Trần Đình Quân và Khúc Tình Ca Xứ Huế – P. 2/4 (Trần Hoan Trinh)

Phần 2/4

Nhạc: Xin mời nghe ca khúc Em Vẫn Chờ Mùa Xuân do ca sĩ Xuân Sơn trình bày… (mp3)

Em Vẫn Chờ Mùa Xuân (st. Trần Đình Quân do ca sĩ Xuân Sơn trình bày)

Hè 1963, kỳ thi Tú Tài I, Quân và tôi được cử về Huế coi thi tại trường Quốc Học, chấm thi tại trường Đồng Khánh. Anh trọ tại nhà người cậu, trong Thành Nội. Đối diện nhà anh có một biệt thự khang trang đẹp đẽ, kín cổng cao tường, cây xanh bóng mát. Thấp thoáng sáng chiều có bóng một giai nhân “chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa”. Ông thầy nghệ sĩ mỗi chiều mỗi tối bắt chước Trương Chi, ôm đàn đứng bên này hát vọng sang. Không biết cô láng giềng có biết không, có bâng khuâng, có xao xuyến ? Chỉ biết nguồn hứng lại đến với chàng nhạc sĩ, nhiều bài hát ra đời trong thời gian này, những khúc nhạc tình nỉ non, tâm sự, thề nguyền, hẹn ước :

Màu chiều hay là màu mắt em tôi
Nhạc chiều hay là tiếng hát em tôi
Rừng chiều hay là suối tóc em tôi … (Chiều Xưa Nhạt Nắng)

Còn trong tay anh bờ vai người yêu
Còn trong mắt em màu nắng ngã chiều
Còn trong tim ta bao nhiêu tình ái… (Còn Trong Tim Ta )

Tôi muốn nói với người
Tất cả lời yêu thương
Từ bao lâu ngại ngùng
Từ bao lâu thẹn thùng… (Ngõ Ý)

Có lần cô em gái Mai Hoa nói với anh : “… đẹp quá ! Lấy đi !”. Anh chỉ yên lặng không nói. Con chim xanh vẫn bay đi chưa muốn đậu. Chàng nhạc sĩ lại ôm đàn đi hát rong một mình !

Còn nhớ gì không
Còn nhớ gì không
Nhìn em như nhìn một vùng tương lai buồn
Nhìn em như nhìn vùng quá khứ chẳng vui
Dấu xưa chưa nhòa
Mùa hạ mây bay đầy trời
Và vầng trăng trên vai người
Xin để mình tôi yêu người mà thôi… (Những Ngày Mùa Hạ Trở Về)

Pic_04_gia-dinh-thay-tran-dinh-quan_ACon tằm đến thác vẫn còn vương tơ ! Năm anh qua nghiên cứu về Thư Viện tại Úc, tôi nghe nói anh cũng có một mối tình say đắm ở đây. Không biết có đúng không hay chỉ là huyền thoại dành cho chàng nhạc sĩ tài hoa !.

Năm học 1968-1969, trường Phan Châu Trinh được tách hai. Học sinh nữ phải qua học tại trường Trung học Nữ HỒNG ĐỨC mới được thành lập. Một số thầy cô Phan Châu Trinh được mời dạy thêm giờ tại trường Nữ đó, trong ấy có Trần Đình Quân. Lớp học lặng lờ, thời gian lặng lờ, tiếng thầy giảng Kiều khi trầm khi bỗng, khi tuôn trào ngọt ngào êm ái nũng nịu như tiếng đàn Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, khi thổn thức ngậm ngùi đắng cay như tiếng đàn cho Hồ Tôn Hiến. Có một đôi mắt cuối lớp cứ nhìn lên thầy len lén. Cô nữ sinh trong màu áo trắng tinh khôi, thơ ngây làm sao, hiền dịu làm sao, bỗng thấy mình bâng khuâng trước vẻ ngang tàng lãng tử của người nhạc sĩ mình hằng trọng vọng. Lần này thì tình yêu đến với Trần Đình Quân đến nơi đến chốn, có đầu có đuôi. Hai người trở thành vợ chồng chính thức. Đám cưới đượccác anh ĐỖ VIẾT LÊ, NGUYỄN NGỌC THANH, TÔN THẤT LAN, LÊ QUANG MAI và đoàn DU CA ĐÀ NẴNG đứng ra tổ chức, đơn giản, thân tình, đậm tính nghệ sĩ. Đám cưới vắng mặt chú rể, vì một trở ngại, từ Úc không về kịp. Cưới xong, cô dâu mới khăn gói vào đón chú rể tại Sài Gòn. Trong thiếp cưới, do hoạ sĩ ĐỖ TOÀN (người tạc tượng cụ Phan Châu Trinh tại sân trường) trình bày, tôi còn nhớ kỹ mấy  câu thơ viết rất đẹp, rất bay bướm trích trong bài hát CÒN TRONG TIM TA của anh :

Còn trong tay anh bờ vai người yêu
Còn trong mắt em màu nắng ngã chiều
Còn trong tim ta bao nhiêu tình ái
Tháng năm quên hết u hoài
Vì đời mình còn tương lai.

Chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG, bà Trần Đình Quân, người đàn bà Việt Nam dịu dàng, tình cảm, đảm đang, hy sinh, chịu đựng, đã hết lòng hết dạ săn sóc âu yếm chồng trong cơn bệnh bất trị. Người chồng bây giờ chẳng khác chi một đứa con nít, không biết cả chuyện vệ sinh cá nhân, xỏ chân vào dép cũng không được, cả ngày cứ ngồi ngơ ngơ ngáo ngáo cười bâng quơ, nhìn bâng quơ. Chị Hương ơi, chị và hai người con, cháu Trần Đình An Duy, cháu Trần Thị Nam Phương bây giờ là tất cả gì còn lại duy nhất của Trần Đình Quân đó! Trần Đình Quân có còn gì đâu ngoài chị và hai con. Bạn bè, thân thuộc thì xa quá, xa hun hút, xa mù tăm!

***
(Xin xem tiếp Phần 3/4)
Trần Hoan Trinh

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc, Ký Ức. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s