Vẫn như thường lệ ngồi ở sân sau, đêm 30 năm nay trời quang, sao lưa thưa, gió lạnh buốt. Lại thêm một Giao thừa nơi xứ người, Giao thừa thứ 18, nghĩ đùa mình đã lưu lạc hơn đứt nàng Kiều 3 năm. Càng lâu cảm xúc về thời khắc giao thoa của đất trời giữa cũ và mới càng giảm dần, chỉ mới năm trước còn nao nao, bồi hồi, thêm nỗi nhớ quê nhà nay gần như dửng dưng, mọi năm chiều 30 thế nào cũng ghé những ngôi chợ Việt Hoa tìm chút không khí Tết ngày xưa, nghe tiếng pháo nổ, tiếng lao xao của người mình mua sắm, có năm còn đợi cho đến khi tàn chợ chiều, năm nay thì không, mới hay ở một tuổi cái thay đổi chợt nhanh hơn, như lật lọng.
Bây giờ thì không còn đón mà ngồi đợi Giao thừa, đợi cho qua một ước lệ tự ngàn xưa, một ước lệ vừa cố hữu lại cũng lệch lạc ngã nghiêng như đời người, mấy thằng bạn ở quê nhà vừa gọi điện chúc mừng ngày đầu năm, khi mình đang ngồi đây lặng lẽ trong bóng đêm trừ tịch thì tụi nó đang đang hớn hở nâng ly mừng năm mới, còn nghe rổn rảng tiếng chạm ly.
Ly rượu đầy trong tay, vị cay cay, đêm nay đêm chạm 60.
Đã 60 rồi à, thời gian có nhanh quá không.
Nhanh gì mà sống đã trải qua hai thế kỷ, nhanh gì mà đời đã truân chuyên lận đận suốt bao kỳ, du cư qua bao nơi chốn. Nhanh gì mà ngoái lại đã ngút ngàn, lớp lớp ký ức dày đặc, có những kỷ niệm, hình ảnh xưa đã phải vất vả đào bới lên tìm như khảo cổ. Nhanh, phải chăng là do tiếc nuối chẳng làm được gì mà đời còn quá ngắn, lực giờ đã cạn.
Đêm chạm 60, sao không như những năm qua, nhớ gì không nhớ bỗng dưng lại nhớ những người thân yêu quá vãng, nhân dáng gương mặt đã mờ mờ chỉ còn chăng là những đôi mắt ám ảnh một thời. Những ám ảnh khởi đầu từ một ngày đầu năm, hình ảnh người lính gục chết trên chiếc xe Jeep ngay trước cửa nhà, đầu gục trên tay lái mắt trợn trừng vô hồn nhìn ra ngoài, cậu bé 14 tuổi ngày đầu năm mới hớn hở mở cửa nhà sửng sờ, sợ đến lặng cả người. Rồi là những ngày kinh hoàng trên một thành phố đẹp hiền hoà, kinh hoàng như một thiếu nữ hiền hậu biết bao bị một thằng côn đồ vô nhân hãm hiếp đến thê lương.
Và đêm nay nhớ rất rõ. Nhớ, đôi mắt sâu của ba, ánh mắt hoang mang, buồn đến tuyệt vọng nhìn vợ con khi bị bắt như có linh tính đi mãi không về. Chỉ 5 năm sau đôi mắt ông chú sau chiếc kiếng cận có chút lo âu vẫn cố thản nhiên dặn dò, không biết rằng đây là lần vĩnh quyết. Nhớ quá, đôi mắt đứa em mờ đục dần khi hấp hối, một thoáng hồi quang phản chiếu nhìn anh hỏi han mẹ, mấy em và mấy cháu rồi lịm dần; Văn ơi! Đã gần 30 năm, tóc anh đã bạc, nhớ đến em anh vẫn nghẹn ngào và khóc như trẻ. Lại nhớ dì, đôi mắt đục tuổi gần 90 nuôi nấng mình từ nhỏ, ngày mình ra đi dì nén tiếng khóc, 8 năm sau gặp lại chỉ thấy cháu mờ mờ không rõ vẫn đêm đêm đọc kinh cầu an cho cháu. Và đôi mắt mẹ, vẫn còn đây dõi theo những đứa con suốt gần 50 năm từ ngày góa phụ. Mẹ, khóc không thành tiếng, đôi mắt đau đớn, thảng thốt như không tin nhìn xác chồng. Mẹ, ánh mắt dấu nỗi buồn, nghiêm nghị dạy dỗ con hằng đêm. Mẹ, nhìn quan tài đứa con, nỗi đau lớn quá không nước mắt nào tuôn nổi, đôi mắt khô khốc, thẩn thờ đến vô hồn. Mẹ, giờ là ánh mắt nhìn cháu chắt và những đứa con tóc bạc trìu mến như nhau.
Đêm nay đêm chạm tuổi 60, tuổi dõi theo ánh trăng làm tuổi, tuổi của một tâm hồn dẫu ở đâu thì luôn hướng tận phương Đông. Dù có manh nha từ lâu nhưng từ đêm nay là đã chạm đến cột mốc mà từ đây đời mình sẽ rơi nhanh hơn về phía trước, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ sẽ nhộn nhịp hơn, sẽ nghe và cảm thấy rõ hơn những thay đổi trong người mình. Chạm 60, não nề thiệt. Cưỡng gì nổi, thôi thì vẫn cứ mang theo hành trang những vui, buồn, hằn học, hận thù, tha thứ, yêu thương, chán ghét, hy vọng, hoang mang, trăn trở, tiếc nuối…. có gì mang theo hết cố đừng để sót, và để…. rơi tự do. Đừng yêu quá cũng đừng ghét quá, đừng hy vọng cũng đừng tuyệt vọng. Lỡ có lúc tuyệt vọng thì đừng tự sát. Mà lỡ có muốn tự sát thì hãy tự sát bằng cô đơn để không bao giờ chết*, bởi đời vẫn còn lắm việc.
Đêm trừ tịch, đêm chạm đất trời, chạm 60, chạm luôn một khúc khuỷu của đời người.
Giao thừa 2013
* “tự sát bằng cô đơn nên không bao giờ chết”. Trong Ngụ ngôn của người đãng trí. (Ngô Kha)
Hà Thủy (Blog mienxua.blogspot.com)