Tản Mạn Chuyện Võ Lâm: Châu Bá Thông – P. 1/2 (Huỳnh Ngọc Chiến)

P. 1/2: Châu Bá Thông – Trăm năm còn vị thành niên!

ChauBaThong_02Bảy mươi mới bước vào đời
Tám mươi ta mới sang chơi láng giềng
Tuổi mình còn vị thành niên
Há cớ gì phải buồn phiền như ri?

(Trần Văn Chánh)

Mỗi khi đọc câu thơ tự trào dí dỏm của người bạn gởi tặng từ vùng Bắc Ninh xa lắc, lại nhớ đến Lão ngoan đồng Châu Bá Thông.

Ở vào lứa tuổi mà Khổng Tử bảo là “tri thiên mệnh”, đã đủ dày dặn kinh nghiệm để hiểu được mệnh trời, ấy vậy mà vẫn thấy mình là kẻ “vị thành niên”! Cuộc sống vẫn luôn mênh mông đối với những người hồn nhiên lạc quan, luôn mang trong mình cái “xích tử chi tâm” của Lão ngoan đồng.

Khổng Tử bảo: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” (Ba muơi tuổi thì ý chí đã kiên định, bốn mươi tuổi thì không còn ngờ, năm mươi tuổi thì hiểu mệnh trời, sáu mươi tuổi thì tai thuận, bảy mươi tuổi thì có thể làm theo lòng ham thích mà không còn sợ vượt quá khuôn phép nữa – Luận ngữ – Vi chính II, 4).

Cho nên, “bảy mươi mới bước vào đời”! Lúc này đã có quyền “tòng tâm sở dục, bất du củ” rồi.

Ở cái tuổi “sang chơi láng giềng” thì người hàng xóm lọm khọm là láng giềng đã đành, thậm chí cái chết cũng là kẻ láng giềng. Lúc đó thì làm kẻ “sang chơi láng giềng” theo thể điệu “Être-pour-la-mort” (hữu thể hướng tử) của Heidegger!

Đối với nhà thơ Nguyễn Công Trứ, cái chơi “Tân nương dục vấn tân lang kỷ. Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” (tạm dịch: Người đẹp muốn hỏi tuổi ta. Năm mươi năm trước mới hăm ba chứ gì!), ở cái tuổi bảy mươi ba, nghĩa là mới “vào đời” được ba năm, thì dĩ nhiên những đào nương xuân xanh hơ hớ trong tiếng ca và sênh phách luôn là kẻ láng giềng của vị Doanh điền sứ tài ba và “chịu chơi” nhất trong nền văn học Việt Nam này.

Cụ Nguyễn Công Trứ tựa như nhân vật Alexis Zorba của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazanzaki, luôn thấy mình ở lứa tuổi đôi mươi, yêu mê đắm, sống say sưa, làm việc hết mình để tận hưởng hết cái thanh sắc của trần gian cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt. Cái tố chất “chịu chơi” của Alexis Zorba hoặc của Uy Viễn tướng công dù hiếm, nhưng vẫn còn có thể tìm thấy ở một đôi người, chứ cái tố chất hồn nhiên như đứa trẻ con chơi đùa giữa đời của Châu Bá Thông thì chỉ có có thể tìm thấy trong chính Lão ngoan đồng!

Nếu chọn trong tất cả tác phẩn Kim Dung một nhân vật được mọi tầng lớp độc giả yêu thích, kể cả trẻ con, thì có lẽ đó chính là Châu Bá Thông. Một nhân vật suốt đời chỉ biết chơi đùa, luôn tìm cách trốn tránh mọi trách nhiệm trong đời mà lại được mọi độc giả yêu mến, điều đó mới là lạ lùng.

Người ta nói Lên ba thì cười, lên mười thì mắng, có nghĩa cùng một câu nói, nếu ở miệng đứa bé lên ba nói ra thì thấy ngộ nghĩnh đáng yêu, còn ở miệng đứa bé lên mười thì lại thấy hỗn xược vô lễ. Cái “thực” không đổi khác mà lại sinh ra hai tâm trạng yêu ghét, bởi vì câu nói của đứa bé lên ba hoàn toàn xuất phát từ trạng thái hồn nhiên vô tâm. Mà ở trên đời, những gì xuất phát từ cái tâm hồn nhiên đều dễ dàng tiếp cận và làm cảm động được lòng người một cách đằm thắm sâu xa.

Châu Bá Thông được độc giả yêu mến bởi ông luôn là “đứa bé lên ba” đó.

Sau khi vô tình gây nên mối tình oan nghiệt tại cung điện Đoàn Nam đế, Châu Bá Thông lại suốt đời chạy trốn Anh Cô, không phải vì ông là kẻ bội bạc vô tình, mà chỉ vì không muốn mang trách nhiệm với cõi đời, nghĩa là không có khái niệm “làm người lớn”.

Thân ở trong cõi đời, nhưng tâm lại hoàn toàn không muốn vướng bận lụy phiền của cõi nhân gian.

Con người khi sinh ra là một đứa bé hồn nhiên, rồi lớn lên, vượt qua giai đoạn ấu thơ để vào đời, và từng bước khám phá ra những điều huyền ẩn. Nhưng chính trong quá trính khám phá để “trưởng thành” ấy, con người dần đánh mất tính hồn nhiên mà Thượng đế đã phú bẫm cho từ thuở ban sơ. Cái “xích tử chi tâm” dần bị chai sạn bởi những nghiệt ngã của cuộc sống.

Con người, để tồn tại và để cạnh tranh vượt lên cao hơn người khác bằng mọi thủ đoạn mưu ma chước quỷ, cứ ngày càng xa dần vườn địa đàng của tuổi thơ. Cái tâm hồn nhiên kia bị tập nhiễm quá nhiều điều thô bỉ, đê tiện cùng những thói quen dối trá lọc lừa mà chỉ khi có cơ duyên thoát khỏi những hệ lụy ấy, con người mới có thể sực tỉnh để chợt hiểu ra những trò nhảm nhí mà mình cứ mê mải múa may trên sân khấu đời.

Bộ sách Mạnh Tử gồm mấy vạn lời, suy cho cùng cũng chỉ là nỗ lực giúp con người khôi phục lại cái tâm hồn nhiên đó mà thôi. “Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm” (Bậc đại nhân không đánh mất đi tấm lòng con trẻ – Mạnh Tử, Ly Lâu hạ). Châu Bá Thông chính là bậc đại nhân “bất thất kỳ xích tử chi tâm” đó.

Hầu hết những cao thủ võ lâm đều xem võ học là phương tiện để thỏa mãn tham vọng bành trướng uy quyền và khoáng trương cái tôi. Chỉ có Châu Bá Thông xem võ học là mục đích tự thân. Thích học võ, vui học võ, say mê học võ. Hễ gặp ai có những tuyệt kỹ lạ lùng, như Dương Qua hay Kim luân Pháp vương là Châu Bá Thông sẵn sàng bái làm sư phụ để xin học. Như một đứa trẻ ham mê đồ chơi lạ.

Và chỉ có cái tâm hồn nhiên của trẻ thơ mới có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu từ những cái tưởng chừng rất đổi tầm thường.

Xem tiếp Phần 2/2

Tác giả Huỳnh Ngọc Chiến. Trương Thoại Hồng sưu tầm từ nguồn vnthihuu.net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Văn Thơ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s