Âm Nhạc: Đôi hàng về Ban Hợp Ca Thăng Long (Ngọc Nhân)

Xin mời thưởng thức ca khúc Ngựa Phi Đường Xa (Lê Yên sáng tác), Ban Hợp Ca Thăng Long trình bày.

Ban hợp ca Thăng Long là một ban hợp ca gia đình với 4 anh em (2 nam, 2 nữ), và được thành lập vào năm 1949 tại Hà Nội, nhưng trước khi thành lập, nhóm 4 người anh em cùng gia đình này đã từng có những buổi trình diễn khi tham gia ban Văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

Tại sao có cái tên Thăng Long? Theo một số nguồn tài liệu và đặc biệt Nhạc sĩ Phạm Duy có đề cập trong cuốn hồi ký của ông thì trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, gia đình ông bà Phạm Đình Phụng với người vợ sau, bà Đinh Thị Ngọ tản cư đến Sơn Tây và tại đây người con gái đầu lòng của ông bà bị trúng đạn tử thương, nên ông bà lại đưa các con chạy xuống vùng xuôi ở Chợ Đại, Chợ Neo (Thanh Hóa), mở một quán phở đặt tên là Thăng Long. Quán phở này là nơi các văn nghệ sĩ kháng chiến thường dừng chân, ăn phở và nghe nhạc. Để kỷ niệm về một thời với gia đình cái tên Thăng Long lại được sử dụng để đặt cho ban nhạc gia đình này.

Sau khi vào Nam khoảng 1951, Ban Thăng Long được tái lập tại Sài Gòn thì ban có thêm 1 thành viên mới nữa, đó là ca sĩ Khánh Ngọc (vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương). Vì vậy khi nói đến, đề cập hay nhớ về Ban hợp ca Thăng Long, nhiều nguồn tài liệu chỉ đề cập đến 4 thành viên gia đình ở Hà Nội rồi sau đó là 5 thành viên khi vào Sài Gòn và nổi danh, chớ ít khi đề cập đến một thành viên khác nữa của Ban, đó là ca nhạc sĩ Phạm Duy.

Các thành viên của Ban Hợp Ca Thăng Long gồm:
1. Hoài Bắc, nghệ danh của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (sanh ngày 14.11.1929 và mất ngày 22.8.1991 tại California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 63 tuổi). Ông sáng tác không nhiều (khoảng 60 ca khúc) nhưng gần như những ca khúc của ông đều thuộc loại ca khúc để đời, đi vào lòng người yêu nhạc. Một nét đặc biêt khác của dòng nhạc Phạm Đình Chương là nằm ở hồn cốt quê hương Việt Nam, ở bản sắc dân tộc đậm đà, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc đời. Ông cũng là trụ cột, là linh hồn của Ban hợp ca Thăng Long.

Có thể nói Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)… Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc Việt Nam một bản trường ca bất hủ Hội trùng dương viết về ba con sông đại diện cho ba miền: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.

2. Hoài Trung là nghệ danh của Phạm Đình Viêm (sanh ngày 20.7.1920 và mất ngày 27.7.2002 tại California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 83 tuổi) – một người anh cùng cha khác mẹ với Phạm Đình Chương, Thái Hằng và Thái Thanh. Ông là người có tài bắt chước tiếng các loài thú. Mỗi khi nghe tiếng ngựa hí, chim kêu trong một bản nhạc nào đó do Ban Hợp ca Thăng Long trình bày, thì những tiếng chim kêu, ngựa hí đó là của Hoài Trung. Ngoài ra ông còn có giọng ngân dài tuyệt vời và ông lại có tài chọc cười, thành ra mỗi khi thấy ông xuất hiện trên sân khấu là khán giả đã cười rồi.

3. Phạm Duy (sanh ngày 5.10.1921 và mất ngày 27.1.2013 tại thành phố Sài Gòn, Việt Nam. Hưởng thọ 93 tuổi). Cha ông là Phạm Duy Tốn thường được coi như là nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới đầu thế kỷ 20. Anh của ông là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine. Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông thường được xem như là người nhạc sĩ lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam với số lượng sáng tác đồ sộ cũng như đa dạng về nhiều thể loại, kể cả phổ thơ… trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên kinh điển và quen thuộc với người Việt. Với hơn 70 năm sự nghiệp, và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, ông được coi là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Ba thành viên nữ còn lại là:
1. Thái Hằng, tên thật là Phạm Thị Quang Thái (sanh năm 1927 và mất ngày 14.8.1999 tại Midway city, California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 73 tuổi) là chị gái ruột của Phạm Đình Chương, sau này là vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, thân mẫu của các ca sĩ Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, và nhạc sĩ Duy Cường. Nghệ danh Thái Hằng là do nhà thơ kiêm kịch tác gia Thế Lữ, chồng của nữ kịch sĩ Song Kim đặt cho bà vì bà là cháu của bà Song Kim, khi ông có ý định đưa bà vào sinh hoạt trong đoàn kịch Thế Lữ. Trong suốt nhiều thập niên trước năm 1975, ca sĩ Thái Hằng còn là giọng ngâm thơ và là nữ diễn viên được yêu mến trong các chương trình thơ văn và thoại kịch trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Giọng hát của Thái Hằng từng được một nhà văn miền Nam mô tả: “Dẻo mềm như nhánh thùy dương, dù có bị gió lay động nhưng nó không lả lơi đùa cợt cùng gió như loại nhược lan, lệ liễu, cỏ bồng cỏ bồ” và quan trọng hơn là “ánh sáng trong giọng hát của chị là ánh trăng mát mẻ dịu hiền chứ không phải là ánh sáng bình minh rực rỡ huy hoàng trong giọng hát Thái Thanh”.

2. Thái Thanh là nghệ danh của Phạm Thị Băng Thanh (sanh ngày 5.8.1934. Hiện sống cùng cô con gái đầu lòng, nữ ca sĩ Ý Lan tại California, Hoa Kỳ). Bà là người em gái út trong gia đình, có một giọng hát cũng như cách hát đặc biệt, mang tính chất opera nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của chầu văn, quan họ, chèo là những bộ môn nghệ thuật ở miền Bắc, mà bà đã tự học và rèn luyện từ thuở nhỏ. Bà được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của nền tân nhạc Việt Nam, và quả thực trong gia đình họ Phạm, Thái Thanh là nữ danh ca có tiếng tăm và để lại nhiều ảnh hưởng nhất, bà được xem là diva số một của làng nhạc Sài Gòn thời ấy.
Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Đổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”. Đặc biệt nhà văn Mai Thảo đã tặng cho bà một biệt danh ngắn gọn nhưng thật trọn vẹn ý nghĩa mà sau này thường được sử dụng, và nhắc đến một cách trân trọng với nghệ danh của bà: “tiếng hát (giọng ca) vượt thời gian”. Bà là thân mẫu của nữ ca sĩ Ý Lan, và Quỳnh Hương.

3. Sau cùng là Khánh Ngọc (vợ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương), hiện sống cùng gia đình tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Khánh Ngọc là một ca sĩ nổi tiếng nhất của Đài Phát Thanh, hay trong các buổi Đại Nhạc Hội và tại các vũ trường lớn ở Sài Gòn thời thập niên 50-60. Ngoài ra Khánh Ngọc còn là một minh tinh điện ảnh nổi tiếng nhất của Miền Nam thời bấy giờ, nổi danh trước cả các minh tinh điện ảnh khác như Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh… với ba phim “Ánh Sáng Miền Nam”, “Đất Lành” và “Ràng Buộc”…

Khi di chuyển vào Nam sinh sống, Ban hợp ca Thăng Long gắn liền với phòng trà Đêm Màu Hồng, một trong 5 phòng trà nổi danh của thủ đô Sài Gòn lúc bấy giờ (Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim’s và Đêm Màu Hồng với các ban nhạc tên tuổi cùng các giọng ca ngôi sao). Ban hợp ca vô cùng thành công khi trình bày những nhạc phẩm bất hủ của các nhạc sĩ đã nổi danh từ thời tiền chiến, nổi bật là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy, Văn Phụng. Đặc biệt sự thành công của ban nhạc là lối hát nhiều bè, hấp dẫn, phong phú, ngoạn mục… phản ánh thời đại một cách sắc nét được dân chúng hoan nghênh nhiệt liệt xứng đáng trở thành Ban Hợp Ca nổi tiếng nhất tại Sài Gòn trước năm 1975.

Đến đầu thập niên 1970 thì vợ chồng Thái Hằng và Phạm Duy tách khỏi Ban và cũng từ lúc này ban hợp ca Thăng Long tan rã, các nghệ sĩ trong nhóm đi theo những hướng riêng trên con đường âm nhạc của mình.

Ngọc Nhân biên soạn từ nhiều nguồn tài liệu.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc, Xuân. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s