1. Những ngày cuối năm bỗng dưng lại ốm. Rãnh đột xuất lại hay. Nằm nghĩ vẩn vơ. Nghĩ đến thời đi gõ rét ở Xưởng đóng tàu Quân khu 5, mỗi ngày được 2 đồng, mừng húm. Cái nghề gõ rét này chẳng cần có kỹ năng đặc biệt gì, cầm cái búa nhỏ một đầu nhọn, một đầu bẹt, cứ thấy rét là gõ, cứ gõ là có rét, tàu cũ mà. Cùng gõ rét với mình có đủ loại người, lớn có, nhỏ có, trai có, gái có. Mình đặc biệt chơi thân với đại úy Ngữ (bác sĩ Ngụy quân). Có lần vừa gõ rét, anh ấy vừa nói với mình: “Nhờ Cách Mạng mà mình gặp Trung, chứ không thì anh em mình đâu có được đi gõ rét”. Sau 2 năm gõ rét miệt mài, anh ấy được gọi đi làm bác sĩ trở lại ở Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, còn mình thì được đi học tiếp, vĩnh viễn từ giã sự nghiệp gõ rét. Không hiểu tại sao những tiếng búa gõ vào mạn tàu ngày ấy vẫn còn vang mãi trong đầu mình những thanh âm trầm buồn như những giai điệu blues của người da đen ở Mỹ.2. Trong 30 năm đi dạy mình đã tiếp xúc với học trò ở mọi độ tuổi. Mỗi một thế hệ học trò đã để lại trong mình một dấu ấn khác nhau. Không hiểu sao, lúc này, mình lại nhớ đến các anh chị lớp đại học tại chức tiếng Anh khóa đầu tiên ở Pleiku, trong đó có vài anh chị lớn tuổi hơn mình. Vì chỉ hơn thua nhau vài tuổi nên hầu như không có khoảng cách nào đáng kể giữa thầy và trò. Nhờ vậy, giờ học trở thành những cuộc trao đổi và bình luận đầy thú vị. Mình dạy văn học Anh Mỹ bằng tiếng Anh. Trong lớp có những anh chị dạy văn học phương Tây bằng tiếng Việt. Có nghĩa là có những tác phẩm như “Hamlet”, “The Old Man and the Sea”, hay “The Moon and Sixpence” cả thầy và trò đều hiểu rất rõ về nội dung, khác chăng chỉ là ngôn ngữ diễn đạt. Một đêm, khi mình đang giảng “Hamlet” thì điện cúp. Lớp ồ lên một tiếng rồi lại im phăng phắt. Bỗng có tiếng vọng lên từ cuối lớp: “Thầy ơi, giảng tiếp đi thầy!”. Mình nói: “Bi kịch vốn bắt đầu từ bóng tối”, rồi tiếp tục giảng bài, giữa cái lạnh của rừng núi đại ngàn, giữa những đôi mắt ánh lên từ ngọn lửa bập bùng của vở học trò xé vội. Không biết học trò đã thắp lửa cho bài giảng của mình, hay mình đã thắp lửa trong lòng học trò. Chỉ biết đó là tiết giảng hay nhất và ấn tượng nhất trong cuộc đời làm thầy của mình. Chỉ biết ánh lửa bập bùng ngày ấy bây giờ lại lóe lên trong tâm khảm mình, sưởi ấm những ngày mùa đông lạnh giá và làm dịu đi nhiều lắm những cơn đau.
3. Cuối thập niên 1980s của thế kỷ trước (thời kỳ “đổi mới”), người ta chợt ngộ ra rằng tiếng Anh là phương tiện quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Tiếng Anh, tưởng đã suy vong theo sự giãy chết của tư bản chủ nghĩa, bỗng dưng sống dậy một cách mạnh mẽ và các trung tâm Anh ngữ mọc ra như nấm ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Thời ấy, để sát hạch chương trình A, B, C tiếng Anh ở những nơi rất xa như Qui Nhơn hay Pleiku, Trung tâm Ngoại Ngữ của Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Đà Nẵng phải lập Hội đồng thi vào đến tận nơi để tổ chức thi cho các địa phương có yêu cầu. Có một lần mình được cử vào Quảng Ngãi để chấm thi vấn đáp chương trình A cho Trung tâm Ngoại Ngữ của anh Tư Cò. Trong phòng thi mình phụ trách, có một em học trò rất xinh, nhưng đôi mắt thì lại quá buồn. Khi trình bày đề tài được bốc thăm về gia đình, em nói rất lưu loát với bố cục chặt chẽ. Đến phần hỏi đáp, mình quyết định hỏi em về một đề tài khác để xem em nói có tốt không.
– Em học tiếng Anh để làm gì?
– Để giết thời gian, thưa thầy.
– Tại sao em cần phải giết thời gian?
– Để không phải nghĩ đến cái chết, thầy ạ.
Mình lặng người trong giây lát và chợt hiểu tại sao đôi mắt em thăm thẳm một nỗi buồn như thế.
– Em còn rất trẻ và lại trông rất khỏe mà.
– Thưa thầy, em chỉ trông có vẻ thế thôi.
– Có chuyện gì với em sao?
– Dạ em bị ung thư gan, giai đoạn cuối.
Mình chết đứng, không biết nên nói gì với em lúc ấy ngoài những lời động viên sáo rỗng, rồi đưa danh sách thi cho em ký tên và cho em 10 điểm. Số điểm ấy được cho không chỉ ở sự xuất sắc của em về mặt học thuật mà còn ở thái độ tích cực của em đối với bệnh tật trên người. Gần 30 năm rồi kể từ ngày ấy và mình chưa một lần gặp lại em hay biết được tin tức gì về em. Tuy thế, mình vẫn thầm ước có một phép mầu nào đó xảy đến cho em. Để em được sống, được học hành và được tung tăng chạy nhảy trong cuộc đời này. Em xứng đáng cho điều đó. Ý chí của em xứng đáng cho điều đó. Ý chí con người mạnh hơn cái chết mà, phải không?
4. Có một người bạn cùng khóa thời trung học của mình cũng đang bị ung thư. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 tụi mình tốt nghiệp tú tài toàn (phần), rủ nhau lên Đà Lạt học. Mình là dân ban B, nên học SPCN (Lý – Hóa – Nhiên), còn bạn mình là dân ban C nên học Chính trị Kinh doanh. Vì học ban C nên bạn mình văn chương lai láng và rất màu mè trong cái được gọi là “nghệ thuật tán gái”. Đời sinh viên xa nhà thì túng thiếu quanh năm, phong lưu dăm bữa. Những hôm tiền nong rủng rỉnh nhờ nhận mân-đa do cho mẹ gởi hay nhận thù lao dạy kèm cho con thiên hạ học thì cứ gọi là sáng đi cà phê Tùng, chiều ra Thủy Tạ, vương giả như quan. Còn những ngày hết tiền thì ra vườn hái ác-ti-sô vào xắt lát phơi khô, pha trà uống cho đỡ buồn. Hè năm 1973, mình về Đà Nẵng thăm nhà, còn bạn mình thì ở lại làm thêm để kiếm tiền ăn học. Tối trước ngày về, mình hỏi bạn ấy có gởi gì cho bạn gái ở ĐN không. Bạn ấy suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Có, đợi mình tí”. Nói đoạn, bạn ấy lấy một cái bao ny-lon ra ngoài sân hốt một nhúm sương mù bỏ vào rồi lấy dây su cột lại. Bạn ấy đưa mình, kèm theo dòng chữ: “Gởi em một kí sương mù để làm dịu đi cái nắng mùa hè nơi ấy”. Mình về, ôm cái bao ny-lon ấy còn hơn là ôm báu vật. Cô bạn gái nhận kí sương mù ấy, khóc cho đến ngày đi lấy chồng.
Mấy hôm trước đây, mình lên bệnh viện thăm bạn, nhắc đến chuyện ngày xưa, cười ra nước mắt. Đột nhiên chàng hỏi: “Bây giờ nàng ở đâu rồi?”. Mình đáp, còn hơn là đánh đố: “Xứ lạnh, trời Tây”. Mắt chàng nhìn vào cõi xa xăm, nhưng chắc chẳng thấy gì ngoài một bóng hình. Bỗng dưng, mình lại ước. Ước gì nàng biết chàng đang ốm và gởi về cho chàng một chùm hoa tuyết để đáp lại một kí sương mù đã nhận ngày xưa. Biết đâu những thứ tưởng như hình sương bóng khói ấy lại quyện chặt vào nhau và cứu được chàng khỏi cơn bạo bệnh. Ờ, biết đâu. Tình yêu mạnh hơn cái chết mà, phải không?
Nguyễn Chí Trung