Lăn nhẹ vào đời nhau (Ngọc Ngọc)

Một chiều trời Đà Nẵng không nắng, không mưa, từng khoảng trống của con tim, cứ dạo và cứ dạo quanh đến se lòng, tôi bước đi trên còn đường kỷ niệm, kiếm tìm chút gì của quá khứ còn đọng lại nhưng… không còn những hàng cây xanh mướt, màu hoa vàng khoe sắc, phố rộn ràng lễ hội như xưa. Hanh hao những nỗi nhớ, chông chênh những yêu thương… Dường như tình mỗi lúc một đầy thêm dẫu yêu thương bây giờ xa lắm… vời vợi với bóng chim tăm cá! Nhiều tháng năm đi qua, dòng sông Hàn vẫn êm ả trôi, cái ốc đảo hoa vàng vẫn vàng rực rỡ, lối cũ về qua bước chân vô tình bật khóc nhắc nhở tôi rằng mình đã cách xa… nghìn trùng xa cách!

Đêm bắt đầu bằng một cơn mưa nhẹ, có cô bé tựa bên cửa sổ lắng nghe tiếng hát trầm ấm từ nhà bên vọng sang:

“Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi trả về bong bóng vỡ đầy tay

… Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba…”

Tôi lẩm nhẩm: “Ô hay! Bài hát nào có cả tuổi của mình kìa”

Tò mò kiểng chân nhìn sang. Và thoáng hiện hình ảnh như thu hút vào ánh mắt thơ ngây.

“Sao hôm nay nhà nhỏ Phụng đông người rứa!”

Góc sân chơi của chúng tôi đã bị mọi người chiếm mất, người đàn kẻ hát rộn tiếng nói cười, râm ran một góc trời. Ngày hôm sau tra gạn nhỏ Phụng, thì ra những người đó là những người đồng sự với ba nhỏ.

“Ê! Còn chú trẻ trẻ hát bài chi mà có tuổi của nhỏ và ta” – Cô bé hỏi.

“Ê! Mi biết bài hát đó là bài chi không?”

“Tuổi của tụi mình đó!” – Phụng trả lời – “Tuổi mười ba và chú hát bài đó là chú…, còn hỏi gì nữa không?”

“Ta cho nhỏ biết chú biết làm thơ, viết báo, biết đàn, biết hát và biết nói ngọt nữa đó!” – Phụng nói.

Và từ đó, cô bé bắt đầu biết làm dáng, biết mộng mơ. Cô bé bắt đầu thích nghe “chú” hát, thích được “chú” khen. Chú gọi cô bé là “meomeo”. Rồi một ngày thành phố không nắng, rồi một ngày biển không sóng – Một người đi… biền biệt.

Chiều lại chiều, ngày lại ngày, hai cô bé ở cạnh nhà nhau giờ đã trở thành nữ sinh trung học vẫn thân nhau như ngày nào, “xóm Tre” bây giờ tấp nập hơn và “cây si” cũng mọc nhiều hơn. Những chuyến tàu hối hả chạy trong đêm, những phiên khúc buồn khiến lòng phố, lòng người chơ vơ. Tháng năm đi qua âm thầm như hơi thở, cơn mưa rào đến bao giờ sẽ ngớt? Ngõ mưa năm xưa ướt nhoà câu hát.

“Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào ? Tìm trong chiêm bao …” (Chiều Tím – nhạc Đan Thọ)

Tiếng hát đã ùa vào căn phòng cô bé.

“Chú đã về!” – Cô bé hét lên làm sách vở trên bàn giật mình ngơ ngác.

“Meo meo lớn quá!”

Cô bé ngắm nhìn “chú” qua bao năm xa cách “chú” phong trần hơn một tí nhưng chẳng thay đổi gì vẫn giọng nói ấm trầm vẫn đôi mắt nhìn như diễu cợt, mái tóc bồng bềnh, thật lãng tử, vẫn hát những tình ca nồng nàn yêu thương đến bỏng rát con tim.

Chú cười và tinh nghịch: “Aimer c’est mourir un peu… Chaque jour il faut mourir un peu”, yêu là chết một ít và mỗi ngày phải chết một ít. Và cô bé thuở đó vẫn ngây thơ với hình ảnh cho dù có “chết” với mộng mơ, sao giống cô bé của nhạc sĩ Trần Tiến ngày nay.

“Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi.
… Nhà bên có anh lính rời xa quê hay chơi đàn rất khuya
Đàn anh đã cho tôi trời xanh như ước mơ tuổi thơ
Đàn anh đã cho tôi dòng sông mang cánh buồm khát vọng…” (Mặt Trời Bé Con – Trần Tiến)

Một đoản văn, một bài thơ, một giọng hát da diết cùng tiếng đàn khoan nhặt đã phá vỡ những quy tắc gò bó tầm thường của đời người. Có những buổi chiều “chú” đi ngang qua trường ghé đón Phụng và tôi. Rồi có đôi lần “chú” hát cho tôi nghe và có đôi lần tôi bất ngờ bắt gặp ánh mắt của “chú”. Và ngôn ngữ âm nhạc đã nói hộ giùm chúng tôi.

“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé!” (Mùa Thu Cho Em – Ngô Thuỵ Miên)

Tình tôi rong chơi, rong chơi bằng những nốt nhạc. Khi buồn tình cũng leo lên trên nốt nhạc để giận hờn, để đánh đu với những cảm xúc, thả trôi những yêu thương vào vòng xoáy cuộc tình. Khi vui tình lại tung tăng nhảy múa cùng nó để tận hưởng cái cảm giác êm đềm mà nó mang lại. Có thể nói, âm nhạc là một phần của cuộc tình chúng tôi. Hoa vẫn vàng như nắng, nắng vẫn vàng như hoa “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”, “Ốc đảo hoa vàng” bí mật của tình tôi. Tôi và “chú” đã bắt đầu một cuộc tình như thế đó!

Nhưng rồi anh mải miết cuốn theo những chuyến đi vì trách nhiệm, nhiệm vụ, anh vô tình, vô tâm để lại bức tranh còn dang dở, bức tranh vẽ người con gái, đằng sau cô gái là biển, là sóng là gió cùng một trời thương nhớ – bản tình ca – con phố – cơn mưa. Tháng năm mãi hao gầy, ở đây… để rồi. Ô hay! có những buổi chiều tôi trông nắng. Những sợi nắng vướng trên nhánh cây khô, đùa chơi với những chiếc lá vàng còn sót lại. Nắng đổ xuống bức tranh đầy ngẫu hứng trên bức tường nhìn tôi, những vết ố bao mùa mưa nắng cũ. Buồn như một hiện thực mong manh. Nhiều lúc tôi thấy nắng gập ghềnh trên những con đuờng nơi người ta đông đúc hay người ta đi vắng hết…

Có biết bao điều đôi khi chỉ cần lắng nghe không cần thấu hiểu. Đêm… có những chuyến tàu ra đi có những chuyến tàu trở về – sum họp – chia ly. Xa xăm và gần gũi tựa như một lăng kính vạn hoa đẹp đẽ, đầy tán thưởng nhưng không bao giờ chạm tới.

Sao thay ngôi hôm nay và hôm qua có gì khác nhau? Cũng vậy thôi!

Đêm vẫn vắng người vẫn xa… Tiếng hát ai thì thầm len lỏi hoà cùng tiếng gió êm đềm gọi yêu thương.

“Chia xa đấy, rồi sẽ gặp lại thôi!” – Tôi đã tự an ủi mình.

Và, cũng từ đó, có những buổi chiều tan lớp, cô nữ sinh thờ thẩn với bước chân đơn côi.

“Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa” (Cần Thiết – thơ Nguyên Sa)

Anna Frank viết: “Giấy kiên tâm hơn con người” và tôi tập làm thơ từ ngày ấy. Thơ diễn đạt nhớ thương mong đợi của tôi, thơ cũng là ngòi bút vẽ lên tình yêu tôi những dòng loằng ngoằng thở than nhưng cũng lưu rao tình tôi với đời. Tôi muốn làm hạt mưa … tan… tan giữa trời. Tuổi học trò, tôi đã đọc thơ của T. T. Kh nhưng đến lúc cô nữ sinh 16 trăng tròn bắt gặp hình ảnh mình với nhà thơ thời tiền chiến:

“Thuở trước hồn tôi phơi phới quá,
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương…
Nhưng mà nghệ sĩ từ đâu lại,
Êm ái trao tôi một vết thương…” (Bài Thơ Thứ Nhất – thơ T. T. Kh)

Thế rồi biết bao thăng trầm của đất nước và cuộc đời. Biền biệt, xa xăm với vết thương êm ái đó! Nếu có “Đập cổ kính ra tìm hình bóng cũ” được thì tôi không ngại ngần nhưng tất cả đều hoang phế. Ôi thời gian tàn ác, không níu kéo lại được, để nguôi ngoai với bổn phận người đàn bà… Và, đâu đó như câu nói của A. De Gaspearin: “Giữa quá khứ đã trốn thoát ta và tương lai mà ta mù mịt, có hiện tại với bổn phận của ta”.

Anh đã về lại bên tôi như một món quà thiêng liêng mà tạo hóa đã thương tình trao lại. Tôi không ngờ và cũng không tin, nó như giấc mơ trong cổ tích. Biển khơi “trùng dương” lại về nâng niu, vỗ về con thuyền nhỏ ngày xưa bồng bềnh trên sóng nước.

Nơi anh ở cách xa tôi hơn nửa vòng trái đất, anh đã nghe tiếng gọi “meomeo” và đã… cô nữ sinh thuở nào trở về bến mơ. Nghe đâu đây văng vẳng tình khúc:

“Nhớ những phút sống bên nhau đêm nào?
Trăng quyến đôi tâm hồn dìu về đâu?
Nhớ những tiếng hát say sưa êm đềm
Tuy vắng xa nhưng lòng còn xao xuyến!..” (Trở Về Bến Mơ – Ngọc Bích)

Vẫn một hơi thở bình dị, ngọt ngào giữa không gian mơ ước trinh nguyên của một thời tuổi trẻ. Nơi đó có cội hoa vàng nghiêng nghiêng theo dáng chiều vội vã, chợt đung đưa, chợt tím ngắt, chợt lãng đãng như mây trôi về phía chân trời. Tình tôi vẫn nồng nàn dù thời gian là áp lực, dù không gian là rào cản. Những vần thơ của tôi bây giờ đã có người đọc, cùng chia sẻ và tôi đã tìm lại được anh – tình yêu của tôi. Dẫu rằng hai màu đen trắng đã pha lên mái tóc chúng tôi.

Cách đây bốn thế kỷ, nhà tư tưởng Pháp trong tập tiểu luận Les Pensées để câu nói bất hủ cho thế gian “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không biết được”. Câu nói đó được nhà văn Chilean Alberto Blest Gana gởi gắm qua tác phẩm Trái Tim Không Cần Lý Lẽ (Martin Rivas) cũng cách đây trên 2 thế kỷ. Đoạn kết với hình ảnh được mô tả:

“Năm tháng đằng đẵng chia ly… Khi trở lại, anh thấy nàng bội phần đẹp hơn, đáng yêu hơn thưở xưa… Và lạ biết bao! Vẫn cặp mắt đã có thời bắt anh phải lặng người bối rối ấy nay bỗng toả ánh sáng dịu dàng làm cho tâm hồn anh run rẩy bởi đắm say tột độ. Vẫn vầng trán trang nghiêm ấy bây giờ lại tràn đầy vẻ phục tùng hiền dịu và sự chăm lo trìu mến. Vẫn làn môi hồng thắm trước kia nhếch cười khinh mạn nay chợt thầm thì bên tai bao nguyện ước yêu đương trắng trong, hứa hẹn một mối tình duyên chứa chan hạnh phúc. Nghĩa là, tất cả vẫn là Leonor yêu quý, tuyệt vời và kênh kiệu của anh… nhờ sức mạnh huyền diệu của tình yêu…”. Tôi muốn hóa thân thành Leonor và cùng anh… hiện hữu.

Ngọc Ngọc
(Đặc San Non Nước năm Mậu Tuất 2018, trang 190)

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Văn Thơ. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s