Những lục thập buồn như câu hò lục bát
Tàn phai giấc mộng giang hồ
Tóc rối bời trong chiều gió lớn
Bạc màu ẩn náu trăng khuya
Gần một năm sau tôi về lại quê nhà, lần nầy về sớm hơn nên hứng trọn mùa mưa lúc chính vụ, trời ẩm ẩm ương ương, sáng nắng nhạt, chiều mưa, thấy thì chán nhưng nhờ vậy SG trông dịu dàng hơn, bớt bụi bặm ồn ào. Vẫn chốn cũ, ta và bạn cũ lại già thêm một năm; đời người một năm là ít nhưng ở tuổi nầy “cái thời gian khốn kiếp” có khi làm thay đổi, mất mát nhiều điều, chỉ mới gần một năm mà bạn bè mấy đứa ra đi, đứa đang mạnh khỏe bỗng dưng mắc bịnh từ giã cuộc chơi, cũng có đứa mới ngày nào xông xáo bỗng dưng chán đời ở ẩn không muốn gặp ai, có đứa gọi và nhắn tin mãi không trả lời. Thiệt chán mớ đời! Thôi thì nhân tâm tuỳ…. mạng mỡ, tuổi nầy ai dám trách ai. Mà nói gì thì nói, ai khi trở về gia đình và bạn bè vẫn là hai điều chính, dường như tuổi trẻ bạn bè lấn lướt gia đình, trung niên gia đình làm trọng, khi già hai vế tương đương.
Nhớ lần về năm ngoái, sau một thời gian dài gặp nhau trên mạng gặp mặt nhau trong nhà hàng Đoàn Viên như đã nói trong bài trước, sau cuộc nhậu hẹn nhau cùng lên Gia Kiệm thăm nhà TT Hồng và Sáu Tào, phút cuối không đi được nên lần nầy lại hẹn lên, mấy tuần sau còn gặp mặt lại một số bạn bè PCT tại SG. Một vài ghi chép rời những lần gặp :
GẶP GỠ GIA KIỆM với TT Hồng và Sáu Tào
Như đã hẹn trước tôi cùng ba người bạn lên Gia Kiệm. Nhà lão Hồng nằm trong một khu xóm đạo, so với cái xô bồ ở SG thì đây yên tĩnh quá dù chỉ cách mặt quốc lộ không xa, nhà cửa rông rãi vắng lặng, “một chồng một vợ không sợ sida” hèn chi lão tha hồ mần thơ Đường và viết nhạc, những giòng nhạc cũng đều đều, hiền hiền, buồn buồn như đời sống bình an của mình. Do bận việc gì đó nên vợ Hồng ra chào hỏi một chốc rồi vội đi, chị Hồng gương mặt hiền, còn khá trẻ, độ chừng ngày xưa lão Hồng thuộc loại “dụ dỗ vị thành niên”, hỏi lão, lão cười thú nhận ngay, đáng kiếp giờ phải lo chìu vợ trả nợ đến thảm thương. Nhà cũng là quán bún bò Huế, đến nhà lúc 10 giờ, chưng hửng vì bếp núc lạnh tanh, hỏi ra mới biết lão nghe bạn bè lên nên nghỉ bán để nhậu, tội nghiệp mấy người bạn háo hức được ăn tô bún Huế sau hơn một giờ dằn xóc trên xe, mà cũng khó vì theo lão Hồng thì muốn ăn bún của lão phải đặt hàng trước 1 tuần, nên thôi đành hẹn lần sau. Nhắc đến đây chợt bật cười nhớ lão Hùng Nam cực có lần kể, mấy lần lão về nước lên thăm lão Hồng được đón tiếp rất đầy đủ nhưng sợ quá lần sau không dám ghé, hỏi tại sao, lão kể, lão Hồng đãi tui ăn 2 tô bún bò với 2 cục giò lớn, tui OK, cho tui uống 10 lon ken, OK luôn dễ òm, xong hát cho tui nghe nhạc tình, tui ráng nghe cho xong, nhưng tiếp theo lão đọc cho tui gần 20 bài thơ Đường luật của lão, tui sợ quá, hết hồn luôn. Mà quả là phong phú nhưng đáng sợ thiệt. Sau màn chào hỏi vợ chồng con cái, xem vòng quanh nhà cửa, cả bọn kéo nhau lên nhà Sáu Tào như lão Hồng đã sắp đặt trước.
Nhà Sáu Tào trong khu vườn khá rộng, cây cối xanh um mát mẻ, thời buổi nầy có cơ ngơi như vậy thật lý tưởng cho tuổi nhàn cư. Tôi biết Sáu Tào đã lâu nhưng giờ mới gặp mặt, bạn bè tôi thì mới toanh lần đầu được gặp, vậy mà tay bắt mặt mừng như đã quen rồi. Sáu Tào tóc bạc trắng, mặt mày vui vẻ, người nhỏ như cây kẹo mà giọng nói rổn rảng tự tin, chị Sáu Tào mặt mày phúc hậu, nụ cười hiền hiền ít nói, cả hai đều gốc miền Tây nam bộ giọng nói chân chất dễ gần gũi. Một bất ngờ là Sáu Tào và Nhật người bạn tôi xưa cùng học trong một trường chuyên ngành thời chế độ cũ dù hai trường ở hai nơi nhưng thầy giáo lại chung, xem như đồng môn nên vui càng vui hơn. Còn gặp được anh Long bạn trẻ hơn, rất dễ mến, nhiệt tình, yêu nhạc và có giọng ca mạnh.
Và là nhậu, cuộc nhậu nào cùng hao hao, uống, nửa bia nửa rượu, chuyên trò rồi hát hò thơ vịnh. Lần nầy đi cùng tôi có ông bạn Nhật mang theo một thục nữ thành Phù, có Trần Thạnh nhiều tài tôi hay gọi đùa là nghệ sĩ “nhăn răng”, đứa nào cũng “chinh chiến” dạn dày bia rượu nên rất tự nhiên. Dù với tôi trời nóng quá đến luỗi cả người nhưng nhờ có Hồng, Nhật, Thạnh, Long đàn hát, ngâm thơ, nói chuyện tếu, thỉnh thoảng có sáu Tào và nàng thục nữ tham gia nên lần gặp nầy thật vui.
Giữa cuộc nhậu như đã hẹn trước tôi gặp lại một người bạn chơi với nhau cách hơn 40 năm, vào những ngày đầu sau cuộc chiến, Trương thoại Quang, giờ là một tu sĩ, gặp thì vui nhưng giờ Cu Đoạn đã thành Cu Toan mất rồi, đường đời bao đoạn, có ai níu lại được mây bay qua đèo, may còn nhận ra một vài nét nghịch ngợm của nhau một thời trai trẻ.
Vợ chồng Sáu Tào hiếu khách chân tình, chị Sáu lại quá ân cần, những người bạn tôi rất cảm động và khen Sáu Tào may mắn, chuyện, dù sao Sáu ta cũng từng đường đường là một sĩ quan mà, cà cuống chết đít còn cay. Hy vọng sẽ có lần nữa lên Gia Kiệm với lão Hồng lão Sáu, lần sau chuẩn bị kỹ hơn.
Lần gặp gỡ nầy ghi nhận một mối duyên văn nghệ khá thú vị. Số là ông bạn T. Thạnh tình cờ có một bài thơ cũ trong túi, ngẫu hứng đem ra ngâm tặng bạn mới, bạn Thoại vốn là tay chuyên viết nhạc phổ thơ cảm hứng sao đó, mấy ngày sau đã gởi cho nghe bản nhạc phổ chính bài thơ đó. Hy vọng bạn Thoại sẽ làm một clip cho bạn bè nghe.
GẶP GỠ Ở SÀI GÒN
Lần thứ nhất: Độ 2 tuần sau lão Hồng nhắn tôi, anh em PCT năm ngoái muốn gặp lại nhau cho vui. Do bận bịu chuyện riêng nên mãi mấy tuần sau tôi mới có dịp mời anh em gặp nhau trong một quán ở bờ sông Thanh Đa. Cuộc gặp dự định sẽ có những anh em PCT năm trước và thêm một số bạn mới tôi chưa biết nhưng do trời mưa, địa điểm xa xôi nên chỉ có một số kẻ trước người sau đến, có Ba Đại, Thoại Hồng từ Gia Kiệm, Hiển, Chính cùng tôi và hai người bạn Nhật, Thạnh. Chỉ mới sau một năm không gặp đã có chút đổi thay, Ba Đại năm trước thấy lờ đờ nay như hồi xuân tươi rói, vẫn giọng đều đều như “tuyên huấn”, giọng nầy mà giảng bài thì buồn ngủ nhưng tán gái thì gái ngủ theo, vẫn uống bia túc tắc không thấy say, bạn Chính móm trước cứ tưởng rằng ít nói, té ra khi gặp chuyện cũng huyện thuyên lợi khẩu chẳng kém ai, Hiển vẫn như trước vẫn hiền hiền cười cười ít nói ít uống nhiều, tính tình điềm đạm được lão Hùng Nam cực gọi là gentleman. Một người không đến được là bạn Tân vừa ra quê để điều dưỡng, dù đã nghe nói trước nhưng bạn bè vẫn thấy thiếu một gương mặt năng nổ, tôi biết Tân đã lâu, người mạnh khỏe luôn năng động trong mọi việc, mong ông bạn sớm bình phục tiếp tục cuộc chơi đang về đích. Giờ mới biết thì ra Ba Đại và 2 người bạn tôi đã quen nhau từ trước, cũng không lạ, dù đất SG mênh mông nhưng những dân miền Trung hành phương Nam từ độ sinh viên rồi thành danh đều quen nhau cả.
Lần thứ hai: Khi chia tay mấy bạn PCT lại mời tôi, Nhật và Thạnh tuần sau tại nhà hàng Đoàn Viên, nơi trung tâm thành phố thuận lợi cho bạn bè hơn, hình như đây là nơi thường xuyên gặp gỡ của bạn bè PCT ĐN, cũng chính nơi đây lần đầu tiếp xúc với mấy bạn. Cũng là Ba Đại, Hồng, Hiển, Chính, tôi và Nhật, Thạnh nhưng lần nầy tôi được gặp và làm quen với mấy người bạn PCT mới, Đặng Xá, Tuấn Anh và Bảo Hùng; đặc biệt là Bảo Hùng sau một hồi ngờ ngợ chợt nhận ra là đồng môn trường ĐH Kinh Tế sau 75, nhớ ra là Hùng từng là danh thủ bóng bàn của trường có lối đánh đẹp. Giữa cuộc nhậu cũng như năm trước, bạn Trần Hoa đầy chân tình từ Na Uy gọi về góp mặt chia vui, tôi và bạn Hoa vẫn chưa có duyên gặp gỡ. Cuộc gặp trong phòng riêng rất ấm cúng, bây giờ thì tất cả đầu đã thân quen nhau lắm rồi, chuyện trò, văn nghệ văn gừng đều có đủ, chỉ tiếc là không ngồi được lâu với nhau thêm nữa, hy vọng lần sau gặp lại nhất là mấy người bạn mới.
Trở lại quê người, sau 2 tuần váng vất vì trái múi giờ, ngồi ghi lại chút cảm nghĩ lần gặp gỡ với bạn bè PCT vừa qua. Ngẫm lại thật thú vị, từ một giao lưu trên không gian ảo, nay đã ngồi lại với nhau thân tình như đã. Theo thời gian và cuộc sống bạn bè cũ mới cứ thưa dần, ngày xưa gặp nhau hợp rồi tan chỉ là khoảng cách không gian, địa lý, ngày nay ở tuổi “nhi nhĩ thuận” hợp tan có khi là vĩnh quyết. Nên chi cứ gặp được nhau là bỏ quên hết mọi hệ lụy cuộc đời, ân oán cá nhân, cứ cư xử hồn nhiên như những ngày học cũ, cho dù chỉ trong một chốc, phải không?
Thân ái chào các bạn.
Hà Thủy
Bài viết của Hà Thủy thật cảm động. Mong gặp lại nhau. Chúc bạn và gia đình luôn an vui.
Cám ơn Anh Diệp Văn Tào đã ghé vào Trang BLOG
Nhớ gởi bài đóng góp.
Mong tin
Bảo Hùng giờ ở đâu, cũng học kinh tế với mình
Bảo Hùng hiện ở SaiGon, VietNam