Âm Nhạc: Lệ Thu – Nước mắt mùa thu (1/2) (Ngọc Nhân)

viết theo những bài vở từ nett để nhớ về một người ca sĩ… nước mắt (LỆ) mùa thu (THU)…

Mùa Thu với những cơn gió, những cơn mưa, những cơn lạnh … thường làm ta hay sống với những hoài vọng và hay suy nghĩ mông lung nhưng không thiếu ánh vẻ buồn buồn thu ảm đạm,…

Thu đến, Thu đi, Thu lại về… biết bao mùa Thu xa… Chẳng ai trong chúng ta không nghe hay đã từng thưởng thức những bài thơ buồn về mùa thu, hay những ca khúc viết về mùa Thu…

Một trong những ca khúc mà tôi muốn đề cập mang tên: Nước Mắt Mùa Thu mà nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác riêng cho ca sĩ Lệ Thu vào khoảng năm 69-70. Bản nhạc được viết với những nước mắt… ”Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều/ …  / Nước mắt mùa Thu khóc than triền miên/ Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài…” mà một thời ca sĩ Lệ Thu đã hát… và đã làm bao người một thời xa xưa đó cũng phải nước mắt … ”Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình/ Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc mỏng manh vụt đến rồi tan, như trăng thanh…”

Mời nghe ca khúc Nước Mắt Mùa Thu, Phạm Duy sáng tác, Lệ Thu trình bày. Lời nhạc phẩm xin xem thêm ở phần cuối bài.

 

Lệ Thu với cái tên chợt đến khi cô ca sĩ với cái tên thật Bùi Thị Oanh sanh ngày 16.07 năm 1943 (tức khoảng 70 tuổi tính đến nay) tại Hải Phòng, nhưng lớn lên ở Hà Đông trước khi theo mẹ vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1953. Cô theo học bậc trung học tại trường Les Lauries. Bố mẹ Lệ Thu sinh được tất cả 8 người con, nhưng 7 người con đầu đều qua đời vào năm lên 3 tuổi. Do đó Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong gia đình.

Lệ Thu đến với âm nhạc thật tình cờ… với sự khuyến khích của bạn bè, Cô Bùi Thị Oanh đã bước lên sân khấu phòng trà Bồng Lai vào năm 1959 với ca khúc Dang Dở (Tà Áo Xanh?) đã được ông chủ mời ký giao kèo ngay sau đó. Chưa chuẩn bị khi bị hỏi nghệ danh (nghệ danh là danh hiệu của giới sinh hoạt về nghệ thuật, hội họa, v.v… giống như bút hiệu của văn thi sĩ… Chú thích của tác giả) là gì? Lệ Thu trả lời: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu” (trích)

Từ đấy cùng với Khánh Ly, Thái Thanh,… Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới 1975 và là một trong những ca sĩ hàng đầu, quan trọng của các phòng trà Tự Do, Trúc Lâm Trà Thất, Queen Bee, Ritz.

Khi nói về Lệ Thu, Nguyễn Xuân Hoàng đã viết: ” …..Không một dân tộc nào thiếu tiếng hát của riêng mình. Không một người nào thiếu tiếng hát của cá nhân mình. Tuổi trẻ chúng ta đi qua, nhưng những tiếng hát vẫn còn y nguyên trong những chiếc dĩa nhạc cũ kỹ của mỗi người.

… Trong ý nghĩ đó tôi muốn viết về một tiếng hát của tôi: Lệ Thu, một trong số ít tiếng hát không ngừng chinh phục người nghe.

Từ hơn ba thập niên qua, tiếng hát của cô mỗi lần cất lên đều khiến người nghe phải dừng lại. Tiếng hát trời cho ấy phát ra từ một trái tim và đi thẳng vào trái tim người nghe để trở thành kỷ niệm. Dù bài hát ấy được nghe ở một phòng trà giữa một Sài Gòn tưởng chừng như không có bóng dáng của chiến tranh, hay trong một nơi trú quân xa gần biên giới, tiếng hát ấy luôn mang theo cái không khí lãng mạn mà không bi thảm, buồn bã mà không sướt mướt.

Trong tiếng hát của cô, người nghe khám phá ra sự quyến rũ của âm thanh, sự sáng tạo của âm điệu và lòng tự tin. Tiếng hát của cô chuyên chở một hơi thở mới trong nhịp và nhấn, trong luyến láy và gợi cảm.

Lệ Thu hát say mê như thể quanh cô không còn ai ngoài cô và chính tiếng hát của mình. Cô không hát chỉ như một ca sĩ, cô hát như một nghệ sĩ.

Nghe Lệ Thu trình bày Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An, hay Ngậm Ngùi của Phạm Duy, người nghe biết rằng sau cô, những tiếng hát khác sẽ không hát như thế, không hát được như thế.

Phát âm rất chuẩn, giọng vang và rõ, tiếng hát của Lệ Thu thoát ra từ một lồng ngực khỏe mạnh và một trái tim đam mê. Lệ Thu không hát từ cổ họng….” (Hết trích)

Mặc dù là ca sĩ phòng trà nơi khách có mặt sẽ đến để khiêu vũ… nhưng cứ mỗi lần Lệ Thu xuất hiện thì gần như những điệu nhảy thơ mộng, mọi bước chân nhảy đều ngưng lại chỉ để nghe nữ ca sĩ hát. Với phong cách trình diễn trong những tà áo dài Việt Nam, nữ ca sĩ Lệ Thu luôn làm người nghe say đắm và thả hồn theo giọng hát, từng lời, từng chữ…

(Xem tiếp phần 2)

Ngọc Nhân

Lời ca khúc Nước Mắt Mùa Thu, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác riêng cho Lệ Thu và do chính ca sĩ Lệ Thu trình bày ở trên.

Nước Mắt Mùa Thu
Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều/ Hàng cây trút lá nghĩa trang điù hiu
Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo/ Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên
Nước mắt mùa Thu khóc than triền miên.
Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài/ Mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi
Người xây ngục tối tình yêu lừa dối/ Giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài trinh
Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình.

ĐK. Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc/ Mỏng manh vụt đến rồi tan tành, như trăng thanh
Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh/ Rồi, người xa người (tôi xa tôi).
Nước mắt mùa Thu khóc than một mình / Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa / Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình./-

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s