Niên biểu trường Phan Châu Trinh từ 1952 đến 1975 (Trần Gia Phụng)

Blog_TruongPCT_031952: Theo đề nghị cuả các nhân sĩ Đà Nẵng, trình văn cuả ông Thị trưởng Đà Nẵng, và đề nghị cuả ông Giám Đốc Nha Học Chánh Trung Việt, Thủ hiến Trung Việt là ông Lê Quang Thiết đã ký công văn số 3214/ VP/ SV ngày 7-8-1952, đồng ý thiết lập tại Đà Nẵng một lớp Đệ thất (lớp 6 ngày nay). Văn thư nầy nêu rõ 2 việc: thứ nhất Phủ Thủ hiến chỉ đài thọ lương hướng và phụ cấp các giáo sư tuyển dụng; thứ nhì Trưởng ty Học Chánh Đà Nẵng kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng lớp Đệ thất tân thiết. Như thế, vấn đề phòng ốc và bàn ghế, điạ phương phải tự lo.

Lớp Đệ thất đầu tiên khai giảng ngày 15-9-1952, học tại trường Tiểu Học Đà Nẵng, phiá sau Ty Học Chánh, hiệu trưởng là ông Lê Khắc Giai, Ty trưởng Ty Học Chánh. (Ty Học Chánh và trường Tiểu Học lúc đầu là một cơ sở dính liền, cổng trước nằm trên đường Yên Bái, cổng sau nằm trên đường Phan Đình Phùng. Về sau tách riêng, nhân viên ty Học Chánh sử dụng cổng đường Yên Bái, còn giáo viên và học sinh trường Tiểu Học ra vào cổng đường Phan Đình Phùng, bên cạnh nhà Máy Đèn Đà Nẵng.)

1953: Niên khoá 1953-1954, trường tân lập tuyển vào 2 lớp Đệ thất, cọng thêm lớp Đệ thất cũ nay lên Đệ lục (lớp 7 ngày nay) thành 3 lớp, vẫn học tại trường Tiểu Học. Hiệu trưởng thay đổi từ ông Lê Khắc Giai, đến giáo sư Lê Cảnh Ngôn, rồi giáo sư Bùi Tấn.

Thầy Bùi Tấn đã đề nghị ba danh nhân để Hội đồng Giáo sư chọn lựa đặt tên trường là: Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân và Thái Phiên. Đa số giáo sư chọn tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Thầy Bùi Tấn trình lên Nha Học chánh Trung Việt và giáo sư Phạm Đình Ái, Giám đốc Nha Học chánh, trình vào Bộ Giáo dục ở Sài Gòn. Bộ Giáo dục ra nghị định số 95 – GD/NĐ ngày 6-5-1954 chính thức đặt tên trường Phan Châu Trinh kể từ niên khóa 1954-1955.

Cũng trong thời gian thầy Bùi Tấn làm hiệu trưởng, dãy nhà giữa của trường Phan Châu Trinh hiện nay, bắt đầu được xây dựng (chưa có tầng lầu), nằm trong khu đất giữa các đường Lê Lợi (trước mặt), Thống Nhất (bên trái), Duy Tân (sau lưng) và Nguyễn Hoàng (bên mặt), nếu đứng từ dãy đầu tiên nhìn ra. Lúc đó, khu đất nầy là một vùng đất cát hoang, có nhiều chỗ trũng thấp, nhiều bụi cây nhỏ, nằm bên cạnh trường Tiểu Học Pháp (École Primaire Française de Tourane). Trường tiểu học Pháp được chuyển giao cho Ty Học chánh vào năm 1954. Ty Học chánh cho trường Phan Châu Trinh tạm sử dụng, để làm nhà cho ông Hiệu trưởng, một số giáo sư và các lớp Nữ công, Gia chánh và đánh máy chữ. (Đến năm 1957, do đề nghị cuả ông Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh, dãy nhà nầy mới chính thức được sáp nhập vào cơ sở trường). Đường Thống Nhất và đường Nguyễn Hoàng có nhiều cây kiền kiền cao. Những cây kiền kiền trên đường Thống Nhất, cạnh trường Phan Châu Trinh, về sau bị bão làm ngã bớt, còn những cây kiền kiền trên đường Nguyễn Hoàng vẫn được giữ nguyên khi nhà trường làm hàng rào dọc theo đường Lê Lợi, và chận ngang đường Nguyễn Hoàng năm 1957.

1954: Kể từ niên khóa 1954-1955, trường Phan Châu Trinh dọn về cơ sở mới, số 31 đường Lê Lợi. Sau Tết Ất Mùi (1955), giáo sư Huỳnh Văn Gi, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (Hà Nội) vào thay thầy Bùi Tấn giữ chức Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh. Thầy Bùi Tấn vào Tam Kỳ làm Hiệu trưởng trường Trung Học Tam Kỳ, lúc đó chưa có tên. (Cũng chính thầy Bùi Tấn đã đề nghị tên ba danh nhân là Trần Cao Vân, Phan Thành Tài và Lê Đình Dương để Hội đồng Giáo sư Tam Kỳ quyết định, và sau đo Hội đồng chọn tên trường là Trần Cao Vân).

1956: Giáo sư Huỳnh Văn Gi về hưu năm 1956, giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc được cử lên thay thế làm hiệu trưởng kể từ niên khoá 1956-1957. Vào lúc nầy, bắt đầu công trình đổ đất san phẳng mặt bằng sân trường, trồng thêm các cây kiền kiền và cây phượng trong sân trường. Dãy nhà lầu 8 phòng học (dưới 4 phòng, trên 4 phòng) phiá tay trái dãy nhà chính, nằm dọc theo đường Thống Nhất bắt đầu được xây cất, và được sử dụng từ niên khoá 1958-1959. (Thầy Nguyễn Lương Hiền, giáo sư môn Triết học trường Phan Châu Trinh từ năm 1964 đến năm1975, kể rằng lúc còn đi học ở Huế, thầy Hiền vào Đà Nẵng làm công nhân dựng nòng sắt để đổ béton cuả dãy nhà nầy).

1958: Từ niên khoá 1958-1959, lần đầu tiên trường Phan Châu Trinh mở lớp Đệ tam (lớp 10 ngày nay), gồm đủ cả 3 ban: Khoa học thực nghiệm (ban A), Khoa học toán (ban B) và Văn chương sinh ngữ (ban C); mỗi ban 1 lớp.

1959: Từ niên khoá 1959-1960, trường Phan Châu Trinh mở lớp Đệ nhị (lớp 11 ngày nay), gồm đủ 3 ban. Tuy nhiên, sau khi đỗ kỳ thi tú tài bán phần (tức tú tài 1) vào cuối niên học (1959-1960), học sinh phải ra Huế học tiếp lớp Đệ nhất để dự thi tú tài toàn phần (tú tài 2).

Tầng trệt dãy nhà bên cánh phải trường Phan Châu Trinh (từ trong nhìn ra và nằm cạnh khúc đường Nguyễn Hoàng đã bị chắn ngang), Phòng thí nghiệm, sân bóng rổ nhà trường được xây xong trong niên khoá nầy. (Giáo sư Trần Hữu Duận cho biết khi ông đến dạy trường Phan Châu Trinh từ niên khoá 1960-1961 thì Phòng thí nghiệm vừa xây xong).

1961: Ngày 19-5-1961, Bộ Quốc Gia Giáo Dục ra nghị định số 768 – GD/NĐ chính thức hợp thức hoá việc thiết lập trường Trung học công lập Đệ nhất cấp Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

1962: Từ niên khoá nầy, trường Phan Châu Trinh được chính thức cải biến thành trường Trung học Đệ nhị cấp theo nghị định số 1448 – GD/PC/NĐ ngày 11-9-1962 cuả bộ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Nhà trường mở thêm các lớp Đệ nhất (lớp 12 ngày nay) với đầy đủ 3 ban A, B, C. Như thế, từ đây, trường Phan Châu Trinh đầy đủ các lớp Đệ nhất và Đệ nhị cấp.

Vừa bước qua niên khoá 1962-1963, giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc được thuyên chuyển, giáo sư Ngô Văn Chương đến thay.

Sau biến cố 1-11-1963 (tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ), giáo sư Châu Trọng Ngô từ Huế vào thay giáo sư Ngô Văn Chương.

1965: Năm 1965, giáo sư Châu Trọng Ngô xin trở về trường Quốc Học Huế, giáo sư Đặng Ngọc Tuấn xử lý thường vụ Hiệu trưởng. Lúc đó, Hội đồng Giáo sư Phan Châu Trinh đưa ra bản nhận định phản đối lời tuyên bố bất lợi cho giáo dục cuả ông Tổng trưởng Giáo dục Trần Ngọc Ninh, nên tháng 10-1965, giáo sư Đặng Ngọc Tuấn được mời vào Sài Gòn để tham khảo và đợi lệnh tại Bộ Giáo dục. Giáo sư Nguyễn Đức Giang, Hiệu trưởng Trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hòa, được cử ra thay thế, nhưng Giáo sư Giang không ra. (Theo lời kể cuả ông Trần Hữu Duận)

Trong khi không có Hiệu trưởng, cũng không có Giám học, ông Tổng giám thị là giáo sư Trần Hữu Duận xử lý công việc Hiệu trưởng đến tháng 9-1966, dầu không có sự vụ lệnh bổ nhiệm.

1966: Tượng nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, do giáo sư Đoàn Văn Toàn (Đỗ Toàn) thực hiện, được chính thức dựng trước cột cờ sân trường nhân lễ huý nhật thứ 40 cuả cụ Phan là ngày 24-3-1966.

Giáo sư Trần Vinh Anh đến nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng từ tháng 9-1966.

1967: Tháng 6-1967, ông Trần Vinh Anh tử nạn trong khi đi chấm thi tại Nha Trang. Ông Thái Doãn Ngà, giám học nhà trường, lên làm Hiệu trưởng.

Dãy văn phòng, sát đường Lê Lợi, được xây xong. Văn phòng nhà trường được chuyển đến dãy nhà nầy cho đến nay.

1971: Từ niên khóa 1971-1972, trường Phan Châu Trinh mở rộng cơ sở: 1) tăng lầu dãy nhà cánh mặt cuả trường (từ trong nhìn ra, trên khúc đường Nguyễn Hoàng cũ); 2) thêm một dãy lầu mới được xây song song với dãy lầu cũ bên cánh trái nhà trường, giữa dãy lầu cũ và đường Thống Nhất; 3) dãy nhà chính, cũ nhất cuả trường, dãy chính giữa trong niên học đầu tiên, được tăng lầu và bắt đầu sử dụng từ niên khoá 1972-1973.

1973: Lúc đó, Sở Học chánh Đà Nẵng được thành lập, ông Thái Doãn Ngà được cử chức vụ Giám đốc Sở Học chánh, giáo sư Huỳnh Mai Trác, Giám học, lên thay làm Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh cho đến năm 1975.

1975: Sau khi nắm quyền, chính quyền cộng sản muốn đổi tên trường và triệt hạ bức tượng Cụ Phan Châu Trinh, nhưng bị phản ứng ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ cuả dân chúng, nên chính quyền từ bỏ ý định nầy.

Trần Gia Phụng (PCT 1958-1960 và 1967-1975)

(Nguồn trích: Hội Ái Hữu Phan Châu Trinh Đà Nẵng – http://www.phanchautrinhdanang.org/)

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s