BBT. Trong bài viết tưởng nhớ về Trần Duy Phú (Phú_lít, Phú Aline) có nhắc về kỷ niệm lúc Phú về Dầu Giây thăm Trương Thoại Hồng và ghé ”nhậu” ở ”Không Gian yêu Thương” – Vườn nhà anh Sáu Tào. Phú và Hồng song ca bài ”Cẩm Liên Hương” – một sáng tác của Trương Thoại Hồng sau khi đọc bài ”Cho Đời Chút Hương” của Nguyễn Chí Trung (đăng Blog CŨ vào ngày 13.05.2010). Và sau khi nghe ca khúc ”Cảm Liên Hương” của TTHồng, NCTrung viết tiếp một bài ”Bay Đi, Hương” (đăng Blog Cũ ngày 19.05.2010). Nhận thấy cả 2 bài viết đều nhắc đến một kỷ niệm đẹp một thời, nên xin đăng lại để mọi người cùng một lần nữa đọc lại kỷ niệm này… vì Blog CŨ nay đã không còn… Mong tác giả thông cảm.
***
Từ Thất Sáu đến Tứ Bốn, lớp mình chưa bao giờ được học chung với con gái, cho nên hồn đứa nào đứa nấy cũng đều khô cằn. May cho mình là tuy không được học với Nguyễn Thị Thanh Hương chung lớp ở Phan Châu Trinh, mình đã được học với Hương ở những nơi khác.
Nghe ca khúc: Ru Ta Ngậm Ngùi (sáng tác Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, do Ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn Đại học văn khoa Sài Gòn trước 1975)
Nơi đầu tiên là tại Hội Khuyến học (góc ngã tư Hoàng Hoa Thám và Thống Nhất cũ), lớp Luyện thi đệ thất, với thầy Đối (dạy trường tiểu học Thạc Gián). Thời ấy thi vào đệ thất trường Phan Châu Trinh không phải dễ, do đó bọn mình phải đi học luyện thi hai môn Văn và Toán, như học trò bây giờ học luyện thi đại học vậy. Giữa một đám hỗn mang nửa người nửa ngợm, nửa quỷ nửa học trò là đám con trai tụi mình, Hương hiện ra như một đoá hồng rực sáng. Vừa học giỏi, vừa dịu dàng, vừa dễ thương, vừa ngọt ngào (Huế mà!). Hương là niềm mong ước của bọn nhãi ranh miệng còn hôi sữa. Được trò chuyện với Hương là một niềm vinh hạnh. Được ngồi gần Hương là một nỗi tự hào. Không biết ngày ấy có còn ai thầm yêu trộm nhớ Hương không, chứ riêng mình thì mình biết trái tim non của mình cũng đôi lần rạo rực. Ngồi học văn mà tâm hồn mình cứ để đâu đâu. Còn làm toán thì nhiều khi bỗng quên công thức! May là, kỳ thi đệ thất năm ấy mình cũng đổ, nhưng buồn là không được xếp vào học chung lớp với Hương
Nhưng hình như cái gì rồi cũng có bù trừ. Ông Trời vốn rất nhân đức, không đóng kín mọi cánh cửa cùng lúc bao giờ. Buổi tối mình đi học Anh văn Hội Việt Mỹ, lại được học với Hương. Thời ấy mình có xe, nhưng bỗng dưng thích đi bộ, để được về cùng đường với Hương. Con đường Thống Nhất thật dài, vậy mà nó vẫn còn quá ngắn so với mong ước của mình. Hương đi trước, mình lẽo đẽo theo sau, giữ đều khoảng cách và giữ vững sự câm lặng. Một tuần ba buổi tối, mỗi tháng mười hai lần, mười hai tháng mỗi năm, năm này qua năm khác, suốt cả tuổi học trò, cứ thế mà đi, thương mà không dám tỏ.
Đỗ tú tài năm 1972, mình vào Sài Gòn học, xa Hương và quên dần những ngày tháng học trò.
Đất nước sang trang, mình về lại Đà Nẵng. Những năm sau này mỗi lần đi họp lớp vào Mồng Bốn Tết Âm Lịch, mình thỉnh thoảng có gặp lại Hương, chào hỏi qua loa nhưng chưa bao giờ chuyện trò thân mật với Hương cả. Thật tình cờ, hôm họp lớp Mồng Bốn Tết Canh Dần vừa rồi, mình có dịp ngồi gần và chuyện trò với Hương. Bất ngờ, Hương nhìn mình, hỏi trông trống, không đại từ nhân xưng, không ngôi số:
– Có nhớ ngày xưa bị xì lốp xe không?
– “Có”, mình đáp nhát gừng, nhớ lại những lần bị xì lốp xe khi đi học ban ngày trường Phan Châu Trinh. Sau một lát không hiểu sao mình lại hỏi một câu thật ngớ ngẩn: “Vì răng rứa?”
– “Ghét lắm,” Hương trả lời, cái đuôi con mắt bây giờ vẫn còn ám ảnh mình.
Mình không hỏi thêm Hương ghét cái gì và vì sao lại ghét. Hương ghét mình ư? Hay ghét vì tại sao ngày xưa cứ lẽo đẽo theo Hương mà không bao giờ chịu nói? Trên đời này, mình chợt nghĩ, không phải mọi câu hỏi đều cần phải có câu trả lời rõ ràng. Cứ để vậy, như giữ lại một chút hương cho đời, dù giữ lại cũng không biết để làm gì, phải không Hương?
Nguyễn Chí Trung