Thơ: Hoài niệm MẸ của Bác Lê Quang Khôi (Hoa Bắc cực)

  • Bác Lê Quang Khôi là Ba của bạn Lê Quang Chính (Chính móm).

Từ xa xưa nhiều quốc gia đã có ngày để tôn vinh Mẹ. Nhưng Ngày Hiền Mẫu hay Ngày của Mẹ mà đa số các quốc gia trên thế giới ngày nay ăn mừng đều bắt nguồn từ Bắc Mỹ và Âu châu. Nhưng để phù hợp với phong tục tập quán cũng như văn hóa của mỗi quốc gia, Ngày Hiền Mẫu khi du nhập và phổ biến đã có ít nhiều thay đổi như ngày giờ và phương thức tôn vinh, ăn mừng, v.v…

Chẳng hạn tại Na Uy Ngày Hiền Mẫu hàng năm sẽ là ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 2 dương lịch. Năm nay 2014 nên ngày Hiền Mẫu là ngày Chủ Nhật 9.2. vừa qua.

Riêng tại Việt Nam thì trước đây chỉ có ngày Lễ Vu Lan, nhưng do sự lan rộng của mạng lưới vi tính (internet) cũng như một số phương tiện thông tin đại chúng, Ngày Hiền Mẫu cũng đã được mọi người hưởng ứng. Vào ngày này những người con nhớ ơn mẹ sẽ dùng các món quà có ý nghĩa từ vật chất đến tinh thần để dành tặng cho mẹ của mình. Ở Việt Nam ngoài Ngày Lễ Vu Lan (Mẹ, Cha…) còn có nhiều ngày khác để tôn vinh và ăn mừng dành cho Phụ Nữ, như: Ngày Hai Bà Trưng (mồng 6.2 âm lịch), ngày Quốc Tế Phụ Nữ (8.3), Ngày Hiền Mẫu du nhập từ Hoa Kỳ (Ngày Chủ Nhật thứ nhì của tháng 5. Năm nay sẽ là ngày Chủ Nhật 10.5.2014) và Ngày Phụ Nữ Việt Nam (20.10).

Nhắc đến ngày Hiền Mẫu, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm lúc về thăm quê nhà và có dịp ghé thăm Ba Má của một thằng bạn nối khố từ xa xưa… Lê Quang Chính (móm). Nhắc đến thằng bạn này thì ôi thôi nhiều chuyện để kể, nhiều chuyện để nói… lắm lắm… và chắc là tôi sẽ có một bài nào đó viết riêng về nó sau này. Nhưng lần này đặc biệt chỉ viết dành riêng cho ba má của nó thôi … Đó là hai bác Lê Quang Khôi (Ba) và Bác Công Tằng Tôn Nữ Thị Vỵ (Mẹ).

Nếu ngược lại thời gian khoảng 45 năm thì khi nói về ba má của L.Q. Chính móm hay bất cứ một số gia đình của nhóm bạn cùng bàn, cùng ghế… của tôi là N.C.Dược (Hoa Kỳ), H.Thông (Hoa Kỳ), L.H.Sinh (Đà Nẵng), N.H.Hùng (Úc), N.Q.Định (Hoa Kỳ), T.V.Dũng (Đà Nẵng), T.V.Lành (Đà Nẵng), v.v… thì tôi rất quen thuộc kể cả gia đình, anh chị em của nó nữa chứ. Chúng tôi quen thân nhau và cũng nghịch, quấy nhau nhiều lắm… Quen đến nỗi mà kêu tên ”cha” tên ”mẹ” mà gọi… Như chúng tôi đã gọi nó (Chính ”móm”) là con ”Anh Khôi” hay ”Mệ Vỵ”, v.v…

Và nếu lấy trường Phan Châu Trinh – ngôi trường chúng tôi theo học từ lớp 6 đến lớp Đệ Nhất là tâm điểm thì tôi, Sinh, Thông, Dũng, Lành… ở về hướng Chợ Mới còn nhà nó, Dược … thì ở tuốt dưới đường Lý Thường Kiệt và Đống Đa. Nhưng chúng tôi thường hay lên xuống, chạy tới, chạy qua… có khi dùng cơm, dùng bữa ở nhà của nhau nữa chứ.!

BaMa_Chinh (1)_resizeNên tuy đã xa quê nhà nhiều năm và khi có dịp ghé thăm thì tôi cũng rất vui mừng khi được gặp cả gia đình của nó từ ba má, đến các anh chị em… vợ con… kể cả người chị lớn của nó là Chị Thục Nhi hiện định cư tại Pháp. Nhưng đặc biệt nhất là thấy cả hai bác vẫn khỏe, vẫn còn nhớ tôi mà gọi là ”thằng Hoa… Lu” đó hả… Ngồi nói chuyện mới thấy dù bác trai, ba Chính nay tuổi đã trên 90 vẫn say mê các trận đá bóng của các đội tuyển hạng Anh mà các trận đá bóng này nếu ở Việt Nam xem được thì thường phải là vào khoảng 2-3 giờ sáng (vì khoảng cách múi giờ)… …

Tuy tuổi đã cao, nhưng cả bác trai và bác gái đều có những sinh hoạt riêng biệt… kể cả việc lo ăn uống cho riêng mình… nhưng nghe đâu thằng con trai Út tức Lê Quang Chính cũng thường hay ghé qua và ké hùn…

Lần ghé thăm mới nhất là mùa hè năm ngoái 2013, tôi đã trò chuyện và mới phát hiện là bác trai dù tuổi đã cao nhưng vẫn thường hay nhắc về mẹ của bác tức bà nội của Chính móm, người đã qua đời vào cuối năm 1969, thượng thọ 92 tuổi. Và trong một ngày Giỗ BaMa_Chinh (3)_resizeMẹ lần thứ 42 vào tháng Chạp năm Canh Dần 2011, Bác trai đã sáng tác bài thơ mang tựa Hòai Niệm Mẹ.

Nay không khí xuân năm Giáp Ngọ 2014 vẫn còn ấm áp, nồng nàn hay trong ý nghĩa trang nghiêm của ngày Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng), cũng như để đặc biệt dành riêng tặng MẸ (CHA)Ï, hoài niệm về MẸ (CHA) – những người MẸ (CHA) đã khuất, nhưng đây cũng là một vinh dự lớn cũng như niềm vui không thể nói cho những người bạn của tôi (chúng tôi) vẫn còn Mẹ (Cha), đặc biệt là còn cả Mẹ lẫn Cha… mà chắc chắn tuổi đời của Mẹ hay Cha nay đã trên cả 80 (bát tuần)… tôi xin được ghi lại bài thơ này như một kỷ niệm và món quà cầu chúc không chỉ hai bác Khôi, Vỵ (ba mẹ Chính ”mom”) mà cho cả Mẹ (Cha) của những người bạn chúng tôi hiện tiền được THƯỢNG THỌ, Phước như Đông hải, Thọ tỉ Nam sơn.

BaMa_Chinh (2)_resize

Hoài Niệm Mẹ

Đốt nén hương trầm khói tỏa bay
Nhìn lên di ảnh lệ tuôn dài
Mẹ đi giữa tiết mai thay lá
Giờ trước hiên mai lá rụng đầy.

Chín hai năm trọn đạo tam tòng
Nay nợ nhân hoàn đã trả xong
Thanh thản Mẹ quay về quê Mẹ
Tìm an vui chốn Nhược non Bồng.

Buồn nhớ ngày nhạc trỗi bi ai
Nắng mới bâng khuâng, gió ngậm ngùi
Khăn chế gậy vông con tiễn Mẹ
Đến Nam Ô, thánh địa luân hồi.

Nơi đây, Mẹ an nghỉ ngàn thu
Ngã rẽ âm dương vạn cổ sầu
Cát trắng chôn vùi thân tứ đại
Từ hư vô Mẹ về lại hư vô.

Khấu đầu con bái biệt từ thân
Gởi Mẹ cô đơn dưới mộ phần
Nắng sớm, mưa chiều, đêm giá rét
Hết phương lo thân tỉnh mộ khang.

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử (*)
Buồn nỗi Mẹ đi quá vội vàng
Ân nghĩa sinh thành chưa kịp trả
Hiếu thân trọn kiếp nợ con mang.

Mẹ ơi,
Từ buổi đoạn trường vĩnh quyết
Đã bốn hai mùa mai nở mừng xuân
Đã bốn hai kỳ gia đình giỗ Mẹ
Suốt bốn hai năm con khóc Mẹ bao lần.

Lê Quang Khôi (Nhân ngày Giỗ Mẹ lần thứ 42 (ngày 20.1.2011 tức ngày 17 tháng Chạp Canh Dần)

Phụ Đính:

– Đặc biệt nhất cho cả hai bác năm nay Giáp Ngọ là: thứ nhất bác gái “Mệ Vỵ” thượng thọ 90. Thứ nhì là kỷ niệm 70 năm ngày cưới tức Lễ Bạch Kim sau khi Lễ Kim Cương – mừng 60 năm ngày cưới đã được tổ chức vào năm 2004 và Lễ Vàng – kỷ niệm 50 năm đã được tổ chức vào năm 1994. Đó thật là những con số đáng ghi nhớ và đáng mừng cho Chính móm cùng đại gia đình của Chính móm…. Xin được chúc mừng…

(*) Đây là một trong hai câu thơ trích trong bài “Quá Linh Đinh Dương” đã có nhiều ảnh hưởng đến giới sĩ phu của Văn Thiên Tường – một vị thừa tướng nhà Nam Tống (1236-1283): “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Xưa nay hỏi có ai không chết?/ Hãy để lòng son chiếu sử xanh). Mà sau này Nguyễn Công Trứ đã dùng trong bài hát nói “Chí Nam Nhi” nổi tiếng của ông mà lúc xưa trong môn cổ văn ai cũng đã học… xin trích dẫn:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Hoa Bắc cực

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Cha Mẹ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s