Những chuyện ngày 10.12 (4/4) (bbt)

Malala-Kailash-NRK-05bbt. Trong cùng ý tưởng Mùa Vọng Giáng Sinh, tháng 12 dương lịch hàng năm, mùa của những ngày khắp mọi nơi trên thế giới lòng người nao nức đợi chờ, mong ước… đợi chờ ngày Thiên Chúa giáng sinh, để mong ước bình an đến với mọi người, bbt xin ghi chép, tổng lượt một vài bài vở liên quan cùng chủ đề…

***

Giải Nobel Hòa Bình 2014

Ủy ban Nobel Na Uy cho hay Ủy ban đã quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 cho ông Kailash Satyarthi (60 tuổi, người Ấn Độ – một nhà hoạt động nhân quyền, và chống bóc lột trẻ em) và cô Malala Yousafzai (17 tuổi, người Hồi quốc, sứ giả kêu gọi nữ quyền trong đó có quyền được đi học của nữ giới) vì “nỗ lực của họ nhằm chống lại sự chà đạp đối với trẻ em và những người trẻ tuổi, và vì quyền lợi được đến trường của tất cả các em nhỏ”. Và Ủy ban còn cho hay sự phát triển hòa bình trên toàn cầu chỉ có thể đạt được nếu trẻ em và giới trẻ được tôn trọng…

***

IAmMalala-Bokk1Malala Yousafzai sinh ngày 12.7.1997 – nay 17 tuổi, là một nữ sinh đến từ thị xã Mingora, thung lũng Swat, tỉnh Khyber Pakktunkhwa, Pakistan (Hồi quốc). Cô được sinh ra trong một gia đình người Pashtun, theo Hồi giáo Sunni.

Bố của Malala Yousafzai, ông Ziauddin Yousafzai là người dạy dỗ cô nhiều nhất. Ông là một nhà thơ, hiệu trưởng và là một nhà hoạt động giáo dục. Ông đứng đầu một chuỗi trường học có tên là Trường Công lập Khushal. Trong một buổi phỏng vấn, Malala Yousafzai nói rằng ban đầu cô có ước mơ làm bác sĩ, tuy nhiên cha của cô là người động viên cô hướng theo lối đi của một nhà hoạt động chính trị. Cha của cô cũng coi cô là một người đặc biệt, và ông thường trò chuyện, trao đổi với cô về những chuyện liên quan đến chính trị khi hai người em trai của cô đã đi ngủ.

Malala Yousafzai bắt đầu phát biểu về quyền giáo dục từ tháng 9 năm 2008, khi cha cô đưa cô đến Peshawar để phát biểu tại một câu lạc bộ báo chí địa phương. Tại đây cô đã phát biểu: “Tại sao Taliban lại dám tước lấy quyền được giáo dục cơ bản của tôi?”, lời phát biểu này sau đó được đăng tải lên các báo trong nước và các kênh truyền hình.

Cô được mọi người biết đến với các hoạt động cho nữ quyền, đặc biệt tại thung lũng Swat nơi mà phiến quân Taliban cấm nữ giới đến trường học. Cô được cả thế giới biết đến lúc cô mới 11 tuổi, khi cô đã viết blog cho BBC với tựa đề ”Swat, Diary of a Pakistani Schoolgirl” đăng dưới tên giả là ”Gul Makai” (có nghĩa là hoa bắp trong tiếng Urdu và được lấy theo một nhân vật trong cổ tích Pashtun) – qua đó cô đã kể chi tiết cuộc sống của cô dưới chế độ Taliban, và cô cũng nói rõ quan điểm của cô trong việc xúc tiến việc giáo dục cho nữ giới. Mùa hè năm 2010 một bộ phim tài liệu của New York Times đã được quay về cuộc sống của cô khi quân đội Pakistan can thiệp vào khu vực thung lũng Swat lần thứ hai.

Việc nổi tiếng của cô đã khiến phiến quân Taliban tức giận và lên án cô sẽ bị tiêu diệt vì có những hành động chống đối lại Taliban. Vào ngày 9.10.2012 trên chuyến xe buýt từ trường về nhà, cô đã bị các tay súng Taliban chặn xe và xả súng bắn vào mặt, đầu và vai. Cô đã rơi vào trạng thái bất tỉnh, tính mạng nguy hiểm những ngày sau đó, nhưng đến ngày 15/10, cô đã được chuyển đến bệnh viện Nữ Hoàng Elizabeth ở Birmingham, vương quốc Liên Hiệp Anh để được tiếp tục điều trị, và với nghị lực phi thường, cô dần hồi phục và sau cùng lành bệnh. Hiện cô đang theo học tại trường trung học Edgbaston, một ngôi trường tư ở Birmingham.

Vụ ám sát đã biến cô trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ, ngày 12 tháng 10 năm 2012, người dân cả nước Pakistan (Hồi quốc) đã cầu nguyện cho cô. Làn sóng cầu nguyện cũng lan sang Afghanistan (A-Phú Hãn) và các nước Hồi giáo khác. Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu… đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban. Trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook và các trang mạng khác, cô được cư dân mạng cả thế giới tôn vinh là một anh hùng, và biết đến với sự dũng cảm, không sợ hãi, và ngập tràn niềm hy vọng… Cô đã dấy lên một làn sóng không chỉ ở Pakistan (Hồi quốc) mà khắp toàn cầu với mục tiêu tranh đấu giành quyền giáo dục cho nữ giới, giải phóng phụ nữ khỏi cảnh bị đàn áp và khủng bố… cô được xem là vị sứ giả cho nữ quyền trong đó quyền quan trọng nhất là được đi học.

Trong chương trình “The Daily Show” của Jon Stewart năm 2013, được hỏi cô sẽ nói gì khi đứng trước một thành viên của Taliban. Cô đã nói: “Tôi sẽ nói với anh ta giáo dục quan trọng như thế nào và tôi thậm chí còn muốn mang lại nền giáo dục cho cả con cái của anh ta”. “Tôi sẽ nói với anh ta rằng ‘Đó là tất cả những gì tôi muốn nói; giờ thì cứ làm điều mà anh muốn đi.’”

Và trong một bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 7.2013, cô đã nói: “Các bạn thân mến, vào ngày 9 tháng 10 năm 2012, tổ chức khủng bố Taliban đã bắn vào trán phía bên trái của tôi. Họ cũng bắn những người bạn của tôi nữa”, “Họ cứ nghĩ rằng những viên đạn đó sẽ khiến chúng tôi phải câm lặng. Nhưng họ đã lầm. Và rồi, khi sự câm lặng qua đi, là lúc hàng ngàn tiếng nói cất lên. Những kẻ khủng bố đã cho rằng họ có thể thay đổi mục tiêu và lấy đi tham vọng của chúng tôi, nhưng chẳng có gì thay đổi cả: Sự yếu đuối, nỗi sợ hãi và tuyệt vọng chết đi. Sự mạnh mẽ, quyền năng và lòng dũng cảm đã ra đời”.

Cũng trong bài phát biểu tại Hội đồng Thanh Thiếu Niên Liên Hiệp Quốc vào năm 2012, cô đã nói: “Một đứa trẻ, một thầy giáo, một quyển sách và một cây bút có thể thay đổi cả thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục là ưu tiên số 1”.

Vào ngày 10.8.2013, cuốn tự truyện của cô có tựa “I Am Malala: The Girl Who Stood Up for Education and Was Shot by the Taliban” đã được phát hành và được rất nhiều lời khen ngợi…

Trong tuyên bố trao giải cho cô của Ủy ban Nobel ở Oslo, Na Uy có đoạn: “Dù tuổi trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình”. Ngoài giải Nobel Hòa Bình 2014, cô còn có nhiều giải thưởng khác trong đó có Giải Nhân Quyền Âu châu Sakharov vào năm 2013.

***

Kailash-01Kailash Satyarthi sinh ngày 11.1.1954 tại thành phố Vidisha, bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ.

Kailash Satyarthi, 60 tuổi, với hoạt động nổi bật của ông cho trẻ em được ghi nhận là “vì cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp của trẻ em và thanh thiếu niên và các quyền được học hành của tất cả trẻ em”.

Ông Satyarthi là người đi đầu trong việc chống lao động trẻ em, một vấn nạn phổ biến ở Ấn Độ. Ông đã thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời! Đã tổ chức các cuộc biểu tình theo truyền thống của Mahatma Gandhi – bất bạo động, và nhiều cách khác nhau đối với việc khai thác bóc lột sức lao động của trẻ em cho các mục tiêu kinh tế. Ông cũng đã góp phần rất nhiều vào sự phát triển của quyền trẻ em với quốc tế.

Mặc dù được đào tạo thành một kỹ sư điện, nhưng ông Satyarthi đã sớm bỏ nghề khi mới 26 tuổi và thành lập tổ chức chống bóc lột lao động trẻ em Bachpan Bachao Andolan (Phong trào bảo vệ tuổi thơ) vào năm 1980, văn phòng đặt tại Tân Đề Li (New Dehli). Trong quá trình hành động, đã có nhiều lần ông xông vào các nhà máy, để giải thoát các trẻ em bị bắt làm việc qúa cực nhọc. Ông đã vận động không mệt mỏi để có luật cấm lao động trẻ em trong ngành công nghiệp dệt thảm.

Tổ chức này đã vận động người tiêu dùng trong và ngoài nước tẩy chay các sản phẩm của các công ty sử dụng lao động trẻ em. Đến nay, tổ chức Bachpan Bachao Andolan đã cứu khoảng 80.000 trẻ em khỏi nạn nô lệ và bị bóc lột lao động.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 do Trung tâm Công lý và Nhân quyền mang tên Robert F. Kennedy thực hiện, ông nói lương tâm xã hội của ông được đánh thức khi ông lên sáu tuổi đã nhận thấy một cậu bé trạc tuổi của ông đang đánh giày bên ngoài cổng trường. Và ông cũng đã mô tả tình cảnh của trẻ em bị ép buộc làm việc như là một loại ngược đãi tồi tệ nhất. “Nếu khóc đòi gặp cha mẹ, các em sẽ bị đánh đập thậm tệ, đôi khi treo ngược chân lên cây và có lúc bị làm bỏng bằng thuốc lá đang cháy”.

Ông Satyarthi nói: “Khai thác lao động trẻ em là bất hợp pháp và vô đạo đức. Nếu không phải bây giờ, thì là khi nào? Nếu không phải bạn, thì là ai? Nếu chúng ta có thể trả lời những câu hỏi cơ bản này, chúng ta mới có thể xóa đi những vết nhơ nô lệ của con người”.

Nhìn thấy nhiều trẻ em phải làm việc thay vì được đi học, ông cảm thấy một sự thôi thúc rằng khi lớn lên ông sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách bắt đầu sự nghiệp của một nhà hoạt động để chống lại điều ông coi là “tệ nạn xã hội”.

Ông Satyarthi bắt đầu công việc của mình bằng cách tiến hành “tấn công” các nhà máy sản xuất, nơi trẻ em và cha mẹ của các em thường phải làm việc để trả nợ. Theo phương thức lao động trả nợ, các gia đình vay tiền và làm việc cho đến khi trả hết nợ, nhưng thường thì tiền nợ quá lớn, thu nhập lao động quá ít, và người ta bị bán đi bán lại.

Ông cũng là người sáng lập RugMark, một chương trình quốc tế “đánh dấu” tất cả các tấm thảm được các nhà máy dệt ra “không có lao động trẻ em”.

Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cho những nỗ lực tranh đấu của mình. Điển hình:

– Giải Hòa Bình Quốc Tế Aachener (Đức-1994), Giải Nhân Quyền Robert F. Kenedy (USA-1995), Giải Nhân Quyền Friedrich-Ebert-Stiftung (Đức-1999), Huân chương Wallenberg từ Đại học Michigan để ghi nhận những công việc nhân đạo dũng cảm của ông chống lại việc khai thác lao động trẻ em (USA-2002), Giải Tự Do (USA-2006), Anh hùng hành động chấm dứt việc đầy tớ gái của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ-2007, Huân chương của Thượng Viện Ý        (2007), Giải thưởng Quốc Tế Alfonso Comin (Tây Ban Nha-2008), Giải thưởng về Dân Chủ (USA-2009), và Giải thưởng Nobel Hòa Bình 2014 – và đây là lần đầu tiên mà một người Ấn Độ giành được giải thưởng Nobel Hòa bình.

***

Trong niềm tin yêu hy vọng của Mùa Vọng Giáng Sinh, những ngày mà mọi người trên thế giới đang mong đợi và vinh danh – ngày Thiên Chúa giáng sinh với nguyện ước bình an cho người dưới thế … riêng bbt xin được cầu mong đất nước Việt Nam từ nay sẽ không còn nạn trẻ em bị lao động, bị áp bức, bị bạo hành… và tất cả các trẻ em không phân biệt vùng cao, vùng sâu, nông thôn, ven đô, thành phố hoặc từ các vùng núi cao cho đến các vùng biển thấp… sẽ luôn có một cuộc sống hồn nhiên, vui tươi, đầy nhựa sống và nhất là được cắp sách tung tăng đến trường… trong một môi trường sống lành mạnh, quang đãng… Mong thay!!!

bbt

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s