** viết để chia sẻ và trả lời một người bạn

LGPD – PV – 03
Lời người viết: Bất ngờ VUI khi nhận mail từ một người bạn ở Việt Nam, sau đôi lời thăm hỏi sức khỏe, biết tôi là người Phật tử, nên chúc tôi được an lạc, tâm hài hòa trong ngày Phật Đản… rồi hỏi tôi: Sao lúc này tao thấy nhiều đường phố chính tại Việt Nam có treo nhiều băng rôn chào, đón mừng ngày Vesak 2019, Phật Đản 2643 – Phật lịch 2563, nhiều bùng binh lại có trưng bày hoa sen đỏ, v.v… Mi có biết tại sao không? Sao gọi là Phật Đản rồi lại gọi là Vesak và sao là hoa sen đỏ mà không hồng???? Rồi đề nghị tôi nên viết vài dòng về các sự việc này….
Thật ra các việc này nếu vào gô-gồ sưu tìm, chắc chắn có rất nhiều tài liệu viết, đề cập đến, nhưng xét lại cá nhân với ý kiến, sự hiểu biết riêng tư, tôi cũng nên có vài dòng chia sẻ … Đó là lý do….
o0o
A. Vesak – Phật Đản
Cứ mỗi mùa sen nở, mùa Đại lễ Phật đản lại về đối với người con Phật bất cứ đâu, và dù vào những thời điểm có khác nhau, cách tổ chức cũng khác nhau theo phong tục văn hóa riêng biệt của từng quốc gia, nhưng Phật tử ai ai cũng vui mừng và không thể nào quên ngày này – ngày Phật đản.
Phật đản là một trong những ngày lễ trọng đại của Phật giáo được tổ chức hàng năm và được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Phật Đản là tên gọi ngày Đức Phật đản sinh là ngày mừng, kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Ngày này kể từ năm 1958, dưới thời chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam được công nhận là ngày lễ chính thức, và thường được tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú từ Chùa, Viện ra đến xã hội như xe hoa diễu hành, đường phố với băng rôn, cờ ngũ sắc của Phật giáo, …, cùng các chương trình văn nghệ kỷ niệm, và nhiều hoạt động từ thiện khác, v.v… để đón mừng ngày Đức Phật ra đời 624 năm trước tây lịch tức 624 năm trước khi Thiên Chúa giáng sinh.
Sau 30.04.1975 thì ngày lễ này chỉ được tổ chức gọn nhẹ trong khuôn viên Chùa, Tự, Viện,… nhưng những năm gần đây, ngày Phật đản được xem như là một ngày lễ hội quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Chùa, Tự, Viện, các nơi thờ tự Phật Giáo, Phật tử mà của đông đảo người dân trên mọi miền của đất nước. Ngoài ra ngày này còn nhận được nhiều sự quan tâm, tham gia, tham dự lễ cũng như sự đóng góp, hỗ trợ, của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương nơi Đại lễ Phật đản được tổ chức.
Trước đây, một số quốc gia theo truyền thống Bắc tông (Đại thừa, Phật giáo Bắc truyền tức truyền vào Việt Nam từ phương Bắc) như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… thường tổ chức ba sự kiện: Đản sinh, Thành đạo, nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca vào ba ngày khác nhau trong năm: (1) ngày Phật đản (ngày Đức Phật ra đời thường được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch), (2) ngày Phật thành đạo (tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch, ngày Đức Phật chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, và danh hiệu Đức Phật Gotama, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy), và (3) ngày Phật nhập Niết-bàn (ngày rằm tháng 2 âm lịch. Niết-bàn đơn thuần là sự tịch diệt tại cõi trần gian để trở về vũ trụ không gian hư không).
Nhưng theo các quốc gia như: Tây Tạng, Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, … là các nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa), Nam truyền tức truyền vào Việt Nam từ phía Nam, thì ngày này là ngày lễ Tam hiệp (Tam hợp), tức ngày lễ hợp chung của 3 sự kiện: Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn, được tổ chức vào ngày trăng tròn, ngày rằm (15) tháng 4 âm lịch hoặc ngày 15-5 dương lịch.
Trong Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Colombo, thủ đô nước Tích Lan (Sri Lanka) từ ngày 25/5 đến ngày 8/6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia tham dự đã thống nhất công nhận từ nay ngày Phật đản sẽ là ngày trăng tròn (rằm) của tháng tư (15/4) âm lịch.
Nhằm tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, bất bạo động … của Đức Phật, theo đề nghị của 34 quốc gia tham dự, vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước (New York), Hoa Kỳ, trong Hội Nghị lần thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức biểu quyết thừa nhận Đại lễ Vesak (Lễ Tam Hợp, Tam Hiệp) là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, và thời gian tổ chức là ngày trăng tròn trong tháng 4 âm lịch (khoảng trung tuần tháng 5 dương lịch). Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hiệp Quốc trên thế giới kể từ năm 2000. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15-4) là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử bởi “Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người”.
Vào ngày 15/5/2000, Phật lịch 2544 (12 tháng tư, Canh Thìn) tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Nữu Ước, Hoa Kỳ là ngày (năm) đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức với sự tham dự của 34 quốc gia. Từ đó, sự kiện này được luân phiên tổ chức hàng năm ở nhiều quốc gia. Lần đầu tại Thái Lan vào ngày 25/5/2004, và tính đến nay (2019) đã có tất cả 16 lần ngày Vesak (Lễ Tam Hợp) được tổ chức tại các quốc gia, trong đó Thái Lan 12 lần, Tích Lan (Sri Lanka) 1 lần vào năm 2017, và Việt Nam 3 lần vào các năm 2008, 2014 và 2019.
Lần thứ nhất vào năm 2008 (PL. 2552) từ ngày 14/5 (10 tháng tư, Mậu Tý) đến 16/5/2008 (12 tháng tư, Mậu Tý): tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (National Convention Center – NCC), thủ đô Hà Nội, với đề tài: “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”… Bên cạnh đó, là những đề tài như: Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn, những thay đổi xã hội, vấn đề giáo dục của Phật giáo, Phật giáo nhập thế và Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số.
Tham dự Đại lễ có khoảng hơn 600 phái đoàn đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 1500 vị đại biểu quốc tế, bao gồm: quý vị lãnh đạo các Giáo hội Phật giáo các quốc gia, quý vị đại biểu Phật giáo và quý học giả Phật giáo thế giới, cùng các thành viên Ủy Ban Vesak Liên Hiệp Quốc…
Ngoài những buổi hội thảo chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình còn có những hoạt động văn hoá như triển lãm, văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, thực phẩm, trình diễn vở cải lương cuộc đời Đức Phật, diễu hành với các đoàn xe hoa rực rỡ, cùng những lồng đèn được thả nổi trên sông (hoa đăng) và trong không gian, lễ thả bong bóng… lung linh đầy màu sắc…. Đặc biệt, có một chương trình âm nhạc: giao hưởng – hợp xướng mang tên “Khai giác” của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo (* xem Phụ Chú) với sự tham gia biểu diễn của 450 ca sĩ, vũ công, nhạc công và 50 Tăng sinh Học viện Phật giáo Việt Nam.
Bản giao hưởng hợp xướng gồm 7 chương kéo dài 40 phút, dựa trên lịch sử 7 tuần Thái tử Tất-Đạt-Đa giác ngộ thành Phật, tìm ra chân lý cứu khổ, giác ngộ, giải thoát, đem lại hòa bình và an lạc cho nhân loại.
Các đại biểu còn tham dự một lễ trồng khoảng 100 cây bồ đề, được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ diễn ra vào lúc 11:00 giờ ngày 17/5 tại chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Kết thúc Đại lễ là một buổi lễ thắp nến với sự tham dự của gần 20 nghìn người. 20.000 ngọn nến lung linh, huyền diệu đã được thắp sáng vào lúc 20:30 giờ ngày 16/5/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình để cầu nguyện cho thế giới hòa bình mang theo thông điệp tình thương và tuệ giác của Đức Phật.
(* Phụ Chú): Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (1940-2015) là một nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt thuộc dòng Nhạc đương đại (Contemporary classical music), ông đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Ông sinh năm 1940 tại Hà Nội, năm 13 tuổi được gia đình gửi đi Pháp du học, sau đó trúng tuyển và theo học khoa Sáng tác âm nhạc của Nhac viện Quốc gia Ba-lê (Paris). Năm 1963, lúc ông 23 tuổi, ông đã đoạt giải nhất sáng tác nhạc của Pháp, với tác phẩm “Thành đồng tổ quốc” ca ngợi Việt Nam anh dũng chống giặc ngoại xâm.
Ông được ghi danh vào từ điển Le Petit Larousse (1982), Le Petit Robert (1995) là 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp, và được vinh danh là “Nhạc sĩ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Đông – Tây vô cùng độc đáo”. Năm 1983, ông đoạt Giải thưởng “André Caplet” của Hàn Lâm Viện Mỹ thuật Pháp cho toàn bộ tác phẩm của mình, và được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Chevalier des Arts et des Lettres năm 1984. Năm 1995, ông được trao giải thưởng Gian Carlo Menoti.
Ông là tác giả của bản nhạc giao hưởng và hợp xướng Khai Giác được trình diễn tại Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) Hà Nội vào năm 2008 (PL. 2552).
Ông từ trần vào lúc 23:00 giờ ngày 20/11/2015 (giờ Pháp) tại Paris, theo giờ Việt Nam là 4:00 giờ sáng 21/11/2015. Hưởng thọ 75 tuổi. Ông được tiễn đưa bằng chính ca khúc Khai Giác ông sáng tác cho ngày Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008 tại Hà Nội, và thân xác được hỏa táng và chôn cất trong ngôi mộ gia đình tại Nghĩa trang Père Lachaise – nghĩa trang lớn nhất Paris, nằm tại quận 20 – và là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới, mỗi năm đã có hàng trăm ngàn người ghé thăm những ngôi mộ của những người nổi tiếng đã có từ 200 năm qua.
Lần thứ hai vào năm 2014 (PL. 2558) tại Chùa Bái Đính, Ninh Bình từ ngày 8/5 (10 tháng tư, Giáp Ngọ) đến ngày 10/5/2014 (12 tháng tư, Giáp Ngọ), với chủ đề: Phật giáo góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.
Tham dự Đại Lễ lần này có khoảng 3500 đại biểu chính thức đến từ gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng với gần 20.000 đại biểu Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Và 7 buổi Hội thảo quốc tế về Phật giáo diễn ra trong thời gian Đại lễ bao gồm các đề tài: (1) Xóa bỏ nghèo khổ, đói kém và chiến tranh; (2) Phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em; (3) Tăng cường bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em – Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ; (5) Phòng và chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; (6) Bảo đảm bền vững môi trường; (7) Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển.
Bảy diễn đàn thể hiện sự hồi ứng của Phật giáo về các mục tiêu trên, bao gồm: (1) Hồi ứng Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; (2) Hồi ứng của Phật giáo đối với sự hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; (3) Đóng góp Phật giáo về lối sống lành mạnh; (4) Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn; (5) Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học; (6) Văn hóa và công nghệ Phật giáo: Các chiến lược nghiên cứu mới; và (7) diễn đàn tiếng Việt: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”.
Ngoài ra các vị đại biểu tham dự Đại lễ cũng đã được trải nghiệm các hoạt động văn hóa như: triển lãm văn hóa Phật giáo đương đại, các vũ điệu Phật giáo thế giới, hội chợ văn hóa Phật giáo, diễu hành xe hoa, các khóa tụng kinh … cùng các chương trình thăm quan thắng cảnh, chiêm bái thắng tích Phật giáo Việt Nam tại Yên Tử, Hạ Long (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình).
Đại lễ Vesak LHQ 2014 kết thúc với nghi lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình tại chùa Bái Đính, khẳng định khát vọng hòa bình của cộng đồng Phật giáo thế giới, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp trong tuyên bố chung Đại lễ Vesak 2014 tới nhân loại trên toàn cầu.
Chùa Bái Đính (cố đô Hoa Lư) nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, và cách Hà Nội 95 km.
Người sáng lập là Lý Quốc Sư-Nguyễn Minh Không (1065-1141). Khu Chùa cổ được xây dựng vào năm 1136. Và khu Chùa mới vào năm 2003.
Lần thứ ba năm 2019 (PL. 2563) tại Chùa Tam Chúc, Hà Nam từ ngày 12/5 (mùng 8 tháng tư, Kỷ Hợi) và kéo dài đến 14/5 (10 tháng tư, Kỷ Hợi) với chủ đề chính: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Tham dự Đại lễ lần này, với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo, và đại biểu đến từ hơn 112 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cùng hơn 20.000 chư Tăng Ni Phật tử, … Ngoài ra còn có khoảng 8.000 tình nguyện viên; 800 đầu bếp mỗi ngày nấu khoảng 40.000 suất ăn miễn phí phục vụ Phật tử và du khách.
Đại lễ Vesak LHQ 2019 ngoài những lễ hội, chương trình văn hóa tâm linh như: đàn lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, thắp nến hoa đăng (diễn ra tối 13/5, tại vườn cột kinh ở trung tâm chùa Tam Chúc với 40.000 hoa đăng), hội chợ văn hóa phẩm và ẩm thực chay, diễu hành xe hoa, triển lãm nghệ thuật văn hóa Phật giáo Việt Nam và thế giới,… lễ tắm Phật (dục Phật) một nghi lễ quan trọng có từ xưa trong ngày Phật đản, với khoảng 50.000 người trong ba ngày Đại lễ, còn có các buổi, nhóm hội thảo khoa học quốc tế với sự đóng góp của 453 bài tham luận của các đại biểu tham dự (343 bài tham luận bằng tiếng Anh, 110 bài tham luận bằng tiếng Việt) trong các diễn đàn.
Ngoài chủ đề chính của Vesak 2019 là cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Nhiều diễn đàn khác về chủ đề này được tổ chức như: (1) Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững; (2) Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; (3) Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; (4) Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; (5) Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Chùa Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách ngôi chùa Bà Đanh nổi tiếng với câu dân gian truyền tụng “Vắng như Chùa Bà Đanh” ở xã Ngọc Sơn cùng huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hơn 8 km và cách trung tâm thành phố Phủ Lý khoảng 12 km. Chùa tọa lạc ở phía tây và nhìn ra hồ Tam Chúc.
Nguyên chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, gắn với truyền thuyết “Tiền Lục nhạc – hậu Thất Tinh”. Theo đó, trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía Tây Nam hướng về chùa Hương có 7 ngọn núi gần làng Tam Chúc. Và theo tích xưa thì cả 7 ngọn núi này đều xuất hiện một đốm sáng lớn tựa như 7 ngôi sao, sáng suốt đêm ngày nên dân làng gọi đó là núi “Thất Tinh” và ngôi chùa ở đây được gọi là chùa “Thất Tinh”. Sau đó, có người đến núi Thất Tinh đục đẽo, hòng lấy đi 7 ngôi sao đặc biệt đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho 4 trong 7 ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 3 ngôi sao. Vì thế, chùa “Thất Tinh” sau này được đổi thành chùa “Ba Sao” và thị trấn Ba Sao (Kim Bảng) được lấy tên gọi từ tích ấy.
Quảng Khai
sưu tập và biên soạn nhân ngày rằm tháng tư âm lịch năm Kỷ Hợi, 2019
o0o