Bbt. Nói đến Nguyễn Công Trứ không ai trong chúng ta một thời cắp sách đến trường lại không biết đến Uy Viễn tướng công qua bài “Vịnh cây thông”:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.
Bài “Vịnh cây thông” để lại cho người đời sau biết bao suy nghĩ, và bình luận… nào là bi quan, nào là quân tử… Nhưng nếu hướng về một khía cạnh khác mà bbt muốn giới thiệu với bạn đọc hôm nay là các bài thơ đề cập về Tết về Xuân của dân tộc, của đất nước… để nhận thấy: “Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù? Nghề chơi cũng lắm công phu” vì ai trong chúng ta cũng đều biết thời gian trôi đi nhanh quá, ngoảnh qua ngoảnh lại là hết năm, trong chớp mắt, nay muốn vin cành lộc biếc mà níu xuân đời, rồi từ đó muốn quyện mình trong màu xanh quê hương, và cảm nhận thật nhiều cảnh sắc rộn rã của nước non…. trước khi ta chẳng còn nhìn thấy gì nữa…
Sơ lược tiểu sử:
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn, xuất thân trong một gia đình Nho học, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ cho đến năm 1819, ông sống nghèo khó và chính trong thời gian này, Nguyễn Công Trứ đã có điều kiện tham gia sinh hoạt hát ca trù vốn khá phát triển ở làng Cổ Đạm gần làng ông. Năm 1819, ông thi đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Bằng cuộc đời của chính bản thân, ông đã chứng tỏ mình là người có tài năng và nhiệt huyết trên nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, từ văn hoá, kinh tế đến quân sự. Nhưng con đường làm quan của Nguyễn Công Trứ không bằng phẳng. Ông được thăng chức và bị giáng chức thất thường. Có lúc, Nguyễn Công Trứ được bổ nhiệm làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị giáng chức làm lính thú ở Quảng Ngãi.
Ông là một tri thức có tài, có chí, khao khát sự nghiệp công danh, làm quan nhiều lần bị thăng giáng nhưng vẫn trung thành phục vụ triều Nguyễn. Ông sống thanh bần, thích tự do, phóng túng và thái độ thì rất ngang tàng, ngạo nghễ ở đời. Ông giúp dân lấn biển, lập ra các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình). 80 tuổi, ông còn dâng sớ xin cầm quân đánh Pháp xâm lược, nhưng vì già yếu nên không được chấp nhận, rồi cùng năm đó, ông mất.
Nguyễn Công Trứ sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm. Thể loại ưa thích của ông là hát nói (hát nói là một điệu của ca trù nên có người còn gọi chung là ca trù). Hát nói đã khá phổ biến từ các thế kỉ trước, nhất là cuối thế kỉ XVIII, song Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên đã có công đem đến cho hát nói một nội dung phù hợp với chức năng và cấu trúc của nó. Thơ văn của ông chỉ còn khoảng 150 bài, nhiều nhất là ca trù và thơ Nôm.
1. Vịnh mùa Xuân (Nguyễn Công Trứ)
Xuân sang hoa cỏ đua tươi,
Khoe màu quốc sắc trẻ (1) mùi thiên hương.
Đầm ấm thủa tin xuân phút bắn,
Khí phát sinh rải rác trên cành.
Thử tập bay, bướm mới uốn mình,
Muốn học nói, oanh còn lựa tiếng.
Liễu hoàn cựu lục oanh do tĩnh (2),
Đào thí tân hồng điệp vị tri (2).
Mái đông phong mày liễu xanh rì,
Đám tàn tuyết đầu non trắng xoá.
Buổi hoà hú (3) khí trời êm ả,
Hội đạp thanh xa mã dập dìu.
Ngàn vàng một khắc xuân tiêu (4)./-
Chú thích:
(1). trẻ: khoe, trưng ra cho người ta biết.
(2). “Liễu hoàn cựu lục oanh do tĩnh. Đào thí tân hồng điệp vị tri”. Đây là hai câu thơ của Thái Thuận (1440-?; đỗ Tiến sĩ năm 1475, phó Nguyên suý hội Tao Đàn) trong bài Sơ xuân. Quách Tấn dịch Xanh xưa nhuộm liễu oanh còn nín, Hồng mới tô đào bướm chửa hay.
(3). Hòa hú: ấm áp.
(4). Xuân tiêu: Đêm xuân; lấy ý từ câu: “Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim” (Một khắc đêm xuân đáng giá nghìn vàng) trong bài Xuân tiêu (Đêm xuân) của Tô Đông Pha đời nhà Tống.
o0o
2. Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi (Nguyễn Công Trứ)
Ngẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật
Đã sinh người lại hạn lấy năm
Kể chi thằng lên bảy, đứa lên năm
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc?
Lại mang lấy lợi danh, vinh nhục
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan
E đến khi hoa rữa trăng tàn
Xuân một khắc, dễ nghìn vàng đổi chác?
Tế suy vật lý tu hành lạc
An dụng phù danh bạn thử thân
Song bất nhân mà lại chí nhân
Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy
Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù?
Nghề chơi cũng lắm công phu!/-
bbt, st-net