Ngồi buồn nhớ những bến sông… (Hùng Nam cực)

Sông Hàn - Hình XưaNgồi Buồn Nhớ Những Bến Sông, Dòng Đời Đâu Khác Dòng Sông Chút Nào (Hùng Nam Cực)

Có thể nói không ngoa là một số rất lớn những người thuộc thế hệ của tôi có một tuổi thơ gắn liền với cầu chữ I trên sông Hàn, vào những ngày hè lớp học bắt đầu vào 1 giờ chiều nhưng cứ vào khoảng 11 giờ sáng là bọn tôi đã có mặt ở cầu chữ I và mấy chục thằng con nít nhảy ùm xuống sông bơi lội thỏa thích, ai trong chúng ta còn nhớ con đò nối liền hai bên của con sông chở theo những tà áo trắng tung bay trong gió của những cô em từ bên kia sông qua bên nầy sông đi học ?

Có bao giờ chúng ta hồi tưởng lại bến sông xưa với con đò cũ, con đò đã chở đầy biết bao kỷ niệm thời cắp sách đến trường ?

Một nửa thế kỷ trôi qua, nay trở lại chốn cũ thì bến sông xưa nay tuy không còn nữa nhưng sóng nước vẫn còn đây, có làm ai trong chúng ta nhớ lại một khoảng thời thơ ấu ?

Tôi không bao giờ quên được cái lần tôi mãi mê tắm ở cầu chữ I trên sông Hàn mà quên mất giờ học, lúc trèo lên bờ thì cắm đầu cắm cổ đạp xe đạp đến trường nhưng chẳng may đâm vào một bà gánh cá từ bên kia sông qua khiến bà té chổng mông lên trời.

– Tổ choa (cha) mi cái thèng (thằng) kia con méc (mắt) của mi để chổ mô, mi có mau béc (bắt) ké (cá) lại không tau đập (đánh) chết choa mi chừ.

Nhìn lại thấy cá văng tung tóe trên đường, hoảng hồn tôi co giò đạp thẳng, bà bán cá có lấy cái đòn gánh ném theo tôi nhưng không trúng, hú vía.

Tôi vẫn là tôi không có gì thay đổi nhưng có ai tắm hai lần trên cùng một con sông? Vì dòng nước chuyển động không ngừng, dòng nước trước và sau như dòng đời hai lối rẽ, người ở đây, tôi phương xa.

Cau_TrinhMinhThe_02R11Ngày tôi ra đi Đà Nẵng chỉ có một cây cầu đó là cầu Trịnh Minh Thế, nay có đến 8 hay 9 (*), không biết có nơi nào trên thế giới mà trên một con sông trong một khoảng cách 7 hay 8 km mà có đến 8 hay 9 cây cầu, có “lạm phát” cầu quá chăng ?

Người dân Đà Nẵng có người cảm thấy thích thú với nhiều chiếc cầu vì nó tiện cho việc đi lại nhưng cũng có người không thích vì cái gì cũng có cái giá của nó, làm cầu quay thì cái hệ quả tức khắc của nó là mất đi bến đò sông Hàn một phần tuổi thơ của tôi, hệ quả thứ hai là con đường từ cầu quay về trung tâm thành phố xóa sổ luôn cái Cầu Vồng nơi đã ghi lại biết bao kỷ niệm của thời học sinh chúng tôi.

Làm cái cầu Rồng thì xóa sổ ngôi trường Sao Mai, một ngôi trường phải nói là rất đẹp của Đà Nẵng, nghe đồn cầu Rồng đẹp cho nên tôi phải tự mình kiểm chứng, từ cửa sổ tầng 5 của khách sạn Snow White trên đường Nguyễn Văn Linh tôi nhìn tới nhìn lui, nhìn từ trái sang phải, nhìn từ trước ra sau, nhìn cái miệng lè lưỡi ra tôi thấy nó chẳng giống con rồng một chút nào mà trái lại nó giống hệt con rắn, con rắn hổ mang sắp sửa cắn người.

Nếu có ai đó hỏi tôi cho một nhận xét về hai cây cầu “nổi tiếng” ở Đà Nẵng là cầu Quay và cầu Rồng thì câu trả lời của tôi sẽ là “chẳng giống con giáp nào trong 12 con giáp”.

Hùng Nam cực (1966-1973)

(*) Phụ chú BBT: Riêng địa phận Đà Nẵng và tính từ phía cửa biển vào, ta có: (1) cầu Thuận Phước khởi công xây dựng vào ngày 16.1.2003, với vốn ban đầu hơn 587 tỉ đồng, nhưng đến ngày khánh thành vào ngày 19.7.2009 thì tổng kinh phí lên đến hơn 1000 tỉ đồng; (2) cầu sông Hàn (cầu quay) khởi công xây dựng vào ngày 2.9.1998 và hoàn thành vào ngày 29.3.2000 với tổng kinh phí gần 100 tỉ đồng, trong đó cán bộ, nhân dân thành phố Đà Nẵng và các địa phương khác đóng góp gần 28 tỉ đồng; (3) cầu Rồng xây dựng từ 19.7.2009 và khánh thành ngày 29.3.2013 với tổng kinh phí khoảng 1.700 tỉ đồng; (4) cầu Nguyễn Văn Trỗi (tên cũ Nguyễn Hoàng) – (5) cầu Trần Thị Lý (tên xưa De Lattre, viết đầy đủ là Jean Marie Gabriel de Lattre de Tassigny và tên Việt là Trình (Trịnh) Minh Thế) – cùng khởi công ngày 22.4.2010 và khánh thành ngày 29.3.2013 với tổng kinh phí trên 1.700 tỉ đồng; (6) cầu Tiên Sơn (Tuyên Sơn) khởi công xây dựng vào tháng 2/2002, và khánh thành ngày 19.2.2004 với tổng kinh phí 150 tỉ đồng. Cầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa/ năm từ cảng biển Tiên Sa vào đất liền và ngược lại. Tất cả đều bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) với chiều dài khoảng 7,5 cây số từ ngã ba sông nơi hợp lưu giữa sông Cẩm Lệ, sông Vĩnh Điện (Cổ Mân hay Đò Toản) và sông Hàn (Đà Nẵng).

Và nếu không có gì thay đổi thì thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm một cây cầu nữa dành cho khách ”đi bộ” mang tên cầu ”vỏ sò” bắc qua sông Hàn. Cầu ”vỏ sò” sẽ được xây dựng từ bùng binh đường Đống Đa – Như Nguyệt ở bờ Tây sông Hàn nối qua đường Trần Hưng Đạo ở bờ Đông với kinh phí dự trù lên đến khoảng 1.300 tỉ đồng.

Và thuộc quận Cẩm Lệ trên sông Cẩm Lệ, ta có cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Cẩm Lệ và cầu Đỏ.

Hùng Nam cực

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s