Cuối năm nhớ chuyện trong năm (2/3) (bbt st và biên soạn) – Thư của Nguyễn Thị Thu Trang, lớp 9B, THCS Nguyễn Trãi

tranh_aylankurdi_02bThư của Nguyễn Thị Thu Trang, lớp 9B, THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách, Hải Dương)

Một bức ảnh của nhà báo Nilufer Demir người Thổ Nhĩ Kỳ, chụp em bé thuyền nhân tỵ nạn Syria 3 tuổi tên là Aylan Kurdi nằm gục mặt chết trên bãi cát khi xác của em trôi dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng ngày 2.9.2015 đã nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới cùng lúc thức tỉnh lương tâm nhân loại đặc biệt Âu châu khi các con đường đưa người chạy lánh nạn chiến tranh … đã bị chặn lại và cánh cửa nhân đạo gần như bị khép kín.

Nhưng Aylan Kurdi là ai? Xin thưa. Đó là một cậu bé 3 tuổi người dân tộc thiểu số Kurd sanh năm 2013 ở Kobani, Syria, trên đường cùng ba mẹ và anh trai cùng một số người khác vượt biểân từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Kos, Hy Lạp vào ngày 2 tháng 9 năm 2015 đã bị chết đuối chỉ sau 5 phút lên xuồng vì quá tải, cướp đi sinh mạng của 12 người, trong đó có Aylan, người anh tên Galip, 5 tuổi, và mẹ tên Rehan, 35 tuổi chỉ riêng ba của Aylan là Abdullah Kurdi, 40 tuổi còn sống sót.Sau đó không lâu, tin tức cùng các bài văn, thơ, viết về Aylan Kurdi đã xuất hiện rất nhiều trên các trang mạng, trong đó có cả văn thi sĩ người Việt hải ngoại… rồi đến các nghệ, họa sĩ khắp thế giới qua hình ảnh đầy xúc động của bé Aylan Kurdi đáng thương với dáng dấp đang “ngủ một giấc ngủ dài, đẹp” trên cát, đã giữ nguyên hình ảnh của Aylan Kurdi nhưng thêm vào đó nhiều chi tiết đẹp, hồn nhiên, tuổi thơ…, và họ đã vẽ, tạc nhiều bức ảnh (tranh) như một cách thể hiện chia sẻ nỗi đau, sự xót xa với em và cũng để truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc về thế giới thực tại mà chúng ta đang sống, có thể là sự vô cảm của con người, những nỗi đau mà những con người khốn khổ phải chịu đựng hay đơn giản là muốn tạm quên đi nỗi đau, đưa Aylan Kurdi đến một vùng trời mới nơi mà em được vui chơi, được yên giấc ngủ say và hạnh phúc trong vòng tay yêu thương và che chở của cha mẹ và những người xung quanh.

Tổ chức DI chữ rút gọn của DEFEND INTERNATIONAL (Promotes Peace and Democracy Through Cultural Relations and Diplomacy) (tạm dịch: Tổ chức phi chính phủ (NGO) Bảo Vệ Quốc Tế – một tổ chức thúc đẩy Hòa bình và Dân chủ thông qua quan hệ Văn hóa và Ngoại giao, được thành lập vào năm 2007 tại Oslo, Na Uy) cũng đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm bé Aylan Kurdi vào ngày 4.9.2015.

Ngoài tác phẩm khổng lồ của họa sĩ Sudarsan Pattnaik người Ấn Độ sáng tạo ra bên bờ biển Puri, thành phố Puri, bang Odisha, Ấn Độ, còn một bức vẽ nằm trên một bức tường trên bờ sông Main gần trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức quốc được thực hiện bởi hai nghệ sĩ người Frankfurt là Justus Becker và Oguz Sen là hai trong loạt hàng trăm tác phẩm bày tỏ nỗi xót thương với cậu bé Aylan Kurdi. Và các tác phẩm này cũng chính là những bức hình đau lòng từng nhận được nhiều sự cảm thông trên toàn thế giới về người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói từ tháng 9.2015.

Một nghệ sĩ tham gia hoàn thành tác phẩm, anh Justus Becker 38 tuổi cho hay: “Chúng tôi rất đau lòng và tức giận về cái chết của Aylan và chúng tôi muốn làm một việc gì đó về những vấn đề cần phải đối mặt với xã hội chúng ta. Tác phẩm này nhằm tưởng niệm bé Aylan cũng như đối với tất cả những đứa trẻ đã phải chết trên đường trốn chạy chiến tranh. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều người suy nghĩ lại về những lo ngại ích kỷ của họ về vấn đề người tị nạn đến Đức”. Và anh cũng cho biết tác phẩm hoàn tất trong ba ngày với 50 lít sơn tường và 80 lon sơn xịt.

Vào trung tuần tháng 10 năm 2016 qua một vài trang mạng, được đọc một bức thư của một học sinh người Việt Nam, mới thấy óc tưởng tượng, sự sáng tạo phong phú, tính nhân văn cùng thể hiện sự hiểu biết về một trong những vấn đề to lớn của nhân loại hiện nay là di dân và phân biệt đối xử.

Với việc tự hóa thân vào em bé Aylan Kurdi – đã chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Bodrum, Thỗ Nhĩ Kỳ trong một cuộc trốn chạy chiến tranh, bạo lực, em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách, Hải Dương) đã viết một bức thư đoạt giải Nhất (huy chương vàng) cho cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 45 (2016) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ tổ chức với Chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” (The theme selected for 2016 was: “Write a letter to your 45-year-old self”)

Mười lăm tuổi, Nguyễn Thị Thu Trang đã viết một bức thư cảm động viết bằng tiếng nói của chính Alan Kurdi, một cậu bé trẻ tuổi tị nạn người Syria đã chết đuối và thân xác trôi dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Alan Kurdi với dáng dấp “ngủ say trong một giấc ngủ dài” đã trở thành một biểu tượng quốc tế của cuộc khủng hoảng người tị nạn sau khi hình ảnh của em được lưu hành trên nhiều phương tiện truyền thông trên toàn thế giới.

Được biết, Nguyễn Thị Thu Trang cũng đã nhận giải nhất UPU Việt Nam vào tháng 5/2016 với nhiều phần thưởng, và bằng khen của Ban tổ chức ở Việt Nam trước khi sang Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhận giải thưởng trong buổi lễ bế mạc Đại hội Liên minh Bưu chính Quốc tế lần thứ 26 được tổ chức ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 7.10.2016 nơi cô đọc bức thư cô viết trước 2.000 đại biểu đến từ 155 quốc gia.

Qua bức thư, cô đã mô tả tương lai của Aylan Kurdi ở trên trời, phúc khảo về bi kịch của một thế giới mà không phải tất cả trẻ em đều có cơ hội tiếp cận ngày sinh nhật lần thứ 45 của họ. Cô viết: “Bây giờ, tôi đang ở trên thiên đường. Thật là một lung linh, tuyệt vời trên thế giới đó là … Chúng tôi không có nước, không có biên giới, không di cư, không phân biệt đối xử tôn giáo, không có khủng bố và không có bạo lực. Tất cả mọi người đều như nhau. Tất cả chúng tôi đều là linh hồn sống trong sự hòa hợp và thanh thản…”. Thu Trang đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt cho những lời viết cảm động của cô trong bức thư cô viết và nhận giải huy chương vàng.

Với gần 1 triệu bức thư tham dự cuộc thi của hơn 64 nước thành viên UPU năm 2016, Ban giám khảo quốc tế đã trao ngoài Nguyễn Thị Thu Trang huy chương vàng còn trao huy chương bạc cho Ivana Iliyan Yaneva, một cô gái 15 tuổi đến từ Bulgaria và huy chương đồng cho Dasa Bahor, một cô gái 14 tuổi đến từ Slovenia.

BBt xin giới thiệu lại bức thư đã giúp Thu Trang giành giải nhất UPU Việt Nam và giải nhất UPU quốc tế năm 2016 đến cư dân Blog suy ngẫm những ngày cuối năm…

Bức thư đoạt Giải Nhất – Huy Chương Vàng của Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách, Hải Dương) trong cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 45 (2016) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tại Thụy Sĩ tổ chức với Chủ đề “Hãy viết một bức thư cho chính mình năm 45 tuổi” (The theme selected for 2016 was: “Write a letter to your 45-year-old self”)

“Thiên đàng, ngày 1/1/2016.

Xin gửi lời chào tới anh bạn tương lai của tôi!

Vậy là đã gần bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa dương thế. Có lẽ sự từ giã trần thế quá sớm khiến tôi trưởng thành hơn để hôm nay tôi viết bức thư này cho anh. Tôi – bé Aylan Kurdi 3 tuổi người Syria – được cả thế giới biết đến với giấc ngủ vĩnh hằng trên bờ biển Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ, viết cho anh – là tôi của tuổi 45 còn sống nơi trần thế.

Nghe có vẻ vô lý anh nhỉ? Tôi đã chết thì làm gì có anh! Nhưng tại sao lại không thể khi mọi thứ đều trong một giấc mơ – cả tôi và anh. Những thiên thần sẽ giúp tôi gửi bức thư này đến anh.

Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng – một thế giới kì diệu lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực… Tất cả đều như nhau – những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.

Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nở trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu… Chao ôi, cuộc sống nơi trần thế! Giờ thì tất cả đã quá xa vời.

Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về “miền đất hứa” ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ.

Tôi đã hét lên: “Bố ơi, xin đừng chết!”. Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nhưng đứa bé ba tuổi thì có thể làm gì được giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi… biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên nền cát. Hẳn anh còn nhớ hình ảnh của tôi khi ấy. Bé bỏng. Áo màu đỏ và quần xanh lam. Chân đi giày. Hai tay xuôi theo chiều chân.

Tôi nằm yên trên bãi biển. Mặt úp xuống bờ cát hiền hòa như đang say ngủ. Xung quanh, những con sóng vỗ về. Một giấc ngủ dài. Vĩnh viễn.

Hình ảnh tôi được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Họ đã nói những gì? “Thảm họa nhân đạo mang tính toàn cầu”, “Biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi nỗi đau ấy” rồi “khiến thế giới câm lặng” hay “thức tỉnh lương tri”.

Và người ta còn vẽ lên bức hình tôi đôi cánh của thiên thần. Đây, dĩ nhiên không phải là cách người ta “cường điệu hóa” hay “thi vị hóa” một cái chết. Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗi đau.

Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Đứa trẻ mãi mãi tuổi lên ba. Tôi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý.

Chao ôi, 3 năm – một cuộc đời! Giá không có chiến tranh và bạo lực; giá tôi được đi trên chiếc thuyền chắc chắn hơn; giá bố mua được cho tôi chiếc áo phao; giá các nước châu Âu mở rộng đường biên giới; giá như… thì có lẽ tôi đã không phải chết!

Giờ thì thân xác tôi đã được trở về nơi quê nhà. Một hành trình trở về đất mẹ gian truân, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết. Trở về cái nơi tôi đã tháo chạy. Trở về chỉ đề nằm dưới lòng đất. Đúng là một kiếp người dạt trôi, một phận người bèo bọt!

Nhưng anh ạ, dù sao thì tôi cũng được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cái chết khác thì sao? Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hàng nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, hàng trăm người đã chết vì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được.

Một người đồng hương Syria của tôi đã viết thế này trước khi chết chìm anh ạ “Cảm ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa… mà không hỏi tôn giáo của tôi là gì…”. Thế đấy, có những cái chết được người ta xoa dịu. Có những cái chết được người ta tưởng nhớ. Nhưng cũng có cái chết bị bỏ rơi, quên lãng. Chao ôi, chỉ có chết mới hết bất công sao? Hay đến chết cũng chưa hết bất công?

Và từ nơi đây, từ trong đau đớn, tột cùng của một đứa trẻ đã chết, từ trong yên bình, nhẹ nhõm nơi thiên đàng, tôi viết thư cho anh – là tôi, 45 tuổi còn sống nơi trần thế. Anh sẽ hỏi sao không phải một độ tuổi nào khác? Anh bạn, tôi chọn anh – tuổi 45 – là bởi khi ấy ta đã định vị được bản thân trong cuộc đời. Khi tôi 45 tuổi, còn sống – là anh – ta sẽ thế nào nhỉ? Một ông bố? Một công chức bình dân? Hay một nhân vật có khả năng thay đổi thế giới?

Anh biết đấy, Steve Jobs của Apple cũng là con một người di cư. Và ta sẽ sống ở đâu? Trở về quê hương Syria hay ở miền đất hứa trời Âu? Thế giới khi ấy sẽ ra sao? Có như thiên đàng tôi đang sống không? Tuổi 45 ngỡ sẽ đến như một lẽ tự nhiên ư? Không! Có những tuổi 45 mãi mãi chỉ là ước mơ không thành hiện thực. Ai sẽ cho tôi và những đứa trẻ như tôi tuổi 45? Ai sẽ cho chúng tôi cuộc đời? Làm sao để tất cả mọi người đều có tuổi 45, tuổi 55 và hơn thế nữa? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời cho tôi – thưa anh!

Thân ái!

Tôi – là anh từ trên thiên đàng”./.

Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách, Hải Dương)

Bbt st và biên soạn
(từ nhiều nguồn tài liệu trên net, đặc biệt là từ trang nhà http://www.upu.int/)

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s