Lời tác giả: Với tựa bài ”vàng bông điên điển” – một loại hoa đặc sản Tây Nam bộ, mà quý bạn đã đọc trên Blog với ca khúc Hồn Quê của nhạc sĩ Thanh Sơn do ca sĩ Hiền Thục trình bày… cách nay vài ngày, nhưng để mang trọn được cái đặc sản của miền Tây, lần này người viết xin mời quý bạn cùng độc giả vừa đọc bài vừa thưởng thức một bài Tân Cổ Giao Duyên với tựa ”Nhớ mãi mùa bông điên điển” do Trần Việt Liêm, Ngô Thanh Diệu sáng tác và Quốc Khánh trình bày để cùng thả hồn theo kỷ niệm về một hoàn cảnh đáng nhớ…
1. Tình mẹ dành cho con từ xưa đến nay không bút mực nào tả xiết. Nội dung của ca khúc nói lên nỗi lòng của người mẹ dành cho người con thân yêu của mình trong mùa nước nổi (lũ lụt) ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long… để rồi giờ đây cứ mỗi lần mùa nước nổi, hồi tưởng lại ký ức… mà lúc xưa người mẹ thân yêu ”trên chiếc xuồng con lắc… lẻo. Nón lá nghiêng nghiêng mẹ hứng từng cánh hoa điên điển đang lướt thướt rụng rơi theo ngọn gió… ban… chiều…”
Rồi nhớ đến những ”bữa cơm đầm ấm của quê nghèo. Mắm cá linh kho, canh chua bông điên điển. Hương vị đậm đà chẳng phai nhạt với thời gian.”
Để theo ngày tháng… ”trôi qua mẹ tôi không còn nữa/ Điên điển hoa vàng vẫn rực rỡ bến sông quê/ Cứ mỗi độ thu sang nhìn con nước lũ tràn trề/ Lòng tôi lại nôn nao nhớ về mùa hoa điên điển.”
Lời ca khúc buồn thảm nhắc đến một kỷ niệm trong muôn vàn kỷ niệm… xảy ra trong mùa nước nổi, lại nghe ca khúc trong lúc thu về với những cơn mưa gió lạnh thổi qua, ta mới thấy thấm được nỗi nhớ, và những tình cảm mẹ dành cho con … cùng những cảnh khổ cực của người dân nghèo vùng sông nước mỗi khi nước nổi (lũ) kéo về.
***
2. Đã lâu lắm thằng bạn tôi ”miệt dưới” mới gọi điện cho tôi. Mà hình như cứ mỗi lần được nó điện thoại thì không chuyện này cũng chuyện kia… Nhưng khác với những lần trước đây, lần này dù vẫn gay gay gắt gắt với tôi mới khi mở đầu câu chuyện nó lại cho hay là có viết bài nói về tôi lúc xưa và bài có tựa Vàng Bông Điên Điển… Bài đã được Blog đưa lên cách nay 2 ngày, trong bài có chút ít nhắc lại kỷ niệm giữa nó và tôi thời gian gần 40 năm. Chuyện có hay không chỉ mình nó biết, riêng tôi thì chỉ nhớ là nó có xuống thăm, tôi có leo lên cây dừa, hái dừa đãi nó. Ngoài chuyện leo dừa, nó có đề cập đến một món ăn dân dã mà tới nay nó vẫn nhớ và thấy ngon so với các món ăn Hàn quốc mà nó được đứa con gái đãi ở một nhà hàng nằm giữa khu phố Tàu sầm uất nhất thành phố Melbourne, Úc châu. Đó là món lẩu cá linh với bông điên điển, thì lại là chuyện thật đối với người dân khu vực Tây Nam bộ nói chung vào khoảng tháng này – mùa nước nổi, làm tôi chợt như nhớ lại và thì thầm “ừ nhỉ đã khá lâu, ít ra cũng gần 40 năm dù có nhiều lần về lại Việt Nam tôi vẫn chưa có diễm phúc thưởng thức lại món ăn mà bạn tôi đề cập”, và khi bất chợt được nghe những âm điệu ngọt ngào, thân thương của câu hát: ”xa xăm nơi đất bưng biền, ăn bông (mà) điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê”… (lời ca khúc ”bông điên điển” do Hà Phương sáng tác) thì trong tôi cứ da diết nỗi nhớ quê.
***
Nói về ẩm thực thì bất cứ ở đâu ở quê mình, địa phương nào cũng có những món ăn bình dân, dân dã và đặc sản của từng địa phương … và ai đã lớn lên, hay đã từng sống, trải qua đều phải nhớ cho dù ở đâu đâu… như nói về Quảng Nam không ai không nhớ đến món mì Quảng, hay món bún chả cá…, hoặc khi nói đến Hội An không ai không một lần thử món cao lầu, bánh ú tro, hay bắp nấu…, hay nói về Huế thì không thể không thưởng thức món bún bò giò heo, món bánh khoái, bột lọc…
Nhưng món lẩu cá linh, điển điển thì rõ ràng là một trong những món đặc sản của miền Tây Nam bộ… Mà nói đến miền Tây Nam bộ thì phải hiểu rộng đến các tỉnh thuộc khu vực miền Nam nơi có hai con sông lớn là Tiền Giang và Hậu Giang chạy ngang qua, mà nhất là Hậu Giang. Nói về sông ở miền Nam không ai không biết đến sông Cửu Long bắt đầu từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Trung quốc) qua Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Căm Bốt trước khi vào Việt Nam và chia làm 2 nhánh, một là Tiền Giang và hai là Hậu Giang rồi từ đó đổ ra biển qua 9 (Cửu) cửa: từ hướng sông Tiền có 6 Cửa: Cửa Đại, Cửa Tiểu, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hầu (Cồn Ngao), Cửa Ba Lai (đã bị hệ thống đập Ba Lai ngăn) và từ hướng sông Hậu thì ra 3 Cửa: Cửa Định An, Cửa Ba Thắc, Cửa Trần Đề (Tranh Đề, hay Trấn Di), trong đó cửa Ba Thắc đã bị bồi lắp vào khoảng thập niên 1970.
Cũng chính con sông Cửu Long này đã mang vào Việt Nam ngoài phù sa cho ruộng đồng lúa xanh tươi bao la bát ngát, vườn cây tốt tươi, cây trái trĩu nặng cành còn biết bao thủy sản dồi dào, trong đó có cá linh vào mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Cá linh theo mùa nước nổi, ngầu đục, nặng phù sa từ thượng nguồn xa xôi theo dòng nước Cửu Long trôi nổi từng bày, từng đàn, cuồn cuộn đổ về hạ lưu, vùng châu thổ đồng bằng miền Tây Nam bộ … và cá linh được xem là đặc sản thiên nhiên ban tặng vào mùa nước nổi. Từ cá linh người miền Tây Nam bộ có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo đậm đà hương vị miền Tây trong mùa nước nổi như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm, kho mía, kho khóm, kho me, kho tiêu, kho lạt, kho dừa, rồi lại canh chua cá linh, lẩu cá linh, hay cá linh trộn gỏi gói bánh tráng, …
Cá linh là loại cá trắng, thân nhỏ, vảy nhuyễn và mềm, béo nên khi nấu thường không cần đánh vảy, chỉ lấy mật và chỉ cần ngâm nước muối rửa cho sạch nhớt là có thể dùng để chế biến các món ăn theo ý thích. Cá linh có từ bao giờ và tại sao gọi là ”cá linh” thì chưa có tài liệu nào khẳng định một cách rõ ràng, nhưng theo sách Gia Định thành thông chí thì tác giả Trịnh Hoài Đức đã gọi nó là ”linh ngư”. Còn trong quyển Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam, học giả Vương Hồng Sển có kể câu chuyện thời vua Gia Long (Nguyễn Ánh) khi bôn tẩu ở vùng đầu nguồn sông Hậu, có đàn cá nhỏ trắng bay, phóng vào thuyền, vua cho là điềm gở “chim sa cá lụy” nên ra lệnh đổi hướng, nhờ vậy đã thoát bẫy mai phục của quân nhà Tây Sơn. Và để tỏ lòng tri ân một loài cá đã cứu giúp mình, nhà vua đã đặt tên cho loại cá này là “Cá Linh”.
Cứ đến mùa nước nổi, cá linh tràn ngập, đầy ấp theo sông nước đổ xuôi về miền Tây Nam bộ, qua sông Tiền, và nhất là sông Hậu thì cũng là lúc bông điển điển nở rộ, vàng ửng với sắc màu vàng tươi khắp các cánh đồng ruộng, hoặc dọc theo các bờ kênh, bờ rạch… mà người dân thường gọi đùa “mai vàng mùa nước nổi”. Bông điên điển và cá linh tuy một là thực vật, một là động vật nhưng vì lẽ ”hữu duyên” đâu đó từ xa xưa nên cứ đến mùa nước nổi thì cùng nhau xuất hiện từ thiên nhiên cho đến cả món ăn… Cụ Vương Hồng Sển cũng cảm cái màu vàng trong sáng của bông điên điển đã tả vừa cảnh vừa tình qua 4 câu thơ sau:
Điên điển trên bờ ruộng trổ hoa
Vàng soi đáy nước, tóc buông xòa
Chàng trai ve vãn “Chờ em nhé!”
Lố dạng trời hồng, em sẽ qua?
Bông điên điển là một loại cây có chiều cao khoảng 4-5 mét, bề rộng tán cây từ 2-3 mét, rễ ăn sâu khoảng từ 60 đến 70 cm. Cũng như cá linh bông điên điển cũng được người dân miền Tây Nam bộ chế biến thành khá nhiều món ăn ngon, đặc sản như: bông điển điển chấm mắm, bông điển điển xào tép, bông điên điển trộn giấm, làm gỏi, đồ nấu chua, bánh xèo, … Với cái hương vị đăng đắng nhưng ngon ngọt giống như cái đăng đắng, béo ngậy của cá linh nhưng lại ngon và đẹp mắt hơn với màu vàng tươi sáng của bông điên điển như làm tan đi cái bóng tối đen lạnh ngập nước âm u của mùa nước nổi.
Đọc bài thằng bạn “miệt dưới” nhắc về món ăn đặc sản mùa nước nổi – lẩu cá linh điên điển lại nghe thêm tiếng hát của cô ca sĩ Hiền Thục qua lời viết của cố nhạc sĩ Thanh Sơn quê gốc Sóc Trăng (Bạc Liêu) tôi lại càng nhớ về những mùa nước nổi, món cá linh kho tiêu, kho mỡ hành… trong thời gian sống lưu lạc, thong dong ở một số tỉnh thành miền Tây dưới sông Hậu …
Nghe nó nhắc lại tôi càng thấy nhớ nhớ… thèm thèm, rồi lại tiếc tiếc là đã có nhiều dịp trở về lại vùng sông nước miền Tây Nam bộ trong những năm gần đây nhưng tôi vẫn chưa một lần được thưởng thức món cá linh kho tiêu, hay cả món lẩu cá linh điên điển… với những con cá linh tươi sống, cùng màu vàng ửng sáng của bông điên điển, nhưng tự hứa với lòng là lần tới nếu có dịp về Việt Nam thì tôi phải và phải được một lần ăn, dùng các món ăn dân dã đậm chất hương đồng gió nội này.
3. Sống xa quê nhà, các món ăn Việt ai cũng nhớ, và phải dùng cho dù rất ít lần trong tuần, nhưng rồi cứ theo thời gian các món ăn đặc sản riêng biệt từng địa phương, thuần túy Việt càng lúc càng hiếm và khó mua được vì người buôn bán gần như không còn nhập hàng hóa thực phẩm từ Việt Nam nữa mà lại nhập về từ ở đâu đâu, và lớp trẻ lớn lên sau này ở hải ngoại lại rất ít dùng thức ăn Việt vì nó hơi cầu kỳ và mất thời gian tính nên các thương buôn lại càng ít nhập vào. Do đó một khi mua được một vài món thực phẩm đặc sản Việt thì tôi rất vui và gần như hôm đó ăn rất ngon miệng. Ngon vì nhiều lý do trong đó cái ngon nhất là tâm tưởng tôi có dịp nhớ về kỷ niệm xa xưa. Nên thằng bạn “miệt dưới” nhắc nhớ về mùa nước nổi miền Tây, với món đặc sản này thì sao tôi không khỏi ray rức và thèm thuồng, phải không bạn???./–
Hoa Bắc cực