Đúng ra thời tiết cuối thu – tức khoảng cuối tháng 11 dương lịch đã phải lạnh, lạnh dưới không độ, nhưng năm nay thời tiết lạnh ở khoảng 0 độ âm, bất ngờ vào những ngày đầu đông – đầu tháng 12 dương lịch thời tiết đột ngột xuống quá thấp. Mới bước vào đầu tháng mà nhiệt độ đã xuống dưới 10-18 độ âm, nên lạnh và lạnh. Và nhiệt độ lạnh này vẫn kéo dài mãi đến hôm nay.
Tuyết rơi ngày 14.12.2012
Thế là mùa Thu đã thật sự nhường bước cho mùa Đông. Nhịp sống xã hội đã có nhiều thay đổi, vì cứ đến tháng 12 hàng năm là thời gian chuẩn bị Giáng Sinh. Ở Na Uy và cũng giống như mọi nơi, Giáng Sinh là mùa mà cả trẻ con cũng như mọi người đều mong đợi, mong đợi lễ, rồi mong quà sẽ nhận, sẽ có. Do đó tháng này mọi người ai ai cũng bận bịu với việc mua sắm, quà cho người thân, quà cho con cháu, quà cho bạn bè. Rồi lại thêm việc tham dự tiệc Giáng Sinh của bạn bè, ở công sở, cũng như của bạn bè và người thân… Cứ thế mà xoay vần cho qua Tết tây…
Cứ đến mùa Đông thì ngày như ngắn lại vì trời thường tối sớm khoảng 3 4 giờ chiều, mà ánh sáng mặt trời buổi sáng đến trễ khoảng 9, 10 giờ sáng. Nhưng nếu ngày nào ánh sáng đến sớm và trời tối trễ thì ngày ấy lạnh lắm, vì phải chịu nhiệt độ và hơi lạnh từ trên xuống cũng như từ dưới lên. Đây cũng là ảnh hưởng của sự hâm nóng nhiệt độ của cả thế giới. Ảnh hưởng không chỉ thay đổi xã hội mà cả nhịp sống của mọi người. Vì sinh và sống với tuyết nên mùa đông thường có những sinh hoạt thể thao với tuyết như trượt tuyết, đi tuyết, chạy tuyết, nhảy tuyết, v.v… Thế như gần đây người Na Uy lại dần bớt những sinh hoạt thể thao này mà đi tìm cái nóng ở các vùng nhiệt đới rất đông, họ đi để trốn bớt cái lạnh, tìm chút hơi nắng cho da thịt, và cơ thể để còn phải chịu đựng thêm vài ba tháng nữa khi ánh sáng thật sự của mùa xuân trở lại trên xứ sở này vào khoảng tháng tư. Đó là các nước vùng vịnh gần Phi châu cũng như các hòn đảo ngoài khơi vùng Nam Mỹ… hay các nước ở miền Nam châu Âu.
Dù không cùng niềm tin như người Na Uy nhưng đã sống Na Uy lâu ngày nên tôi cũng đã hòa nhập vào các sinh hoạt và lễ lạc Na Uy. Như Giáng Sinh cũng lo trang hoàng nhà cửa trong ngoài với đèn treo, cây Giáng Sinh, v.v…
Nhưng vào mùa Giáng Sinh điều làm tôi chú ý nhất là ca khúc Thắp Nến (Tenn lys) từ 1 đến 4 ánh nến với ý nghĩa đẹp của bài hát mà các học sinh Na Uy cứ hát tới hát lui từ năm này qua năm khác kể từ năm 1987 khi ông Eyvind Skeie (viết lời) và ông Sigvald Tveit (viết nhạc), và là nhạc chính của bộ phim nhiều tập Portvein 2 trình chiếu liên tiếp mỗi ngày trong suốt mùa vọng dành cho trẻ con từ ngày đầu tháng cho đến ngày 24 của đài truyền hình Na Uy.
Hình Lịch Mùa Vọng (Lịch Giáng Sinh)
Ca khúc Thắp Nến này kể từ đó đã trở thành thông dụng trong cuộc sống và xã hội Na Uy mỗi khi đến tháng 12 và mùa Giáng Sinh… đặc biệt nhất là Lịch mùa Vọng (còn gọi là Lịch Giáng Sinh) dành cho trẻ con với nhiều dạng. Lịch có 24 ô (khuôn), mỗi ô (khuôn) là một ngày với một món quà nhỏ, miếng kẹo sô-cô-la, v.v… sắp lộn xộn có đánh số từ 1 đến 24…. Và trẻ con cứ mỗi chiều sau giờ học về nhà thì được mở một ô (khuôn) theo ngày hợp với số đánh vào ô để lấy quà… Sinh hoạt này nhộn nhịp nhất là ở các trường tiểu học với nhiều sinh hoạt… Lịch lúc ban đầu chỉ để dành riêng cho trẻ con nhưng đến nay đã có nhiều thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung, đến cả quà cáp trong mỗi ô (khuông) dành cho mỗi ngày và không chỉ dành riêng cho trẻ con mà cả cho người lớn, bạn bè trong công sở, v.v… với ý nghĩa là tạo cho mọi người một niềm vui, may mắn trong những ngày cuối năm… Ca khúc Tenn lys (thắp nến) được hát trong Mùa Vọng (4 tuần, hay bốn ngày chủ nhật trước ngày Giáng Sinh, mỗi ngày chủ nhật đốt một nến). Ca khúc gồm 4 lời (đọan) cho 4 cây nến hay cho mỗi ngày Chủ Nhật. Mỗi nến đốt lên với một ý nghĩa tốt đẹp… Đoạn 1: Một nến được thắp nên cho quả đất nhỏ bé này, nó sẽ chiếu sáng cả bầu trời nơi con người sống, ai cũng phải chia sẻ niềm hy vọng mọi việc tốt sẽ xảy ra…” Đoạn 2: ”Hai nến được thắp cho tình thương và niềm tin. Cho những ai luôn săn sóc và bắt cầu. Cho những người tù được tự do và người tỵ nạn được có mái nhà. Thắp nến cho cả người đang khóc cũng như người an ủi họ.” Đoạn 3 thì: ”Nến được thắp nên cho công lý và tự do, cho những ai đang đấu tranh cho tự do và quyền con người” và đoạn 4 là đọan thắp nên cho Thượng Đế, cho bầu trời và cho con người sống trong quả đất nhỏ bé này”.
Và không chỉ vậy, mà gần như khắp cả Na Uy đã dùng ngày chủ nhật (tuần 1 trước ngày Giáng Sinh) là ngày để đốt nến, mở đèn cho các cây thông (cây Giáng Sinh, cây Noel) ở các nơi công cộng và một số các cửa hàng siêu thị cũng sẽ mở cửa đón khách vào các ngày chủ nhật trước Giáng Sinh kể từ ngày này. Năm nay ngày chủ nhật đầu tiên sẽ là ngày 2.12.2012 và ngày cuối là ngày 23.12.2012 – tức tuần chính thức lễ Giáng Sinh. Tục lệ này trước đây không có vì ngày chủ nhật được xem như là Thánh, người ta chỉ có đi lễ ở nhà thờ hay chỉ dành riêng cho gia đình.
Lúc xưa ở Việt Nam tôi cũng có bạn bè theo Công giáo, hay Tin Lành rồi tôi cũng có đi nhà thờ hay xuống phố xem lễ vào mùa Giáng Sinh, rồi nghe nhạc Giáng Sinh nhưng không biết rõ có bản nhạc nào giống giống như ca khúc Tenn lys này không. Nhưng thôi nhân dịp này tạm mời các bạn nghe ca khúc này bằng tiếng Na Uy vậy. Và ngày mai là ngày chủ nhật thứ ba, tức ba ngọn nến sẽ được thắp sáng… báo hiệu chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày Giáng Sinh….
Ngoài ca khúc Thắp Nến này, tôi còn chú ý đến việc diễu hành phân phát bánh nhân ngày Thánh Lucia, vào ngày 13.12 hàng năm.
Thánh Lucia hay Thánh Lucy là một người phụ nữ sanh khoảng năm 280 ở Siracusa, ở đảo Sicilia, Ý Đại Lợi, ”tử vì đạo” và được phong Thánh vào khoảng năm 300. Theo nhiều truyền thuyết, bà mồ côi cha từ nhỏ nhưng đã được mẹ giáo dục như là một tín hữu Cơ đốc thuần hành. Rồi thì bà cũng bị mẹ ép gả (tảo hôn) cho một thanh niên giàu có mà không có sự đồng ý của cả hai người. Mẹ bà sau đó bị bệnh nặng, sắp chết, nhưng bà Lucia luôn cầu mong Chúa phò hộ và cứu giúp cho mẹ được khỏe mạnh. Khi lời nguyện ước trở thành hiện thực, bà đã từ khước cuộc hôn nhân này và đem hết tất cả tiền bạc (của hồi môn) mà bà có đem phân phát cho kẻ nghèo khó. Thánh lễ này nguyên thủy của người Công giáo La Mã nhưng dần lan rộng đến các nhánh khác trong đó có Tin Lành Na Uy vào khoảng thế kỷ thứ 16.
Hình rước lễ Sankta Lucia
Phụ thêm: Na Uy là một trong các quốc gia Bắc Âu có đa số dân theo đạo Tin Lành vào thế kỷ thứ 8, đến cuối thế kỷ thứ 11 thì được xem như là quốc giáo. Trong hiến pháp đã có quy định rõ ở Chương 2. Nền giáo dục Na Uy cũng được soạn thảo dựa trên giá trị của niềm tin cơ đốc Tin Lành này. Thế nhưng trong xu thế toàn cầu hóa, Na Uy cũng như các quốc gia khác trên thế giới dần dần phải đón nhận mọi người, mọi sắc dân từ khắp nơi trên thế giới đến định cư, sinh sống, làm việc … những người nhập cứ mới này đã mang nhiều niềm tin và nguồn tín ngưỡng khác nhau từ đó xã hội và nếp sống Na Uy cũng dần thay đổi trong nhiều mặt – Một xã hội đa văn hóa, đa chủng tộc đã dần hình thành trong những năm đầu của thế kỷ thứ 21. Quốc Hội Na Uy đã đưa vấn đề này ra thảo luận từ năm 2008. Sau nhiều năm thảo luận, dự thảo, Chương 2 trong Hiến Pháp Na Uy về niềm tin, tín ngưỡng đã được quốc hội phê chuẩn và sửa đổi.
Trong bầu không khí tưng bừng lễ hội Giáng Sinh 2012, mừng Chúa ba ngôi giáng trần, và dù theo bất cứ niềm tin nào, căn bản chúng ta vẫn là con người, vậy xin cùng chúc cho nhau những gì tốt đẹp và có ý nghĩa nhất sẽ đến với mọi người, cùng người thân trong những ngày này.
Hoa Bắc cực