để tưởng nhớ người bạn Trần Duy Phú mất tròn một năm (Giáp Năm).
Trong bài có đề cập đến tên “thật” của rất nhiều người bạn, nên nếu có gì đó không vừa lòng… Xin một lời lượng thứ. Hoa Bắc Cực
***
Music: Gọi Tên Người Yêu (Lời Việt Cố Nhạc Sĩ Phạm Duy – do nam ca sĩ Bằng Kiều trình bày)
Xin bấm vào Link: https://www.youtube.com/watch?v=D3Sg2-EnDHY
Trời Na Uy đã dần vào đầu tháng tư. Cứ tưởng thời tiết trở ấm dần như mọi năm thế nhưng mặt đất, vườn cây vẫn còn ngập tuyết và cái lạnh buốt dưới âm độ bách phân vẫn còn kéo dài, cho dù vào giữa ngày ánh nắng bắt đầu le lói chiếu.
Hàng năm cứ vào những ngày này, Na Uy nói riêng và thế giới nói chung đa phần đang chuẩn bị để đón Mừng Ngày Lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh là tên gọi ngày Chúa chấp nhận bị đóng đinh trên Thập Tự giá, và Chúa đã sống lại từ cõi chết sau 3 ngày, thế nhưng ngày đón mừng lễ thì mỗi năm lại có chút chút xê dịch về thời gian. Chẳng hạn chính lễ (tức ngày Phục Sinh) của năm 2010 là ngày Chủ Nhật 4.4.2010, năm 2011 là ngày Chủ Nhật 24.4.2011, năm 2012 là ngày Chủ Nhật 8.4.2012, nhưng năm nay 2013 thì chính lễ Phục Sinh lại là ngày Chủ Nhật 31.3.2013. Nói chung thì ngày Phục Sinh sẽ phải là ngày Chủ Nhật nằm trong khoảng thời gian ngày từ 22.3 đến ngày 25.4 chứ không sớm và cũng không muộn hơn được.
Đón mừng Mùa Phục Sinh mỗi nơi đều có những phong tục khác nhau. Riêng Na Uy thì có nhiều điểm cần lưu ý. Đặc biệt nhất là màu vàng gọi là màu của Lễ Phục Sinh. Từ hoa màu vàng với nhiều loại hoa khác nhau, kế là những vật dụng sử dụng trong nhà, hay trong tiệc tùng mùa Phục Sinh, cho đến quà cáp cho trẻ con như kẹo, hoặc sô-cô-la cũng được đựng trong những quả trứng gà (đủ màu) nhưng không thể thiếu màu vàng. Và Na Uy được xem là một trong những quốc gia trên thế giới có ngày nghỉ Mùa Phục Sinh dài nhất (nhiều ngày), thông thường khoảng 5 ngày và thường là những ngày gần cuối tuần và đầu tuần, do đó mọi người thường dùng các ngày nghỉ này để đi núi, đi ski (trượt tuyết) vì sau đó sẽ không còn ngày nghỉ nào dài hơn những ngày nghỉ Mùa Phục Sinh trước khi đến mùa nghỉ hè (thông thường là 1 tháng tùy theo công việc), nhưng học sinh và thầy cô giáo hoặc những nhân viên làm việc thuộc ngành giáo dục thì khoảng 2 tháng. Và thời gian Mùa Phục Sinh cũng chính là giao thời đổi mùa giữa mùa đông và mùa xuân.
Nhắc chút ít về ngày Phục Sinh để nhớ đến Phục Sinh năm ngoái vào ngày Thứ Sáu 6.4.2012 – Đúng vào ngày Lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (Thứ Sáu Tốt Lành) – ngày Chúa Giêsu Kitô chịu bị đóng đinh và chịu khổ thì cũng chính là ngày người bạn của tôi Trần Duy Phú yên nghỉ trong Nước Chúa sau một thời gian dài bạo bệnh vào lúc 12.20 giờ tại tư gia với sự hiện diện đông đủ của vợ, con cháu, và người thân trong gia đình kể cả bố mẹ của Phú mặc dầu tuổi đã trên bát tuần (80 tuổi), và một số ít bạn bè thân thuộc.
Ngày đó năm ngoái tôi được TVTân ở Sài Gòn thông báo tin qua email, để đăng Phân Ưu/ Tin Buồn vào Blog để có nhiều anh em xa gần cùng biết. Thế mà nay thắm thoát đã đúng 1 năm ngày Phú lìa trần, trong nỗi niềm tưởng nhớ xin mượn bài viết này để ôn và ghi lại chút kỷ niệm về Trần Duy Phú.
Nói đến Phú thì tôi thật không mấy biết rõ về bản thân, sinh hoạt, hay một số việc khác liên quan và dù là bạn cùng trường những năm cuối bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp trường Trung Học Phan Châu Trinh nhưng khác lớp. Và những năm từ Đệ Thất cho đến Đệ Tứ, thì Phú học ở trường Trung Học Tây Hồ cùng với Văn Minh Hòa, Hà Văn Thanh (Cẩu Chảy), Bích Hoa, và một số bạn khác. Phú chỉ vào Phan Châu Trinh từ năm Đệ Tam và học Ban A chung lớp với các bạn Lê Văn Việt, Nguyễn Phúc Vĩnh Châu, Trương Thoại Hồng, Hồ Ngọc Cần, Trần Văn Tân, Nguyễn Minh Khôi, và Trương Như Ty…. Thế nhưng tôi biết Phú qua sinh hoạt văn nghệ với Mai Văn Chung (bạn hàng xóm) hay với Văn Minh Hòa (con Thầy Văn Hiên) trước ở Kiệt 8, đường Hoàng Diệu.
Dù không cùng lớp, nhưng chơi chung vì ở gần nhau hoặc vì tính văn nghệ sẵn có trong người. Nhưng rồi mỗi đứa mỗi nơi chẳng tin tức, chẳng liên lạc… vì vấn đề mưu sinh cho cuộc sống bản thân và gia đình. Lại nữa tôi đã phải rời xa quê hương, xa nơi tôi sinh ra và lớn lên… xa mãi chẳng biết có cơ hội trở về. Đó là lý do không một lần gặp mặt.
Thế nhưng sau một thời gian đất nước có chút thay đổi, tôi và một số bạn bè đã có chút tin tức về nhau qua thư gởi, hay qua điện thoại liên lạc… Vào mùa hè năm 1996, chúng tôi được cơ hội trở về quê nhà thăm thân nhân, gia đình, cha mẹ, anh em, lần đầu tiên. Trong dịp về này, tôi qua sự giúp đỡ của một số anh em (đã liên lạc trước) để mời các anh em, bạn bè khác tham dự Buổi Họp Mặt tại tư gia Ba Mợ tôi ở đường Chu Văn An, Đà Nẵng vào ngày Chủ Nhật 21.07.1996. Hôm ấy có khá đông anh em – chỉ những anh em cư ngụ tại Đà Nẵng, nhưng vẫn có một số anh em khác ở xa hay chưa liên hệ được. Thế nhưng cũng có khoảng 60 người đã tham dự Buổi Họp Mặt trong đó có Phú. (Xem hình đính kèm). Điều đặc biệt là Phú ngồi chung bàn, ngồi giữa Nguyễn Minh Khôi, và Trương Như Ty, vì là bạn cùng lớp… Thế mà đến nay cả ba người bạn tôi, KHÔI, PHÚ, TY đều đã ra đi trong nỗi thương nhớ của bạn bè và người thân. Buổi tiệc có Thái Văn Lành là người giúp đỡ phần MC, thức ăn thì do các em gái, và em dâu tôi đảm trách, lo lắng, còn chạy bàn, phục vụ thì lại do các em trai, cùng một số người bà con giúp đỡ… (Xem hình đính kèm).
Từ ngày xa nhau vì nhiều lý do – khoảng từ năm 1973 đến khi chúng tôi có cơ hội ngồi chung nhau trong Buổi Họp Mặt vị chi cũng gần 23 năm. 23 năm chúng tôi gần 70 mạng người cùng nhau ngồi trong một căn phòng, tuy nhỏ, chật chội, nóng nực nhưng tình cảm dành cho nhau thì rất nhiều, qua những tiếng cười cười, nói nói… nên cái nóng, cái chật chội chúng tôi chẳng hề biết, cũng chẳng ai để ý, quan tâm mặc dù trên gương mặt mỗi người có những nét thay đổi, có người thì ôm ốm, có người thì hốc hác, nhưng dù gì thì chúng tôi vẫn nhận ra nhau, vẫn nhìn thấy nhau trong mối tình bạn bè thân thiết, với những cảm tình đã chất chứa sau bao ngày tháng long đong…
Nay từ phương xa, tôi mắt nhìn tới, hoặc quay đầu nhìn lại thì hình ảnh buổi Họp Mặt năm ấy đến nay cũng đã 17 năm rồi. 17 năm một chặng đường đã nối tiếp sau 23 năm xa cách vị chi tổng cộng đã ngót 40 năm. Đâu ít… 40 năm dài đã có bao lần chúng tôi gặp???. Tính ra chắc là ít và ít lắm… Nhưng cho dù ít, dù ngắn thì tình bạn, chút cảm tình dành cho nhau thời trung học một thời vẫn còn, vẫn quyện trong chúng tôi mỗi khi có dịp…
Đúng thật thời gian luôn thay đổi sáng, trưa, chiều, tối… con người chắc cũng thay đổi theo nhịp đi lên của xã hội và cuộc sống, thế nhưng tôi vẫn luôn nhận thấy tình bạn chúng tôi tuy chỉ vài năm học chung hay gặp mặt, vẫn cứ mãi ở trong chúng tôi. Đó cũng là lý do mà mỗi khi có dịp về thăm quê nhà tôi đều có gặp, không đứa bạn này, cũng thằng bạn kia…
Thời gian luôn biến động, không ngừng, để rồi cuốn theo dòng thời gian ấy một số bạn chúng tôi cũng đã lìa bỏ chúng tôi và người thân để ra đi vào cõi yên tịnh trong đó có Trần Duy Phú.
Một lần khác vào mùa hè năm 2011 khi tôi về quê hương để mừng thọ bát tuần cho ông cụ thân sinh của tôi, Phú là một trong những người bạn được tôi mời và có tham dự, sau đó tôi có mời Phú cùng vợ uống cà phê vào buổi tối hôm sau, nhưng Phú lại bận việc nên không có dịp hàn huyên.
Trước khi trở lại Việt Nam lo một số chuyện gia đình cần gắp vào cuối tháng 10 năm 2011, tôi có điện thoại với Chính móm và Chính móm cho tôi hay TDPhú bị bạo bệnh và hiện đang ở Sài Gòn điều trị. Chứng bệnh này đã phát khởi đâu đó vào những ngày đầu năm 2010 mà khi tham dự Lễ Mừng Thọ ông cụ thân sinh của tôi, Phú đã chỉ cho bạn bè thấy khối u ở trên đầu chỉ riêng tôi là không biết. Chứng bệnh được các bác sĩ ở bệnh viện Đa Khoa phát hiện, và sau một thời gian ngắn điều trị tại Đà Nẵng, thấy không thuyên giảm nên các bác sĩ bệnh viện Đa Khoa, Đà Nẵng khuyên Phú nên vào Sài Gòn vì dù sao ở đây tính chuyên môn cao có thể giúp và điều trị được. Đó là lý do Phú vào Sài Gòn. Tuy mang bệnh nhưng tinh thần Phú rất lạc quan trong thời gian lưu trú trị bệnh tại Sài Gòn. Theo như TVTân vẫn luôn kể cho tôi nghe là Phú hay đi chơi bi-da, chơi cho khuây khỏa, chơi cho vơi bớt thời gian và chơi cho quên đi cơn đau đang hành thân xác mình.
Cùng mang tính nghệ sĩ trong người, tôi rất muốn có dịp mời Phú cùng tôi thả hồn theo nhạc khúc, theo những nhịp điệu một thời, với ly cà phê đắng ngọt, nhưng rồi chúng tôi chưa lần nào có dịp, vì thời gian quá ít, mà có lần tôi mời thì Phú lại bận, thế nhưng vẫn là những tình cờ thật đẹp chúng tôi lại cùng gặp nhau uống những ly cà phê ở những quán cốc gần nhà trên con đường ngắn ngủi nhưng lại có quá nhiều quán cà phê cốc mỗi buổi sáng. Đó là con đường Chu Văn An nơi tôi sinh sống và lớn lên. Thế cũng vui vì có dịp gặp nhau, nhìn nhau, nói với nhau, nhắc nhở nhau hay chia sẻ với nhau một vài kỷ niệm xa xưa, cũng như trao đổi, hỏi thăm nhau về cuộc sống hiện tại.
Dù có theo tín ngưỡng nào, thì không chỉ riêng tôi mà ai ai cũng biết cuộc đời là vô thường, có tan có hợp nhưng sao khi nghe TVTân gởi mail báo Phú ra đi vẫn làm tôi bàng hoàng sửng sốt. Dù biết Phú bị bạo bệnh và đã cố gắng điều trị nhưng vào những tháng ngày chót, biết bệnh khó qua khỏi nên Phú đã đề nghị với bác sĩ là ngưng hóa trị, trở về quây quần bên vợ con, người thân và gia đình những ngày cuối, và thử tìm phương cách, phương thuốc khác trị xem sao…
Chúng ta khỏe mạnh, nên không cảm nhận, và không có cảm giác như những người mang bệnh. Nên tôi vẫn đoan chắc là những ngày này sau khi từ Sài Gòn về lại Đà Nẵng thật là những ngày mà Phú đã nhẫn nhịn, chịu khó để cố gắng vượt qua những đớn đau, nhưng tinh thần thì luôn lạc quan, và sảng khoái…
Trong lúc này Mai Văn Chung – một người bạn láng giềng từ Hoa Kỳ có về Đà Nẵng thăm gia đình. Biết là Mai Văn Chung mang bệnh phải ngồi xe lăn nên việc di chuyển rất khó, Phú vẫn thường ghé thăm Chung, trò chuyện, hay uống với nhau ly cà phê đắng ngọt qua những câu chuyện xa xưa. Đó thật là nghĩa tình bạn dành cho bạn khó quên.
Nhớ lại vào ngày Thứ Sáu 4.6.2010, Phú theo sự hướng dẫn của TVTân cùng lên tận Dầu Giây thăm Trương Thoại Hồng (bạn cùng lớp PCT), và gặp anh Sáu Tào (bạn của Thoại Hồng tại Dầu Giây) trong khu vườn nhà mát mẻ, rộng rãi của anh Sáu Tào. Tất cả 4 người cùng dòng máu văn nghệ đã uống, rồi ca hát nghêu ngao, lúc ấy Phú cùng Trương Thoại Hồng song ca bài Cẩm Liên Hương, một sáng tác của Trương Thoại Hồng viết tặng riêng tác giả bài viết Cho Đời Chút Hương, với lời ca: “… Một buổi chiều nắng nhạt/ Ta thấy hồn chơi vơi/ … Trong cõi chết nụ cười/ Dang tay ôm kín người/ Ta mời em lên ngôi/ … Đã theo gió gọi mời/ bước vào đời/ Ta u mê rụng rời/ Khi mời em lên ngôi/ Rồi ta buộc gió lại/ Cho Hương đừng bay đi/ Mong Hương đừng bay đi/ Cho em đừng mau đi/ Cho ta đừng chia ly…”
(Phụ chú: Cho Đời Chút Hương là một bài viết đã đăng ở Blog cũ vào tháng 5.2010, qua đó tác giả nhắc lại một kỷ niệm rất đẹp, dễ thương dành cho một người… lúc tác giả còn cắp sách, nay đã đi vào dĩ vãng).
Rồi anh Sáu Tào hát ca khúc “Khúc Thụy Du” một sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng, phổ từ thơ của Du Tử Lê, với ca từ: “Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới/ Ngoài trống vắng mà thôi/ Thụy ơi, và tình ơi ! Như loài chim bói cá/ Trên cọc nhọn trăm năm/ Tôi tìm đời đánh mất/ Trong vũng nước cuộc đời/ Thụy ơi, và tình ơi ! Đừng bao giờ em hỏi/ Vì sao ta yêu nhau/ Vì sao môi anh nóng/ Vì sao tay anh lạnh/ Vì sao thân anh rung/ Vì sao chân không vững/ Vì sao, và vì sao ! Hãy nói về cuộc đời/ Tình yêu như lưỡi dao/ Tình yêu như mũi nhọn/ Êm ái và ngọt ngào/ Cắt đứt cuộc tình đầu/ Thụy bây giờ về đâu. ”
Phụ chú: Ca khúc Khúc Thụy Du do nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ thơ của nhà thơ Du Tử Lê. Bài thơ theo lời của tác giả cho biết thì dài trên 100 câu. Nhưng khi tạp chí Văn số tục bản Xuân Mậu Thân 1968, đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin lúc đó đã đục bỏ gần nửa bài thơ. Và thời đó, chỉ viết tay nên sau này tác giả muốn gom lại để in thành sách, tác giả không có bản nào khác ngoài bản đã in trên báo Văn số Xuân Mậu Thân 1968 (tức bài thơ đã bị kiểm duyệt). Và nội dung bài thơ thật ra không hẳn nói về tình yêu trai gái, nhưng để thi vị hóa tình yêu nhạc sĩ Anh Bằng đã tinh lọc lại và chỉ chọn ra những câu thơ nói về tình yêu soạn thành nhạc. Lúc đầu chính tác giả Du Tử Lê cũng không mấy hài lòng, nhưng sau mấy chục năm, qua đi giai đoạn chiến tranh, nay nhìn lại tác giả Du Tử Lê đã cảm thấy sự thi vị và đúng đắn của việc tinh lọc này, và tác giả cho rằng nhạc sĩ Anh Bằng cũng có cái lý của ông… khi tinh lọc.
Cả hai ca khúc đề đề cập đến tên 2 người “con gái” – người yêu trong mối tình đầu của cả hai tác giả lại không hiểu sao cả ba người cùng hát…. Chắc muốn gởi gấm tâm sự gì đây??? Chỉ có TVTân là người lim dim thưởng thức, không biết chàng Tân này dựa vào đó mà nhớ đến ai???
Bốn chàng Ngự Lâm Pháo Thủ này đâu chỉ ca hát, mà còn nhắc lại bao chuyện cũ tình xưa, thêm vào đó, Phú lại còn phóng bút kiểu chữ “bác sĩ” đôi ba câu thơ không tựa:
Em yêu vắng nhà/ một thân một đò/ một vườn/
Bạn đây/ thời ở xa/ về chơi/
Chân tình cảm xúc/ mây trời kết tâm quay…
(bút tích Phú viết khi sao lại có hơi mờ mờ… người viết ghi lại)
Xin vui lòng xem tiếp phần 2/2
Trần Hoa