Chúng ta hiện đang ở tuần đầu tiên Mùa Vọng. Cách thức chuẩn bị đón mừng, tổ chức mỗi nơi (quốc gia) chắc chắn mỗi khác theo nếp sống văn hóa, phong tục của từng địa phương, từng quốc gia…
Riêng tại Na Uy này thì Ngày Chúa Nhật đầu của Mùa Vọng là ngày ánh sáng các «cây thông Giáng Sinh» hay cây «Giáng Sinh»… và cây nến đầu tiên khắp mọi nơi từ trong nhà ra cả ngoài xã hội đã được thắp, đốt sáng tỏ. Ánh sáng đầu tiên này theo ý nghĩa phần 1 tức đốt 1 cây nến trong bài ca «Đốt Nến Mùa Vọng» của Na Uy sẽ đưa mọi người từ những bận rộn, chật vật với cuộc sống bấy lâu nay, từ nay chút ít sẽ yên lặng, lắng lòng, tĩnh thức và canh thức để mong chờ cũng như đón mừng Ngày Lễ trọng đại đang dần đến với chính họ, gia đình và người thân của họ, rộng hơn nữa là cả xã hội, quốc gia họ đang sống, nhưng rộng lớn hơn hết là cả nhân loại trên quả địa cầu này.
Trong thời gian sống, lớn khôn ở Việt Nam cũng như không cùng niềm tin Ki-tô nên tôi không biết rõ được những cách thức tổ chức, đón mừng Lễ Mùa Vọng này hay Lễ Chúa Giáng Sinh… ra sao ngoài việc thấy các hang đá, máng cỏ, chưng đèn nhấp nháy, rồi các Thánh Lễ tại nhà thờ, nghe Nhạc Thánh, Chúa, Giáng Sinh, v.v… hay tiệc «reivillon» (tiệc Giáng Sinh, sau Thánh Lễ hay còn gọi là Tiệc nửa đêm) và sau hết là các «party khiêu vũ» ca hát, vui mừng …
Như đã viết trong bài trước thì nhà giáo, một nhà Thần học Tin Lành, Mục sư Johann Heinrich Wichern ở thành phố Hamburg, Đức quốc đã làm ra Vòng Hoa Mùa Vọng, một hình tròn thuở đầu là một bánh xe với 19 cây nến nhỏ sau đó đã tăng lên 24 cây, tượng trưng cho 24 ngày trước lễ để tầng lớp thanh thiếu niên nam nữ được đốt mỗi ngày và từ đó các em biết được sẽ còn bao nhiêu ngày nữa là đến ngày Mừng Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Nhưng theo Viện Bảo Tàng Bang Niederosterreich, một Bang lớn nhất của nước Áo thì lịch Mùa Vọng làm bằng tay đầu tiên đã có từ năm 1851, nhưng Lịch Mùa Vọng in đầu tiên được phát hành tại Hamburg, Đức quốc vào năm 1902 (1903). Từ đó phong tục này được lan rộng sang các nước lân cận ở Bắc Âu, và lịch Mùa Vọng này được sử dụng tại Na Uy kể từ năm 1940, nhưng lịch in thì được sử dụng kể từ 1947 với 25 cửa sổ nhỏ từ đầu tháng 12 cho tới Ngày Giáng Sinh, do Bà Ragnhild Elisabeth Boye phát họa vẽ hình. Nhưng vào năm 1948 thì Lịch này được chỉnh sửa lại chỉ còn 24 cửa sổ. Mỗi cửa sổ cho mỗi ngày, có đánh số và sắp đặt không theo thứ tự, khi được mở, lộ hé phía bên trong là một hình ảnh, một bài thơ, một phần của câu chuyện (chuyện về Lễ Giáng Sinh hay chuyện về Chúa Giêsu, v.v…) hay một món quà nhỏ, hoặc kẹo sô-cô-la…
Cũng trong bài «Mùa Vọng – Chủ Nhật đầu tiên», có đề cập Đài Phát thanh và Truyền hình Na Uy tại Na Uy đã liên tục sản xuất hàng năm các bộ phim tập (24 tập) trình chiếu cho thanh thiếu nhi nam nữ kể từ ngày đầu Lịch Mùa Vọng (01.12) kể từ năm 1970 với bộ phim mang tên «Barnas forjulskalender 1970» (tạm dịch: trẻ em trước Lễ Giáng Sinh 1970) cho đến nay (2016) với bộ phim «Snofall» (tạm dịch: tuyết rơi) và cho cả năm tới 2017 bộ phim «Jul i Svingen» (tạm dịch: Giáng Sinh ở Svingen).
Và dần theo ngày tháng với những sáng kiến của các nhà thương mại, Lịch Mùa Vọng càng lúc càng phát triển đa dạng với nhiều hình thức khác nhau để đáp ứng cho những yêu cầu thiết thực của thanh thiếu nhi nam nữ hiện nay từ những hình ảnh, món quà nho nhỏ, thỏi kẹo nhỏ, nay đã thành những món quà lớn hơn, giá trị hơn, v.v… Và người lớn (công nhân) trong cùng một công ty, xí nhiệp, hãng xưởng hay tại các trường học (cho cả học sinh cùng lớp, hay nhân sự làm việc tại trường gồm thầy cô giáo và các nhân viên khác, v.v…) cho đến cả những người trong cùng một gia đình cũng sử dụng. Tất cả không chỉ vì quà mà mục đích chính yếu là tính nhân văn cao – nhằm tạo cho mỗi người mỗi ngày một niềm tin yêu, vui vẻ mỗi khi mở cửa sổ (giở lịch) và nhận quà… với Lòng Biết Ơn, Cám Ơn…
Theo tôi được biết qua các nguồn thông tin trên mạng internet thì xã hội Việt Nam hiện nay cũng hay du nhập và thể hiện nhiều ngày Lễ lớn nhỏ khác nhau từ các nước khác trên thế giới như: Lễ Tình Yêu (Valentine), Ngày Lễ Ma Quỷ (Halloween), v.v… nhưng không nghe thấy đề cập đến hình thức Lịch Mùa Vọng này. Một hình thức mà cá nhân tôi dù không cùng niềm tin cũng thấy rất có ý nghĩa và tính nhân văn cao, vì Mùa Vọng (Đến theo tiếng Latinh) chính là mùa chờ đợi, mùa mong đợi, mùa trông ngóng … một Người (Chúa Đến) hay một cái gì đó tốt đẹp không chỉ cho mình mà cả cho Người… ở ngày mai…
Hoa Bắc cực