Âm Nhạc: Đôi hàng về ca khúc “Ly Rượu Mừng” (Ngọc Nhân)

Xin mời thưởng thức ca khúc Ly Rượu Mừng do Ban hợp ca Thăng Long trình bày trong Băng Nhạc Shotguns Xuân 75 (Xuân Ất Mão) do Ngọc Chánh thực hiện, năm chót trước khi ca khúc này bị cấm phổ biến.

Bài hát được ghi âm vào thời điểm này, bắt đầu với lời chúc Tết của Ban hợp ca Thăng Long, tiếp đến là những âm thanh được mô tả gồm “tiếng pháo nổ tại phòng trà Đêm Mầu Hồng; tiếng trống của đội lân Nhân Nghĩa Đường Chợ Lớn; tiếng Đại Hồng Chung của Viện Hóa Đạo; và cả tiếng chuông ngân vang của Nhà Thờ Đức Bà… ”, trước khi ban hợp ca bắt đầu cất giọng hát.

https://www.youtube.com/watch?v=dfFYYyriHGk

Ca khúc Ly Rượu Mừng và nhạc sĩ Phạm Đình Chương

Ca khúc Ly Rượu Mừng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác tại Sài Gòn năm 1953 để đăng trên số báo Tết, báo Đời Mới, thể theo yêu cầu của cụ Trần Văn Ân và nhà văn quá cố Nguyễn Đức Quỳnh và được ban hợp ca Thăng Long trình bày lần đầu tiên ở Sài Gòn (theo tài liệu hiện có của ông Phạm Thành, người con trai trường của nhạc sĩ Phạm Đình Chương).

Từ đó cứ mỗi độ Xuân về, nơi nơi khắp chốn đều văng vẳng tiếng ca Ly Rượu Mừng, với giai điệu valse vui tươi, sống động hợp với không khí Xuân Tết.

Nếu Tây phương có ca khúc Happy New Year do 2 ca nhạc sĩ Benny Andersson và Bjorn Ulvaeus của ban nhạc ABBA sáng tác vào năm 1977 và được ban nhạc ABBA, một ban nhạc Pop, 4 người gồm 2 nam, 2 nữ, gốc Thụy Điển nổi tiếng một thời trình bày trong album Super Trouper vào năm 1980. Từ đó ca khúc Happy New Year đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày cuối và đầu năm mới dương lịch.

Happy New Year được ngân cao mỗi khi đón Tết dương lịch hàng năm thì ca khúc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trước đó 24 năm với nhịp ¾, theo điệu valse, nhanh, nên vừa có nét dìu dặt nhưng chứa đầy sự tươi vui, rộn ràng rất hợp với không khí ngày Tết Nguyên Đán (Tết Ta, Tết Dân Tộc Việt) và nó cũng không thể nào thiếu mỗi khi Tết đến Xuân về.

Nội dung ca khúc chỉ với một chữ Xuân duy nhất trong câu hát mở đầu: “Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi” nhưng được xem như kinh điển nhất trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Ca khúc lại mang đến cho ta cái không khí rộn ràng, rõ nét của ngày Xuân ngày Tết, lời của ca khúc như một thông điệp, những lời chúc Tết tốt đẹp theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Thậm chí, đã có người cho rằng, trong danh sách mấy trăm bài hát tự cổ chí kim của Việt Nam về ngày Xuân, ngày Tết, thì ca khúc “Ly Rượu Mừng” cần phải nhớ “trước hết và hơn cả”, vì vắng nó, sẽ không có Tết, và nó phải là giai điệu mở đầu mọi chương trình Xuân.

Trong mắt nhà thơ Du Tử Lê, nhạc sỹ Phạm Đình Chương từ lúc bắt đầu sự nghiệp sáng tác cho đến lúc rời xa cõi đời ở tuổi 62 đã cắm được những ngọn cờ trên nhiều đỉnh cao nghệ thuật. Trong đó, đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của ông được thời gian ghi nhận là ca khúc “Ly Rượu Mừng”. Nhà thơ nói: “Theo tôi ca khúc “Ly Rượu Mừng” như một phẩm vật tinh thần dâng cúng tổ tiên mỗi độ xuân về. Đó là “ly rượu” đất nước gấm hoa, “ly rượu” tổ quốc độc lập, “ly rượu” ước mơ quê hương muôn đời thanh bình, được chia đều cho “anh nông phu”, “người thương gia”, “người công nhân”, qua tới “người chiến sĩ”, “bà mẹ già”, “đôi uyên ương”, “người nghệ sĩ”… Một phân chia bình đẳng, đồng đều cho mọi tầng lớp. Tôi muốn nhấn mạnh thêm, người ta có thể tìm thấy đặc tính phân biệt giai cấp ở nhiều dân tộc nhiều quốc gia trên thế giới nhưng Việt Nam thì không”.

Trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả, nhất là người từng sinh sống tại Sài Gòn vào thập niên 1960-1970, mỗi khi nghe ca khúc Ly Rượu Mừng thì biết là Tết sắp đến Xuân lại về. Và đó là những ngày giáp Tết, trẻ nhỏ thấy hân hoan, rộn ràng với pháo nổ đì đùng, kẹo mứt, quần áo mới hay phong bao lì xì; đó cũng là lúc mọi người lớn tạm gác những lo toan của năm cũ để lo sắm sửa soạn đón Tết, hay để ngắm mai vàng, đào đỏ hoặc cùng nhau nâng chén rượu, tách trà cầu chúc cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Và đêm giao thừa, khi tiếng chuông chùa, tiếng chuông nhà thờ ngân đổ, hay tiếng trống lân, tiếng pháo… đì dùng, tạch tạch, lại được nghe các giọng hát của ban hợp ca Thăng Long cất vang bài Ly Rượu Mừng thì mọi người như cảm thấy lòng phơi phới, phóng khoáng, hớn hở, hòa cùng những lời chúc thân thương, những lời cầu mong, ước vọng đẹp về “Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…” trong cảnh đất trời dân tộc vào xuân. Ca từ, câu chúc trong nhạc phẩm là lời hát về một đất nước ấm no, thanh bình. Ca khúc ấy mãi mãi gửi gắm khát vọng kết nối mọi người dân Việt Nam hãy cùng nâng chén chúc mừng năm mới. Chúc cho quê hương luôn mãi yên vui, non sông luôn hòa bình, mỗi ngày mai là một ngày sáng trời tự do, muôn người khắp nơi nơi luôn được hạnh phúc chan hòa và hương thanh bình dâng phơi phới…

Ca khúc với tuổi đời đến nay trên 64 năm, lớn hơn cả tuổi của anh em cư dân Blog nk.66-73 PCT một thuở, nhưng nó vẫn luôn được hát vang, cất cao, với những lời chúc mừng tốt đẹp của bạn bè trong buổi tiệc Xuân, tiệc tất niên hay tiệc đầu năm… và nhất là vẫn luôn mang đến cho tất cả mọi người sự an vui chan hòa.

Thế nhưng kể từ sau 30.4.1975 thì ca khúc Ly Rượu Mừng đã bị chính quyền Hà Nội cấm hát, cấm sử dụng. Nay sau 41 năm bị cấm, ca khúc Ly Rượu Mừng đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch Việt Nam cấp giấy phép phổ biến toàn quốc, tức ca khúc từ nay được hát công khai kễ từ đầu tháng 1.2016, và hãng phim Phương Nam cũng đã được cấp phép phổ biến và lưu hành ca khúc Ly Rượu Mừng trong CD Hợp tuyển Xuân chọn lọc với chủ đề Ly Rượu Mừng mừng Xuân Bính Thân 2016 trong đó nam ca sĩ Quang Dũng, và nữ ca sĩ Phạm Thu Hà được “chọn mặt gửi vàng” để thể hiện lại ca khúc Ly Rượu Mừng trong lần ra mắt trở lại này. Như vậy, ca khúc Ly Rượu Mừng – một trong những bài hát xuân kinh điển nhất, được nhiều thế hệ người yêu nhạc yêu thích đã chính thức được phép phổ biến, sử dụng sau 41 năm vắng bóng.

Và cũng sau 41 năm bị “cấm”, ca khúc ‘Ly Rượu Mừng’ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng được chọn làm ca khúc kết thúc chương trình “giai điệu tự hào” trên đài truyền hình VTV1 vào tối 31.12.2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. Một trong những thành viên hội đồng bình luận, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói: “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”.

Những ai còn sở hữu hoặc có dịp nghe “Ly Rượu Mừng” trong bản thu âm dạo ấy, còn nhớ nó chính là nhạc phẩm mở đầu cuốn băng với phần trình diễn của Ban Hợp Ca Thăng Long, sau những âm giai còn đọng lại trong ký ức nhiều người: “Tiếng pháo nổ tại phòng trà Đêm Mầu Hồng; tiếng trống của đội lân Nhân Nghĩa Đường Chợ Lớn; tiếng Đại Hồng Chung của Viện Hóa Đạo; tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà…”.

Trên trang mạng cá nhân, nhà thơ Du Tử Lê từng viết: “Tôi muốn gọi “Ly Rượu Mừng” là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất “kinh điển” hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình.

Mỗi khi cùng nhau nâng “Ly Rượu Mừng” dù ở thời điểm nào của vòng quay trái đất, cũng chính là lúc chúng ta cùng với tác giả, hân hoan cầu chúc “Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hòa…”.

Tôi nghĩ, đó là một lời cầu nguyện đời kiếp của dân tộc ta. Như sự hiện diện bất biến của tác giả ca khúc vậy.”

Và dù đang ở mồng nào của cái Tết Đinh Dậu hay bất cứ cái Tết nào sắp tới chăng nữa, hoặc đã 64 năm kể từ khi ca khúc ra đời, thì ca khúc Ly Rượu Mừng vẫn bất tử, vẫn luôn là ca khúc mỗi khi Tết đến, Xuân về. Âm điệu của ca khúc cũng luôn du dương, rộn ràng và sẽ vẫn thôi thúc mọi người con dân Việt bất cứ đâu hãy:

Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do.

Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà.

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình dâng phơi phới.

Đúng như tâm nguyện của Hoài Bắc Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ lớn đã viết cách nay 64 năm và cũng đã từ giã chúng ta vào một ngày cách nay một phần tư thế kỷ…

Ngọc Nhân biên soạn từ nhiều nguồn tài liệu.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Âm Nhạc, Xuân. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s