Âm Nhạc: Ca sĩ và các bài hát giọng Quảng (2/2) (Ngọc Nhân)

Qua bài Ca sĩ và các bài hát giọng Quảng (1), tôi đã hé lộ cho mọi người biết người hát nhạc bolero giọng Quảng phát tán trên YouTube là Nữ Ca sĩ Ánh Tuyết. Nhưng ca sĩ Ánh Tuyết là ai???

Nay xin thưa ngắn gọn đôi điều về người ca sĩ này như sau:

Cô tên thật là Trần Thị Tiếc, sanh ngày 1/3/1961 tại Hội An, Quảng Nam. Ánh Tuyết bước vào đường ca hát chuyên nghiệp từ năm 1969, sau đó về đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng năm 1978, rồi bước vào nhạc viện Huế năm 1980. Sau khi tốt nghiệp Ánh Tuyết về sinh hoạt với đoàn Hải Đăng của Khánh Hà.

Vào tháng 7/1993 nữ ca sĩ Ánh Tuyết được mời hát trong một chương trình riêng của nhạc sĩ Văn Cao, và Văn Cao đã vui và cười ra nước mắt. Có người hỏi lý do ông cho biết vì có người hát nhạc của mình hay đến vậy.

Nữ Ca sĩ Ánh Tuyết

Nữ ca sĩ thành lập ban nhạc ATB sinh hoạt ở Sài Gòn và là chủ nhân phòng trà ca nhạc ATB ở đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận Sài Gòn mà cá nhân người viết đã ghé vào thưởng thức một vài lần trong những dịp về Việt Nam.

Ca sĩ Ánh Tuyết với giọng hát đa dạng đã thể hiện khá thành công không chỉ nhạc của Văn Cao mà còn của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như: Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Thẩm Oánh, Lam Phương, Phạm Duy, Phó Đức Phương, Phạm Trọng Cầu… và cả Trịnh Công Sơn… Đặc biệt nhất là các nhạc phẩm thuộc thể loại Nhạc Tiền Chiến.

Nữ ca sĩ bắt đầu thử nghiệm hát các ca khúc bằng giọng Quảng từ một phòng thu âm của một người bạn có tên ”Minh Kèn” tại Đà Nẵng cùng với tài hòa âm phối khí của Ngọc Minh chủ nhân phòng thu âm, mà người nghệ sĩ này đã tự chơi tất cả các loại nhạc cụ đệm cho cô hát, mặc dù hai mắt anh không nhìn thấy gì. Được sự khuyến khích của chính chủ nhân phòng thu âm cùng nhiều thân hữu hay qua một số thính giả khác sau khi nghe bài Mưa Chiều Kỷ Niệm được phát tán trên YouTube. Mà ca khúc này lúc đầu chỉ để là giọng hát người Quảng, và cũng chưa được hoàn chỉnh phần giọng, từ âm… mà chỉ mới được đưa cho vài người bạn nghe thử, để cho ý kiến, .. Ai ngờ nhưng những người bạn này đã đưa lên YouTube để rồi sự việc cứ thế mà …. được yêu cầu tiếp?? Và tiếp…

Từ đó Ánh Tuyết đã mở ra một đường mới cho riêng mình trên bước đường phục vụ thính giả nghe nhạc nhất là thính giả người Quảng… Nữ ca sĩ cho biết là cô sẽ ra mắt vào cuối năm 2012 một Album gồm 2 CD – 1 CD hát bằng giọng Quảng và 1 CD hát bằng giọng thông thường (Bắc) cho cùng 7 ca khúc thuộc thể loại bolero, gồm: Mưa Chiều Kỷ Niệm, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Nỗi Buồn Gác Trọ, Mưa Rừng, Em Về Kẻo Mưa, Tình Bơ Vơ, Em Chờ Anh Trở Lại,…

Vào lúc 9 giờ sáng Chủ Nhật ngày 9/9/2012, tại Thư quán Đo Đo (10/14 Lương Hữu Khánh, Q.1, TP.HCM), ca sĩ Ánh Tuyết đã hát cùng lúc 7 ca khúc trong CD sắp phát hành với giọng rặt quê hương Quảng Nam của chị.

Tại sao bà chủ phòng trà ATB lại hát giọng Quảng Nam vào buổi sáng ngày Chủ nhật như vậy? Hóa ra, ca sĩ Ánh Tuyết đến chung vui với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Lê Minh Quốc trong buổi ký tặng 3 cuốn sách: Sương Khói Quê Nhà, Người Đi Ăn Mì Quảng (tác giả Nguyễn Nhật Ánh) và Hoàng Tử Bé Trong Thế Giới Tuổi Thơ (Lê Minh Quốc). Tại sao ca sĩ Ánh Tuyết lại có mặt trong buổi ký tặng sách này? Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: Vì cả ba chúng tôi đều sinh ra và lớn lên ở xứ Quảng. (ngưng trích)

Nhưng tại sao lại là thể điệu Bolero…

Bolero là một điệu nhảy ¾ bắt nguồn từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 nhưng sau đó thể điệu này được phát triển mạnh tại Cuba với các nghệ sĩ hát rong và từ đó lan tỏa qua Mexico, châu Mỹ latinh rồi toàn thế giới. Bolero mang âm hưởng lãng mạn, trầm buồn, tha thiết chứ không sôi động, rực lửa như nhiều giai điệu của âm nhạc Mỹ Latinh.

Bất kể màu sắc âm nhạc có thay đổi theo văn hóa, xã hội bản địa như thế nào đi chăng nữa, Bolero vẫn luôn giữ cho mình đặc trưng về ca từ. Dòng nhạc Bolero Việt Nam cũng vậy. Đó là những câu chuyện rất đời thường, về tình yêu và cuộc sống được kể bằng những ca từ dung dị, bằng những giai điệu gần gũi với tâm tư con người Việt Nam, được viết bằng những lời sáng rõ, mộc mạc và chân thành. Rất thật.

Trước giờ nhiều người vẫn cho rằng Bolero thuộc dòng “nhạc sến”. Tuy nhiên, “Bolero là nhạc bình dị, chứ không phải bình dân”, Ánh Tuyết nhận xét. “Hình như Bolero sinh ra là để dành cho chúng ta vậy”. Nhưng Bolero và giọng Quảng chẳng có điểm gì chung; khó dùng cái chất giọng hơi nặng nề, thô ráp này để hát. Nếu có điểm chung chăng thì có lẽ đó là tính chất dân dã.

Hiếm có ca sĩ nào, dù là người Quảng Nam, lại hát tân nhạc bằng giọng Quảng vì nó không dễ nghe do những âm từ đặc trưng của địa phương này. Thế nhưng việc hát với giọng Quảng có thể sẽ được nâng cao từ thử nghiệm nghệ thuật của một ca sĩ nổi tiếng, thành danh đã 30 năm nay. Ca sĩ Ánh Tuyết… (trích)

Giọng Quảng với những nét riêng đã tạo nên một bản sắc độc đáo nhưng lại không hề dễ nghe, dễ hiểu đối với những người ngoài xứ Quảng. Đôi lúc chắc họ còn tự hỏi: “Sao người Quảng phát âm sai chính tả nhiều đến thế?” Tuy vậy, đối với những người con đất Quảng, nhất là những người xa xứ, đây chính là nét không lẫn vào đâu được của quê hương.

Xin mời nghe 2 ca khúc

3. Em Về Kẻo Trời Mưa – Ánh Tuyết – hát giọng Quảng Nam
http://www.youtube.com/watch?v=V_nrsEkJIk4

4. Tình Bơ Vơ – Ánh Tuyết – hát giọng Quảng Nam
http://www.youtube.com/watch?v=BFJKQhzEAXg&feature=watch_response

Nghe giọng Quảng để nhớ giọng Quảng, để biết giọng Quảng… và đôi khi đã sống cùng với chất giọng này từ nhỏ mà ta vẫn không hay chưa chiêm nghiệm tường tận cái hay của riêng chất giọng đặc biệt này… hay của mỗi vùng quê hương khác nhau, như Huế, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, hoặc Nam, Bắc…. Một dịp nào đó có cơ hội sẽ viết thêm về cô ca sĩ gốc Quảng này với nhạc Trịnh, hay nhạc tiền chiến… vậy..

Ngọc Nhân (Viết từ nhiều nguồn bài vở trên net)

Để dễ theo dõi hay nhận biết ca từ của bài hát, xin đính lèm lời:

3. Em Về Kẻo Mưa (Em Về Kẻo Trời Mưa) (Sáng tác: Ngân Giang)
Nếu chiều nay không có anh, ai sẽ đưa em về? Trời sắp đổ cơn mưa, sao anh còn đứng mãi/ Hãy nói một lời, có phải anh giận em? Có phải anh giận em?
Nếu ngày mai xa cách nhau, em chẳng nên âu sầu/ Trời có đổ mưa ngâu, đôi ta chẳng tan vỡ/ Dẫu biết tình đầu rất dễ chia lìa nhau/ Để chìm vào trong bể dâu.
Yêu nhau từ độ nào, mấy mùa trăng lên cao/ Thiết tha mối duyên đầu, để tình đôi ta bền lâu.
Mùa thu lá bay bay thật nhiều/ Kỷ niệm càng thương bấy nhiêu.
Nếu tình đôi ta dở dang, anh hãy xem như là/ Một giấc ngủ chiêm bao, mai sau cũng quên hết/ Đôi hướng cuộc đời có lẽ không gặp nhau/ Em về kẻo trời mưa mau.

4. Tình Bơ Vơ (Sáng tác Lam Phương)
Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi/ Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng/ Trời vào thu việt Nam buồn lắm em ơi/ Mây tím đang dâng cao vời/ Mà tình yêu chưa lên ngôi
Ngày mình yêu/ Anh đâu hay tình ta gian dối/ Để bước phong trần tha hương/ Em khóc cho đời viễn xứ/ Về làm chi rồi anh lặng lẽ ra đi/ Gom góp yêu thương quê nhà/ Dâng hết cho người tình xa.
Anh đâu ngờ/ Có ngày đàn đứt dây tơ/ Một phút tim anh ơ hờ/ Trọn kiếp anh vương sầu nhớ
Nói đi em cả đời mình mãi đi tìm/ Cả đời mình xây ước mơ/ Cho ngày mộng được nên thơ/ Cuối cùng là tình bơ vơ
Cho anh xin một đêm trăn trối/ Gởi đống tro tàn năm xưa/ Dâng hết cho lần yêu cuối/ Rồi từng đêm/ Từng đêm nhịp bước cô đơn/ Em khóc cho duyên hững hờ/ Anh chết trong mộng ngày thơ.

Ngọc Nhân (viết từ nhiều nguồn bài vở trên net)

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s