Shakuntala Devi – nhà NỮ toán học thần đồng thế giới (bbt)

Nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8.3.2013, bbt xin đăng bài nói về Bà Shakuntala Devi – nhà NỮ toán học  thần đồng thế giới

Shakuntala_Devi_02Bà Shakuntala Devi – thường được xem như là “người máy tính” và là “người đàn bà thông minh nhất thế giới” – nhà toán học đại tài đã được cả thế giới biết đến và công nhận. Bà sanh trưởng tại Bangalore, Ấn Độ vào ngày Thứ Bảy 4.11.1939. Bà là con của một người dạy thú, và bà bắt đầu biết đến những con số qua những lá bài bà thường chơi với cha từ khi bà lên 3.

Bà Shakuntala thể hiện khả năng toán học bằng cách nhân và chia những dãy số dài trong vài giây. Bà cũng cho thấy những tính chất riêng biệt của nhiều số. Những tính chất ấy giúp con người tìm ra kết quả rất nhanh khi thực hiện phép bình phương (một số tự nhân với chính nó).

Chẳng hạn, 11 x 11 = 121, 111 x 111 = 12.321. Tương tự 33 x 33 = 1.089, trong khi 333 x 333 = 110.889.

Nhiều thần đồng toán học ở độ tuổi thiếu niên, như Truman Henry Safford (Mỹ) mất dần khả năng tính nhẩm nhanh khi lớn lên, song hiện tượng đó không xảy ra ở bà Shakuntala.

Bà được nhiều viện đại học khắp nơi trên thế giới thử trí thông minh, và cuộc khảo sát nổi tiếng nhất của bà là khi được hỏi đáp số của bài tính nhân với hai hàng số, mỗi hàng là 13 con số, bà đã đáp đúng trong 28 giây đồng hồ.

Vào ngày 18/6/1980, trước sự chứng kiến của hàng trăm người tại Đại học Thực nghiệm London, Anh, bà thể hiện khả năng tính nhẩm siêu phàm bằng cách thực hiện phép nhân 7.686.369.774.870 x 2.465.099.745.779. Hai con số trong phép nhân do chính khán giả đưa ra. Bà trả lời kết quả trong vòng 28 giây. Kết quả bà đưa ra là dãy số 18.947.668.177.995.426.462.773.730.

Thành quả này đã đưa tên bà vào sách Guinness kỷ lục thế giới năm 1995 về khả năng tính nhẩm siêu phàm, song bà chỉ tự nghiên cứu để thành tài.

Bà Devi cũng đã phá kỷ lục trong nhiều cuộc thử toán khác và người ta cho rằng bà là Srinivasa Ramanujan (*) (1887-1920) một trong những thiên tài xuất chúng về toán học giỏi nhất thế giới từ trước tới nay đầu thai trở lại. Bà đã giải thích bí quyết tài nghệ của bà như sau:

Câu trả lời nảy ra trong đầu tôi vậy thôi. Trước khi đi thử những bài toán khó với những con số lớn, tôi sửa soạn trước hai, ba ngày. Tôi nghỉ ngơi; để đầu óc mình hoàn toàn nghỉ ngơi. Bỏ những vấn đề cá nhân ra ngoài, không nghĩ tới nó, điều này cũng rất tốt cho chính tôi. Lên sân khấu, tôi chỉ nghĩ làm sao trả lời những bài toán cho đúng. Phải, tôi có tên trong sổ Guinness kỷ lục thế giới. Tất cả đều là hồng ân của Thượng Đế, tôi hoàn toàn không nhận công lao là của mình. Tôi có thể làm suốt một tiếng rưỡi tới hai tiếng đồng hồ. Khi bắt đầu rồi là quý vị không sao cản được tôi. Nhưng nếu muốn làm nữa thì tôi phải sửa soạn hai, ba ngày.

Bà Devi đã du hành vòng quanh Ấn Độ và Phi Châu cổ động trẻ em học toán. Gần đây bà đang tiến hành việc thành lập các viện toán học ở Ấn Độ để cổ động truyền thống lẫy lừng của đất nước bà trong lãnh vực này. Bà đã viết nhiều sách thịnh hành nói về đề tài dạy toán và một tiểu thuyết về tội ác. Bàn về các phương pháp giáo dục hiện nay, bà nói: “Hầu hết các trường học ngày nay đều dạy về máy điện toán và nhu liệu, một điều họ hãy còn thiếu sót, đó là cho trẻ con một sự nâng đỡ củng cố về tâm linh. Tôi cũng muốn chúng ta lo về vấn đề này bởi vì có cái này mà thiếu cái kia thì không tốt.”

Bà Devi cũng là một người ăn chay trường cả đời, thậm chí bà đã viết một quyển gia chánh chay cho đàn ông. Một chuyện thú vị liên quan tới sự ăn chay của bà như sau. Lần đầu tiên sang Mỹ, bà hay ăn bánh pancake (1) với syrô vì lúc đó đồ chay rất ít. Bánh pancake của Mỹ nhắc bà tới loại bánh dosai phổ thông mà người miền Nam Ấn Độ thường dùng để ăn sáng. Thời gian đó bà đang là đề tài cho một cuộc nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Arthur Jensen, một nghiên cứu gia đang tìm hiểu về trí thông minh của con người tại viện đại học University of California tại thành phố Berkeley. Ông Jensen nói về việc bà thường xuyên tiêu thụ bánh pancake trong một bản tham luận khoa học, cho rằng đây có thể là một bằng chứng bà bị loạn thần kinh. Sau này bản tham luận này được đem ra dùng làm tài liệu cho một cuốn phim Rainman – cuốn phim đã thắng giải điện ảnh Oscar năm 1988. Trong phim, ông Dustin Hoffman đóng vai thần đồng giỏi toán tương tự như tài của bà Devi, nhưng xã giao rất vụng về – và ghiền ăn pancake! Bà Devi bật cười trước quan niệm lầm lẫn của người không ăn chay. Thật ra, luận án của ông Jensen nói rằng Devi là một nhân vật hiếm có, giỏi giang về mọi mặt, một thiên tài về toán cũng như một tấm gương đầy cảm hứng và giàu lòng từ bi.

Ngày 3 tháng 2 năm 1974, Báo Ottawa Citizen ghi lại lời bà Shakuntala Devi:

“Tôi tin rằng những thành tích của loài người là quan trọng nhất, điều đó chứng tỏ là con người vẫn siêu việt hơn máy móc. Thế giới còn chưa hiểu biết được khả năng trí tuệ con người, nó vô cùng vô tận, và tôi đã chứng minh cái khả năng đó.”

Trong cuộc phỏng vấn khác trên Đài Vô tuyến Truyền Hình tại Ottawa của chương trình “This Day” (Ngày nay) bà giải thích là bà đã luân hồi từ thời Ai Cập. Điều không thể chối cãi là Kim tự tháp Choeps là một kỳ quan trên thế giới với lôi kiến trúc dựa trên căn bản toán học phức tạp mà các nhà bác học đã nặn óc cả thế kỷ vẫn chưa tìm được mọi bí ẩn.

Bà Shakuntala thừa nhận bà chưa từng tới trường và tự học nhưng bà đã viết trên 14 cuốn sách, trong đó có một số cuốn được dịch sang tiếng Nhật, Thái và Đan Mạch.

(1) panecake: một loại bánh chiên tròn như bánh tráng làm bằng bột, trứng, và sữa và chiên trên chảo. Bánh này tựa tựa như bánh dosai của người Ấn.

(*) Srinivasa Ramanujan là nhà toán học huyền thoại người Ấn Độ. Ông nổi tiếng dù không được đào tạo bài bản về toán học lý thuyết nhưng ông đã có rất nhiều đóng góp quan trọng cho nhiều ngành toán học như giải tích, lý thuyết số, dãy số vô hạn, v.v… Ông sinh ngày 22 tháng 12 năm 1887 tại Erode, Tamil Nadu, Ấn Độ và mất ngày 26 tháng 4 năm 1920 tại Chetput, (Madras), Tamil Nadu, Ấn Độ. Hưởng dương 32 tuổi.

Srinivasa_Ramanujan_04Ông làm quen với toán học khi lên 10 tuổi. Ông cho thấy năng khiếu đặc biệt về toán khi được tặng một quyển sách lượng giác cao cấp của S. L. Loney (2). Năm lên 13 ông đã thành thục quyển sách này nên bắt đầu tìm cách tự phát minh ra các định lý toán học. Năm lên 17 ông tự nghiên cứu về số Bernoulli và hằng số Euler-Mascheroni. Ông nhận học bổng vào một trường đại học công ở Kumbakonam nhưng rớt ngay năm đầu do không đạt điểm với các môn không phải là toán học. Sau đó ông vừa làm nhân viên tại một cơ quan nhà nước để có chi phí theo đuổi ngành toán tại một đại học khác. Trong hai năm 1912-1913 ông gửi vài công trình đến ba vị giáo sư ở đại học Cambridge nhưng chỉ có giáo sư G. H. Hardy là người phát hiện ra tài năng của ông, nên giáo sư Hardy đã mời ông sang Anh làm học trò mình tại đại học Cambridge.

Trong quãng đời ngắn ngủi Srinivasa Ramanujan đã độc lập công bố gần 3900 kết quả nghiên cứu phần lớn thuộc lĩnh vực phương trình và đồng nhất thức, mà ngày nay hầu hết được công nhận chính xác trừ vài kết quả sai hoặc đã có trước khi ông đưa ra. Một số công trình của ông vẫn là nền tảng và chưa được hoàn thiện như số nguyên tố Ramanujan, hàm theta Ramanujan đã cuốn hút nhiều nhà nghiên cứu đi sâu vào các đề tài này. Tạp chí Ramanujan ra đời để công bố các nghiên cứu toán học có ảnh hưởng từ công trình của ông.

SL_Loney_01Trong các công trình toán học nổi tiếng của ông có công trình: Số nguyên tố Ramanujan. Số nguyên tố Ramanujan là tên gọi các số nguyên tố thỏa mãn một kết quả do nhà toán học Ấn Độ Srinivasa Ramanujan tìm ra năm 1919. Số nguyên tố Ramanujan là các số nguyên Rn sao cho Rn là số nhỏ nhất có thể bảo đảm có n số nguyên tố giữa x và x/2 cho mọi x ≥ Rn. Vì Rn là số nguyên nhỏ nhất thỏa mãn điều kiện trên, nên Rn phải là số nguyên tố: Mỗi khi hàm tăng lên 1, đó là do có thêm một số nguyên tố nữa.

(2). S. L. Loney là chữ viết tắt tên của ông Sidney Luxton Loney, sanh ngày 16.3.1860 tại Chevithorne, Devon, anh quốc và mất ngày 16.5.1939 tại Richmon gần thủ đô Luân Đôn, Anh quốc. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách viết về toán học như: lượng giác, cơ học, hình học, tĩnh và động lực học, … Nhiều cuốn sách đến nay vẫn còn được tái xuất bản… Và ông là người có ảnh hưởng lớn đối với thiên tài toán học Srinivasa Ramanujan.

BBT tổng hợp và biên soạn từ nhiều nguồn tài liệu st-net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s