Chút ân nghĩa với Thầy Cô
… Công ơn thầy cô tự núi cao biển sâu
Thay cho mẹ cha dìu dắt em ngày tháng qua
Mai sau dù xa trường dấu yêu ngày xưa
Công ơn thầy cô nguyện mãi khắc ghi trong lòng… (lời nhạc Công Ơn Thầy Cô của nhạc sĩ Trương Quốc Lợi)
Đã từng cắp sách đến trường ai ai cũng biết từ xa xưa không biết từ lúc nào cái ý nghĩa tôn sư trọng đạo thật đơn giản, không cầu kỳ, đòi hỏi. Mà tựu trung chỉ ở tấm lòng và sự kính trọng mãi không thay đổi dù ở hoàn cảnh, không gian và thời gian nào. Trong ta người học trò (học sinh…) của thời cắp sách mà phải là thời cắp sách ở bậc trung học thì ta mới có đủ trí khôn, mới cảm nhận được cái tình, cái trọng này. Thật vậy vì thời tiểu học, tuổi vừa mới lớn, hồn nhiên theo khối óc còn cưng chiều, nâng niu của cha của mẹ ta làm sao có được. Lại nữa cái thời là sinh viên đại học, cao đẳng thì đầu óc lại phải lo nghĩ, mưu toan, tính toán thiệt hơn cho ngành nghề theo đuổi, và nhiều thứ khác xen lẫn như xã hội, trai gái yêu đương, v.v… làm sao ta đủ thời gian nghĩ đến cái tình thầy trò, cái nghĩa bạn bè…
”… Thân thương dưới mái trường, thầy cô chắp cánh biết bao nhiêu ước mơ…
Ngân vang khúc tâm tình, nhạc hòa lời thoe ngân lơi ca thiết tha
Yêu thương dưới mái trường là nơi ghi dấu biết bao nhiêu ân tình
Mai sau khắp phương trời lòng luôn ghi nhớ những lời thầy ấm êm.” (lời nhạc Âm Vang Mái Trường của nhạc sĩ Đoàn Lan Hương)
Thật vậy những ước mơ trong cuộc sống ta đã được Thầy Cô chắp cánh ngay từ lúc xa xưa. Những ước mơ theo ta suốt cuộc sống dài sau đó khi ta khôn lớn. Thầy Cô vẫn mãi là người chắp, đưa khách sang sông. Nhưng ta vẫn đủ trí để khi đặt chân lên bờ, bay lên cao vẫn cố quay lại, ngó xuống hay nhìn người đưa, người chắp cánh như thầm gởi lời cám ơn chân thành.
Bay có cao, đi có xa nhưng cũng có lúc ta phải đáp hạ và dừng lại rồi ta thầm cám ơn đôi cánh ta có trên vai, và người đã chắp cho ta đôi cánh hay cám ơn người đã đưa ta sang sông mà không cần sự đáp ứng.
Thế thì:
… Bài hát hôm nay, con xin dành tặng Cô (Thầy)
người đã cho con bao hy vọng,
bao ước mơ, người đã cho con bao bài học nên khôn.
Lời dạy của Cô (Thầy), Cô (Thầy) ơi, con xin giữ không bao giờ quên…. (lời nhạc Bài Hát Tặng Cô của nhạc sĩ Tuấn Huy)
Hay:
Em hát bài ca … về thầy cô giáo
Người đã dẫn em đi trên khắp nẻo đường
Người chắp cánh em bay … vào những ước mơ xa …
Những kiến thức nhân loại với tình yêu bao la
Dạy em biết làm người, dạy em kiến thức cuộc đời,
Dạy em tấm lòng yêu thương Tổ quốc !…
Dạy em biết làm người, dạy em lẽ sống tình đời
Dạy em vì hạnh phúc của mọi người…!
Thầy giáo của em, người thầy giáo… của… em….. (lời nhạc Biết Ơn Thầy Cô của nhạc sĩ Hùng Khanh)
Thầy Cô từ bao đời vẫn vậy là người luôn bồi cho trí óc non nớt của ta những kiến thức để sống, những chức năng để phục vụ xã hội và tha nhân. Thầy Cô vẫn chưa bao giờ đòi hỏi ta cái gì, buộc ta trả ơn nhưng trong ta vẫn luôn hiện diện mối tình Thầy Trò khó quên và cái ân nghĩa nhiệt tình không sao xao lãng được.
Thật vậy với những ý nghĩ cao đẹp đó mà một số bạn hữu đã tổ chức Buổi Lễ Tri Ân Thầy Cô vừa qua mà tôi may mắn có cơ hội hiện diện. Nhìn những hình ảnh chờ đón, bắt tay, chào hỏi tay bắt mặt mừng giữa bạn bè, giữa Thầy và Trò sao mà đẹp và khó quên vậy.
Dưới những hạt mưa còn lưu lại trên những khuôn mặt gày gò của người có tuổi, nhưng quý Thầy vẫn nở những nụ cười tươi. Có hình ảnh nào đẹp và đáng quý khi thấy quý Thầy quyến luyến trò chuyện với những đứa học trò một thời nghịch ngợm, phá phách nay đã trang nghiêm “Dạ thưa Thầy”… đứng đón trên hành lang vào phòng tiệc.
Trong sự trang trọng của lý do buổi lễ, nhắc đến công ơn Thầy Cô, nhắc đến Thầy Cô khuất núi tất cả đã thật nghiêm trang, bùi ngùi, yên lặng, suy tưởng trong phút giây mặc niệm.
… Ngàn nụ hoa khoe sắc thắm kính dâng thầy cô
Với biết ơn công dưỡng dục suốt bao ngày qua.
Dù lớn khôn nhưng mai con không quên được.
Lời thầy lời cô khắc ghi trong trái tim con. (lời nhạc Con Xin Cám Ơn Cô Thầy, nhạc Trung Hoa, không rõ tên người dịch)
Trong tiếng nhạc nhẹ nói về Thầy Cô, những cô bạn nữ (Trần Thị Mai, nguyên hiệu phó trường Phan Thanh, Nguyễn Hà, giáo viên âm nhạc trường Điện Biên Phủ, Đỗ Thị Thu Hương giáo viên trường Phù Đổng, cùng các cựu học sinh Hồng Đức, Sao Mai như Võ Thị Lý, Lệ Thủy, B. Hoa, Bích Hoa, Tuyết Thanh, Thanh Thủy) thướt tha trong những tà áo dài đủ màu, đủ sắc, khuôn mặt tươi vui, đầy tình nghĩa đã trân trọng kính dâng quý Thầy những bó hoa khoe sắc. Nhìn nét mặt cười vui, những lời cám ơn nhỏ nhẹ, những cái bắt tay chân tình, sao ai có thể quên được những hình ảnh này, giây phút này.
… Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh
Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi
Thời gian trôi nhanh mau, cầu Kiều thầy đưa qua sông
Tuổi ấu thơ như hoa nở dưới mái trường
Một con đò sang ngang – Ôi lòng thầy mênh mang ! (lời nhạc Khi Tóc Thầy Bạc Trắng của nhạc sĩ Trần Đức.)
Đúng tóc Thầy đã trắng, nhưng cái quan trọng là sức sống quý Thầy vẫn còn và đó là điều may mắn cho ta những người từng là học sinh một thời được gặp, được trao, được nói và được nhìn thấy… Thật thân thương và quý mến…
Hôm nay sau những gian truân bận rộn của cuộc sống, chúng ta hơn 70 đứa học sinh đủ mọi thành phần trong xã hội vẫn còn cơ hội sum họp để chúc mừng, để hát, và ngợi ca những tấm lòng, những kiến thức thu nhận từ quý Thầy Cô… để ta như :
… Như dòng sông luôn nhớ về nguồn
Như đàn chim không quên tổ ấm
Em trọn đời ghi sâu công ơn những người dạy dỗ em nên người (lời nhạc Nhớ Ơn Thầy Cô, không rõ nhạc sĩ sáng tác)
Để rồi từ đó cô giáo viên âm nhạc trường Lê Quý Đôn, Tuyết Thanh với chất giọng một người ca sĩ, một người đào tạo, đã dạy cho bao nhiêu em nốt cao nốt thấp, cách hát, lời ca nhẹ nhàng, truyền cảm cất lên những câu lời trong ca khúc Những Điều Thầy Chưa Kể của nhạc sĩ Trần Thanh Sơn.
Music. Nghe nhạc Những Điều Thầy Chưa Kể do Trần Phát Đạt trình bày
… Thầy kể về vầng trăng trong ca dao thuở nào.
Thầy kể về cơn mưa trên đồng ruộng quê ta.
Vầng răng vàng lục bác, ai mang xẻ làm đôi
Cơn mưa từng câu hò, rộn ràng cánh cò bay.
Cũng có một vầng trăng. Nhưng sao thầy không kể,
Những đêm ngồi soạn bài. Ánh trăng vàng khuya khoắt.
Và vào những cơn mưa. Thầy ơi sao không kể
Mùa mưa thầy lặn lội Sớm chiều với đàn em.
Bao nhiêu là bụi phấn sao không kể thầy ơi!
Bao nhiêu là bụi phấn sao không kể thầy ơi!…
Tuyết Thanh đã đưa cả hội trường lắng yên lòng nghĩ đến thật có những điều Thầy đã kể Thầy đã dạy, nhưng rồi cũng có quá nhiều điều Thầy không kể và ta hình như chưa một lần nghĩ đến.
Rồi thì tiếp đến những bài hát nói về Trường Xưa, về Thầy Cô, do các cô Võ Thị Lý, Lệ Thủy qua bài Trường Làng Tôi của Phạm Trọng Cầu:
… Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh muôn chim hót vang lên êm đềm.
Lên trường tôi, con đê bé xinh xinh len qua đám cây xanh nhẹ lướt.
Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ che trên miếng sân vuông mơ màng.
Trường làng tôi không giây phút tôi quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh. (dù cách xa muôn trùng trường ơi…)
Rồi Cô Nguyễn Hà cũng là một giáo viên âm nhạc trường Điện Biên Phủ đưa cả hội trường nghĩ đến những ai đã từng đưa người qua sông, trồng cây, trồng người cho mai hậu, cho xã hội vẫn mãi tiến bước những suy tưởng qua bài “Em Đi Trồng Cây Cho Đời Trẻ Mãi” của Trần Quang Lộc.
Rồi B. Hoa qua bài “Trường Cũ Tình Xưa” của nhạc sĩ Duy Khánh
… Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ
Nhiều nét đổ thay tường mái rêu mờ
Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa
May ra có còn đôi đứa…
Lòng tôi chợt thấy buồn khi thật sự thấy ngôi trường xưa đã dần biến dạng, thay hình đổi trạng và không biết ngôi trường có còn nữa không trong những lần về tới…
Rồi cả Băng Thanh… người dẫn chương trình đã trình diễn ca khúc do chính anh sáng tác mang tên “Má Lúm Đồng Tiền” mà anh cho biết là sáng tác để nói về mối tình tuổi học trò… thơ ngây, hồn nhiên, nhí nhảnh… cất lên trong những tiếng vỗ tay của người hiện diện…
Những ca từ, những biểu diễn đã đưa mọi người trở về những năm tháng xa xưa mà bay giờ dần tàn phai theo trí óc già nua, lẩm cẩm…
Nhưng điều làm cho cả hội trường buổi lễ ngạc nhiên nhất là Thầy Nguyễn Nguyên – nguyên giáo sư dạy toán với những đường cong queo, những con số khó nuốt lại cùng một cựu học sinh cất lên lời của bài ca “Anh Đến Thăm Em Đêm Ba Mươi”, sao nhịp nhàng, sao ăn điệu, sao đúng nhịp… mà khỏi cần phải tập dượt. Cứ nghĩ như Thầy cũng đã từng là một ca sĩ – nghề tay trái ngoài nghề dạy toán. Dù là nghiệp dư nhưng cũng mang đến cho cả hội trường sự ấm ấp trong một thứ tình. Thứ Tình. Lại thêm một lẫn nữa sống dậy trong lòng mọi người một thứ tình yêu trai gái thật đẹp, thật quyến rũ, thật dễ mến, thật thân thương, bỏ lại trong ký ức bao mối tình ngang trái, bao kỷ niệm đón đưa.
Không đẹp sao được khi đến thăm nhau trong đêm tối trời ba mươi của một mùa thu ảm đạm. Trời không trăng sáng, sao nhìn thấy mặt nhau. Có thế mà vui chẳng đêm nào vui bằng. Tay trong tay lạnh run vì gió nhưng tình ấm, tình nồng, rồi nụ hôn nhè nhẹ trên đôi môi mềm để cùng nhớ về nhau trong giấc ngủ nồng ấm và làn hơi thơm tho của nụ hôn phảng phất.
Đẹp và đẹp thật khi giọng ca thầy làm cả hội trường im và im mỗi khi Thầy lên giọng Thầy xuống gịong theo ca từ và lời hát.
… Rồi …
Tháng ngày đã trôi qua. Tình đã phôi pha
Người khuất xa. Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba. Rụng cùng mùa.
Dòng sông đêm. Hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc. Hay lệ khóc nhau
Đá buồn chết theo sau. Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không. Cuộc tình đau….
Đúng tháng ngày đã trôi qua, những cuộc tình cũng đã phôi pha. Rồi người đã khuất xa nhưng hương xưa vẫn còn. Đúng những tình cảm trai gái, thầy trò cũng dần phôi pha theo năm tháng nhưng có điều chắc chắn là dư âm hôm nay vẫn còn đọng lại trong tâm tưởng của mọi người hiện diện, cả Thầy lẫn Trò.
Rồi biết bao bài ca do các “ca sĩ tại chỗ” trình diễn, càng làm cho hội trường vui nhộn, nhưng rồi cuối cùng cũng phải nói lời tạm biệt kết thúc khi cuộc vui vẫn còn đang nối tiếp.
Trời lại trút mưa, những cơn mưa nhẹ giữa đêm khuya vắng sao nghe não lòng. Tiếng người hướng dẫn đã làm mọi người chợt bừng nhớ như sau một cơn mê. Sức khỏe quý Thầy không cho phép chúng ta kéo dài hơn nữa. Phải nói lời từ giã, tạm biệt. Từ giã, Tạm biệt sao nghe đau xót vì sau những giây phút này, biết bao giờ mọi người lại có cơ hội nhìn thầy, nhìn bạn hay lại gặp nhau mà nghe thêm những mất mát đau thương khó tả, mà trong một bài viết một thằng bạn đã thốt: “… anh em mình đã hối hận như thế nào khi vài tuần trước đó cứ lần chần mãi chưa kịp đến thăm thầy. Thay vì một đoá hoa hồng mang đến thăm thầy lúc thầy còn sống, bọn mình đã đến viếng thầy bằng một vòng hoa tang trắng. Cái gì đã mất đi thì không bao giờ lấy lại được, do đó đừng chần chờ, đừng trì hoãn. Cái gì anh em mình có thể làm được cho quý thầy hôm nay không nên để đến ngày mai.”…
Sinh Lão Bệnh Tử – Sống Chết là cái vòng lẩn quẩn, cái vòng luân hồi của tạo hóa đã muôn đời. Sao biết được ngày mai là ngày mai nào?
Vài lon bia làm gì say được anh em chúng tôi nhưng rồi hình như đó đây cũng có vài người say, cái say ngất ngưỡng giữa đêm khuya vắng, cái say ngọt ngào dâng cao khi gặp, nhìn thấy những khuôn mặt một thời yêu thương, nhớ nhung… Say ngắn gọn nhưng đầy trọn nghĩa tình vấn vương trong lòng của những cái bắt tay từ giã, của những lời nói nghẹn ngào tạm biệt, hẹn gặp… tất cả ra về trong nỗi bùi ngùi… giữa đêm khuya lạnh và gió rì rào.
Tôi và một vài người bạn còn đứng lại để vẫn mãi và cố quyện thêm cho mình những cảm giác thân thương, những hơi ấm bạn bè, những run tay lạnh ngắt vì hơi khuya của Thầy Cô… để rồi cất giữ trong lòng… để tôi lluôn có dịp nghĩ về mà quý mà mến mà thấy mà thương … vì mấy tôi còn dịp tốt như lần này.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng lại phải nối gót theo sau, rời khỏi nhà hàng – địa điểm tổ chức trong luyến nhớ dâng trào.
Ngồi sau yên xe honda do thằng bạn nối khố chở, và dù cái nón đội trên đầu cản tầm nhìn trong đêm tối, nhưng tôi vẫn cố quay đầu nhìn lại, nhìn lại để chỉ thấy một vùng không gian yên lặng, thật yên lặng…
Dưới những làn mưa bám mặt chúng tôi, hai đứa cùng nhau đèo trên chiếc honda cũ kỹ của thời 60-70. Chúng tôi đèo nhau quanh thành phố nhiều vòng để làm gì đến nay cả hai chúng tôi cũng không biết để làm gì.
Chắc có bạn nghĩ là hai thằng này khùng khùng hay điên điên gì đó. Chớ sao khuya, lại mưa mà lái xe chạy rong rong. Nhưng không thưa bạn, chúng tôi cả hai vẫn tỉnh táo, không say, không xỉn, không khùng và cả không điên gì hết nhưng vì chúng tôi cả hai đã là người xa lạ ngay chính thành phố chúng tôi đã lớn lên, đã cùng cắp sách đến trường, đã cùng quậy phá, và đã có nhiều, rất nhiều kỷ niệm thân thương cùng biết bao điều nữa không nhớ hết được. Chúng tôi đèo nhau chạy loanh quanh thật vì thành phố nay đã có nhiều con đường mới mà chúng tôi không biết, trong khi những con đường thân quen một thuở lại không còn. Đường khuya xe vắng, mưa rơi càng làm chúng tôi cảm thấy nỗi trống vắng cô đơn. Cái cô đơn thật sự, buồn tẻ của kẻ tha hương tìm về cố quận.
Duy chỉ một điều là không rõ chúng tôi tại sao lại cứ đèo nhau rong rong giữa lòng thành phố, im lìm dưới cơn mưa. Đó đây thấy loáng thoáng vài bóng người trú mưa dưới mái hiên những căn nhà nằm cạnh mặt đường. Chúng tôi tấp vội như mọi người khi cơn mưa càng lúc càng nặng hột. Trong cái lạnh, trong đơn lẻ cả hai chúng tôi mới thấy thấm cái nỗi buồn về đêm, trong chúng tôi những cào cào khó chịu dâng lên, và chính ngay trong những khoảnh khắc ngắn ngủi này cả hai mới nhận ra một điều là bụng lép rẹp vì cả hai chẳng có gì cho cái bao tử suốt từ sáng tới giờ. Mặc dầu giữa buổi lễ thức ăn dọn đầy bàn nhưng vì phải lo chụp hình, chào hỏi, trò chuyện với quý Thầy, lại nữa lòng chúng tôi cả hai thấy vui mà quên mất cả ăn uống, để giờ chúng tôi thấy ĐÓI.
Ghé vào quán mì bên đường gần quán Phì Lũ, quán vắng khách vì mưa, chúng tôi mỗi đứa kêu một tô mì, rồi cùng ngẫm nghĩ lại những điều buồn, vui trong chuyến về lần này.
Trên đường về cả hai cùng bảo nhau thôi chuyện buồn bao giờ chẳng có, hãy cố quên đi mà nên nhớ những điều vui, tốt đã gặp.
Thật. Sáng hôm sao thức dậy trễ, tôi mới nghe các đứa em nói sao lâu nay thấy anh ngủ không ngon nhưng sao hồi hôm anh ngủ ngon, do đó chúng em không dám đánh thức anh, cứ để anh ngủ. Tôi à một tiếng nhưng trên miệng nở vội một nụ cười vui và hạnh phúc.
Hoa Bắc cực