Mùa Vọng 3-2016: Alfred Bernhard Nobel và Giải Nobel (Hoa Bắc cực)

den3lys_b1b

Hôm nay Chủ Nhật 11.12.2016 là ngày Chủ nhật thứ ba Mùa Vọng… Đoạn 3 của ca khúc Đốt Nến (tạm dịch: Ba ngọn nến thắp sáng cho những ai đang chiến đấu cho công lý và tự do. Họ cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đừng đánh mất lòng can đảm trước khi tất cả mọi người là một. Và ngọn nến thắp lên cho những người đấu tranh cho tự do và lẽ phải).

Ngày 10.12 hàng năm là ngày mất của Alfred Nobel. Ông tên thật là Alfred Bernhard Nobel, người Thụy Điển, sanh ngày 21.10.1833 và mất ngày 10.12.1896 sau một cơn đột qụy tại Sanremon, Ý Đại Lợi. Hưởng thọ 63 tuổi.

Ông là nhà khoa  học, nhà hóa học, nhà kỹ nghệ (kỹ sư), người phát minh ra thuốc nổ, một doanh nhân thành đạt, … và ông còn là một nhà soạn kịch (tác giả), và quan trọng ông là người cổ vũ, và tranh đấu cho nhân quyền… Ông nói thành thạo 5 ngôn ngữ khi lên 17 tuổi.

Trong Di Chúc được đọc tại Cậu Lạc Bộ Thụy Điển-Na Uy ở Paris vào ngày 27.11.1895, ông cho biết số tiền lời thu được từ số tài sản ông để lại (lúc đó vào khoảng 31 triệu Thụy Điển kroner, ước tính hiện nay vào khoảng 265 triệu Mỹ kim) (1) sẽ được dùng để trao cho các giải Nobel hàng năm, và cũng theo Di Chúc này thì có 5 Giải: Vật lý, Hóa học, Sinh lý học hay Y khoa, Văn học và Giải về Hòa Bình. Các giải Nobel được trao lần đầu tiên vào năm 1901.

Nhưng đến năm 1968, Ngân hàng Quốc gia Thụy Điển nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập đã đưa thêm một Giải về Kinh tế, Nobel Kinh tế, nguyên tiếng Thụy Điển là “Sveriges riksbanks pris i ekonomisk vetenskap till Alfred Nobels minne” (Giải thưởng của Ngân hàng Quốc gia Thụy Điển cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Nobel (Việt), Bank of Sweden Prize in Economic Sciences in Memory of Alfred Nobel (Anh)). Giải Nobel Kinh tế này được trao lần đầu tiên vào năm 1969 với hai khôi nguyên –Ragnar Frisch (người Na Uy) và Jan Tinbergen (người Hòa Lan). Từ đó đến nay các Giải Nobel hàng năm đều có 6 giải.

Hôm qua Thứ Bảy, 10.12 tại sảnh đường Tòa Đô Chánh thủ đô Oslo, vương quốc Na Uy giải đã được trao cho vị khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình năm nay là Tổng Thống Juan Manuel Santos của nước Colombia «cho những nỗ lực tiên quyết để có thể chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm tại Colombia» (Colombia: một quốc gia vùng Nam Mỹ).

Ngày 10.12 hàng năm cũng được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế còn gọi là Ngày Quốc tế Nhân quyền. Vì vào ngày 10.12.1948, tại Điện Palais de Chaillot, thủ đô Ba Lê (Pháp quốc), Đại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (The Human Rights Declaration hay Universal Declaration of Human Rights) gồm 30 Điều Khoản ngắn gọn và đã được nguyên Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, Bà Eleanor Roosevelt, đại diện Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo tuyên đọc. Hiện Bản Tuyên Ngôn này đã được dịch ra ít nhất 375 ngôn ngữ trên thế giới.

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người, nó có một giá trị vĩnh hằng, là một khuôn mẫu chung mà các quốc gia đã cam kết và quyết tâm thực hiện vì cuộc sống đích thực của người dân. Bản Tuyên Ngôn lịch sử này được biên soạn bởi: John Peters Humphrey (người Canada), René Cassin (người Pháp), P. C. Chang (người Trung Quốc), Charles Malik (người Liban), Eleanor Roosevelt (người Hoa Kỳ), và một số người khác… và hiện được lưu giữ tại Điện Palais de Chaillot, Paris (2).

Ngày này cũng được Nghị viện châu Âu (European Parliament, viết tắt là EP) dùng để trao “Giải thưởng Sakharov”, tên đầy đủ là Giải thưởng Tự do Tư tưởng Sakharov, còn được gọi là Giải thưởng Nhân quyền của Liên minh Âu châu, dành tặng cho những cá nhân hoặc tập thể có nhiều nhiệt tâm và đóng góp vào lãnh vực nhân quyền và tự do tư tưởng. Giải này được đặt theo tên của nhà Khoa học, nhà Vật lý, viện sĩ Viện Hàn Lâm Liên Xô, nhà hoạt động xã hội, nhà bất đồng chính kiến Liên Xô – Andrei Dmitrievich Sakharov. Ông sanh ngày 21.5.1921 và mất ngày 14.12.1989. Ông được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vào năm 1975. Giải Sakharov được Nghị viện châu Âu khởi sự từ tháng 12.1985 nhưng Giải được trao đầu tiên vào năm 1988 cho 2 khôi nguyên: thứ nhất là Ông Nelson Mandela (18.7.1918 – V 05.12.2013) – một nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, sau khi ở tù đã trở thành Tổng Thống Nam Phi; thứ hai là Ông Anatoly Marchenko (23.01.1938 – V 08.12.1986) – một tác giả, nhà hoạt động nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến Liên Xô.

Ngoài ra còn nhiều Hội đoàn, Tổ chức khác cũng chọn ngày 10.12 hàng năm để trao Giải thưởng Nhân quyền của họ… Đặc biệt Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã đoạt Giải Nobel Hòa Bình năm 1977, cũng xem ngày này hàng năm như một cơ hội để xem xét tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.

Phụ chú:

(1) Theo tài liệu từ trang nhà Nobel tại địa chỉ https://www.nobelprize.org/alfred_nobel/

(2) Palais de Chaillot (còn gọi là Điện Chaillot) là một công trình kiến trúc ở quận 16 Ba Lê. Điện nằm cạnh quảng trường Trocadéro, trên đồi Chaillot, và Điện được xây dựng vào năm 1937 – nhân dịp Triển lãm Thế giới bởi các kiến trúc sư từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã là Léon Azéma, Jacques Carlu và Louis-Hippolyte Boileau. Điện Chaillot được xây trên vị trí cũ của Điện Trocadéro (đã bị phá bỏ), nhưng vẫn giữ lại phần khung cũ và xây thêm hai cánh cung mới tạo thành hình bán nguyệt.

Điện Chaillot hiện nay được sử dụng đa chức năng, bên trong bao gồm bảo tàng Con người, bảo tàng Hàng hải, Nhà hát quốc gia Chaillot, cả trường Chaillot (École de Chaillot), Viện Kiến trúc Pháp (Institut français d’architecture) và trong tương lai là Cung kiến trúc và di sản hay Bảo tàng công trình Pháp (Cité de l’architecture et du patrimoine – Musée des monuments français). Viện tư liệu điện ảnh Pháp cũng từng ở đây, nhưng khi tu sửa cánh cung Paris của Chaillot thì viện được chuyển tới Bercy vào 2005. Đây cũng là địa điểm chính để ngắm nhìn tháp Eiffel.

– Xem thêm bài viết trước đây về Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
Tại địa chỉ: https://motthoi6673pctdn.com/2014/12/19/nhung-chuyen-ngay-10-12-1-bbt/

– Xem thêm bài viết trước đây về Alfred Nobel.
Tại địa chỉ: https://motthoi6673pctdn.com/2012/12/21/2012-va-giai-nobel-phan-1/

Hoa Bắc cực

 

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s