Lời người viết: Tất cả tài liệu liên quan đến loạt bài “Chuyện tuần Chủ Nhật thứ ba Mùa Vọng” đều được trích, dịch, sưu tập và biên soạn từ các nguồn: nobelprize.org; nobelpeaceprize.org; europarl.europa.eu; palmefonden.se; vaclavhavel-library.org; wikipedia, và nhiều nguồn khác trên net.
- Nhân Quyền và Giải Nobel 2016
Ngày 10.12.1948 là ngày Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền lịch sử (tiếng Anh: The Universal Declaration of Human Rights, UDHR) và được bà Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ nhất phu nhân Hoa kỳ, chủ tịch Ủy ban soạn thảo, đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc tại lâu đài Chaillot, quận 16, thủ đô Ba Lê, Pháp quốc và bản gốc được lưu giữ tại đây.Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền này là thước đo chung về các quyền cơ bản của con người, được áp dụng cho tất cả từ cá nhân, tổ chức xã hội, cho đến mọi quốc gia và các vùng lãnh thổ và nó luôn được tôn trọng, truyền bá cũng như thừa nhận cũng như được tuân thủ không chỉ với người dân nước mình mà với tất cả mọi người bất kỳ đâu từ quốc gia đến quốc tế. Từ đó hàng năm ngày này được tôn vinh là Ngày Nhân Quyền Quốc Tế.
Mỗi quốc gia mỗi cách tổ chức khác nhau, riêng tại Thụy Điển và Na Uy thì ngày này ngoài ý nghĩa ngày nhân quyền còn là ngày tưởng nhớ đến nhà sáng lập các giải Nobel (Alfred Nobel) danh giá, là ngày để vinh danh và trao các giải thưởng Nobel về: Sinh lý học hay Y khoa, Vật lý, Hóa học, Khoa học Kinh tế, Văn học, và Hòa bình.
Năm nay 2016 có tất cả 11 khôi nguyên đều là nam được trao giải Nobel, trong đó: Sinh lý học hay Y khoa-1; Vật lý-3; Hóa học-3; Khoa học Kinh tế-2; Văn học-1; và Hòa Bình-1.
Vào ngày 27 tháng 11 năm 1895, tại Câu lạc bộ Thụy Điển-Na Uy ở Paris, ông Alfred Nobel đã ký di chúc thứ ba và cũng là lần cuối cùng của ông trước khi ông qua đời vào năm sau (10.12.1896), với nội dung “toàn bộ tài sản được đưa vào một quỹ chung, nguồn thu nhập, cũng như tiền lời thu được từ quỹ chung này sẽ được phân bổ hàng năm qua hình thức giải thưởng dành trao tặng cho những ai trong năm vừa qua đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Tài sản của ông lúc bấy giờ khoảng hơn 31 triệu SEK (kroner Thụy Điển), theo thời giá hiện nay thì khoảng 1.702 triệu SEK (tương đương 180 triệu USD).
Phần thưởng mỗi giải Nobel hiện nay gồm 1 Huy chương bằng vàng 18 được làm tay với độ chính xác cao; 1 Bằng khen là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, sáng tạo bởi các nghệ sĩ và nhà thư pháp Thụy Điển và Na Uy; cùng 1 Văn bản xác nhận số tiền thưởng 8 triệu SEK (kroner Thụy Điển) (khoảng 850.000 USD). Nhưng nếu có nhiều người cùng đoạt chung một giải thì số tiền thưởng sẽ được chia đều. Chỉ riêng giải Nobel Văn học thường trao cho một cá nhân.
Ba giải về Vật lý, Hóa học và Kinh tế được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyển chọn và công bố. Giải Sinh Y học (Sinh lý học hay Y khoa) thì được Đại hội đồng Nobel Học viện Y khoa Karoline tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển tuyển chọn và công bố. Giải Văn học thì được Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyển chọn và công bố, riêng giải Nobel Hòa bình thì lại được một Ủy ban Nobel Hòa bình với 6 thành viên tại Na Uy chọn trao.
Tất cả các giải tuyển chọn tại Thụy Điển được trao chung trong một buổi lễ được tổ chức với khoảng 1300 người tham dự tại đại sảnh đường “màu xanh” (Blue Hall) tòa Đô chính (City Hall), thủ đô Stockholm, Thụy Điển (1). Năm nay cũng như mọi năm, buổi lễ trao giải có sự hiện diện, chứng kiến của Hoàng gia Thụy Điển gồm: Vua Carl XVI Gustaf Folke Hubertus, Hoàng hậu Silvia Renate Sommerlath, Công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Désirée, và phu quân Hoàng thân Daniel Westling cùng đại diện chính phủ, quốc hội, thành viên ba ủy ban xét giải và 9 trong 11 khôi nguyên vì khôi nguyên Văn học, ca nhạc sĩ Bob Dylan vắng mặt, trong khi khôi nguyên Hòa bình – Tổng thống Colombia, ông Juan Manuel Santos cùng gia đình gồm đệ nhất phu nhân Colombia, bà Maria Clemencia Rodriguez, con trai Martin Santos, và con gái Maria Antonia Santos thì hiện diện trong buổi lễ trao giải tại tòa Đô chính (Raadhus) (2), thủ đô Oslo, Na Uy cùng ngày dưới sự chứng kiến của Hoàng gia Na Uy gồm: Vua Harald V, Hoàng hậu Sonja, Hoàng Thái tử Haakon và Công nương Mette-Marit, cùng đại diện chính phủ, quốc hội và Ủy ban Nobel Hòa bình, và 1000 khán giả được mời.
Công bố giải
Ngày 3.10, công bố đầu tiên của loạt giải Nobel năm nay bắt đầu khi Giáo sư Thomas Perlma, Thư ký của Đại hội đồng Nobel Học viện Y khoa Karoline tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển đã thay mặt Ủy ban công bố ông Yoshinori Ohsumi được xướng tên cho giải Nobel Sinh lý học hay Y học (Sinh Y học) năm 2016 với những phát hiện của ông về cơ chế tự thực (autography).
Cơ chế tự thực là quá trình căn bản để tự hủy và tái tuần hoàn các thành phần tế bào. Tự thực (autophagy) là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Hy Lạp với thành tố auto (tự) và phagein (ăn, thực). Người đưa ra từ “autophagy” (tự thực) là nhà Sinh Vật học người Bỉ – Christian de Duve, đoạt giải Nobel Sinh Y học năm 1974 và ông đã đưa ra khái niệm này vào năm 1963.
Thông báo từ ban chấm giải cho biết thêm: “Các khám phá của Giáo sư Yoshinori Ohsumi đã đưa đến những hình mẫu mới trong việc hiểu về cách các tế bào tự tái tạo các thành phần của mình. Những khám phá này sẽ mở đường dẫn đến sự hiểu biết của nhiều quá trình sinh lý, chẳng hạn như việc tế bào thích ứng với cái đói hoặc phản ứng với sự viêm nhiễm”.
Giáo sư Yoshinori Ohsumi, sinh ngày 9.2.1945 tại Fukuoka (Nhật Bản), là người con út trong 4 người con của ông Yoshino Ohsumi, một vị giáo sư Đại học Kyushu, Fukuoka, Kyushu – một trong 7 trường Đại học quốc gia Nhật Bản. Ông lấy bằng Cao học vào năm 1972, Tiến sĩ vào năm 1974 từ Đại học Tokyo, và từ năm 1974 đến 1977 ông là nghiên cứu sinh tại Đại học Rockefeller ở Nữu Ước, Hoa kỳ… Trở về Tokyo, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Tokyo kể từ năm 1986, rồi từ năm 2004 đến 2009 là Giáo sư Viện Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên. Ông hiện đang làm việc tại Viện Công nghệ Tokyo tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Ông là nhà khoa học Nhật thứ 4 đoạt giải Sinh Yù học. Ba khôi nguyên người Nhật khác nhận giải Sinh Y học gồm các Giáo sư Tiến sĩ: Susumu Tonegawa (6.9.1939, Nagoya) vào năm 1987; Shinya Yamanaka (4.9.1962, Osaka) vào năm 2012; và Satoshi Omura (12.7.1935, Nirasaki, Yamanashi) và ông là người Nhật thứ 24 đoạt các giải Nobel danh tiếng.
Ngày 4/10, Giáo sư Goran K. Hansson, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thay mặt Ủy ban Nobel công bố giải Nobel Vật lý 2016 cho những nghiên cứu về các dạng vật chất lạ của 3 nhà Vật lý học người Mỹ gốc Anh là:
Thứ nhất: Nhà Vật lý học David J. Thouless, sinh ngày 21.9.1934 tại Bearsden, Vương quốc Anh, đến từ Đại học Washington, Seattle, WA (tiểu bang Washington), Hoa kỳ;
Thứ hai: Nhà Vật lý học F. Duncan M. Haldane, sinh ngày 14.9.1951 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh, đến từ Đại học Princeton, Princeton, NJ (tiểu bang New Jersey), Hoa kỳ;
Thứ ba: Nhà Vật lý học Michael Kosterlitz, sinh ngày 22.6.1943 tại Aberdeen, Vương quốc Anh, đến từ Đại học Brown, Providence, RI (tiểu bang Rhode Island), Hoa kỳ.
Ba nhà khoa học nhận giải thưởng với tổng giá trị 8 triệu kroner (khoảng 850.000 USD) trong đó Giáo sư David Thouless nhận phân nửa tổng giải thưởng, và phần còn lại chia đều cho hai Giáo sư Duncan Haldane và Michael Kosterlitz.
Ủy ban Nobel Thụy Điển nhận định thêm: “các khôi nguyên giải Nobel Vật lý năm nay đã “mở cánh cửa để bước vào một thế giới chưa từng biết đến và những phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học chế tạo ra các vật chất mới”.
Ngày 5/10, Giáo sư Goran K. Hansson, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thay mặt Ủy ban Nobel công bố giải Nobel Hóa học 2016 về “thiết kế và tổng hợp các cỗ máy phân tử hay cỗ máy nano” cho ba nhà khoa học đến từ ba quốc gia khác nhau. Đó là:
Thứ nhất: Giáo sư Jean-Pierre Sauvage, sinh ngày 21.10.1944 tại Ba Lê, Pháp đến từ Đại học Strasbourg, Strasbourg, Pháp;
Thứ hai: Giáo sư Sir J. Fraser Stoddart, sinh ngày 24.5.1942 tại Edinburgh, Vương quốc Anh đến từ Đại học Northwestern, Evanston, IL (tiểu bang Illinois), Hoa kỳ;
Thứ ba: Giáo sư Bernard L. Feringa, sinh ngày 18.5.10951 tại Barger-Compascuum, Hòa Lan đến từ Đại học Groningen, Groningen, Hòa Lan.
Giải thưởng với tổng giá trị 8 triệu kroner (khoảng 850.000 USD) được chia đều cho ba nhà khoa học nhận giải.
Cỗ máy phân tử, hay cỗ máy nano được mệnh danh là cỗ máy nhỏ nhất trên thế giới (nhỏ hơn sợi tóc hàng nghìn lần), là những thiết bị xây dựng nên từ những cấu trúc bậc nano có thể thực hiện những thao tác tương tự như chuyển động cơ học đáp ứng lại một kích thích bên ngoài. Giải Nobel Hóa học 2016 công nhận thành công của ba nhà khoa học trong việc liên kết các phân tử lại với nhau để thiết kế mọi thứ từ cơ vận động và cơ bắp trên quy mô vô cùng nhỏ, đưa ngành hóa học bước sang một chiều hướng mới.
Ngày 7/10, Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố Giải Nobel Hoà bình năm 2016 thuộc về Tổng thống Colombia, ông Juan Manuel Santos sanh năm 1951 tại Bogotá thủ đô Colombia vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong việc chấm dứt cuộc nội chiến đã cướp đi hơn 220.000 mạng sống và 6 triệu người phải di cư kéo dài hơn 50 năm tại quốc gia này. Ông là 1 trong số 376 ứng viên giải gồm 228 cá nhân và 148 hội đoàn, tổ chức.
Ông Juan Manuel Santos là người Colombia thứ hai nhận giải Nobel, người đầu tiên là nhà văn Gabriel Garcia Márquez, giải Nobel Văn học năm 1982.
Cũng theo Ủy ban Nobel Na Uy thì Tổng thống Santos là người khởi xướng các cuộc đàm phán tiến tới thoả thuận hoà bình giữa chính phủ Colombia với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Mặc dù thoả thuận hoà bình này vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng Tổng thống Santos đã trở thành cầu nối để đảm bảo các cử tri Colombia có thể nói lên ý kiến, những tâm tư lo lắng về thoả thuận hoà bình trong cuộc trưng cầu dân ý.
Ngày 10.10, Giáo sư Giáo sư Goran K. Hansson, Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, thay mặt Ủy ban Nobel công bố giải Nobel Khoa học Kinh tế năm 2016 được trao cho Giáo sư Oliver Hart và Giáo sư Bengt Holmstrom với những đóng góp về lý thuyết hợp đồng.
Các nền kinh tế hiện đại được gắn kết với nhau bởi vô số hợp đồng. Những công cụ lý thuyết mới do Giáo sư Hart và Holmstrom thiết lập nên, có giá trị lớn trong việc hiểu các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như tránh các cạm bẫy tiềm năng trong thiết kế hợp đồng.
Một trong số các mục tiêu của lý thuyết hợp đồng là giải thích vì sao các hợp đồng lại có nhiều hình thức và thiết kế khác nhau.
Giáo sư Kinh tế Oliver Hart, sinh ngày 9.10.1948 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh, lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Princeton, NJ (tiểu bang New Jersey), Hoa kỳ năm 1974. Hiện giảng dạy tại Đại học Harvard, Cambridge, MA (tiểu bang Massachusetts), USA từ năm 1993. Ông, từng là chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế và Luật Mỹ và là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Mỹ.
Giáo sư Kinh tế Bengt Holmstrom của Viện Nghiên cứu Công nghệ Massachusetts, Cambridge, MA (tiểu bang Massachusetts), Hoa kỳ. Ông sinh ngày 18.4.1949 tại Helsinki thủ đô Phần Lan, lấy bằng tiến sĩ ở Đại học Stanford, CA (tiểu bang California) Hoa kỳ năm 1978. Ông là thành viên của nhiều ban lãnh đạo các viện khoa học và từng là thành viên ban lãnh đạo tập đoàn điện thoại Nokia, Phần Lan.
Ngày 13/10, Giáo sư Sara Danius, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, công bố ca nhạc sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhà văn và nhà biên kịch người Mỹ – Bob Dylan là khôi nguyên giải Nobel Văn học năm 2016 với những phát kiến của ông về biểu đạt thơ ca trong truyền thống âm nhạc đồ sộ của Mỹ. Và đây là công bố cuối cùng của chuỗi giải Nobel năm 2016.
Chủ tịch Ủy ban Novel Văn học Per Wastberg đã phải thốt lên rằng “Bob Dylan có lẽ là nhà thơ vĩ đại nhất”. Sau này, có lẽ cũng không còn ca sĩ – nhạc sĩ nhạc rock nào được sống trong thời kỳ hùng tráng và có sự nghiệp đồ sộ, đặc biệt như Dylan nữa.
“Bob Dylan chưa bao giờ phát ngôn theo cách truyền thống mà nói theo cách của riêng mình. Ông đào sâu tâm can để viết nên những ca khúc như để kêu gọi sự hối cải. Chính những suy nghĩ ông muốn bày tỏ lại chạm đến trái tim của công chúng – những người đồng cảm với ông. Đó là điều mà người khác không thể làm nổi” – theo Wilentz, giáo sư lịch sử Trường Đại học Princeton (Mỹ). Và cũng chính điều này đã biến ông thành một người nghệ sĩ mang chất thơ trong âm nhạc.
Bob Dylan tên thật là Robert Allen Zimmerman, sinh ngày 24/5/1941, tại bang Minnesota, Mỹ trong một gia đình Do Thái. Ông được mệnh danh là “lãng tử du ca” trong làng nghệ thuật Mỹ.
Bob Dylan đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Trong đó có 11 giải Grammy, 1 giải Oscar Âm nhạc xuất sắc nhất, giải Pulitzer với những “tác phẩm trữ tình thể hiện sức mạnh thi ca phi thường”.
Năm 2012, ông còn được Tổng thống Barack Obama trao tặng Huy chương Tự do Tổng thống, giải thưởng công dân cao quý nhất của nước Mỹ.//m
Hoa Bắc cực.
* Trên đây chỉ xin ghi lại một số điểm cần chú ý. Trong 6 giải Nobel được trao thì 4 giải: Sinh Y học, Vật lý, Hóa học, Kinh tế học mang tính khoa học – không bàn cãi, nhưng giải Văn học và Hòa bình là hai giải cần nên biết thêm, do đó tác giả sẽ có dịp trở lại hai đề tài này nay mai. Cám ơn. Hoa Bắc cực
Phụ chú:
(1) The Blue Hall (tiếng Thụy Điển: blaa hallen) có kích thước dài 50 mét, rộng 30 mét, cao 22 mét là sảnh chính của tòa đô chánh Stockholm thủ đô Thụy Điển. Nó được sử dụng là địa điểm trao giải, phòng tiệc cho các giải Nobel hàng năm kể từ năm 1934 và với diện tích mặt phẳng 1.500 m vuông, sức chứa trên 1300 khách tham dự nên nó còn được sử dụng trong nhiều sự kiện lớn và quan trọng khác của chính phủ Thụy Điển…
(2) Sảnh đường tòa đô chánh Oslo thủ đô Na Uy, có kích thước (mét) dài 39, rộng 31 và cao 21. Với một diện tích mặt phẳng 1200 mét vuông nó có thể chứa trên 1000 khách tham dự không kể báo chí, truyền thanh và truyền hình.
Giải Nobel Hòa bình bắt đầu tổ chức trao tại Oslo Na Uy những năm đầu từ 1901 đến 1904 tại Quốc hội, nhưng kể từ 1905 đến 1946 phải dời đến Viện Nobel để có chỗ rộng rãi hơn, rồi từ năm 1947 đến 1989 lại thêm một lần nữa dời đến sảnh đường Viện Đại học Oslo, nhưng càng lúc giải Nobel Hòa bình càng có nhiều người quan tâm, lưu ý cũng như càng ngày giải càng có tầm ảnh hưởng to lớn nên Ủy ban Nobel lại phải sử dụng Đại sảnh đường tại tòa đô chánh Oslo kể từ năm 1990 đến nay.