Tết “xa quê” (Hoa Bắc cực)

Nói đến 2 từ “xa quê” có lẽ tôi đã xa quê từ khi lọt lòng mẹ không lâu… Vì cuộc sống, ba mẹ tôi lúc đó đã ẫm bồng tôi để vào sinh sống tại Đà Nẵng.

Từ đó Đà Nẵng là nơi đã cho tôi có đủ tất cả từ tuổi ấu thơ, tuổi nhỏ, tuổi thanh niên, tuổi lớn, và cả tuổi vào đời… và không chỉ mình tôi đâu mà gần như tất cả bạn bè tôi niên khóa 66-73 thời Trung học Đệ Nhất, Đệ Nhị cấp trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Mặc dầu trường tọa lạc ở Đà Nẵng nhưng học sinh thì gần như “xa quê” từ đâu đâu quy tụ về, đứa thì từ Bắc, từ Quảng Bình, từ Huế vào, rồi có đứa thì từ Hội An, Điện Bàn, Thành Quít… ra, v.v… chứ thật sự sinh ra tại mảnh đất này chắc là ít…

Lứa tuổi chúng tôi mở mắt chào đời cũng là thời điểm “chiến tranh” bắt đầu xảy ra trên đất nước tôi – một cuộc chiến đáng ra không cần thiết nhưng rồi cứ theo năm tháng, cuộc chiến dần dần lan tỏa, càng lúc càng lớn mạnh trên khắp hang cùng ngõ hẻm, từ nông thôn vốn dĩ yên bình, hiền hòa đến ngay cả thành thị với những nhộn nhịp, phát triển xây dựng đêm ngày…

Mậu Thân 68, rồi Mùa hè 72 là những mốc điểm thời gian cuộc chiến tàn khốc với quá nhiều cảnh tượng đau lòng. Chúng tôi những thanh niên đang cắp sách đến trường với những giấc mơ, hài hòa, nhân văn đã phải xếp bút nghiên để lên đường…

Từ đó Đà Nẵng lại là nơi đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ đến… nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về…

Nhớ lại những cảnh cùng ba tôi sơn quét vôi lại ngôi nhà, lau chùi các cửa sổ, đánh bóng bộ lư đèn, lau chùi bàn thờ Phật, ông bà tổ tiên… mua sắm, chưng bày các chậu hoa xuân (thược dược, vain thọ, cúc, mai…) để “ăn tết” hay chở mẹ tôi lên xuống chợ Hàn, chợ Cồn hoặc chợ Mới mua sắm thêm hàng hóa để “bán tết”… và tuy rất bận rộn việc buôn bán những ngày cuối năm, mẹ tôi vẫn không thể quên việc gói bánh tét, sấy mứt gừng, dừa, me …. cùng những thẩu dưa món với nhiều màu sắc vàng, trắng, cam, xanh, đỏ… những loại củ quả. Tôi con trai không giúp được mẹ gói bánh, xắt dừa, gừng, v.v… nhưng lo được việc thức đêm canh chừng thêm củi lửa cho nồi bánh tét… Những cảm xúc lúc ấy tới nay sau hơn nửa thế kỷ vẫn thấy khó quên, và lòng vẫn rạo rực đến lạ thường.

Với những bận rộn, chuẩn bị đón Tết gần như thường năm, nhưng chúng tôi sao lúc nào cũng hồn nhiên, đùa giỡn, cười vui, sung sướng khi nghe nói đến từ Tết, chữ Xuân chớ chưa nói đến tiếng trống lân múa, tiếng pháo nổ đì đùng, tiếng rao mời gọi bầu cua cá cọp, tiếng hô vần điệu của lô-tô, cùng những tiếng la ó thắng thua… v.v… và v.v… biết bao nhiêu điều cần nhớ khiến lòng tôi lúc nào cũng bùi ngùi.

Thế nhưng như đã nói – chiến tranh, chiến tranh … chúng tôi phải lên đường và lại phải “xa quê”. Mỗi lần Tết đến Xuân về, dầu xa thành thị xa gia đình, và dù đơn vị đang đóng quân ở những vùng xa xôi chằng chịt sông, rạch, cùng tiếng súng nổ đì đùng quanh quanh, tôi vẫn hưởng được không khí Xuân Tết, khi nhìn thấy mọi người dân quanh vùng chuẩn bị nào gói bánh tét, làm mứt, tráng bánh, … rồi tỉa mai, chăm sóc các chậu cúc, vạn thọ…. hay dựng cao cây nêu trước nhà….

Tuổi đời lúc ấy tuy mới đôi mươi, nhưng nhìn cảnh Xuân về với các em nhỏ tung tăng áo mới, vui đùa, nô giỡn tôi đã thấy cảnh “xa quê” không được sum họp với gia đình hay phụ giúp ba mẹ những chuyện thường khi Xuân về Tết đến …. là những nỗi buồn khó tả nhất là khi ở những vùng quê im vắng xa thật xa thành phố như những lần này…

Theo năm tháng của cuộc chiến, tôi đã “xa quê” hết năm này tới năm kia, từ nơi này qua nơi khác, nhưng buồn nhất là những lúc được tập trung theo học ở “trại cải tạo”… Tôi lúc này chẳng những đã “xa quê” mà xa luôn mọi cảnh sắc thân quen, thân thương chung quanh đặc biệt của mùa xuân… Chúng tôi những học viên “cải tạo” chỉ còn trong hiu quạnh, chán ngán và dù được chia vui, chan hòa với mọi người cùng cảnh ngộ cũng với bánh tét, mứt, hạt dưa … quà tết khi được thăm nuôi nhưng rồi vẫn thấy thiếu và thiếu….

Rồi theo vận nước nổi trôi, tôi lại phải thêm một lần nữa “xa quê”, xa tất cả những cảnh sắc quen thuộc làng mạc, ruộng vườn… bước xuống ghe ra khơi, lênh đênh trên biển cả… nơi đã chôn vùi, mang theo bao mạng sống, ước mơ của rất rất nhiều người không may vì hai chữ Tự Do…

Trước mặt là biển cả mênh mông chưa một lần diện kiến, với những cơn sóng vút cao tưởng chừng nuốt chửng, mang vào lòng đại dương cả con tàu chiếc ghe và tất cả chúng tôi những người có mặt… Thế nhưng do “may mắn” hay “duyên số” là những từ mà tôi nghĩ đến, chúng tôi tất cả những người cùng chuyến ghe ra khơi đã được cứu vớt vào những giây phút cuối trước khi chiếc ghe đi sâu vào lòng nước đại dương mênh mông.

Được vớt, cứu và mang từ chiếc ghe bé nhỏ, mong manh, đứng trên boong tàu chở dầu to lớn tôi quay đầu nhìn lại phía sau để cố hồi tưởng nhớ và ghi sâu, ôm chặt vào lòng tất cả những gì đẹp, kỷ niệm của mảnh đất nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và vừa mới từ bỏ để ra đi. Lại thêm một lần nữa “xa quê”, nhưng khác những lần trước, lần này tôi đã xa thật xa – “xa quê” và chẳng biết bao giờ trở lại được…

Sau một thời gian tạm trú ở trại tị nạn (Singapore và Mã Lai), chúng tôi được lên đường định cư ở quốc gia mà chúng tôi được tàu vớt đó là Na Uy – một trong những quốc gia vùng Bắc Âu. Từ phi cơ, chúng tôi đã và chỉ nhìn thấy phía dưới một màu trắng tuyết phủ, khi máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Oslo, thủ đô nước Na Uy. Máy bay vừa đáp xuống, chúng tôi đã được các nhân viên Sở Tị Nạn phủ quấn cho mỗi người một tấm chăn dầy vì lạnh, với nhiệt độ 10 dưới không độ bách phân (-10 oC).

Chúng tôi được đưa về 1 trong 3 trung tâm tiếp nhận ở thủ đô Oslo, Na Uy, gần ngay trung tâm. Chúng tôi những người Việt trong «trung tâm» dù không một chút quen biết trước đây khi còn ở Việt Nam, cũng trao đổi, giao tiếp và … đã dần dà cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau sống theo sự chỉ bảo và dẫn dắt của những nhân viên Sở Tị Nạn.

Và cũng chính nhờ cái tình nghĩa người Việt nên dù bên ngoài tuyết vẫn rơi, cái lạnh vẫn phủ trùm nhưng chúng tôi với thời gian dần trôi qua mỗi ngày, vẫn cảm nhận cái ấm áp trong “tình người” và nhất là cái ấm áp trong nghĩa “đồng bào” cùng màu da, văn hóa, giọng nói…

Lạnh vẫn lạnh, tuyết rơi vẫn tuyết rơi, cứ thế Xuân Tết truyền thống dân tộc đầu tiên nơi đất khách quê người, không chỉ riêng tôi mà ai ai cũng nô nức, chờ đợi cũng đã về. Chúng tôi dù với những thiếu thốn lúc ban đầu vẫn cố gắng quây quần để tổ chức mừng Xuân, đón Tết… một cái Tết thật sự trong Tự Do mang đầy ý nghĩa trong lòng mỗi người lúc đó.

Với sự giúp đỡ của các nhân viên tị nạn người bản xứ, chúng tôi cũng mua sắm được những vật liệu cần thiết từ nước khác đặc biệt từ Pháp để có được nào bánh tét, mứt (gừng, dừa, sen), hạt dưa, pháo nổ, và đặc biệt nhất là hoa mai dù đó là loại hoa mai vàng giả làm bằng giấy gắn vào cành cây tươi chưng, cắm trong chậu…. cùng những tấm thiệp Xuân Tết treo trên cành mai. Và không quên được ba bộ áo dài khăn đóng với ba màu xanh, đen, đỏ mang ý nghĩa tượng trưng cho ba vùng miền đất nước Việt Nam để cùng nhang đèn khấn vái trong Lễ Gia Tiên Đầu Năm khi khai mạc Lễ Hội Xuân không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin. Và một điều cũng không thể nào thiếu là những bao «Lì Xì» đỏ thắm…. để mừng tuổi các em nhỏ… hay chúc xuân với người bản xứ tham dự. Đặc biệt trong dịp này, chúng tôi đã thực hiện được một tờ Bích Báo (Báo Treo Tường) 5 trang khổ A0 với tựa đề “Xuân Tỵ Nạn – Tân Dậu 1981” với đầy đủ bài vở (thơ, văn, hồi ức…), hình ảnh (hình đính kèm là trang 1 của Bích Báo).

Tất cả sự việc được diễn ra đúng vào tối Thứ Tư (30.2.1980-Canh Thân) tức tối Giao Thừa năm Tân Dậu (1981) cách nay 36 mùa xuân qua…

Từ đó hàng năm mỗi lần Xuân về, Tết đến, sau khi mừng lễ Giao Thừa sớm tại tư gia, tôi cùng gia đình lên Chùa trước Lễ Phật sau đón Giao Thừa, hái lộc, tâm tình trao đổi, chúc mừng… cùng mọi người đồng hương khác dùng bữa ăn nhẹ đầu năm, nhưng không thiếu, bánh chưng, tét, mứt gừng, dừa, hạt sen, bí, khoai.., hạt dưa, v.v…

Và cứ thế các ngày sau đó tham dự các buổi Lễ Tết Xuân của cộng đồng… Nhưng dần dần theo năm tháng tôi càng lúc càng thấy hình như thiếu vắng đi nhiều điều, nhiều vật quen thuộc, như mứt, kẹo các loại, chẳng thấy thiệp hay gởi thiệp Tết chúc Xuân…., một trong những thứ không thể không có mỗi khi mừng Xuân đón Tết.

Nhớ lại lúc xưa tuy “xa quê” nhưng tôi vẫn được “về quê” thăm ông bà nội ngoại mỗi lần xuân đến hè sang, hay trong những năm tháng chiến tranh, cũng “xa quê” nhưng tôi vẫn được hưởng không khí Xuân Tết với dân chúng, đồng bào, đồng đội nơi đóng quân, hoặc ít nữa cũng có ít nhiều hương Xuân với những “học viên” đồng cảnh ngộ trong “trại cải tạo”. Thế nhưng từ khi bước chân xuống “ghe” ra khơi, tôi càng lúc càng thấm nỗi buồn “xa quê”. Vì từ nay tôi chẳng những “xa quê” nhỏ nơi sinh ra mà cả “xa quê” lớn nơi tôi lớn khôn vào đời.

Mỗi lần Xuân về Hè tới nỗi buồn trong tôi càng lúc càng tăng, cho dù khoảng cách hàng chục ngàn cây số nay không còn là vấn đề cách trở nhưng sao tôi cứ thấy như tôi chẳng còn dịp “về quê” như lúc xưa tôi đã “về quê”.

Tuy vẫn biết theo quy luật thời gian, cùng sự phát triển của xã hội mọi vật, việc phải thay đổi, đổi thay kể cả tôi người “tha hương” cũng phải hội nhập xứ người để sống còn. Dù vậy trong tôi, càng lúc càng thấy thấm thía nỗi buồn hai từ “xa quê” với biết bao kỷ niệm cùng ông bà, ba mẹ, anh em và bà con thân thuộc, bạn bè, người quen biết… nhất là những cảnh quây quần đón Tết, mừng Xuân …

Những kỷ niệm, hồi ức “xa quê” mà tôi mang theo trong tôi từ ngày ông bà nội ngoại, ba mẹ ẫm bồng càng lúc chỉ là dư âm… chẳng bao giờ còn thấy được… vì ông bà, ba mẹ tôi nay tất cả đã không còn, lại nữa anh em chúng tôi nay mỗi người mỗi ngả… cảnh sắc gia đình, quê nội, ngoại cũng chẳng còn để hồi tưởng, nhớ về đến ngay cả bà con, láng giềng lúc xưa tôi cũng chẳng biết làm sao để được gặp mặt đông đủ dù chỉ một lần.

Mỗi lần mừng Xuân đón Tết, cũng là lúc tuổi đời càng lúc càng cao nên “xa quê” cứ thế mà theo Xuân đến rồi đi, chỉ để lại trong tôi nỗi buồn chẳng sao thốt được nên lời… và từ “về quê” trong tôi nay chỉ còn là một giấc mơ, một nỗi lòng ao ước chẳng bao giờ có thể có được trong những năm tháng còn lại của kiếp này…

Hoa Bắc cực
Viết xong ngày cuối năm Đinh Dậu, và chỉnh sửa hoàn tất ngày đầu năm Mậu Tuất, Na Uy, Bắc Âu.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Văn Thơ, Xuân. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s