Nhân loại đã bước sang ngày đầu của một Năm Mới 2013… Những tin ”Ngày Cuối Cùng”, ”Tận Thế”, … rồi những tai hoạ, tai ương, … những vụ thảm sát, giết người của những ngày cuối năm 2012 cũng đã qua đi. Thật sự trước mặt là những ngày MỚI thật mới của năm 2013. Hy vọng từ đây không chỉ là một ngày MỚI mà sẽ là nhiều ngày MỚI, 365 ngày Mới trong năm 2013.
Từ lâu nay mỗi khi Tết (dương lịch, tây) đến thì khắp nơi tưng bừng nhộn nhịp tiếng pháo bông, tiếng cụng ly mừng với rượu champagne, rồi thì ca khúc nổi tiếng Happy New Year của ban nhạc ABBA, Thụy Điển cất trổi lên cao với những lời chúc tụng, những mong ước, hy vọng cho một thế giới tốt hơn ”Happy New Year/ Happy New Year/ May we all have a vision now and then/ Of a world where every neighbour is a friend” hay trong bài Imagine của John Lennon cũng có câu ”Imagine all the people living life in peace… Imagine all the people sharing all the world,… And the world will be as one”. Ôi niềm ao ước, nỗi khát khao thật đẹp cho nhân loại…
Ca khúc Happy New Year vẫn được ăn khách, vẫn đứng đầu bảng tuyển chọn nhạc hay, vẫn được giới thưởng ngoạn yêu thích bình chọn suốt hơn 30 năm qua. Và là nhạc tiêu đề mỗi khi chuẩn bị đón mừng Tết sau Giáng Sinh. Nó gần như quen thuộc, nhưng thật sự nó chỉ mới quen thuộc với chúng ta kể từ đầu thập kỷ 80, khi bản nhạc được phát hành chung trong album Super Trouper, phát hành vào tháng 2.1980 của ABBA, nhưng đã lan tỏa nhanh rộng đến mọi nơi trên thế giới…
Thế nhưng trước đó, tức trước năm 1980 và trước khi có ca khúc Happy New Year, trong lịch sử âm nhạc ta đã có bài Auld Lang Syne … một khúc dân ca Tô Cách Lan, đã được dùng nhiều nơi để đón Tết, mừng Năm Mới (Dương lịch).
Bài hát Auld Lang Syne nguyên là một bài thơ do ông Robert Burns (1759-1796), người Tô Cách Lan (Scotland) viết vào năm 1788, và sau đó được phổ nhạc thành một khúc dân ca cổ truyền. Bài hát dần dần phổ biến, lan rộng đến các nước nói tiếng Anh cũng như nhiều nước khác trên thế giới mỗi khi chuông gõ 12 tiếng báo hiệu một năm mới.
Người có công phổ biến bài Aung Lang Syne ra toàn thế giới là ông Guy Lombardo, nhạc trưởng ban nhạc Canada The Royal Canadians, khi ban nhạc của ông trình diễn bài hát này trên các đài phát thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ vào dịp Giao Thừa Tết dương lịch kể từ năm 1929 và sau đó thâu vào dĩa vào năm 1939. Tuy nhiên căn cứ theo hồ sơ lưu trữ của báo ProQuest (New York Times số Jan.5, 1896, Washington Post số ra ngày 2.1910) thì ca khúc này đã được dân chúng hát ăn mừng Giao thừa ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương kể từ năm 1896.
Để không khí đầu năm sôi động hơn một chút, mời quý vị nghe lại bài Aung Lang Syne qua tiếng hát của nữ danh Mariah Carey.
Auld Lang Syne, tiếng cổ Tô Cách Lan, dịch ra Anh ngữ là Times Gone By và nếu dịch sang tiếng Việt thì có nghĩa là Cái thưở năm xưa (xa xưa, năm xửa năm xưa, hồi nẵm…). Bài hát với điệu nhạc bình dị quyến rũ, dễ thấm vào tâm trí người nghe, và sau vài lần có thể thuộc ngay.
Nguyên thủy lúc đầu là hát để “mừng đón” một điều vui, cái hay, cái mới, nhưng khi lan tỏa đến một vài nơi thì bài hát lại được hát vào nhiều dịp khác nhau, như lễ tốt nghiệp, lễ tang, hát lúc chia tay sau lần họp mặt, hát báo hiệu giờ đóng cửa, diễn hành, v.v… Giai điệu của bài hát cũng được sử dụng với nhiều lời khác nhau, đặc biệt cả về lãnh vực thể thao. Và nó cũng là một ca khúc được dùng trong Hướng Đạo Ca Sinh Hoạt của rất nhiều quốc gia… Ở Việt Nam một thời sân khấu cải lương thường cất lên bài hát này khi muốn chấm dứt chương trình và khán giả khi nghe đến ca khúc thì đứng dậy ra về. Một trong những bài “đồng dao” của tuổi thơ Việt Nam lúc ấy tuy lời ca của con trẻ, với những dịch nghĩa phi lý, ngộ nghĩnh, nhưng dễ thương:
Tò te con ma đánh đu, Tarzan nhảy dù Cao-bồi (Zorro) bắn súng… Chết cha, con ma nào đây Làm tao hết hồn… Thằn lằn cụt đuôi… mà không ai không biết…
Dù giao thừa giữa năm cũ và năm mới đã qua, ta hiện đang dần sống với ngày mới, cũng xin được chúc mọi người khắp năm châu bốn bể luôn mãi được sống trong an lành và bạn bè niên khóa 6673 xa gần cùng gia quyến luôn may mắn, như ý…
Lời Ca khúc Auld Lang Syne
Should auld acquaintance be forgot, And never brought to mind? Should auld acquaintance be forgot, And days o’ lang syne!
Chorus: For auld lang syne, my dear / For auld lang syne, / We’ll tak a cup o’ kindness yet / For auld lang syne! We twa hae run about the braes, / And pu’d the gowans fine, / But we’ve wander’d mony a weary foot / Sin’ auld lang syne. We twa hae paidl’t in the burn / Frae morning sun till dine, / But seas between us braid hae roar’d / Sin’ auld lang syne. And there’s a hand, my trusty fiere, / And gie’s a hand o’ thine, / And we’ll tak a right guid willie-waught / For auld lang syne! And surely ye’ll be your pint’ stoup, / And surely I’ll be mine! And we’ll tak a cup o’ kindness yet / For auld lang syne!
Ngọc Nhân – biên soạn lại từ nhiều nguồn st-net