Bão Lũ …. rồi lại Lũ Bão… (Hoa Bắc cực)

Từ đầu năm đến những ngày cuối tháng 9 đã nghe nhiều cơn bão ập vào đất nước tôi, đặc biệt các tỉnh miền Trung Trung bộ, trung bình 1 tháng 1 lần bão lũ…

Gần hết tháng 9 lại nghe tin Bão số 9 (bão Usagi) với sức gió gần trung tâm mạnh cấp 14, 15 (khoảng từ 150 đến 170 km/giờ), là bão mạnh nhất trên Thái Bình Dương trong vài năm qua… trực tiếp vào Phi Luật Tân gây thiệt hại không nhỏ, nhưng khi vào Việt Nam thì hậu quả không nặng nề lắm… vì sức gió giảm, chuyển sang mưa lớn, nhưng nước lũ từ thượng nguồn lại đổ về gây ngập lụt cho nhiều vùng thuộc Thanh Hóa…, và bão cũng gây thêm một số thiệt hại khác cho các tỉnh ở miền Nam Việt Nam, để:

… Trời làm chi cực hỡi trời
Đã mưa lại bão bao người thương đau
Tôi không bị bão xé nhàu
Mà lòng sao vẫn thấy đau với người.. (Nguồn Blog trathanhlam)

Một tuần sau đó sang đầu tháng 10, thì lại nghe tin có bão số 10 với sức gió cấp 8, 9 lại đổ vào miền Trung gây ảnh hưởng đến các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Gió mạnh và nước dâng làm cây cối trong khu vực bật gốc, gãy đỗ… nhà cửa trốc mái, ngập lụt… Như lời bài thơ: ”Gửi về miền Trung”

Miền Trung ơi, năm nay… bão lại về
Điệp khúc ấy, mỗi khi nghe, lòng quặn thắt
Lại nước mênh mông, lại tan nát cửa nhà
Nhiều số phận xuôi theo dòng nước lũ.

Nhiều gia đình mất mát người thân
Những bà mẹ mất con trong gang tấc
Cha mất con, những người vợ mất chồng
Không thể nào tin và có thể nào tin…

Rồi sau đó khoảng 2 tuần lại nghe tin bão số 11 ập vào các tỉnh miền Trung Việt Nam. Mà vị trí tâm bão nằm ngay các bờ biển tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 12, 13… đã gây thiệt hại rất nặng nề cho thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An… mà Chủ Tịch UBND TP Đà Nẵng, Ông Văn Hữu Chiến đã phải kiểm điểm trong một buổi họp là tại sao gần 95 % cây xanh (tức khoảng 40.000 cây) trong thành phố Đà Nẵng bị hư hại… Không chỉ thành phố Đà Nẵng bị thiệt hại mà các tỉnh khác từ Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng cùng một số khu vực khác ở vùng cao nguyên… cũng bị thiệt hại khá trầm trọng…

Nhìn những hậu quả sau bão lũ, những thảm cảnh quá đau thương, một bạn có nickname Thầy Phán đã viết…

Bão ơi, đừng đến nữa,
Quê tôi nghèo lắm rồi ….


Bão ơi! Đừng về nữa…
Miền Trung mảnh đất nghèo


Hay:

Bão ơi! Tôi sợ hãi
Cảnh tan cửa nát nhà.


Chưa kịp hoàn hồn, đang xây dựng, tái thiết những thiệt hại liên tiếp xảy ra… lại nghe thêm tin bão số 12, rồi 13, nhưng các đợt bão này khi vào đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên… bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa… nhưng thiệt hại cũng khá lưu tâm … ngoài nhiều con đường phố bị ngập, úng, hoa màu bị hư hại… Để từ đó nhà thơ Nguyên Thạch viết:

… Mang một mớ tạp nham, bỏ của cải thoát thân,
Khốn cùng, đã trắng hai tay
Lại càng tay trắng, đọa đày trầm kha
Vách phên, tạm gọi là nhà
Cuốn trôi sạch bách, cửa nhà còn chi
Gia tài, cơm gạo hẩm thiu
Quăng vào biển nước, tiêu điều xác xơ… (Miền Trung, tôi thấy rồi em – Nguyên Thạch)

Hay như một bạn có tên Miền Trung chia sẻ trên Facebok, như sau:

Tôi sinh viên quê miền Trung yêu dấu
Sống xa nhà cũng mấy mùa bão giông
Thương mẹ, thương cha – gồng mình tránh bão
Nước đang dâng và gió thổi không ngừng
Tôi ở đây nhưng hồn nơi xa lắm!
Thấp thỏm, chờ mong, ngóng tin nhà
Bão ơi xin đừng vào nữa nhé!
Để dân tình vui cảnh sống bình an.

Ao ước vẫn ước ao, cầu nguyện vẫn nguyện cầu … nhưng thiên tai cứ vẫn đến và cứ vẫn về… Nay mới đầu tháng 11 cơn bão số 14 có tên rất đẹp, rất dễ thương ”bão Hải Yến (Haiyan)” lại có hướng vào Thừa Thiên-Huế cho đến Bình Định sau khi đã càn quét gây thiệt hại một số tỉnh ở Phi Luật Tân… Cơn bão này theo như lời các chuyên gia khí tượng hàng đầu Hoa Kỳ cho biết là một trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử nhân loại… Với sức gió lên đến cấp 17, 18 (tức trên 200 km/giờ).

Nhìn các tấm hình nhà cửa đường phố, dân cư… qua các trận bão vừa rồi … chỉ với cấp gió 12, 13… đã gây không biết bao hậu quả… nay thử tưởng tượng nếu như bão vào đến đất liền ở các tỉnh miền Trung Trung bộ Việt Nam với sức gió không giảm tức vẫn ở cấp độ 200 km/giờ thì người dân (nhất là những người dân nghèo) và nhà cửa của họ cũng như của những đồng bào khác vùng ven biển sẽ ra sao??? Làm sao biết được!!!

Miền Trung hình như đã quen chung sống với hai từ bão lũ… Nhưng cứ mỗi lần bão lũ đi qua, hậu quả để lại phía sau sao vẫn thấy xót xa, đau đớn đến nghẹn lòng… Miền Trung vẫn oằn mình chống chọi, người dân vẫn nơm nớp sống trong lo âu, sợ hãi mỗi khi nghe bão về lũ đến…

Tôi buồn thương, tôi xót xa, tôi lo lắng… và trong tôi rưng rưng những cảm nhận mỗi mùa bão lũ… như nhà thơ Chu Long đã diễn tả trong bài thơ ”Miền Trung trắng nước”, với những lời than não lòng…


Đã nghèo lại lắm đắng cay
Có chút để sống nay bay mất rồi.
Bởi dòng nước lũ cuốn trôi
Bao nhiêu công sức hết rồi còn đâu.
Thiên tai giáng họa mà đau
Nhìn dòng nước lũ đỏ màu tang thương.
Mênh mông nước ngập mười phương
Hòa dòng nước mắt quê hương trộn vào.
Hỏi trời, trời tít trên cao
Hỏi người bên dưới không sao trả lời.
Người dân đói khổ … khóc cười
Mặc cho số phận cuộc đời phải mang


(Trích ”Miền Trung trắng nước” của Chu Long).

Thôi thì không còn mơ ước nào là mong sao bão lũ đừng đến nữa!!!! để người dân được sống đời an lành vậy…

Cũng như nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã viết như một Thông Điệp nhắn gởi của đoạn kết ca khúc Sau Mùa Bão Lũ phổ từ thơ Nguyễn Phan Quế Mai… mà quý bạn đã nghe troing bài trước…

Thương ơi đưa tay ra nào
Thương ơi đưa tay ra nào
Sau mùa bão lũy Đắng-Ngọt sẻ chia…

Hoa Bắc cực

*** Các bài thơ được trích dẫn từ các nguồn tài liệu…

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s