Giải Nobel Hòa Bình 2014 mới vừa được vinh danh, trao giải cho 2 nhà hoạt động về các quyền của TRẺ EM… trước và trên hết là nạn lao động trẻ em, và quyền được cắp sách đến trường. Đó là ông Kailash Satyarthi, 60 tuổi, người Ấn Độ và cô Malala Yousafzai, người Hồi quốc (Pakistan) 17 tuổi với những đóng góp thiết thực, đã và đang được mọi người trên thế giới ủng hộ và cùng góp sức. Giải trao chưa khô mực thế giới lại phải chứng kiến cuộc thảm sát gây kinh hoàng vừa mới xảy ra tại một ngôi trường ở Peshawar, Pakistan vào ngày 16.12 với hơn 149 người thiệt mạng, trong đó có 132 trẻ em.
Cuộc thảm sát xảy ra trong những ngày cuối năm, những ngày cả thế giới đang mong chờ đón mừng ngày Chúa giáng sanh với những lời cầu nguyện tốt đẹp. Tổng thống Hoa Kỳ, Obama đã phải tuyên bố: ”Trái tim và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các nạn nhân, gia đình và những người thân yêu của họ. Bằng cách tấn công các học sinh và giáo viên của họ trong nỗi kinh hoàng này, những kẻ khủng bố đã một lần nữa cho thấy sự đồi bại của họ. Chúng tôi đứng cùng với những người Pakistan”.
Và cả hai nhân vật đoạt giải Nobel Hòa Bình cũng phải sững sờ, và đã viết trên Twitter: “Trái tim tôi đang bị nghiền nát dành đến các gia đình bị ảnh hưởng và không thể hiểu nổi sự tấn công này của phiến quân Taliban. Đây thật là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử của nhân loại”.
Riêng Na Uy – một quốc gia cực bắc, phố xá đang nhộn nhịp trong ánh sáng muôn màu của Mùa Giáng Sinh sắp đến. Tuyết đang rơi, cái lạnh thấm lòng, nhưng trong buổi chiều ngày Chủ Nhật cuối Mùa Vọng giữa thủ đô Oslo đã có hàng ngàn ngọn nến thay vì một ngọn nến được thắp sáng cùng theo dòng người diễu hành qua một số con đường trước khi dừng lại trước quốc hội, để cùng tỏ lòng tưởng niệm đến các nạn nhân bị sát hại vào ngày 16.12 tại một ngôi trường ở Peshawar và gia đình cũng như đất nước Pakistan.
Trong đoàn người diễu hành ngoài hàng ngàn người với nhiều sắc tộc, màu da, tín ngưỡng… còn có Ông Borge Brende (Bộ Trưởng Ngoại Giao), Bà Thorhild Widvey (Bộ Trưởng Văn Hóa), Ông Raymond Johansen (Tổng Thư Ký Đảng Lao Động – một đảng chính trị lớn nhất ở Na Uy)
Nữ Thủ Tướng Na Uy, Bà Erna Solberg cũng đã phải lên án cuộc tấn công khủng bố ghê tởm này của phiến quân Taliban đối với các trẻ em (học sinh) vô tội và giáo viên (nhân viên) của họ. Lòng thành và sự cảm thông của tôi dành nghĩ đến các gia đình bị ảnh hưởng và toàn dân Pakistan. Và bà còn nói thêm: ”cuộc thảm sát ghê tởm này cho chúng ta thấy một lần nữa tầm quan trọng của nó là thế giới cần phải tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, và đảm bảo quyền được giáo dục và giáo dục an toàn cho trẻ em”.
Trước Quốc Hội, cậu bé Sakaria Hussain, 7 tuổi trên lưng mang chiếc balô màu đỏ, và trước mặt đoàn người biểu tình, cậu đã đọc lời kêu gọi, nội dung ”… Các anh, chị thương mến. Ngày 16.12.2014 một ngày không ai có thể quên. Một ngày cả thể giới phải chảy nước mắt. Một ngày có 132 trẻ em bị sát hại. Bị giết chết… Họ chết bởi bàn tay ác độc của những con người vô tâm, vô cảm. Người lớn gọi những kẻ giết người này là khủng bố, và chính họ tự cho họ là người Hồi giáo (theo đạo Hồi), Nhưng tôi gọi họ là THÚ VẬT. Những con thú không có tính người, không có tim óc, không có xúc cảm …”
Còn Ông Borge Brende (Bộ Trưởng Ngoại Giao Na Uy), đã phát biểu: ”Cuộc tấn công sát hại tại Peshawar, không chỉ là cuộc tàn sát học sinh trong ngôi trường này, thành phố này hay là đất nước Pakistan, mà nó là cuộc tấn công chống lại loài người, một cuộc tấn công chống lại tất cả chúng ta”… Bà Thorhild Widvey (Bộ Trưởng Văn Hóa) phát biểu: ”Cuộc khủng bố tàn sát trẻ em ảnh hưởng đến tất cả chúng ta cho dù nó xảy ra tại một trại hè tại Na Uy hay ngay cả trong một lớp học, ngôi trường tại Pakistan. Trẻ em phải được an toàn. Trẻ em không bao giờ được sử dụng như là mục đích hay phương tiện của những người khác có dã tâm”. Và Bà Anne-May Grasaas – Mục sư chính tòa Oslo cũng đã phát biểu: ”Cuộc tàn sát trẻ em không phải là ngẫu nhiên mà có chủ đích. Và thường thì phụ nữ và trẻ em là mục tiêu của những kẻ cực đoan và khủng bố. … Chúng tôi những người có niềm tin Thiên Chúa sẽ luôn sát cánh cùng bạn. Chúng ta đứng cùng nhau chống lại chủ nghĩa cực đoan và khủng bố…”
Hình: Trong đoàn người diễu hành để tưởng niệm các nạn nhân cuộc thảm sát xảy ra vào ngày 16.12 tại một ngôi trường ở Pesahwar giữa thủ đô Oslo, ngoài hàng ngàn người với nhiều sắc tộc, màu da, tín ngưỡng… còn có Ông Borge Brende (Bộ Trưởng Ngoại Giao), Bà Thorhild Widvey (Bộ Trưởng Văn Hóa), Ông Raymond Johansen (Tổng Thư Ký Đảng Lao Động – một đảng chính trị lớn nhất ở Na Uy).
Đây không là lần đầu phiến quân Taliban tàn sát, nhưng trước đây cũng đã có nhiều lần phiến quân sát hại, như sau:
– 18 tháng 10 năm 2007: Hai quả bom giết chết hơn 130 người tham gia vào cuộc diễu hành cho Benazir Bhutto tại Karachi. Không rõ có phải phiến quân Taliban đứng đằng sau vụ tấn công?
– 28 tháng 5 năm 2010: Taliban tấn công hai nhà thờ Hồi giáo từ các nhóm thiểu số Ahmadi Hồi giáo Lahore, và đã giết chết hơn 80 người.
– 10 tháng 1 năm 2013: Một nhóm Taliban tấn công các nhóm thiểu số Hồi giáo Shia Hazara ở Quetta, ít nhất đã có 120 người bị thiệt mạng.
– 22 tháng 9 năm 2013: Một nhóm chiến binh có liên quan đến các cuộc tấn công Taliban một nhà thờ ở Peshawar, giết chết ít nhất 80 người Kitô hữu.
Và không chỉ phiến quân Taliban tấn công, tàn sát, khủng bố trẻ em, phụ nữ, người có niềm tin khác tại Afghanistan (A-Phú Hãn) hay Pakistan (Hồi quốc)… mà trên thế giới còn có nhiều tổ chức khác cũng trong cùng mục đích như Taliban, đó là nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram… đã bắt cóc 276 nữ sinh tại thị trấn Chibok, bang Borno, Nigeria vào hồi tháng 4.2014. Họ đã bắt các cô gái này cải sang đạo Hồi, và bị buộc gả chồng… (??). Vừa mới đây vào ngày Chủ Nhật 14.12.2014, họ lại tấn công và bắt giữ ít nhất 185 người bao gồm phụ nữ, và trẻ em từ làng Gumsuri, bang Borno, Nigeria. Và gần đây nhất là nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), chủ trương chống phá chính phủ Iraq và Syria đang gây nhức đầu cho các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay. Một thông cáo của Bộ Nhân quyền Iraq hôm 17.12 cho hay là nhóm khủng bố IS đã tàn sát ít nhất 150 phụ nữ ở miền tây Irak vì các phụ nữ này không chịu kết hôn với phiến quân IS. Nhóm này đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc và Tây Iraq cũng như phía đông Syria mà tỉnh thành Anbar, giáp Syria là một thành trì lớn của họ.
Trong ngày cuối Mùa Vọng Giáng Sinh 2014 này, xin thành tâm lắng lòng trước hết xin lắng lòng chia sẻ đặc biệt với nạn nhân và gia đình cùng nhân dân Pakistan, kế là cầu nguyện cho mọi người bất kể, đặc biệt các trẻ em, phụ nữ ở một số khu vực lân cận (gần) các nhóm phiến quân, khủng bố sẽ được cả thế giới quan tâm, bảo vệ an toàn, và sau cùng xin cầu mong tất cả những người đã bị bắt sớm được giải thoát, còn trẻ em bất cứ đâu mau sớm được cắp sách đến trường, được sống một cuộc sống trẻ thơ, hồn nhiên và được có giáo dục…
Mong thay!!!
bbt