Kỷ niệm về những năm học Cổ Văn ở Trung Học (Nguyễn Hữu Tưởng)

ThuykieuTruyen2Ngày xưa lúc còn học trung học ở Phan Châu Trinh, có một điều mà tôi không thích và đã làm trở ngại cho việc học văn cũng như toán. Đó là có quá nhiều từ gốc tiếng Hán.

Tôi thích đọc truyện, đủ loại từ truyện của trẻ em, truyện Tàu, truyện kiếm hiệp, truyện thời tiền chiến và của Tự Lực Văn Đoàn. Sau này lớn lên, tôi cũng đã đọc một vài truyện dịch từ các tác giả đa số của châu Âu nhưng Cổ văn đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

Đọc các truyện hay sách trên rất thoải mái và không đòi hỏi suy nghĩ nhiều. Đọc sách Kim văn thì còn đỡ. Nhưng khi đọc sách Cổ văn của các lớp 6-9 thì thật là khốn khổ cho các học sinh vì có quá nhiều từ gốc Hán hay các điển tích bên Tàu từ thời các vua Nghiêu Thuấn cho đến Đông Châu Liệt Quốc hay các đời Tần, Tuỳ, Tống, Minh…. và thậm chí Mãn Thanh. Tôi không nhớ ra là thầy cô giáo từng giải thích tại sao có tên là Kim văn và Cổ văn. Khi lên lớp 9-10, tôi đoán Cổ là cũ tức là văn xưa cũ, Kim là mới gần đây. Nhưng có thật kim là mới hay gần đây? Tại sao không đặt là Tân văn như trong Tân Cổ Giao Duyên hay Tân Toán học với các đề tài như : Tập Hợp, Nhóm, Vành, Thể, …

Không biết các nhà Văn Học sử có phân định rõ ràng từ trước năm nào thì văn học là Cổ văn, sau đó là Kim văn hay không?

Nếu theo Văn Học sử thì các nhà văn hay nhà thơ sau đây có các văn hay thơ phẩm:
Vua Lý Nhân Tông (1073-1127)
Nguyễn Trãi (1380-1442)
Vua Lê Thánh Tôn (1442-1497)
Nguyễn Du (1765-1820)
Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848)
Nguyễn Công Trứ (1778-1858)
Tú Xương (1870-1907)
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1898-1939)

Vậy mốc thời gian là năm nào?

Theo tôi đoán là văn học vào hay trước thế kỷ 19 là Cổ văn. Văn học thế kỷ 19 và về sau là Kim văn. Nhưng mốc thời gian có thể là thế kỷ 20.

Ngày xưa tôi không nhớ có lần nào các giáo sư đã đề cập đến vấn đề làm sao phân biệt được một tác phẩm là Cổ hay Kim văn.

Ngay cả những ngày tháng ở trại tỵ nạn, có dịp gặp một số giáo sư văn chương hay đã tốt nghiệp cử nhân văn chương, tôi đặt ra câu hỏi nhưng không một ai có câu trả lời chính xác.

Đến khi thực sự học Cổ văn thì những học sinh lớp 6-9 như chúng tôi, viết một bài luận văn đơn giản còn chưa rành, làm sao học và bình Cổ văn? Chỉ cần làm một bài luận tiêu biểu như “Viết về bà ngoại em” là đủ biết các học sinh vật lộn với chữ nghĩa tiếng Việt như thế nào. Khi cô giáo đọc bài văn mẫu để các học sinh phê bình, bài đầu tiên mà cả lớp cười muốn vỡ lớp. Bài văn bắt đầu bằng câu: “Nhà em có NUÔI một bà ngoại….”. Không phải là ngẫu nhiên vì tuần trước bài văn là: “Tả con chó nhà em”. Giờ bình văn là giờ vui nhất vì nghe được nhiều câu văn ngớ ngẩn đến độ không cười không được.

Học sinh lớp 6-9 thì tiếng Việt còn non. Tại sao bắt các em học Cổ văn? Tại sao không dạy các em Kim văn 3-4 năm cho thật vững rồi dạy Cổ văn sau khi học sinh đã khá rành tiếng Việt? Hay đặt Cổ văn là lớp nhiệm ý (nhớ mang máng, tiếng Anh gọi là Elective class), không bắt buộc phải lấy khi thi tú tài hay lên lớp? Hay chỉ dành cho ban C (Văn Chương).

Khi vào học Cổ văn mới thật là khó khăn. Tiếng Việt đang dùng còn chưa hiểu hết mà phải học Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Cô giáo còn nhấn mạnh với câu nói nổi tiếng của học giả Phạm Quỳnh “Truyện Kiều Còn Thì Nước Ta Còn” để các học sinh nhớ và học. Ngày nay tại Việt Nam, chắc cũng rất nhiều người chưa nghe đến Truyện Kiều. Nếu có nghe qua, chưa chắc đọc được vài câu. Thế mà Việt Nam vẫn còn mà có lẽ sẽ còn nhiều năm nữa, trừ phi Tàu thôn tính nước ta. Chống lại Tàu bằng vũ khí tối tân của Tây Phương cùng với hùng khí của “Hội Nghị Diên Hồng”, thêm vào một chính quyền thực sự dân chủ chắc là hiệu quả hơn Truyện Kiều.

Hàng ngày giáo sư chép một đoạn thơ 15 tới 20 câu lên bảng. Các học sinh chép lại. Giáo sư có giảng về các chữ khó hiểu, nhất là các chữ gốc Hán và các điển cố bên Tàu. Tuy nhiên có giảng thì giảng, chuông reo thì các chữ gốc Hán và điển cố theo gió bay hết về…. Tàu!

Ngay phần một: Kiều thăm mộ Đạm Tiên là phần dễ nhất cũng đã gây cho học sinh khốn khổ rồi. Lẽ dĩ nhiên nếu học sinh chấp nhận điểm thấp thì không nói làm gì, với các học sinh muốn đạt điểm tốt hay thật sự hiểu tất cả các lời hay ý đẹp của bài thơ thì vô cùng khó khăn.

  1. Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

  1. Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,

  1. Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghĩ cũng thường thường bực trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.

  1. Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,

  1. Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

  1. Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tư trời,

  1. Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân.

  1. Phong lưu rất mực hồng quần,

Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Ngày xuân con én đưa thoi,

  1. Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh.

Không chỉ tôi, nhiều bạn trong lớp cũng gặp khó khăn với các câu sau:

Câu 5: Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Câu 7: Cảo thơm lần giở trước đèn,
Câu 9: Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Câu 10: Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
Câu 25: Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Câu 40: Thiều quang chín chục đã ngoài 60

…….

Chỉ trích dẫn vài câu thôi, các câu khác cũng có thể hiểu sơ sơ hay đoán mò…

Khi về nhà thì phải học thuộc long. Đọc mà không hiểu nghĩa thì làm sao mà nhớ? Không biết thì hỏi ai? Mẹ thì lo nấu cơm chiều, ba đi làm chưa về. Nhưng nếu ba tôi có ở nhà thì chắc là giảng cũng không được. Thế là tôi đọc như vẹt mà cũng thuộc đủ trả bài cho cô giáo. Thuộc thì có thuộc nhưng hiểu cặn kẽ thì không.

Riêng từ tháng 11đến tháng 3 dương lịch của những năm tôi học Cổ Văn thì đỡ hơn vì là những tháng đầu và cuối năm âm lịch. Tại sao lại đỡ hơn? Lý do thì khó tin. Hàng năm cứ vào dịp cuối và đầu năm âm lịch thì có một ông đồ già từ trong quê, tôi nhớ mang máng là Đại Lộc, ra Đà Nẵng xem bói về tình duyên gia đạo, tài lộc, tương lai và hậu vận. Kiêm luôn xem quẻ giò gà – khi cúng tất niên thì đôi giò gà để dành mang đến cho thầy để thầy xem bói cho toàn thể gia đạo trong một năm. Thầy quen với bạn của ba tôi nên được ngồi trước nhà miễn phí. Không chỉ nhà tôi có Thầy đồ kiêm chiêm tinh gia đâu. Khúc đường nhà tôi cũng có 8-10 thầy đồ như vậy, nhưng chỉ đặc biệt là phía nhà tôi thôi, không có thầy đồ – chiêm tinh gia ngồi phía bên kia đường. Đôi lần khi thầy không có khách, tôi hỏi thầy tại sao không ngồi bên kia đường? Thầy trả lời bên kia không đắc lợi. Tôi cũng tin như vậy cho đến khi qua bên kia đường thì nắng chiều nóng quá tôi mới hiểu ra.

Nghe thầy đồ nói có học chữ Nho hơn 10 năm nhưng không ra Huế thi vì gia đình nghèo. Nhiều lần tôi hỏi về các từ gốc Hán hay điển cố thì thầy trả lời cũng được chừng một nửa. Các câu khó hơn thì thầy trả lời qua loa hay trả lời sai mà tôi không biết cho đến khi cô giáo giải thích thêm.

Tối lại mới buồn cười. Ba tôi ngồi xem báo, tôi thì đọc to cho ba tôi nghe để chắc chắn là tôi có học và thuộc. Trong xóm có 3, 4 đứa học cùng lớp tôi, đến tối là ê a Truyện Kiều. Đặc biệt là các câu giới thiệu hai chị em:

“Đầu lòng hai ả Tố Nga
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân”

Đầu hôm thì hai câu đọc rất là mạnh, to và rõ, cả xóm có thể nghe.

Đến 9, 10 giờ khuya lời thơ bỗng trở nên nhừa nhựa, lúc được, lúc mất, lúc được lại như sau:

“Đàu lòng… hai… ả… tố… nga (không để ý thì dễ nhầm là nước nào, có lẽ là Tàu tố Nga về xung đột gì đó.

Rồi tiếp tục.

“Thuý ….. Kiều …. là …. chị,
em là……. Thuý…… Vân……”

Sau đó không nghe gì nữa, chắc là bạn học hàng xóm tôi ngủ gục trên bàn rồi!

Khó tin mà có thật, ngay trước nhà tôi, có một chị học hơn tôi một lớp, tên là …… Thuý Vân. Trong Truyện Kiều, Thuý Vân bán mình vào lầu xanh chuộc cha. Còn cô chị hàng xóm Thuý Vân thì lại làm cho gia đình hãnh diện khi qua Tàu (Hong Kong) làm …. giám đốc ngân hàng.

Sau này trong gần 10 năm, không hộ khẩu, không việc làm, lang thang ở các tỉnh và Sài Gòn nên tôi hay ra bưu điện Sài Gòn và khu chợ trời bán sách cũ (bán lậu) để đọc …. chùa cho quên ngày tháng. Tôi cũng đọc được thêm vài cuốn sách bình luận Truyện Kiều, nhất là được nói chuyện với vài anh sĩ quan VNCH mới ra tù, thất nghiệp nhưng có thời là sinh viên Văn Khoa nên được giải thích như sau:

Câu 5: Lạ gì bỉ sắc tư phong là cái kia kém thì cái này khá hơn hay luật bù trừ như thiên tài hay bạc mệnh, hồng nhan đa truân.
Câu 7: Cảo thơm lần giở trước đèn là từ chữ phương cảo là dưới ánh đèn đọc sách hay tốt, cảo là sách, thơm là hay tốt.
Câu 9: Vua Gia Tĩnh triều Minh là vua Thế Tông 1523-1566, gần như cùng thời với triều Lê (hậu Lê) do Lê Lợi khởi nghiệp, không phải tiền Lê( Lê Đại Hành).
Câu 10: Bốn phương phẳng lặng tức là xã hội triều Minh an bình. Hai kinh đây là Nam Kinh và Bắc Kinh bên …. Tàu.
Câu 25: Làn thu thuỷ nét xuân sơn nghĩa là mắt Thuý Kiều trong sáng như nước mùa thu và lông mày của nàng đẹp như hoa cỏ trên núi vào độ xuân về.
Câu 40: Thiều Quang chín chục đã ngoài sáu mươi là ánh sáng đẹp của mùa xuân. Mỗi mùa là 3 tháng hay 90 ngày. Đã là 60 tức là sau Tết âm lịch 60 ngày thì nhằm vào tháng ba, nhằm vào Tết Thanh Minh.

Xem các lời chú thích như vậy thì biết các thế hệ học sinh học Cổ văn vất vả biết chừng nào. Học cho có học nhưng không hiểu và cũng không hề áp dụng sau này khi vào đời, cho dù là làm bất cứ công việc gì.

Chưa nói đến những bài giới thiệu các thi sĩ Tàu như Trương Kế, Thôi Hiệu, Lý Bạch,….. toàn là điển cố và chữ gốc Hán cho dù đã dịch ra tiếng Việt. Khi thầy cô giảng thì “Ai cũng không hiểu, chỉ một người hiểu”.

Ngay cả khi học các nhà thơ Việt Nam trong cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 như Nguyễn Công Trứ, cũng không chạy khỏi từ gốc Hán hay điển cố, như trong bài Chí Làm Trai:

Chí Làm Trai

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng (1) vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (2)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Câu 2: Nợ tang bồng vay trả trả vay: cha mẹ sau này muốn con làm sự nghiệp vang danh thiên hạ khi dùng chữ tang bồng tức là cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng.
Câu 5: Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử cũng đoán được
Câu 6: Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Ai cũng chết, khi chết thì phải lưu tấm lòng son trong sử xanh)

…….

Còn nhiều nữa….

Tới lúc học làm thơ mới vất vả cho học sinh chúng tôi.

Trước hết là luật Đối Âm (Luật Bằng: dấu huyền hay không dấu và Luật Trắc: sắc, hỏi, ngã, và nặng)

Sau là luật Đối Ý. Ví dụ danh từ hay động từ thì đối với danh và động từ, tương phản về nghĩa hay cảnh động với cảnh tĩnh,…

Chưa hết, còn niêm và luật nữa…

Phải nhớ thêm các dạng như: Thất ngôn bát cú (bài thơ có tám câu, mỗi câu chỉ có đúng bảy chữ) hay Thất ngôn tứ tuyệt (biến dạng của Thất ngôn bát cú nhưng không có bốn câu đầu hay bốn câu cuối), …..

Thầy cô bảo học trò làm thơ cũng giống như thi trèo cột mỡ, hết leo lên rồi tụt xuống. Cả lớp vật lộn với bài thơ. Chỉnh sửa chỗ này thì lại sai chỗ kia. Không sai niêm thì sai luật. Cố gắng cho đúng luật thì thơ…. không ra thơ. Sửa gần hết giờ mà không xong được bốn câu, nói gì đến tám câu…. Thầy cô giáo cho về nhà làm, hôm sau nộp. Về đến nhà thì có thêm giờ mà vẫn làm không xong với những luật niêm và “bằng bằng trắc trắc bằng bằng… Cứ như là bắn súng…

Tôi chắc chắn là chưa bao giờ làm xong bài thơ nào đúng niêm luật và được thầy cô khen tạm được và hình như các bạn tôi cũng chẳng có đứa nào làm được.

Bốn mươi lăm năm sau khi học Cổ văn thấy mình vẫn không hiểu hết được gì đã học và cũng chưa biết mình đã áp dụng được gì từ Cổ văn. Ước gì ngày xưa mình được học thêm nhiều Kim văn để tiếng Việt của mình được phong phú hơn.

Tuy nhiên những giờ phút học Văn cho dù Cổ hay Kim cũng đã gợi lại cho tôi cả một vùng trời kỷ niệm những năm tháng hồn nhiên duy nhất của đời tôi.

Nguyn Hu Tưởng (07/07/2015)

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s