Thời học trò, có vài lần được phần thưởng, nhưng phần thưởng báo chí năm lớp 12 mang lại cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc nhất. Một chồng sách mới tinh của hai nhà xuất bản uy tín nhất lúc bấy giờ là An Tiêm và Lá Bối. Tôi nghĩ ngay rằng đây là sách do thầy lựa chọn. Tôi run lên vì xúc động và sung sướng. Phần thưởng của thầy dành cho riêng tôi. Bên cạnh một số tác phẩm văn học nổi tiếng, có hai cuốn có vẻ lạ lẫm với sách thường hay đọc của tôi thời đó là Sử ký của Tư Mã Thiên (bản dịch của Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê) và Lịch sử văn minh Ấn Độ (của Will Durant, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê). Không hiểu sao, ngay lúc mở trang đầu hai cuốn sách này sách ra, tôi đã viết lên phía trên chỗ đóng dấu hiệu đoàn trường Phan Châu Trinh mấy chữ “Sách của thầy Trần Thông“.
Dù phải chúi đầu học để thi tú tài toàn, rồi đại học, hằng ngày tôi cũng tò mò giở “sách của thầy“ ra đọc vài trang và đã bị lôi cuốn ngay, nhất là quyển Lịch sử văn minh Ấn Độ. Nó đã theo và gắn bó với tôi từ đó, đến nay và có lẽ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không hiểu vì sao tôi thi vào ban Sử Địa trường Đại học sư phạm Huế, để rồi trở thành người dạy Lịch sử trong hơn ba mươi năm. Chắc hẳn phải có một một chút ham vui như cách thức tôi vẫn sống ở đời. Nhưng đến lúc này, khi đã chấm hết công việc học để dạy lịch sử, tôi mới mang máng ngộ ra rằng sự chọn lựa nghề ngành hoàn toàn tự do của mình ở tuổi mười tám còn là do một thứ trực cảm thú vị cho công việc vừa phải công phu, vừa được vi vu của nghề dạy Lịch sử sau này.
Bốn năm ở đại học, tôi ít đến lớp để học, mà chủ yếu là nằm nhà để đọc. Hai cuốn sách – phần thưởng của thầy là hai công trình sử học đầu tiên tôi đọc để học trong đời. Sử ký của Tư Mã Thiên dạy cho tôi bài học về nhân cách của người viết sử. Lịch sử văn minh Ấn Độ của Will Durant bồi dưỡng cho tôi tinh thần khoa học và thái độ cầu thị của người nghiên cứu lịch sử. Tôi có được chút gì trong nghề, trước tiên là do học được ở đó.
Ra trường, tôi chọn dạy học môn Lịch sử thế giới cổ trung đại, thiên về văn hoá – văn minh, hơn là mảng tri thức về chính trị, chiến tranh… thường chiếm ưu thế trong bộ môn lịch sử trước đây. Bài dạy đầu tiên của tôi là Lịch sử Ấn Độ cổ trung đại. “Sách của thầy” trở thành tài liệu tham khảo chính, nhưng lúc bấy giờ tôi chưa dám nói rõ nguồn vì là sách xuất bản ở miền Nam trước 1975 (nay thì đã được tái bản nhiều lần và in rất sang trọng). Từ những năm 1980, tôi bắt đầu tìm hiểu để sau đó dạy về văn hoá Champa, cũng xuất phát từ những hiểu biết về văn hoá Ấn Độ. Tôi đã hướng dẫn nhiều khoá luận tốt nghiệp về văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ cũng là do lòng kính trọng hai sử gia Tư Mã Thiên và Will Durant, mà sự gợi hứng bắt nguồn từ “sách của thầy“.
Khi chuẩn bị dạy giờ đầu tiên trong đời, tôi loay hoay nhiều đêm với câu hỏi “Dạy như thế nào?”. Đó là những ngày mưa dầm dề của xứ Huế những ngày đầu tháng mười một, năm 1977, nằm trong căn phòng trọ dột ướt, bên cuốn “sách của thầy“, tôi bỗng dưng sáng dạ nghĩ ra “Dạy như thầy“. Ừ, dạy như thầy dạy chúng tôi bài ca dao “Đêm buồn“ năm lớp mười. Tôi dạy theo “phong cách của thầy“ và không bị chê ở giờ đầu tiên trong đời. Phong cách của thầy như thế nào tôi không thể nói ra được. Khi hướng dẫn một giảng viên trẻ tập sự giảng dạy, tôi đặt ra yêu cầu có vẻ khác thường là người dạy học phải có phong cách riêng của mình. Và tôi đã nêu ra một kiểu phong cách, như phong cách của thầy tôi, thầy Trần Thông. Ở điểm này, tôi muốn nhấn mạnh rằng phong cách còn bao gồm cả sự tôn trọng và thái độ ứng xử nhân văn của thầy, thầy Thông, đối với học trò. Đọc blog của Đặng Ngọc Khoa cách đây đúng một năm, tôi biết thêm một điều về thầy. Hằng tháng, với đồng lương giáo chức của mình mà thầy vẫn trích ra một khoản hỗ trợ cho các học trò nghèo. Có lẽ, Đặng Ngọc Khoa theo “phong cách“ của thầy nên đã trở thành một nhà báo hết sức năng nổ, sống chết với công tác từ thiện. Và nay Khoa đã theo thầy rồi…
Cách nay tròn một năm tính theo lịch mặt trời, vào ngày ba tháng mười một, nước mắt khóc thương thầy đã nhỏ xuống các trang web, blog… của nhiều thế hệ học trò trường Phan Châu Trinh, Đại Lộc, Hoà Vang. Khóc không chỉ là sự tiếc thương, bởi sinh tử là lẽ thường, mà khóc còn là nhớ thầy. Nhớ thầy là nhớ phong cách của thầy. Có lẽ không đợi đến Tiểu tường, thầy đã lên Trời từ Chung thất hoặc Tốt khốc. Còn lại trên đời này, trong học trò của thầy một phong cách sang trọng và đẹp đẽ.
3. XI. 2010, Nguyễn Văn Đoàn