“Về Thăm Phố Cũ” với Mai Chung (Hà Thủy)

Hình như loáng thoáng khá lâu có nghe giới thiệu qua một bản nhạc của một cái tên mới toanh, Mai Chung nhưng không nhận rõ, có lẽ bị chìm khuất trong một thời điểm khá xôn xao mà tôi cũng có tham dự trên blog nầy. Mấy hôm trước lang thang trên mạng lại trở về căn nhà ảo blog PCT, tình cờ nghe lại, nghe trên Youtube; thoạt nghe như một thói quen và rồi lạ quá chỉ sau vài giây cái âm điệu đã quyến rũ lúc nào không hay, chỉ có âm điệu, một bản hòa âm. Nghe, rồi nghe lại vài lần, hay quá, không biết hay vì bản nhạc, hay bản nhạc đã gây một cảm xúc mà tự thân mình từng trải qua. Có lẽ cả hai.

Nghe Nhạc: Về Thăm Phố Cũ, Mai Chung

Thật ra mà nói nếu nghe bản nhạc nầy trên một trang mạng mà “thượng vàng hạ cám” có đủ thì cũng có thể thấy hay, một cái hay bình bình của giai điệu tình cờ bắt gặp, cái may là còn có lời nhạc trên video nhỏ, nhạc Việt toàn là ca khúc, ca từ luôn song hành cùng giai điệu, làm thăng hoa giai điệu, có đôi khi định đoạt cả số phận của ca khúc, nên chi tôi nghe “Về thăm phố cũ” của Mai Chung cả bằng tai và bằng mắt, dĩ nhiên là lắng nghe luôn bằng cảm xúc tự nhiên của mình và viết lên một cảm nhận bằng cái tình của một người thích nhạc và vốn liếng của người hiểu nhạc vỡ lòng.

“Về thăm phố cũ”, một giai điệu buồn buồn, rỉ rả với cung La thứ vốn luôn để diễn tả cái day dứt nhưng với nhịp điệu 2/4 thường được dùng cho những ca khúc vui hay những hành khúc lại được Mai Chung sử dụng, cứ như một nụ cười gắng gượng làm vui, hòa âm nghe rộn rã lại làm tăng thêm cái mang mang, tiêng tiếc của một phố xưa qua từng nốt nhạc, một phố cũ của một thời không mất hẳn nhưng đã qua trong tiếc nuối.

Hãy nghe: Về đây khi nắng còn trên đồi/Hỏi thăm con phố cũ ngày xưa/ Vì sao phố xá bổng tiêu điều…… và Về đây khi phố còn yên nằm/ Hỏi thăm căn gác cũ ngày xưa… Những nốt nhạc đều đều, lời ca bình dị không hiểu sao lại gây một cảm xúc quen thuộc. Phải rồi, về thăm phố cũ một buổi trưa hè, những thành phố miền Trung luôn im vắng, dưới cái nóng ngầy ngật khi cả “thành phố đã đi ngủ trưa” (TCS) những hoài niệm của người về trở nên rõ nét, không hiểu sao trưa và đêm khuya, hai thái cực thời điểm của một ngày lại luôn đưa tâm trạng một người ở vào đỉnh điểm cao nhất. Nhớ lại có lần trở về Huế, cũng lang thang giữa trưa trên con đường “phượng bay” trước ngôi trường thời tuổi trẻ, cũng nửa đêm một mình qua những con đường trong thành nội, quên hết những phiền lụy cuộc đời để mặc cho ký ức tràn về, có khi êm dịu cũng có khi nổi loạn đánh cho tan nát cả tâm can. Phố xá xưa nay tiêu điều? Phố xá hay là ta? Không gian còn đó, phố xá chắc phải đổi thay nhưng ngày đi tóc xanh trở về tóc bạc, tiêu điều chắc do tâm cảnh khi tâm trí cứ lẩn quất đâu đây những bóng hình, cảnh vật một thuở thanh xuân.

Và nghe tiếp: Về đây khi mặt trời lên cao/ Về đây thăm mộ phần em thơ/ Về thăm ngôi trường cũ điêu tàn/ Và thăm con đò cũ năm xưa. Cái điệp khúc vẫn cứ đều đều day dứt, có chăng Mai Chung đưa tâm trạng mình lên bằng những nốt sau cao hơn diễn tả những riêng tư cho đến phân khúc cuối cùng với: Về đây phố vắng buồn yên nằm/ Hỏi thăm thằng bé rách tả tơi/ Thì ra phố xá đổi thay rồi/ Đổi người đổi vật thay con tim. Đến đây thì ôi thôi rồi một kẻ đã đi lạc quá xa và quá lâu.

Vậy hí, nghe “Về thăm phố cũ” của Mai Chung đã có nhiều cảm xúc, lạ và bất ngờ . Lạ là một bản nhạc với một giai điệu hay nhưng không mới, lời ca cũng rất giản dị, vậy mà khi nghe tổng hợp với hòa âm của Mai Chung lại đi sâu vào lòng người, Bất ngờ là trong cái thời được/ bị xâm thực bởi quá nhiều âm thanh lại tình cờ nghe một bản nhạc hay từ cái không gian ảo blog PCT, nhất là ở tuổi tàn Thu rất hiếm hoi tìm được những giây phút thật sự thú vị. Nên chi cám ơn ông bạn Mai Chung và mong còn nghe những Mai Chung khác trên blog nầy.

Hà Thủy

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc, Văn Thơ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s