Hằng năm, cứ đến mùa Giáng sinh, trong sự bận rộn cuả mùa lễ lạt, chợt một chút lắng lòng trong trí nhớ mù mờ ngược thời gian trở về những kỷ niệm vào dịp Giáng sinh cuả những năm tháng cũ; lại gợi lên trong tôi một suy tư đã im đậm trong ký ức. Đó là muà Giáng sinh năm 1968 ở Huế với những điêu tàn sau trận chiến Mậu Thân, người dân Huế với những mất mát lớn lao, đã đón Giáng sinh với một không khí thật buồn.
Dư Âm Mùa Giáng Sinh – của Ngân Giang – Tuấn Vũ
Cùng nỗi niềm đó, một mình đạp xe lang thang qua những con phố nhìn dòng người xuôi ngược, bất chợt ngang qua một rạp chiếu bóng, thấy đang chiếu một phim về chiến tranh, trong lúc không biết đi đâu, sẵn trong túi có ít tiền, thôi chui vào mua vé xem, măc dù khi đó còn nhỏ, chỉ mới học đệ lục. Phim nói về cuộc chiến giữa quân Mỹ và Đức. Trong đó có đoạn mà mỗi dịp Giáng sinh về, lại gợi lên trong tôi hình ảnh hai kẻ thù trong chiến tranh lại bắt tay nhau. Đoạn phim chiếu một người lính Mỹ đứng gác trong một toà lâu đài sau khi đội quân cuả anh ta đổ bộ lên vùng đất nào đó ở Âu Châu mà lâu quá, tôi không còn nhớ. Vào sáng sớm, chợt nghe tiếng chuông nhà thờ đâu đó vang lên, rồi đoàn người lũ lượt đi vào làng theo tiếng chuông đó. Người lính Mỹ sực nhớ hôm nay là ngày chủ nhật ; rồi do sự thúc đẩy nào đó từ trong lòng, anh ta cất vũ khí, bước xuống đường, theo dòng người đến một giáo đường Công giáo gần đó. Vào bên trong, ngước nhìn lên bệ thờ, anh thấy một vị linh mục xuất hiện, anh nhớ lại những ngày tháng ở quê nhà, mới đây thôi, khi chưa vào lính, anh thường phụ lễ cho một linh mục ở một nhà thờ nơi anh cư ngụ. Như một thói quen, anh ta tiến đến bệ thờ trong bộ quân phục lính Mỹ. Vị linh mục nhìn anh với môt chút ngạc nhiên, nhưng sau đó lấy lại vẻ bình thản. Anh ta qùy xuống bên vị linh mục và bắt đầu công viêc cùa một người phụ lễ ; cả hai cùng thực hiện trọn buổi thánh lễ một cách tự nhiên như đã từng nhiều lần trước đó. Xong buổi lễ, vị linh mục cởi áo choàng và dây thắt lưng ra, anh thấy trên người vị linh mục một bộ quân phục cuả sĩ quan Đức, anh ta vụt đứng dậy với vẻ bàng hoàng, sợ hãi. Nhưng vị linh mục với vẻ mặt bình thản, nở nụ cười như để trấn an, rồi đưa tay bắt tay người lính Mỹ. Anh ta ấp úng chào cha, nhưng dường như vị linh mục không hiểu, rồi sau đó hai người chia tay.
Người lính Mỳ trở về đơn vị cuả anh ta với vẻ mặt hân hoan, mà không biết rằng đơn vị của anh ta đang đóng gần một trại lính Đức. Đến đây, phim chấm hết. Có lẽ người dựng phim muốn gởi một thông điệp tình yêu cuả thiên chúa đã vượt lên lòng thù hận để đem con người đến gần nhau.
Ra khỏi rạp chiếu bóng, đạp xe về nhà, với đầu óc con trẻ lúc đó, tôi thầm nghĩ, kẻ thù, phải thuộc hai dân tộc khác nhau, lại đang chiến đấu mà có thể bắt tay nhau. Trong khi đó người Việt cùng một dân tộc lại coi nhau như kẻ thù, chém giết nhau, cùng một đất nước lại phải chia cắt, hai miền Nam Bắc lại không thể qua lại… Nhưng lịch sử đã sang trang. Nhân mùa Giáng sinh, chỉ biết cầu nguyện cho ánh sáng xua đi những bóng tối còn vương đâu đó trên mọi miền đất nước để người dân được an lạc trong một đất nước phát triển bền vững vốn đã chịu nhiều đau khổ. Và không quên chúc các bạn cùng gia đình hưởng một mùa giáng sinh vui vẻ.
Vĩnh Châu và gia đình
PS. Nguyên tác tựa bài là Thư từ Hoa Kỳ nhưng bbt xin được đổi lại là Dư Âm Mùa Giáng Sinh…