Ba tôi, người thầy dạy toán đầu tiên của tôi. (Nguyễn Hữu Tưởng)

Ở Việt Nam hay tại các quốc gia trên thế giới, ngày hiền mẫu hay của mẹ được nhắc nhở và viết nhiều trong thơ, ca, nhạc,.. nhiều hơn là ngày của cha. Lý do thì có nhiều, nhưng đối với tôi cha và mẹ cũng như nhau, đều thương tôi, hy sinh cho tôi, và muốn tôi nên người.

Lễ Vu Lan sắp đến, chợt nhớ về mẹ thì hình ảnh của ba tôi lại hiện ra. Ba không những góp phần mang tôi vào đời, góp phần nuôi nấng và dạy dỗ tôi. Tôi vẫn nghĩ cha hay mẹ đều như nhau, mỗi người đã góp phần tạo nên dáng vóc, hình hài, và cá tính của tôi. Từ nhỏ cho đến khi vào trung học thì ba ở gần tôi hơn vì ba dạy tôi những bài học vỡ lòng của toán học. Ba học không cao, chỉ mới đậu Sơ Học Yếu Lược (bằng tốt nghiệp tiểu học) và đang học thêm để thi trung học đệ nhất cấp. Ba nói: Ba biết tới đâu, ba dạy con tới đó. Do đó bài viết này để tặng mẹ tôi và ba tôi.

Mỗi người đều có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu và trung học. Những kỷ niệm đó có thể là những ngày đi sinh hoạt học sinh Phật Tử, Công Giáo, hay Hướng Đạo. Cũng có thể là những tháng năm học thơ mới rồi viết và làm thư tình với một vài mối tình thuở học sinh. Với tôi, đó là những ngày học toán với ba tôi khi còn nhỏ và với các thầy cô khi vào trường.

Thuở đầu đời ba tôi chăm và dạy tôi rất nhiều nên ba tôi đã để lại nhiều dấu ấn không phai mờ trong tâm hồn tôi.

Tôi thuộc loại khó nuôi vì rất dễ bị bịnh, đủ loại bịnh. Do đó tôi ít được ba mạ cho ra khỏi nhà chơi với các bạn cùng xóm. Thời nắng nóng thì không được đi vì sẽ bị cảm nắng. Thời lạnh mùa đông cũng không được phép đi vì ra ngoài sẽ bị cảm … lạnh rồi sưng phổi. Trời mưa thì tuyệt đối không được đi vì dầm mưa thì chắc chắn sẽ bị bịnh. Ở trong nhà nhìn ra máng xối trước nhà thấy các bạn cùng xóm tắm mưa, tôi chỉ ước ao được tắm mưa.

Lúc tôi được gần 4 tuổi thì lúc đó ba tôi đang học lớp 6 của chương trình trung học đệ nhất cấp (tương đương lớp 6-9). Ngày nào sau khi đi làm về hay cuối tuần thì ba tôi học bài luyện thi. Văn, Sử, Công Dân thì tôi không hiểu vì không biết mặt chữ. Toán thì có nhiều số từ 0 đến 9 nên coi bộ đơn giản hơn. Khi ba tôi học bài thì tôi lẫn quẩn bên ba vì không được phép ra ngoài chơi. Để khỏi bị quấy rầy, ba viết các số 0-9 vào các miếng giấy và bắt tôi đọc theo không, một, hai,….., chín. Đọc theo mà chẳng hiểu các số đó có nghĩa là gì hay dùng để làm gì. Khi nhận được mặt số, ba tôi dùng mười ngón tay để biểu thị các số.

Khi tôi có thể dùng ngón tay để diễn tả số từ 0-9, ba tôi viết thêm số từ 10-99 để tôi tập nhận mặt số và đọc lên các số. Sau đó là đến số hàng trăm, ngàn, chục ngàn,… Ba cứ học bài của ba, tôi thì đọc số của tôi. Tôi thấy cũng vui vì cũng có chuyện để khỏi nhớ các bạn đang chơi trong xóm.

Một thời gian ngắn sau thì ba dạy tôi toán cộng và trừ, trước là làm với mười ngón tay, kế đó là làm trên giấy, sau cùng là làm trong đầu. Từ cộng không nhớ đến nhớ. Từ trừ không mượn đến mượn. Từ cộng trừ hàng chục, đến hàng trăm, ngàn,… Trước làm trên giấy, sau làm trong đầu. Sau đó ba dạy tôi tự ra toán cộng trừ cho mình và tự làm cũng như tự kiểm tra kết quả.

Khi tôi làm thông thạo toán cộng trừ, lẽ tất nhiên bước kế tiếp sẽ là toán nhân và chia. Ngày xưa ba tôi hay mua tập vở có hình bìa trước là xe xích lô. Bìa sau in bảng cửu chương từ 2 đến 10. Ba hay đọc bảng cửu chương: hai nhân một là hai, hai nhân hai là bốn,… hai nhân mười hai mươi. Tôi đọc theo ba mà không biết để làm gì. Đọc cũng vui. Khi thuộc cửu chương xong thì ba viết các bài toán nhân đơn vị với đơn vị, hàng chục với đơn vị, hàng chục với hàng chục hay hàng trăm… Rồi sau đó là toán chia không mượn và có mượn.

Điều tôi nhớ nhất là lời ba dặn “con cố gắng làm toán trong đầu, để tập cho có phản ứng nhanh”. Sau này khi lên trung học mới hiểu được lời khuyên này của ba.

Chua-PhapLam_02Ba tôi là Phật tử thuần thành, ủng hộ giáo hội Phật Giáo và nhất là chùa Tỉnh Hội nhiệt tình, cả về thời giờ lẫn vật chất. Một hôm, có một thầy tu tại chùa Tỉnh Hội và cũng dạy trường tiểu học Bồ Đề ghé lại nhà thăm ba, thấy tôi đang làm toán cộng trừ nhân chia do ba giao. Thầy ghé mắt qua và hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi đáp lời: Dạ con 5 tuổi.

Thầy không nói gì và quay qua nói chuyện với ba tôi. Sau khi thầy về, ba nói tôi là thầy bảo ba khai trường đưa tôi vào lớp một, thay vì lớp mẫu giáo hay vỡ lòng.

Học lớp một với các bạn học hơn mình 1-3 tuổi không phải dễ dàng đâu. Trẻ con hơn nhau 1 tuổi thì khôn hơn nhiều lắm, huống gì 2-3 tuổi. Tôi bị các bạn học cùng lớp bắt nạt đủ kiểu nhưng không bao giờ nói cho ba biết nhưng tôi tự nhủ là sau này tôi sẽ không bao giờ cho con tôi học trước 1-3 lớp. Mỗi lần bịnh phải nghỉ, có khi 2-3 ngày, có khi 1-2 tuần. Vì bị mất bài nên tôi phải học mất nhiều thì giờ vì không muốn bị ở lại lớp. Lúc đó thì ba tôi xem chừng và nhắc nhở tôi làm hết những bài còn thiếu.

Toán lớp 1-5 trong những năm 1962-1967, tôi nhớ lại đúng là khó. Làm toán số học cọng trừ nhân chia với số nguyên cũng đã khó, làm với số thập phân hay phân số thì càng khó hơn với trẻ em 6-11 tuổi. Nhiều bài toán cộng, nhân hay chia với số hàng chục hay trăm ngàn thì thật là rất khó khăn cho trẻ em. Ngày nào ba cũng ngồi bên cạnh tôi, hướng dẫn tôi làm toán. Khi lên lớp 4-5 thì ba bắt đầu vất vả khi giúp tôi làm toán đố. Thật sự có nhiều bài toán đố dùng mẹo vì không có một công thức rõ ràng để áp dụng. Ngay cả khi không thể giúp tôi giải được những bài toán đố khó, ba cũng cùng giải với tôi và nhiều lần cùng tôi chịu thua vì không tìm ra lời giải.

Ngay cả khi không tìm ra lời giải, ba vẫn nhắc tôi ngày mai, ngày mốt, tuần sau tìm cách giải lại cho đến khi tìm ra cách giải.

Những năm tháng làm vô số các bài toán cộng trừ nhân chia của số nguyên, số thập phân, và phân số cũng như cố gắng làm những bài đó trong đầu đã giúp cho tôi đỡ vất vả hay bỏ cuộc khi học toán đố.

Tôi nghĩ trong lớp 4 hay 5 tiểu học của tôi, không có nhiều bạn làm được toán đố, chỉ khoảng 5 hay 6 bạn trong một lớp 60 em là có thể làm được.

Chỉ một bài toán phân số đơn giản như thế này cũng khiến tôi cùng với ba vất vả hàng giờ: Bốn anh em A, B, C, và D chia nhau một hộp kẹo. A lấy 1/4, B lấy 3/5 số còn lại, C lấy 4/9 còn lại. Phần D là 10 cây. Có bao nhiêu cây kẹo trong hộp?

Các bài toán động tử là những bài mà ba tôi đã giúp tôi nhiều. Đôi khi ba chỉ cách tôi phải làm như thế này thế nọ để có kết quả, nhưng không giải thích được tại sao phải làm vậy.

Các bài toán tìm thời gian làm đầy hồ nước với một hay nhiều vòi nước có kích cỡ, vận tốc dòng chảy, và thời gian mở vòi khác nhau cũng như có một hai chỗ rò rỉ khác nhau là những loại bài khiến cho cả hai cha con tôi mất không biết bao nhiêu thời gian để tìm tòi ra cách giải.

Ba tôi thuộc một bài thơ gom lại một số công thức tích diện tích trong đó có câu:

“Muốn tìm diện tích hình tròn.
Bình phương bán kính nhân pi là thành” (1)

Có những bài toán đố, không biết các thầy lớp 5 lấy từ đâu nhưng đề bài đọc lên cũng nghe cũng…. rất thơ:

“Vừa gà vừa chó bó lại cho tròn, đếm đủ trăm chân”. Trong chuồng có tổng cộng 30 con. Có bao nhiêu gà và bao nhiêu chó trong chuồng?

Tôi nhớ ba bày tôi cách loại trừ: 1 gà và 29 chó sẽ có 118 chân. 2 gà và 28 chó sẽ có 116 chân,.. Tiếp tục đến 10 gà và 20 chó sẽ có 100 chân. Đó là cách làm mẹo.

Sau này khi lên trung học, tôi được học cách giải dùng 2 phương trình với 2 biến số. Kết quả nhanh vô cùng, không cần phải đoán mò hay dùng mẹo.

Truong_PCTDN-02Chuẩn bị thi đệ thất vào trường Phan Châu Trinh là cả một quá trình dài. Ba thu thập tài liệu, nhắc nhở tôi ôn bài. Ba còn cúng ông bà và khấn vái cho tôi thi đậu.

Đến ngày thi, ba xin nghỉ một ngày, đưa tôi đi thi. Khi thi xong, bước ra đến cổng thì đã có ba đón sẵn. Ba hỏi: Con làm được không? Tôi cho ba biết là tạm được nhưng chắc là không tốt như mong muốn của ba và tôi.

Hình như năm của tôi có hơn 3 ngàn thí sinh nhưng chỉ có hơn 300 được trúng tuyển vào lớp đệ thất. Đêm công bố kết quả, khi nghe đến tên tôi, ba mừng lắm và chúc tôi lên trung học cố gắng học chăm và tự học vì ba không có khả năng dạy hay kèm thêm tôi.

Một thời gian ngắn sau đó ba tôi thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Một thương binh và là công chức với vợ và 3 con, ngày đi làm, tối học thêm đã là tấm gương sáng cho tôi noi gương suốt cuộc đời.

Những ngày tháng ba dạy tôi học đã cho tôi một căn bản vững để có thể tiếp tục học 4 năm trung học đệ nhất cấp và lên học đệ nhị cấp ban B (Toán) và đại học về sau.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ba cầm 10 ngón tay nhỏ của tôi dạy tôi tập đếm số và làm những bài toán cộng đầu tiên.

Tôi vẫn nhớ như in những ngày đọc theo ba bản cửu chương.

Tôi vẫn nhớ như in những lần đọc theo ba các công thức toán.

Mặc dầu ba tôi đã ra đi 36 năm rồi nhưng tôi biết ba lúc nào cũng ở bên tôi, như những ngày xưa ấy.

Được làm con của ba tôi là điều may mắn nhất đời tôi.

Nguyễn Hữu Tưởng, 18/07/2015

Phụ chú:

(1) câu thơ tính diện tích hình tròn, có thể đọc:

“Muốn tìm diện tích hình tròn.
Pi nhân bán kính bình phương sẽ thành”.

Hay:

“Pi nhân bán kính bình phương
Thì ra diện tích hình tròn khó chi”.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Cha Mẹ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s