ Ngọc Hạnh (chủ tiệm cà phê Tiếng Dương Cầm nằm ở đường Hoàng Văn Thụ)
– Ca khúc Những Gì Còn Lại của Nguyên Chương (Lý Văn Chương) – một bạn học của niên khóa 6673, và cũng đã vĩnh viễn ra đi mà NHHùng (Nam Cực) đã có lần gặp tại Úc châu, và đã có bài viết cũng như Blog đã giới thiệu bài ở Blog vào ngày 11.2.2012 (Bấm) https://motthoi6673pctdn.wordpress.com/2012/02/11/them-m%e1%bb%99t-chut-v%e1%bb%81-ly-van-ch%c6%b0%c6%a1ng/
Trong đó có 1 ca khúc của Nguyên Chương là Hình Như Là Tình Yêu. Ca sĩ trình bày là Ngân Hoàng – một ca sĩ kỳ cựu của Tiếng Dương Cầm.
– Ca khúc Xin Làm Nắng Hôn Em cũng của Nguyên Chương – ca khúc này lại do Xuân Huyền – chủ quán mà cũng là ca sĩ của cà phê Hợp Phố đơn ca.
– Ca khúc Hãy Về Nghe Em của Phạm Tình lại sẽ do chính người con gái của nhạc sĩ là ca sĩ Dương Cầm đơn ca.
Và sau đó…. Là phần giao lưu văn nghệ giữa những đồng nghiệp, học trò thân quen đóng góp.
Buổi Ra Mắt theo như chương trình đã ghi được biết có phục vụ đơn giản cà phê, và bánh ngọt… chút chút. Nhưng cái quan trọng và điểm cần nêu là niềm vui của Thầy Hoàng Bích Sơn chắc sẽ là dấu ấn khó quên của mọi người dù hiện diện hay không có cơ hội có mặt và tham gia.
Hy vọng niềm vui, nụ cười, ánh mắt, nét đi, giọng nói… của Thầy sẽ mãi mãi gắn bó với những ai đã từng một thời đủng đỉnh ca hát: Là học sinh Phan Châu Trinh, ta tiến bước theo chân Người, Giữ vững dân quyền…” dù bất cứ ở, và với bất cứ tuổi tác nào…
Điều không quên là bước vào Buổi Ra Mắt Sách là Hiệu Đoàn Ca Phan Châu Trinh được cất vang vang, như một tự hào, như một kiêu hãnh, như một hoài niệm, và … cũng chính là điểm son duy nhất và đặc biết nhất mà chúng ta ghi nhớ về Thầy Hoàng Bích Sơn.
Hoa Bắc cực