Thời còn đi học ở Đà Nẵng thì trong lớp gồm đa số những thằng trật búa, những thằng ba trợn như thằng Hùng Nam Cực, Chính móm, Huỳnh Ngọc Thắng, Nguyễn Công Dược …. thì cũng có vài đứa rất hiền lành, đạo mạo… và rất chăm học, ba trong số đó là Nguyễn Tấn Mừng, Trương Thoại Quang và Hoàng Văn Phụng, giờ đây Quang là một nhà sư Phật Giáo và Phụng là một mục sư Tin Lành, hai vị tu hành nầy đáng được kính trọng cho nên không thể đùa giỡn được, riêng Nguyễn Tấn Mừng là một kẻ phàm phu tục tử như thằng tui thì tui có gì mà phải sợ ?
Vào những năm cuối của thập niên 60 ở miền Nam sự xuất hiện của nhà văn Duyên Anh với những cuốn tiểu thuyết như Điệu Ru Nước Mắt, Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang… thì những cái tên như Hội, Hùng, Đại, Mừng …. đã đi vào nhà trường một cách hết sức tình cờ. Theo Duyên Anh, đã là Hội thì phải là Hội ghẻ, Hùng thì phải là Hùng Xùi, Đại thì phải là Đại Ca Thay và Mừng thì phải là Mừng Lác. Vì thế Nguyễn Tấn Mừng bạn tôi có bí danh là Mừng Lác, thật sự ra thì tui cũng không chắc hắn có bị ghẻ lác hay không nhưng ta cứ tạm thời cho là có đi.
Phải công nhận Mừng bạn tôi là một tay Tây ban cầm có hạng, thỉnh thoảng hắn mang đàn vào lớp đệm cho các bạn khác tập hát, có lần vào năm lớp 9 nhà trường có tổ chức văn nghệ cuối năm và Mừng xúi tui ghi tên lên hát, theo sự góp ý của Mừng tui đăng ký bài CÂY ĐÀN BỎ QUÊN của Phạm Duy. Mừng đệm đàn cho tui tập hát. Tui hát:
Hôm qua tui đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên … cây dùi.
Mừng la lên:
– Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn chứ tại răng mi hát là quên cây dùi ?
Tui gân cổ cười hề hề.
– Mi chơi đàn thì quên cây đàn còn tau chơi trống thì quên cây dùi chứ quên cái chi bây giờ, cây đàn hắn biết tau chứ tau đâu có biết hắn.
Mừng nhà ở Cầu Vồng, hàng xóm với Hương Thanh, một người đẹp của trường Nữ Trung Học Hồng Đức và hắn đã thầm yêu trộm nhớ người đẹp từ năm lớp … đệ thất tức là lớp 6 bây giờ, mặêc dù trong ba cái thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì hắn đã có hai; địa lợi vì hắn ở sát nhà em, nhân hòa vì hắn là thần tượng của thằng em trai người đẹp vậy mà hắn cũng không rước được nàng về dinh mà để cho một thằng khác cuỗm mất.
Nghe nói có một lần ba má Hương Thanh vắng nhà và người đẹp bị nhức đầu bèn sai thằng em trai qua nhà kêu anh Mừng qua cạo gió giúp.
Vừa nghe Hương Thanh cần giúp chuyện chi đó Mừng ta lật đật chạy sang và khi biết người đẹp nhờ cạo gió anh Mừng nhà ta sợ quá té cái đùng tay chân run lẫy bẫy, miệng sùi bọt mép và nằm thẳng cẳng. Trời đã giúp hắn mà hắn không biết, gặp tui là tui cạo từ trên xuống dưới không thiếu chỗ nào, đồi núi hay khe suối cũng không bỏ sót.
Năm học lớp 11 vào những giờ ra chơi mỗi ngày và tui không nhớ là thằng nào bắt nhịp bài hát ĐƯỜNG RA BIÊN ẢI của nhạc sĩ Phạm Duy , nếu tui nhớ không lầm là Nguyễn Văn Đoàn.
Ra biên cương. Ra biên cương, thiết tha lòng gái.
Hôm nay nâng khăn “hỉ mũi” đưa chân anh hùng ngàn phương (đúng lời bài hát là khăn hồng)
Thật là lạ, cả lớp toàn bọn đực rựa mà “thiết tha lòng gái” chỗ nào ?
Thật ra tuy phần lớn là đực rựa nhưng trong lớp cũng có vài ba bà thím.
Ba bà thím tiêu biểu là thím Thái Văn Lành, thím Trần Hoa và thím Nguyễn Tấn Mừng, ở Melbourne gần nhà tôi có một bà chuyên làm chả cá thác lác ngon hết sẩy tên là “chả cá thím Lành” và mỗi lần tôi nhậu bia với chả cá là tui nhớ đến bạn tui Thái Văn Lành, tên sao người vậy, vô cùng hiền lành và có một khuôn mặt mủm mĩm nhìn là tui muốn nựng cho một cái.
Có một lần ban hợp ca vừa chấm dứt bài hát Đường Ra Biên Ải thì ngay lập tức Huỳnh Ngọc Thắng bắt nhịp bài SƯ ĐOÀN 1 BỘ BINH HÀNH KHÚC.
Đây sư đoàn 1, đây sư đoàn giới tuyến
Chiến sĩ tiền phong, nơi tuyến đầu Việt Nam.
…….
Cả bọn còn đang rống cổ hát thì thầy tổng giám thị đến sau lưng hồi nào không một thằng nào biết, đang cầm tờ báo trên tay thầy cuốn lại xong quất bốp bốp như mưa sa bão táp lên lưng những thằng đứng gần nhất, vừa qđánh thầy vừa nói:
Nè, đây sư đoàn 1 bốp bốp, nè sư đoàn 1 bốp bốp … cho tụi bây chết.
Tui bị trúng năm sáu cái bốp của thầy đau điếng, hơn 40 năm sau còn nhớ.
Hùng Nam cực