-
Thánh Lucia
Cứ vin theo ý tưởng cũ xưa của người Bắc Âu thì ngày Thứ Ba (13.12) vừa qua là ngày ngắn nhất trong năm và theo tựa “svart senker natten seg” (td: màn đêm đen buông xuống) của một ca khúc được hát riêng cho ngày này cũng đủ cho tôi thấy đúng là một màu đen tối âm u phủ dầy, nên lễ hội “ánh sáng” (lysfest) được tổ chức cũng vì vậy mà trăng rằm đúng ngày hôm ấy sao tôi thấy to, và sáng trong hơn những ngày khác trong năm.
***Hàng năm cứ đến ngày 13.12 là Ngày lễ kính Thánh Lucia. Ngày này thường trùng với ngày Đông chí, tức là ngày ngắn nhất trong năm, do đó lễ kính Thánh Lucia còn được xem là lễ hội ánh sáng, vì Lucia – tiếng La-tinh là Lucius có nghĩa là ánh sáng. Mà không chỉ người Ki-tô mới mừng lễ hội này mà các hội đoàn, đoàn thể theo những niềm tin riêng cũng có lễ hội này theo những ngày giờ khác biệt. Riêng cộng đồng Phật giáo tại Na Uy thì lễ hội này cũng được cử hành hàng năm, nhưng mang ý nghĩa là mừng ngày “Đức Phật Thích Ca Thành Đạo”, đây cũng là dịp cùng nhau tụ họp, và cùng nhau thắp sáng thêm niềm tin vào tháng ngày đen tối, lạnh giá của mùa đông và năm nay lễ hội ánh sáng “lysfest” của cộng đồng người Phật tử tại Na Uy sẽ là ngày Thứ Bảy 17.12. 2016.
Ngày này Thánh Lucia còn gọi là Thánh Lucia thành Syracusae hay Thánh Lucy hoặc Thánh Tử đạo, là một nữ tín hữu Cơ đốc giáo đã tử vì đạo và đồng trinh sau đó được phong Thánh Công giáo.
Theo truyền thuyết Lucia là một phụ nữ sanh vào khoảng năm 283 (?) ở Syracusae, đảo Sicilia thuộc nước Ý và mất vào năm 304 (?) cũng tại nơi này. Lucia mồ côi cha từ khi còn nhỏ tuổi nhưng đã được giáo dục đức tin vào Chúa và nguyện dành trọn cuộc đời của mình để thờ phụng Chúa. Tuy nhiên mẹ của cô là bà Eutychia một người gốc Hy Lạp đã ép buộc cô phải lập gia đình (tảo hôn) khi cô đã lớn với một thanh niên giàu có mà không có sự đồng ý của cô.
Bà Eutychia sau đó bị bệnh nặng và Lucia luôn cầu nguyện Chúa phò hộ, cứu giúp cho mẹ mình được khỏe mạnh. Sau đó bà Eutychia hết bệnh, và Lucia nghĩ là do Chúa ban phước lành nên càng tăng niềm tin vào Chúa cùng lúc thuyết phục được bà Eutychia để từ khước cuộc hôn nhân của cô và xin đem hết tất cả tiền bạc (của hồi môn) có được phân phát cho kẻ nghèo khó, khốn cùng.
Vì bị từ chối kết hôn, chàng trai đáng lẽ là chồng của Lucia đã tố cáo với Hoàng đế La Mã Diocletianus vốn là một vị vua không có cảm tình với các Kitô hữu lúc bấy giờ với nội dung tố cáo là Lucia hiện đang theo đạo, tin Chúa. Vì vậy Lucia đã bị bắt và giải tới trước mặt vị quan Paschase. Paschase đã dụ dỗ Lucia dâng hương tế thần nhưng Lucia không đồng ý, sau đó ông quan này tính hủy hoại trinh tiết Lucia bằng cách trao Lucia cho một số người dâm đãng để làm nhục cho đến chết, nhưng lạ thay Chúa đã khiến thân xác của Lucia trở nên nặng như núi đá đến nỗi không một ai có thể kéo đi được. Ông liền ra lệnh tẩm dầu vào người rồi đốt, nhưng một lần nữa Chúa lại gìn giữ thân xác Lucia toàn vẹn giữa đống lửa hồng. Cuối cùng Lucia đã được lãnh phúc tử đạo dưới lưỡi gươm vào năm 304 dưới thời bắt đạo của Diocletianus.
Thánh lễ Lucia này nguyên thủy của người Công giáo La Mã nhưng dần lan rộng đến các nhánh khác trong đó có Tin Lành nước Thụy Điển vào khoảng năm 1893 rồi tiếp nữa đến các quốc gia lân cận trong khu vực Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Băng Đảo (Island)… ) nơi vốn có mùa đông lạnh giá kéo dài vào khoảng đầu thế kỷ 19. Cách thức mừng lễ từ đó đến nay là đoàn rước Lucia gồm các thiếu nữ mặc trang phục trắng với dải băng màu đỏ (tượng trưng cho sự tử đạo), đi đầu là người mang cành cọ, đội vòng lá cùng khay nến trên đầu, và trong đoàn rước mỗi người cầm một cây nến thể hiện ngọn lửa đã khước từ lấy đi sự sống của thánh Lucia khi bà bị trừng phạt và buộc phải chết thiêu. Họ vừa đi vừa cất vang bài hát Santa Lucia (1). Riêng tại Na Uy và Thụy Điển, đoàn rước còn mang cả bánh ngọt có dạng mẫu tự S, màu vàng đôi khi có nho khô để phân phát cho mọi người.
Người ta nói rằng mừng kính ngày lễ thánh Lucia sẽ giúp sống qua những ngày đông dài với đầy đủ ánh sáng. Tại Thụy Điển thì Lễ Kính ngoài trẻ em còn có sự tham gia của người lớn đặc biệt tại các nhà dưỡng lão và tại tư gia nhưng tại Na Uy thì lễ này chủ yếu phần lớn hiện nay được tổ chức tại các trường bậc tiểu học và nhà trẻ với đoàn rước và bánh để phân phát cho các lớp học mà đoàn rước ghé thăm.//-
Hoa Bắc cực
Phụ Chú:
(1). Tựa đề ca khúc “Santa Lucia” được gọi theo cảnh đẹp của Vương cung Thánh đường Santa Lucia a Mare ở thành phố Napoli, Ý Đại Lợi (Basilica Santa Lucia a Mare, Napoli, Italia). Ca khúc này là một trong những ca khúc nổi tiếng xa xưa “Canzone napoletana” (nhạc bằng tiếng Napoli) dùng để chỉ thể loại âm nhạc truyền thống được hát bằng tiếng Napoli (một ngôn ngữ ở Ý lúc bấy giờ), và thường là dành cho một giọng nam đơn ca, dù rằng cũng có những tiết mục do giọng nữ đơn ca. Rất nhiều ca khúc phổ thông được nhiều người biết đến không chỉ ở Ý mà nhiều nơi khác trên thế giới được xếp vào thể loại nhạc này, ví dụ như O Sole Mio, Torna a Surriento, Funiculi, Santa Lucia, v.v… Các ca khúc này đã được rất nhiều nam danh ca giọng cao như Elvis Prestley, Luciano Pavarotti, … thu âm và phát hành.
Nguyên thủy thì ca khúc Santa Lucia không liên quan gì đến Ngày kính lễ Thánh Lucia cả mà ý nghĩa ca khúc nguyên thủy chỉ ca ngợi vẻ đẹp như tranh vẽ của vùng Santa Lucia trong vịnh Naples (Napoli).
Lời của ca khúc là những lời tâm sự lãng mạn của một vị thuyền trưởng về phong cảnh từ Santa Lucia: Ánh trăng phản chiếu trên mặt biển khi màn đêm buông xuống. Ông ta kể cho chúng ta biết việc khó diễn tả về sự kỳ diệu khi nhìn những con thuyền nhẹ nhàng dong khơi hay lướt đi bởi những làn gió nhẹ. Và vị thuyền trưởng mời chào mọi người lên thuyền để có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của biển và thành phố Naples (Napoli).
Thành phố Naples (Napoli) được mô tả đẹp trong bài hát này như là “vùng đất thánh, nụ cười mỉm của Đấng Tạo Hóa” và các khu vực vùng Santa Lucia được gọi là “vùng đế chế của sự hài hòa”…
Ca khúc này đã được Teodoro Cottrau (1827-1879) dịch sang tiếng Ý và được xuất bản bởi hãng Cottrau, như là một tình khúc lãng mạn ở Naples (Napoli) vào năm 1849. Cottrau dịch ca khúc Santa Lucia từ tiếng Neapolitan (tiếng Napoli) sang tiếng Ý (Italia) trong giai đoạn đầu tiên của những ca khúc hát bằng tiếng Ý.
Tại Hoa kỳ, một ấn bản đầu tiên của bài hát, với một bản dịch tiếng Anh của Thomas Oliphant, được xuất bản bởi M. McCaffrey, Baltimore. Nhưng có lẽ phần ghi âm hoàn chỉnh nhất lấy từ phần thu âm của nam danh ca giọng cao nổi tiếng người Ý là Enrico Caruso, sinh ngày 25.2.1873 và mất ngày 2.8.1921.
Nhưng khi du nhập vào Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Băng đảo (Island, Quần đảo Faroe), và Na Uy, thì ca khúc “Santa Lucia” với lời nhạc khác nhau và cũng không còn mang ý nghĩa ban đầu mà mang một ý nghĩa khác theo tôn giáo có nghĩa là lễ hội ánh sáng (winter-light Feast = lễ hội ánh sáng), ứng với thời gian đông giá, lạnh, và tối nhất trong năm, lễ hội Thánh Lucia. Ở Thụy Điển có 4 phiên bản lời khác nhau của ca khúc này, nhưng tại Na Uy thì ca khúc Santa Lucia mang tựa “Svart senker natten seg” được dịch từ một phiên bản thông dụng nổi tiếng ở Thụy Điển vào ngày Lucia có tựa “Natten gaar tunga fjaet” do bà Arvild Rosen (1895-1973) soạn lời. Tựa và nội dung của ca khúc nói về Ngày Lễ Thánh Lucia, và thời gian đen tối âm u của mùa đông ở khu vực Bắc Âu này.