Nói vòng vòng đến lời ca Lệ Đá và vài chuyện quanh quanh nhưng không thể quên được nhạc sĩ Trần Trịnh. Ông là một trong bộ ba ký tên Trịnh Lâm Ngân (Trịnh là ông Trần Trịnh, Lâm là Lâm Đệ, con trai chủ hãng dĩa Sóng Nhạc, người này không tham gia việc sáng tác, chỉ đứng tên cho có đủ bộ ba và Ngân là ca nhạc sĩ Nhật Ngân, nguyên tên là Trần Nhật Ngân mà tôi đã có dịp đề cập trong một bài viết trước đây). Bút danh Trịnh Lâm Ngân là do ông chủ hãng dĩa Sóng Nhạc đặt cho với hy vọng tạo được danh tiếng, vị trí như nhóm Lê Minh Bằng – tức nhóm 3 nhạc sĩ (Lê là Lê Dinh, Minh là Minh Kỳ, và Bằng là Anh Bằng) vốn đang rất nổi tiếng vào thời gian đó.
Nhạc sĩ Trần Trịnh tên thật là Trần Văn Lượng. Ông không chỉ viết ca khúc mà còn dành nhiều thời gian cho công việc nghiên cứu nhạc jazz. Nghệ danh Trần Trịnh hình thành từ việc ghép họ của ông với thần tượng của ông, thầy dạy nhạc Rémi Trịnh Văn Phước.
Tác phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Trần Trịnh là Cung đàn muôn điệu, được lên ý tưởng từ năm 14 tuổi nhưng 3 năm sau mới hoàn tất. Công việc mưu sinh của nhạc sĩ Trần Trịnh là nhạc công piano ở các phòng trà, vũ trường.
Ca khúc Lệ Đá ra mắt 1968 và đây cũng là thời điểm cái tên Trần Trịnh trở thành ngôi sao của làng sáng tác. Từ 1968 ông là người điều khiển chương trình Đại Hợp Tấu và Hợp Xướng “Đống Đa” trên Đài truyền hình.
Người vợ đầu tiên của ông là ca sĩ Mai Lệ Huyền (cưới nhau năm 1964) người cùng ca sĩ Hùng Cường trong gần như các bài ca kích động nhạc thời bay giờ mà gần như tất cả ca khúc này do Trịnh Lâm Ngân sáng tác.
Tháng 10 năm 1995, do sự bảo lãnh của chị, ông cùng với người vợ sau và 2 con qua Hoa Kỳ. Đầu năm 1996, Trần Trịnh dời xuống Quận Cam để có nhiều cơ hội cho hoạt động âm nhạc. Ông được trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 66 giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của ông, cùng với Nhật Ngân và Ngô Thụy Miên.
Về sau, ông chỉ tham gia vào “The Stars band” là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn thành lập và làm trưởng ban, trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng. (Trích)
Nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời vào lúc 5.25 giờ chiều Thứ Tư 10.10.2012 tại bệnh viện UCI California, hưởng thọ 76 tuổi. Và Tang Lễ – Hỏa Táng (theo nguyện ước) đã được cử hành theo nghi thức Phật giáo vào lúc 2.00 giờ chiều ngày Thứ Bảy 20.10.2012 tại nhà quàn Melrose Abbey Memmorial Park, Cali, Hoa Kỳ.
Ông không được mọi người biết qua Lệ Đá mà còn được luôn nhắc đến qua nhiều ca khúc khác mà một trong những ca khúc nổi tiếng phải đến đến ca khúc Hai sắc hoa ti gôn phổ từ thơ của thi sĩ T.T.KH. Một bài thơ mà tuổi ta lúc đó ai cũng thuộc không toàn bài cũng vài câu hay ít lắm cũng nhớ cái tên T.T.KH. khá ly kỳ cho mãi tới nay cũng chưa có tài liệu nào nói rõ T.T.KH là ai? Của thi sĩ nào ẩn tên…
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu thương
…
Từ đấy, thu rồi, thu, lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”
Xin mời nghe nhạc phẩm này với tiếng hát Như Quỳnh
Bấm vào mũi tên ỡ giữa màn hình để nghe nhạc
http://www.youtube.com/watch?v=8of7Y88u3nk
nếu không nghe được xin dần vào đường link
http://www.youtube.com/watch?v=8of7Y88u3nk
hay nghe nhạc qua dạng mp3. Xin bấm vào linh đính kèm
HaiSacHoaTiGon_NhuQuynh
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Hai-sac-hoa-ti-gon-Nhu-Quynh/IW6OBU9E.html
Lệ Đá hay Hai Sắc Hoa Ti Gôn, hay Xuân Này Con Không Về, Mùa Xuân Của Mẹ, Qua Cơn Mê, Yêu Một Mình, Hai Trái Tim Vàng, Bao Giờ Ta Gặp Lại Ta, Em Vẫn Hoài Yêu Anh… chỉ là một vài trong những sáng tác của nhạc sĩ.
Nay nhạc sĩ đã “vỗ cánh bay đi” nhưng sao ta quên được những gì ông để lại cho ta, cho đời và muôn sau những câu hỏi mà không biết đến bao giờ mới có câu trả lời. “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời / Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời / Hỏi những đêm sâu đèn vàng héo hắt…” (Lệ Đá)
Hay mượn thơ của T.T.KH mà cất lên: … “Nếu biết rằng tôi đã có chồng / Trời ơi ! Người ấy có buồn không?” (Hai Sắc Hoa TiGôn)
Nhưng một điều mà ai đã một lần bước vào “YÊU” thì không thể nào quên “Nhớ môi em và màu mắt biếc”… (Lệ Đá)
Để phụ thêm bài, xin ghi lại 5 ca khúc Lệ Đá qua thời gian.
Lệ Đá đầu tiên được sáng tác khoảng cuối năm 1967 – Nhịp 4/4 thiết tha, thể điệu Slow Rock, hợp âm La trưởng.
Lệ Đá lời 1.
1. Hỏi đá xanh rêu… bao nhiêu tuổi đời / Hỏi gió phiêu du… qua bao đỉnh trời / Hỏi những đêm sâu… đèn vàng héo hắt / Ái ân… bây giờ là nước mắt / Cuối hồn một… thoáng nhớ mong manh.
2. Thuở ấy tôi như… con chim lạc đàn / Xoải cánh cô đơn… bay trong chiều vàng / Và ước mơ sao… trời đừng bão tố / Để yêu thương… càng nhiều gắn bó / Tháng ngày là… men say nguồn thơ.
Điệp khúc: Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa.. rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi
3. Mầu áo thiên thanh… thơ ngây ngày nào / Chìm khuất trong mưa… mưa bay rạt rào / Đọc lá thư xưa… một trời luyến tiếc / Nhớ môi em… và mầu mắt biếc / Suối hẹn hò… trăng xanh đầu non.
Lệ Đá lời 2 – sáng tác khoảng đầu năm 1968
1. Tượng đá kiên trinh… ru con đời đời / Là nét đan thanh… nêu cao tình người / Là ánh chiêu dương… đẩy lùi bóng tối / Tháng năm xa… trùng trùng sóng gối / Ngóng nhìn từ… bát ngát chân mây.
2. Bài hát ca dao… theo tôi vào đời / Và giữ cho tim… tôi xanh nụ cười / Nào biết trong em… còn nhiều trống vắng / Trái yêu đương… chỉ là trái đắng / Gã tật nguyền… buông trôi niềm tin.
Điệp khúc: Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa… rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi.
3. Tượng đá kiên trinh… ôm con đợi chồng / Nhạc lá thu mưa… hay chân ngựa hồng / Lệ đá tuôn rơi… dòng dòng nối tiếp / Ngóng chinh phu… đời đời kiếp kiếp / Suối vọng tìm… trăng xanh đầu non.
Lệ Đá lời 3 – sáng tác tháng 9, 196
1. Từ những đam mê… xa trong cuộc đời / Từ những cơn vui… tan theo nụ cười / Từ phút trao đi… cuộc tình thứ nhất / Giá băng khi… tuổi hồng đã mất / Dấu bèo chìm… khuất sóng xa khơi.
2. Dòng tóc mây thơ… trên vai rủ mềm / Mười ngón tay em… đan trong tủi phiền / Lời hứa cao bay… cuộc tình cút bắt / Giấc mơ hoa… đầu đời đã tắt / Có gì vừa… trôi qua tầm tay.
Điệp khúc: Người đi… đi mãi… không về/ Thời gian… xoá vội… câu thề / Bóng anh… nhạt nhoà… bóng núi / Em với tình… yêu trăng soi
3. Lạy chúa ngôi… ba nghe con nguyện cầu / Và giúp cho con… quên đi tình sầu / Lời thánh ru êm… giọt đàn thống hối / Chúa trên cao… mỉm cười thứ lỗi / Những giọt đàn… vang trong trời tin.
Lệ Đá lời 4 – viết riêng cho Khánh Liên, khởi từ tháng 4, 1975 hoàn tất tháng 7.1975
1. Từ nỗi xa đau… như đêm và ngày / Mỏi cánh thư bay… bay trong mùa đầy / Hòn đá đeo trên… cuộc đời héo hắt / Mãi bơi trong… vực sầu nước mắt / Chút tình buồn… lãng đãng men say.
2. Người lỡ chia xa… đôi bên địa cầu / Tình lỡ chia xa… hai bên đỉnh sầu / Người đã xa khơi… cuộc tình tách bến / Chút hương xưa… làm thành vốn liếng / Cũng cùn mòn… theo chân thời gian.
Điệp khúc: Muà xanh… đã khép… mắt đời / Hè khô… nức nở… ma cười / Gió thu… liệm vàng… nỗi nhớ / Đông xám… màu tang… nơi nơi.
3. Một nét sao bay… trên khung trời buồn / Ngọn lá me khô… lăn trên mặt đường / Tưởng tiếng chân quen… tìm về lối ngõ / Tiếng chân xưa… chỉ là tiếng gió / Gió thở dài… lung lay hồn trăng.
Lệ Đá lời 5 – viết riêng cho Nguyệt Lãng
1. Từ lúc yêu trăng… tiêu hoang cuộc đời / Từ phút say hoa… tương tư biển trời / Muội rót cho huynh… ngọt ngào suối biếc / Đắm say trên… từng hàng chữ viết / Cũng muộn phiền… suốt kiếp chưa vơi.
2. Sợi tóc biên cương… xa hơn ngàn trùng / Nguyệt lãng sông chia… tang thương chẳng cùng / Là nhánh phong lan… vì người vẫy gió / Lúc trăng vơi… người còn mãi nhớ / Vẫn nồng nàn… thơm hương tịnh yên.
Điệp khúc: Tình đau… lấp lánh… cuối trời / Ngàn khuya… gió thở… vai người / Tóc đêm… mượt mà… suối nhớ / Trăng đắm… hồn si… trăng trôi.
3. Tình lỡ đăng quang… sông vui, dặm phiền / Còn chút dư hương… vương trên cỏ hiền / Để mãi thương nhau… đời này kiếp khác / Những đêm sâu… thảng lời gió hát / Khúc tình hoài… trăm năm, ngàn năm.
Tất cả các lời của Lệ Đá đều do thi sĩ Hà Huyền Chi viết, và Lệ Đá lời 1, nổi tiếng và cũng biết đến nhưng đối với thi sĩ thì: “Dường như tôi thích Lệ Đá 5 này hơn những lời cũ. Tình và thơ mượt mà như sóng trăng, suối biếc, cỏ hiền. Không có chỗ cho sáo ngữ, đại ngôn. Lời ca này được chôn giấu nhiều năm trong kho riêng kỷ niệm trăng sao. Và hôm nay, sinh nhật tôi, nàng đã bất ngờ trao lại chìa khoá kho tàng. Tôi mở lòng ra cùng Nguyệt Lãng” (trích bài phỏng vấn với thi sĩ Hà Huyền Chi).
Nhưng dù gì thì ta đã quen nghe Lệ Đá lời 1, và biết đến nhạc sĩ Trần Trịnh thì cứ như:
Bao năm Lệ Đá vào lòng
Bây giờ Lệ Đá cô đơn bay về
Tình yêu đã vỗ cánh bay
Nhưng sao quên được môi em ngày nào
Là hoa rót mật cho đời
Chắt chiu kỷ niệm nhớ gì không em…
Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ như làn gió thoảng, trong chốn tịnh không nơi nhạc sĩ đã chọn về, đến…
Ngọc Nhân (biên soạn từ nhiều nguồn sưu tập)