Cuộc thi tài “nổ” được tổ chức tại nhà hàng Rome Palace, quận Thủ Đức, Sài Gòn, là “tăng hai, cảnh hai” sau tiệc cưới huỳnh tráng của trưởng nữ Trương Thoại Hồng.
Ba “pháo thủ” gồm:
1. Nhà “Quảng Bình ngữ” Hùng Nam cực từ Nước Úc xa xôi bay về Việt Nam trước 10 ngày, ráo riết ôn luyện ngữ nghề tại một số làng quê tỉnh Quảng Bình. Sau đó, đi thực tập, thao dợt “khẩu pháo” của mình qua các tỉnh thành miền Trung. Nghe Hùng Nam cực khoe trên blog “motthoi6673pct” là tiếng nổ văng “miểng” lung tung.
2. Nhà “Cẩm Lệ ngữ” Hồ Ngọc Cần; thường được các em âu yếm và thân mật gọi là anh Bảy Cần cũng vác lều chõng từ Quảng Nam bay vào Sài Gòn cắm trại tại một khách sạn chỉ dành riêng cho VIP, ngày đêm dùi mài kiến thư, thực hành “khẩu khí”.
3. Pháo thủ cuối cùng là nhà “Huế học” Trương Thoại Hồng; chủ tiệc kiêm “chủ xị” và cũng là người thách đấu do bức bối bởi tâm trạng “con gà hơn nhau tiếng gáy” mà nhà họ Trương quyết “nổ” to hơn tiếng “nổ” lẹt đẹt của hai đối thủ kia.
Chưa biết mèo nào hơn miu nào và ai là bên thắng cuộc. Nhưng trước cuộc thi tài, các “nổ thủ” ra sức “lobby” (vận động hành lang) khiến đa số các trò cựu PCT6673 ĐN thật mãn “miệng” và ước chi tháng nào cũng có cuộc thi…
Hùng Nam cực chiêu đãi anh em một bữa tiệc linh đình tại nhà hàng Đoàn Viên. Còn hứa là sẽ khao trọng thể nếu chiến thắng. Rồi tặng riêng cho ông đồn lớp; nhân vật có khả năng sẽ làm trọng tài, một gói quà trị giá ngàn đôn. Anh Bảy Cần gánh từ Cẩm Lệ vào một ba lô bự chảng đặc sản: nem tré, chả bò, thuốc lá Cẩm Lệ lừng danh… đem tặng tận tay mỗi thành viên trọng tài. Còn Trương Thoại Hồng thì tuyên bố sẽ đãi anh em uống bia khi nào hết nước đá thì thôi và lót tay bì thư… Hoa Bắc cực cũng ủng hộ chai rượu hảo hạng trị giá đồng EU 4 chữ số.
Ban trọng tài gồm:
– Trọng tài chính là Chính móm, xử lý thường vụ, thay ông đồn lớp vắng mặt. Xem ra ông đồn vắng mặt là quá khôn, vừa được miếng vừa tránh tiếng (thiên vị).
– Ông bà Tô Viết Hùng, Hổ, Tuấn, Hiển là trợ lý trọng tài.
– Các đại diện “thổ ngữ” của 3 miền: Bắc, Trung, Nam và đông đảo phóng viên, quay phim, chụp hình…
Diễn tiến cuộc thi…
Khởi động cuộc thi là màn múa của các kiều nữ hóa trang thành “bướm nữ” bay lượn, uốn éo với đôi cánh (tay) điêu luyện, khi che kín, khi hé lộ những đường cong tuyệt mỹ chỉ che thân trần trắng muốt có mấy cọng vải mờ ảo dưới ánh đèn màu chấp chới trên nền nhạc vui tươi mừng xuân. Hấp dẫn đến nín thở là lúc nhạc tấu lên câu hát “muôn loài chim hát ca mọi nơi..” thì các cánh bướm xòe ra tối đa, phơi lộ hết cỡ các cơ phận trên thân hình như bốc lửa tung tăng, nghiêng chao sát bên các nhà “phương ngữ” và tổ trọng tài khiến ai nấy đều hồn xiêu phách lạc. Phải công nhận màn múa độc đáo! Hùng Nam cực từng du lịch nhiều nơi trên thé giới cũng tấm tắc khen và “bo” cho các “bướm nữ” hào phóng đến mức A Múi phải nhéo nhắc chừng. Đại Hổ nhìn các bướm đến sái cổ. Chính móm há hốc mồm nhìn… rệu cả nước bọt. Bảy Cần được bướm chạm tí xíu đã sướng đến rơi máy ảnh. Cả làng đều mãn nhãn. Chỉ có Tô Viết Hùng là bình thản … tiếc hùi hụi vì bà xã ngồi bên cạnh bịt kín 2 con mắt. (xem hình)
Hình_01: Màn múa của các Kiều nữ hóa trang thành “bướm nữ” bay lượn.
Hình_02: Các Kiều nữ chuẩn bị chờ nhạc tấu lên câu hát “muôn loài chim hát ca mọi nơi..”
Hình_03: Chính móm há hốc mồm nhìn… Đại Hổ nhìn các bướm đến sái cổ… Bảy Cần được bướm chạm tí xíu đã sướng… Hùng Nam cực “bo” cho các “bướm nữ” hào phóng đến mức A Múi phải nhéo nhắc chừng…
Các sĩ tử chưa kịp hoàn hồn thì Chính móm ra luật thi:
– Mỗi người phải nói, kể chuyện, đọc thơ… diễn cảm bằng giọng nói, âm điệu… thổ ngữ của hai đối thủ kia.
– Phải diễn dịch nội dung có lý, hợp tình.
– Tổ trọng tài cho điểm và bỏ phiếu kín.
– Phần thưởng cho người thắng cuộc là cặp vé máy bay khứ hồi về Đà Nẵng họp lớp dịp Tết cổ truyền, trọn gói du lịch Huế, Quảng Nam, Quảng Bình.
Trương đại gia còn khuyến mãi là giới thệu cho một “bướm nữ” đi theo nâng khăn sửa túi cho đối thủ nào chiến thắng. (có nhiều tiếng xuýt xoa!)
Và Chính tuýt còi cuộc thi bắt đầu:
=> Hùng nam cực nhanh miệng chỉ tay về phía Trương Thoại Hồng nói đúng chất giọng của mệ: “Ga ni ga mô/ga mô ri eng/ga ni ga chi/ O ni đi mô/ o mô đi ra, o mô đi vô? đi vô ga mô ri…”(*) Thoạt nghe, cứ tưởng là tiếng Nhật, nhưng Hùng Nam cực cho biết hôm rồi đến Huế, vào tham quan nhà ga Huế thì nghe các o hỏi nhau, đó là cách nói của các câu hỏi “Ga (xe lửa) này là ga nào đây… Cô này định đi đâu… Cô nào đi chuyến tàu vào… cô nào đi chuyến tàu ra… Tàu sẽ vào ga nào đây… ”
Hùng kể tiếp. Tui mua tờ báo ngồi đọc bên cạnh hai cô gái Huế tâm sự như sau: “Tau núai với mi ri ni, eng con ở dôn, rứa mà bữa tê tề, enh chộ tau phới ló ngoài cươi, eng kêu tau vô trong dà, bồn tau lên chờn, cái bưa…anh đẫn. Mi quai chướng khôn?”. (Tao nói với mày như vậy, ảnh còn ở rễ, vậy mà hôm kia kìa, tao đang phơi lúa ngoài sân, anh kêu tao vô trong nhà, bồng tao lên giường, rồi anh… mày coi có kỳ không?)
Xoay qua phía Hồ Ngọc Cần, Hùng kể là vào một quán ăn gần Ngã Ba Hòa Cầm, Đà Nẵng. Cô bán quán hỏi: “Eng en cứa chi? Tui nói “côm”, ý muốn ăn cơm nhưng phát âm làm sao mà chủ quán đưa ra chai nước cam. Bực bội, tui gằn giọng: “không phửa”. Cô chủ cúi đầu xin lỗi đem chai nước cam đi vô. Lát sau cô ta bưng ra tô phở nghi ngút khói. Vừa đói bụng, vừa bực mình, tui không kềm chế nên khẽ nói “con ket!”. Rứa mà cô chủ quán móc túi quần đưa cho tui cái hộp quẹt. Tui lắc đầu ra khỏi quán, nghe cô ta thầm thì sau lưng “cứa mõa đẹp trưa, tướng tóa cô rố mà đồ tồ lô”. Mọi người vỗ tay rần rần tán thưởng.
=> Anh Bảy cần lịch sự nói với Thoại Hồng “Tiên vi chủ”, Nhưng Hồng nhường anh Bảy Cần “nổ” trước. Sửa lại tư thế y như trạng, Bảy Cần đưa mắt trêu ngươi Thoại Hồng rồi kể: “Bựa nớ đi tàu bay ra nác ngoài, chộ cái dà ga đại chang bang, bơ hỏi một đực: “Ga mô ri eng?”. Đực ta nọ ư hự răng, trặc sang cái mụ tê hỏi “Ga mô ri o?” cụng nọ ư hự, sau cả mấy đực chụm trốc với chắc hội ý rồi hỏi lại dà choa là câu trước nghe dư tiếng Pháp, câu sau nghe dư tiếng Nhật mà nghe nỏ phải tiếng Pháp hay tiếng Nhật, cả tàu bay nỏ ai biết miềng nói cấy chi”(*)
Là người thông thạo thi ca các kiểu, anh Bảy Cần tiếp tục “nổ” bằng phương ngữ Quảng Bình bằng bài thơ sau: “O bán hạng (hàng) nay đã mấy tuồi (tuổi)/ Nước o còn nọng (nóng) hay đã nguồi (nguội)/ Trên hạ lụng lặng (lủng lẳng) một gói nèm (nem)/ Lơ thơ dưới mọc (móc) mấy quả chuồi (chuối)/ Bánh mỏng, bánh dày đều trơn mỡ/ Khoai môn, khoai ngá (ngứa) phải chấm muồi (muối)/ Ăn uống no say tiền chưa…(đủ)/ Xin o cho chịu mội bài… (buổi). (*)
Nghe xong phần thi của anh Bảy ai cũng gật gù khen “đúng là cao thủ”.
=> Đến lượt Trương Thoại Hồng thi “nổ” với câu chuyện bằng giọng điệu Quảng Bình: Buổi sáng, bà mẹ nói với đứa con: “Giấu tru đếch xoong, bốc chi đớp?”. Chiều về bà lại quát con: “Kêu mi vô rú. răng tru viền đướn ăn lọ?”. Thằng con khóc rấm rứt: “Ai hay chi mô. Tru mềnh hướn, lè lản liếm tru cấy, lồng chặn bứt đứt chạc. Con chặn theo rạc cẳng, bổ ở rọn cằn, rọt lộn lên cần cổ, trớt hết bộng, bể cả trốc cún. Chưa chậy bới cái chi”. Bà mẹ liền buông một câu: “Hooc không họọc, giấu tru không xoong, ăn cho tốn cấu” (*)
Đoạn đối thoại của ai mẹ con được “dịch” như sau:
Bà mẹ: – Giữ trâu không xong, lấy cái gì mà ăn? – Bảo mày vô rừng, sao trâu lại về dưới ăn lúa?. Đứa con: – Ai biết gì đâu. Trâu mình động đực, lè lưỡi liếm trâu cái, lồng lên chạy đứt dây thừng. Con chạy theo mỏi cả chân, ngã ở ruộng, ruột bắn lên cổ, rách hết bụng, vỡ cả đầu gối. Giờ mẹ chửi cái gì”. Bà mẹ: – Học không học, chăn trâu không xong, ăn cho tốn gạo”…
Cả ba pháo nổ thi xong đều hồi hộp chờ trọng tài công bố kết quả. Chính móm cười toe phán: Cả ba đứa đều chiến thắng. khán phòng vỗ tay rầm trời. Bia nổ lốp bốp…
Trần Văn Tân
Ghi chú:
(*) Trích từ loạt bài “Lạ kỳ tiếng Việt đó đây” trên báo Tuổi Trẻ các ngày 30/10/2012 – 08/11/2012 của các tác giả: Đức Bình, Đức Hiếu, Thái Lộc, Vũ Toàn, Lam Giang, Hà Đông, Văn Định, Lê Đức Dục, Phạm Xuân Dũng, Hồ Trung Tú.
(**) Hình ảnh Trần Văn Tân đính kèm. Phụ chú trích từ bài viết..